“Bật mí” lợi ích của bơ ca cao đối với sức khỏe
Ngày cập nhật
1. Bơ ca cao là gì?
Được người Maya coi là “thức ăn của các vị thần”, cây ca cao (Theobroma cacao) đã sử dụng phổ biến từ thời cổ đại, chủ yếu là để chế biến sô-cô-la hoặc thức uống ca cao nóng (1, 2 ). Bơ ca cao là một chất béo trung tính có trong hạt ca cao và một số nguồn khác (3, 4).
Tuy nhiên, chất béo tự nhiên này chủ yếu được chiết xuất từ hạt ca cao, thông qua quá trình lên men. Hiện nay, bơ ca cao được dùng làm nguyên liệu thô để sản xuất nhiều dạng mỹ phẩm, dược phẩm và các loại sô-cô-la (3, 4). Ví dụ, đối với quá trình sản xuất sô-cô-la, bơ Ca cao quyết định độ tan chảy, chất lượng và độ ngon của một thanh sô-cô-la, hơn nữa còn ảnh hưởng đến cách bảo quản sô-cô-la (3, 5).
Nhiều người dùng cũng so sánh bơ ca cao và bơ hạt mỡ trên phương diện chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe.
2. Bơ ca cao được chiết xuất như thế nào?
Hạt ca cao chứa khoảng 40 đến 50% chất béo, được gọi là bơ ca cao (2). Hạt ca cao sau khi thu hoạch và làm sạch sẽ tiếp tục trải qua nhiều công đoạn chế biến để để tạo ra bơ ca cao và bột ca cao (2).
Đầu tiên, hạt ca cao được làm sạch và bóc vỏ. Sau đó, chúng được rang hoặc lên men (2, 3). Hiện nay, doanh nghiệp chế biến có xu hướng chọn hình thức lên men vì đây là một phương pháp xử lý hiệu quả hơn, duy trì hàm lượng bơ ca cao cao hơn trong quá trình sản xuất, đồng thời có giữ được mùi hương tốt hơn (6).
Hạt ca cao tiếp tục được ép bằng máy ép thủy lực để chiết xuất bơ ca cao. Chiết xuất bơ ca cao thường được sử dụng trong mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc da mặt.
3. Các thành phần dinh dưỡng trong bơ ca cao
3.1 Polyphenol
Polyphenol là hợp chất chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch, có nhiều trong thực vật, chẳng hạn như các loại trái cây, rau, quả hạch, trà, ca cao và cà phê (7).
Hạt ca cao là một trong những nguồn giàu polyphenol nhất, đồng thời cung cấp hàm lượng flavonoid cao nhất so với nhiều loại thực phẩm khác. Đây là hai hợp chất được chứng minh có tác dụng tốt đối với sức khỏe tim mạch (2, 8, 9).
Hàm lượng polyphenol cao trong hạt ca cao nguyên chất chính là nguyên nhân làm cho loại hạt này có vị đắng và không ngon (2, 8). Tuy nhiên, lượng polyphenol trong các sản phẩm đã qua chế biến thì hoàn toàn khác (10).
Ví dụ, bột ca cao có hàm lượng polyphenol chiếm khoảng 72–87%, trong khi bơ ca cao chỉ có 5% polyphenol (10 ). Như vậy, bơ ca cao không thực sự cung cấp nhiều polyphenol cho cơ thể. Và để tăng cường polyphenol, bạn có thể bổ sung thêm bột ca cao trong thực đơn ăn uống hàng ngày, nhằm mang lại những lợi ích nhất định đối với sức khỏe.
3.2 Axit béo
Chất béo bão hòa được xếp vào nhóm chất béo xấu, không có lợi cho sức khỏe. Còn chất béo không bão hòa là các axit béo lành mạnh, cần thiết cho cơ thể.
Chất béo không bão hòa bao gồm 2 dạng:
- Chất béo không bão hòa đơn thể: Làm giảm cholesterol xấu.
- Chất béo không bão hòa đa thể: Làm giảm hàm lượng cholesterol cả xấu lẫn tốt.
Bơ ca cao chứa cả axit béo bão hòa và không bão hòa. Cụ thể, trong bơ ca cao có khoảng 60% chất béo bão hòa (axit palmitic, stearic, lauric và myristic), 35% chất béo không bão hòa đơn thể (axit oleic) và 1% chất béo không bão hòa đa thể (axit linoleic) (3).
Ba loại chất béo trung tính này góp phần đáng kể trong việc tạo nên các đặc tính của bơ ca cao (3, 4, 11). Và bởi vì những đặc tính độc đáo đó, bơ ca cao đang có nhu cầu tiêu thụ cao so với các loại dầu thực vật thông thường, dẫn đến tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu, chi phí sản xuất cao và thành phẩm rất đắt đỏ (3).
Nhiều doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực để cắt giảm chi phí sản xuất các sản phẩm ca cao. Điều này kéo theo sự ra đời của những loại dầu có nguồn gốc thực vật, có chức năng tương đương bơ ca cao và đang dần được sử dụng để thay thế bơ ca cao (3).
Tuy nhiên, những loại dầu thực vật thường không chứa hàm lượng axit béo trung tính nhiều như bơ ca cao, nên quá trình sản xuất bơ ca cao từ các loại dầu đó vẫn còn rất khó khăn (3, 4, 11).
3.3 Các chất dinh dưỡng khác
Bơ ca cao chứa nhiều vitamin d2 (12), đồng thời cũng rất giàu các khoáng chất cần thiết cho cơ thể (2), chẳng hạn như:
- Kali - giúp giảm huyết áp
- Phốt pho - giúp xương chắc khỏe
- Đồng - hỗ trợ sự phát triển của não bộ
- Sắt - hỗ trợ hoạt động của hồng cầu
- Kẽm - tăng cường hệ miễn dịch
- Magie - cải thiện sức khỏe của cơ bắp và thần kinh
4. Lợi ích của bơ ca cao đối với sức khỏe
Bổ sung bơ ca cao hoặc sô-cô-la hằng ngày giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và tăng cường trao đổi chất. Dưới đây là một số lợi ích của bơ ca cao đối với sức khỏe tổng thể:
4.1 Cung cấp nguồn vitamin d dồi dào
Vitamin D giúp cơ thể tăng cường hấp thụ canxi để xương chắc khỏe hơn, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch và nâng cao sức khỏe tim mạch (13, 14). Thiếu vitamin D sẽ gây ra nhiều tình trạng không tốt như loãng xương, hay chảy máu răng, hen phế quản…, cho nên các bác sĩ và chuyên gia luôn khuyến khích bạn bổ sung đều đặn thực phẩm chứa nhiều vitamin D trong bữa ăn hàng ngày (14).
Bơ ca cao là nguồn cung cấp vitamin D dồi dào. Ngoài ra, bạn cũng có thể cung cấp vitamin D cho cơ thể bằng cách ăn trứng, sử dụng đồ uống tăng cường vitamin D hoặc thường xuyên tắm nắng sớm (13).
4.2 Cải thiện sức khỏe hệ tim mạch
Hàm lượng polyphenol của ca cao đã được chứng minh là rất tốt cho tim, làm giảm một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim bằng cách hạn chế tăng huyết áp và hỗ trợ lưu thông máu tốt hơn (2, 8, 15).
Có một số bằng chứng cho thấy rằng, các sản phẩm chứa cacao, ví dụ như sô-cô-la đen, có thể giúp máu lưu thông dễ dàng hơn, nhờ giảm tích tụ chất béo, đồng thời, hạn chế tình trạng viêm nhiễm dẫn đến xơ vữa động mạch và bệnh tim (8, 15).
Tuy nhiên, nếu sử dụng bột ca cao, bạn có thể nhận thấy những tác động của polyphenol đối với hệ tim mạch rõ ràng hơn nhiều, bởi vì bơ ca cao vốn có rất ít hàm lượng polyphenol tự nhiên.
4.3 Giảm tình trạng kháng insulin
Ăn bơ ca cao và bột ca cao có thể giúp bạn giảm hiện tượng kháng insulin, một tình trạng trao đổi chất khiến cho các tế bào ít nhạy cảm hơn với insulin (2, 3, 8), dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao đột ngột.
Kháng insulin có thể gây ra nhiều bệnh lý (16, 17) như bệnh tiểu đường, bệnh tim và một số bệnh ngoài da. Bơ ca cao và bột ca cao có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu là nhờ hợp chất flavonoid. Chất chống oxy hóa này giúp giảm căng thẳng, tiêu diệt gốc tự do - nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng Insulin (18, 19).
5. Nhược điểm của bơ ca cao
So với bột ca cao thì bơ cacao ít có lợi ích đối với sức khỏe hơn, do hàm lượng dinh dưỡng thấp hơn. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ ca cao nói chung và bơ ca cao nói riêng ngày càng tăng khiến cho nguồn cung bị thiếu hụt, chi phí sản xuất tăng cao và dẫn đến giá thành sản phẩm trở nên đắt đỏ (3, 4, 11).
6. Kết luận
Trên đây là những chia sẻ tổng quan nhất về bơ ca cao. Bơ ca cao được sử dụng trong mỹ phẩm dưỡng da, dầu dưỡng tóc. Ngoài ra, còn dùng chế biến nhiều món ăn như bánh ngọt, kem, lattes và sô-cô-la nóng... hoặc dùng thay thế bơ, dầu để nấu ăn. Có thể thấy rằng, tuy mang lại nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe con người, nhưng hiện tại loại bơ này ít thịnh hành hơn so với các loại bơ thực vật khác.
Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, liên hệ đội ngũ Bác sĩ của chúng tôi thông qua HOTLINE hoặc ứng dụng MEDIGO.
Trải nghiệm ngay các tiện ích trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa MEDIGO. Tải App TẠI ĐÂY.
Đánh giá bài viết này
(11 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm