Chỉ số BMI là gì? BMI bình thường là bao nhiêu? Cách tính BMI cho nam và nữ.
Ngày cập nhật
1. BMI là gì?
Chỉ số khối cơ thể là bản dịch tiếng Việt của cụm từ “Body Mass Index”, hay thường được gọi tắt là BMI. BMI là giá trị ước tính lượng mỡ trong cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng. Nó không đo trực tiếp lượng mỡ trong cơ thể mà thay vào đó sử dụng một công thức để đưa ra chỉ số gần đúng. BMI có thể giúp xác định xem một người có cân nặng khỏe mạnh hay không.
Chỉ số BMI cao có thể là dấu hiệu của cơ thể dư thừa chất béo, trong khi chỉ số BMI thấp có thể là dấu hiệu của cơ thể thiếu chất béo. Chỉ số khối cơ thể của một người càng cao thì nguy cơ mắc một số bệnh nghiêm trọng nhất định càng cao, chẳng hạn như bệnh tim, huyết áp cao và tiểu đường. Chỉ số BMI quá thấp cũng có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe, bao gồm mất xương, giảm chức năng miễn dịch và thiếu máu.
Mặc dù BMI có thể hữu ích trong việc sàng lọc các vấn đề về trọng lượng cơ thể ở trẻ em và người lớn nhưng nó cũng có những giới hạn. BMI có thể đánh giá quá cao lượng mỡ trong cơ thể ở vận động viên và những người có thân hình cơ bắp hoặc đánh giá thấp lượng mỡ ở người lớn tuổi và những người bị mất khối lượng cơ bắp.
2. Cách tính chỉ số BMI
Cách tính BMI dựa vào công thức chia cân nặng (tính theo kg) của một người cho bình phương chiều cao (tính theo cm).
Medigo cung cấp công cụ tính BMI trực tuyến đơn giản cho mọi đối tượng từ trẻ sơ sinh, trẻ từ 0-18 tuổi đến người lớn dựa trên nguồn dữ liệu đáng tin cậy của Tổ chức Y tế Thế giới WHO.
Để tính chỉ số BMI, bạn chọn giới tính rồi nhập chiều cao tính bằng cm và cân nặng tính bằng kg. Nếu tính chỉ số BMI cho trẻ dưới 19 tuổi thì cần nhập thêm ngày sinh, Medigo sẽ dựa vào đó để tính chính xác tuổi và đưa ra kết luận BMI phù hợp
Cách tính BMI nữ không có gì khác biệt so với cách tính BMI nam vì chỉ số khối cơ thể được tính theo cùng một công thức cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, BMI bình thường khác nhau đối với người lớn và trẻ em.
3. Chỉ số BMI người lớn
Người lớn từ 19 tuổi trở lên có thể diễn giải chỉ số BMI dựa trên bảng phân loại mức độ gầy - béo. Hiện nay, có 2 bảng BMI phổ biến của WHO dành cho người châu Âu và của Hiệp hội đái tháo đường các nước châu Á (IDI & WPRO) dành cho người châu Á như sau:
Phân loại | BMI WHO (kg/m2) | BMI IDI & WPRO (kg/m2) |
---|---|---|
Gầy độ 3 | < 16 | < 16 |
Gầy độ 2 | 16 - 16.9 | 16 - 16.9 |
Gầy độ 1 | 17 - 18.4 | 17 - 18.4 |
Bình thường | 18.5 - 24.9 | 18.5 - 22.9 |
Thừa cân | 25 - 29.9 | 23 - 24.9 |
Béo phì độ 1 | 30 - 34.9 | 25 - 29.9 |
Béo phì độ 2 | 35 - 39.9 | ≥ 30 |
Béo phì độ 3 | ≥ 40 |
Bảng đánh giá và phân loại tình trạng dinh dưỡng dựa vào chỉ số BMI (Nguồn: Viện Dinh Dưỡng TP. HCM)
Bảng tiêu chuẩn BMI này giống nhau đối với nam và nữ ở mọi lứa tuổi và mọi loại cơ thể. Theo đó, mức chỉ số BMI bình thường của IDI & WPRO là 22.9 thấp hơn 24.9 so với chỉ số BMI bình thường của WHO. Để phù hợp với nhân chủng học của người châu Á và lối sống ít vận động thể dục thể thao nên rất dễ có nguy cơ gây ra các biến chứng sớm khi bị béo phì, IDI & WPRO đã điều chỉnh mức phân loại BMI châu Á để chẩn đoán tình trạng béo phì và nguy cơ đái tháo đường. Công cụ tính BMI online của Medigo lấy theo tiêu chuẩn BMI châu Á để đưa ra kết luận về mức độ thừa cân. Đối với người lớn, chỉ số BMI nữ không có gì khác biệt so với chỉ số BMI nam.
4. Chỉ số BMI trẻ em
BMI được diễn giải khác nhau đối với những người dưới 19 tuổi. Mặc dù cùng một công thức được sử dụng để xác định BMI cho tất cả các nhóm tuổi, tác động đối với trẻ em và thanh thiếu niên có thể khác nhau tùy theo độ tuổi và giới tính. Lượng mỡ trong cơ thể thay đổi theo độ tuổi và cũng khác nhau ở các chàng trai và cô gái trẻ. Các bé gái thường có lượng mỡ trong cơ thể cao hơn và phát triển sớm hơn các bé trai.
Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, WHO sử dụng biểu đồ tăng trưởng theo độ tuổi để hiển thị BMI dưới 2 dạng xếp hạng phần trăm hoặc theo z-score.
Mỗi phần trăm biểu thị chỉ số BMI của một đứa trẻ so với những đứa trẻ khác cùng độ tuổi và giới tính. Ví dụ: một đứa trẻ sẽ được coi là béo phì nếu có chỉ số BMI bằng hoặc cao hơn phân vị thứ 95. Điều này có nghĩa là chúng có nhiều mỡ trong cơ thể hơn 95% trẻ em ở cùng độ tuổi và giới tính.
Lý giải tương tự cho dữ liệu theo z-score. Mỗi độ lệch chuẩn (Standard Deviation - SD) mô tả chỉ số khối cơ thể so với giá trị trung bình được xác định cho BMI của các trẻ em cùng lứa tuổi và giới tính. Ví dụ: một em bé được xem là béo phì nếu có BMI cao hơn +2 SD theo điểm xác định của WHO.
Ngoài chỉ số BMI, trẻ em nên được theo dõi chiều cao cân nặng định kỳ để xác định được cơ thể có đang phát triển đúng chuẩn không theo bảng cân nặng chiều cao của trẻ từ 0 đến 18 tuổi của WHO năm 2007.
>> Xem thêm: Bảng chiều cao cân nặng của trẻ từ 0 - 19 tuổi mới nhất theo chuẩn WHO
5. Chỉ số BMI cao hay thấp có ý nghĩa gì? Ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe của bạn?
Cơ thể cần một lượng năng lượng nhất định từ thức ăn để hoạt động. Năng lượng này thu được dưới dạng calo. Cân nặng của bạn nhìn chung sẽ giữ nguyên khi bạn tiêu thụ cùng một lượng calo mà cơ thể bạn sử dụng hoặc “đốt cháy” mỗi ngày. Nếu bạn nạp vào nhiều calo hơn mức đốt cháy, bạn sẽ tăng cân theo thời gian.
Chỉ số BMI cao
Mất cân bằng năng lượng chắc chắn là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây tăng cân. Tuy nhiên, cân nặng lý tưởng của bạn chủ yếu được quyết định bởi di truyền, cũng như chế độ ăn và lối sống của bạn. Nếu bạn có chỉ số BMI cao, điều quan trọng là phải giảm chỉ số này để bạn có trạng thái cân nặng khỏe mạnh. Chỉ số BMI cao có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Bệnh tim
- Huyết áp cao
- Bệnh gan
- Viêm xương khớp
- Bệnh tiểu đường
- Đột quỵ
- Sỏi mật
- Một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư vú, ruột kết và thận
Thường xuyên tính BMI để theo dõi cân nặng của mình đã trở lại mức lý tưởng hay chưa để có chế độ dinh lượng và tập luyện phù hợp.
>> Xem thêm: 6 bước để có cuộc sống lành mạnh mỗi ngày
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới chỉ ra rằng mỡ trong cơ thể, chứ không phải BMI, có liên quan nhiều hơn đến các nguy cơ sức khỏe nêu trên. Bạn có thể giảm lượng mỡ trong cơ thể và đạt được cân nặng khỏe mạnh hơn bằng cách tập thể dục ít nhất ba lần mỗi tuần. Bạn cũng nên tuân theo một số thói quen ăn kiêng nhất định, chẳng hạn như chỉ ăn khi đói, ăn uống có tinh thần và chọn chế độ ăn giàu thực phẩm nguyên chất, chưa qua chế biến. Chuyên gia dinh dưỡng có thể hướng dẫn bạn nên ăn những loại thực phẩm nào và nên ăn bao nhiêu để giảm cân.
Chỉ số BMI thấp
Giống như chỉ số BMI cao có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe, chỉ số BMI rất thấp cũng có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe. Việc thiếu chất béo trong cơ thể có thể dẫn đến:
- Mất xương
- Giảm chức năng miễn dịch
- Vấn đề tim mạch
- Thiếu máu thiếu sắt
Nếu bạn có chỉ số BMI thấp, hãy thảo luận về cân nặng của bạn với bác sĩ. Nếu cần, việc tăng lượng thức ăn bạn ăn mỗi ngày hoặc giảm thời gian tập thể dục có thể giúp bạn tăng cân. Chuyên gia dinh dưỡng cũng có thể giúp bạn học cách tăng cân một cách lành mạnh.
>> Xem thêm: Làm thế nào để kiên trì với lối sống lành mạnh?
Đánh giá bài viết này
(7 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm