Hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD là gì? 10 dấu hiệu nhận biết điển hình nhất
Ngày cập nhật
1. Hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD là gì? Phân biệt OCD với OCPD
OCD là viết tắt của từ Obsessive compulsive disorder, nghĩa là hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
OCD là một dạng rối loạn về mặt tâm thần, khi đó người bệnh sẽ có những suy nghĩ, hình ảnh hay cảm giác ám ảnh quá mức thực tế cứ lặp đi lặp lại, từ đó thôi thúc họ thực hiện những hành vi gọi là cưỡng chế để giảm bớt cảm giác đau khổ hay lo lắng do những ám ảnh này gây ra(1).
OCD xuất hiện ở cả nữ giới và nam giới, bạn có thể bắt gặp các triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ngay từ khi 6 tuổi nhưng phổ biến hơn ở độ tuổi dậy thì(2). Tình trạng này có thể kéo dài cả đời, tuy nhiên các triệu chứng của chúng có thể xuất hiện và biến mất theo thời gian.
Người mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường có những suy nghĩ hay hình ảnh ám ảnh lặp đi lặp lại
Tuy có tên gọi khá giống nhau nhưng OCD và OCPD là 2 chứng rối loạn tâm thần khác nhau.
OCPD là viết tắt của từ Obsessive-compulsive personality disorder, nghĩa là hội chứng rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế.
Người mắc OCPD thường có mối quan tâm sâu sắc về chủ nghĩa cầu toàn, tính kiểm soát và tổ chức. Họ cứng nhắc và không thích bất cứ sự thay đổi nào về những quy tắc, quy định khắt khe mà bản thân đã đặt ra(3).
2. Nguyên nhân gây ra hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD
Mặc dù chưa biết nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD, tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng có một số yếu tố sau góp phần vào sự phát triển của hội chứng này(4):
- Di truyền: Mặc dù chưa xác định được cụ thể gen nào gây ra hội chứng OCD, tuy nhiên các nghiên cứu chỉ ra rằng những người có ba, mẹ hay anh, chị, em ruột mắc OCD thì sẽ có nguy cơ mắc phải cao hơn so với người bình thường, đặc biệt là khi người thân bị OCD ở giai đoạn thơ ấu.
- Hội chứng PANDAS: Đây là hội chứng rối loạn tâm thần kinh miễn dịch ở trẻ em có liên quan đến liên cầu khuẩn, khi mắc hội chứng này bạn sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng của nhiễm liên cầu như sốt phát ban, viêm họng,... và có thể kèm theo các biểu hiện đột ngột của OCD.
- Thay đổi của não bộ: Sự thay đổi cấu trúc ở vùng não trước, dưới vỏ não hay rối loạn hoạt động của serotonergic, dopaminergic ở não bộ cũng là nguyên nhân gây ra OCD.
- Chấn thương tâm lý thời thơ ấu: Những đứa trẻ trải qua các tổn thương ở thời thơ âu như bị bỏ rơi, bắt nạt hay lạm dụng dễ có nguy cơ mắc OCD. Đôi khi, hội chứng này còn có thể xuất hiện sau khi bạn trải qua một sự kiện quan trọng như mất người thân hay sinh con.
Chấn thương tâm lý thời thơ ấu có thể là một trong những nguyên nhân gây nên OCD
3. Dấu hiệu, triệu chứng nhận biết hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD
3.1. Rửa tay liên tục
Một trong những dấu hiệu điển hình nhất của người mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế là liên tục rửa tay vì ám ảnh rằng vi khuẩn luôn ẩn nấp trong tay của mình. Họ cho rằng việc rửa tay liên tục là cách duy nhất để loại bỏ vi khuẩn cũng như bảo vệ bản thân khỏi những mầm bệnh xung quanh. Đây cũng là lý do OCD thường được gọi là “bệnh sạch sẽ”.
Người bị OCD thường có hành động rửa tay liên tục
3.2. Muốn mọi thứ phải đối xứng hay trật tự
Đối với người mắc OCD thì mọi thứ cần phải được sắp xếp theo một trật tự nhất định, gọn gàng, ngăn nắp và đối xứng vì sự bừa bộn, lộn xộn sẽ khiến họ cảm thấy lo lắng, bồn chồn và buộc họ phải sắp xếp lại mọi thứ cho đến khi hài lòng. Chẳng hạn như khi chuẩn bị bữa ăn, người OCD sẽ chia thức ăn theo từng miếng có kích thước, hình dạng giống nhau và xếp chúng trên đĩa một cách đối xứng nhất có thể. Vì vậy, “hội chứng ngăn nắp” thường được dùng để chỉ hội chứng OCD.
Dấu hiệu của người mắc OCD là muốn mọi thứ phải ngăn nắp, được sắp xếp theo trật tự
3.3. Quan tâm quá mức đến tình dục
Người mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường có những suy nghĩ, hình ảnh thôi thúc họ liên quan đến hoạt động tình dục mặc dù bản thân họ cũng không hề mong muốn. Thậm chí, họ có thể tưởng tượng ra cảnh bản thân đang quan hệ với trẻ em, người đồng giới, đồng nghiệp, khách hàng hay một người nào đó mà không hề quen biết.
Người mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể tưởng tượng ra hình ảnh bản thân đang quan hệ với người khác
3.4. Liên tục kiểm tra mọi thứ
Xu hướng kiểm tra mọi thứ liên tục nhiều lần là một trong những dấu hiệu điển hình của người mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Bởi vì họ luôn cảm thấy bất an về mọi thứ nên cần liên tục kiểm tra để an tâm hơn. Chẳng hạn như người OCD thường kiểm tra ổ khóa, công tắc điện hay khóa vòi nước nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi đi ngủ hay khi ra khỏi nhà(1).
3.5. Nỗi ám ảnh về những con số
Người bệnh OCD có thể cảm thấy lo lắng, bồn chồn hoặc thậm chí hoảng sợ khi nhìn thấy hoặc nghe thấy những con số nhất định. Một ví dụ cụ thể hơn là một người bị ám ảnh về số 13 vì họ tin rằng đây là con số xui xẻo, do đó họ có thể tránh né những nơi có số 13 chẳng hạn như tầng 13 trong một tòa nhà hoặc khách sạn số 13.
OCD có thể khiến cho người bệnh cảm thấy hoảng sợ khi nghe nhắc đến một con số nào đó
3.6. Sợ phạm phải sai lầm
Người mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế luôn lo sợ rằng họ sẽ mắc sai lầm trong mọi việc, dù là những việc nhỏ nhất. Họ tránh né những tình huống có thể dẫn đến sai lầm như phát biểu trước đám đông hoặc làm bài kiểm tra. Họ không tin tưởng vào quyết định của bản thân và thường tham khảo ý kiến của người khác vì họ kỳ vọng ý kiến của người khác sẽ giúp bản thân cảm thấy an tâm hơn.
3.7. Tự ti về ngoại hình
Hội chứng OCD khiến cho bạn cảm thấy tự ti, mặc cảm về ngoại hình của mình, bạn cho rằng bản thân không đủ đẹp, không đủ gầy, không đủ cao hay không có làn da đẹp. Nỗi ám ảnh này làm cho người mắc tránh né những hoạt động xã hội, mặc những bộ quần áo không thích để che giấu khuyết điểm và họ rất ghét soi gương. Đặc biệt, họ thường không tin vào những lời khen của người khác về ngoại hình. Để cải thiện tình trạng này, họ có xu hướng ăn kiêng quá mức, tập thể dục điên cuồng, dành nhiều giờ để trang điểm hay thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ.
Người mắc chứng OCD rất ghét phải soi gương vì cảm thấy tự ti về ngoại hình của mình
3.8. Sợ hãi vấn đề bạo lực quá mức
Hội chứng OCD sẽ khiến bạn luôn cảm thấy lo lắng về việc bản thân hoặc người khác sẽ thực hiện hành vi bạo lực. Nỗi ám ảnh này được phóng đại quá mức làm bạn không dám đến nơi đông người vì sợ bạo lực, sợ bị bắt nạt khi đi học hay sợ bị người thân bạo hành khi phạm phải một sai lầm nào đó.
3.9. Lo lắng về các mối quan hệ
Người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế mang trong mình nỗi sợ hãi làm tổn thương người khác và luôn khao khát nắm bắt suy nghĩ của đối phương để tìm kiếm sự an tâm. Ngoài ra, khi phát sinh mâu thuẫn với đồng nghiệp, bạn bè hay khi làm một điều gì đó có lỗi với người khác sẽ khiến họ luôn cảm thấy bất an.
Người bị OCD khao khát nắm bắt được suy nghĩ của đối phương
3.10. Khả năng tổ chức tuyệt vời
Người OCD thường có xu hướng theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, họ có thể dành nhiều thời gian và công sức để sắp xếp mọi thứ một cách gọn gàng, khoa học và logic. Họ có khả năng tập trung cao độ và chú ý đến từng chi tiết nhỏ, nhờ vậy họ có thể sắp xếp mọi thứ một cách tỉ mỉ và chính xác. Tuy nhiên, điều này có thể khiến người xung quanh cảm thấy khó chịu vì quá chú trọng vào tiểu tiết. Không phải ai cũng thích những người mắc “hội chứng thích sự hoàn hảo”.
4. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có nguy hiểm không?
OCD là hội chứng nguy hiểm vì không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tập trung, sinh hoạt hằng ngày mà còn chứa đựng những ham muốn tình dục làm ảnh hưởng đến tính đạo đức. Ngoài ra, người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế dễ rơi vào trạng thái tiêu cực, trầm cảm, thậm chí là có thể tự tử.(5)
>> Xem ngay: Trầm cảm ở tuổi thanh thiếu niên có đáng lo sợ?
5. Cần làm gì khi mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD?
Khi nhận thấy các triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ảnh hưởng quá mức đến chất lượng cuộc sống hằng ngày của bản thân, bạn cần tìm đến cơ sở y tế hay chuyên khoa tâm lý, tâm thần ở các phòng khám uy tín để được thăm khám và chẩn đoán.
Tùy thuộc vào mức độ bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp như trị liệu tâm lý, dùng thuốc (Fluoxetin, Fluvoxamin, Paroxetin, Sertralin,...), kích thích não sâu (DBS) hay liệu pháp kích thích từ trường xuyên sọ (TMS)(6).
Ngồi thiền là một phương pháp để bạn giảm bớt các triệu chứng ám ảnh do OCD gây ra
Bên cạnh việc tuân thủ điều trị, bạn cần duy trì các thói quen lành mạnh như tập thể dục, tập thiền để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần tốt nhất để chống lại các triệu chứng OCD. Đồng thời, bạn cần quản lý tốt các vấn đề gây stress để giảm bớt căng thẳng do cuộc sống hay hội chứng OCD gây ra.
Tổng kết
Như vậy thì bài viết trên của Medigo đã giúp bạn hiểu rõ hơn về hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Quá trình vượt qua OCD có thể là hành trình gian nan nhưng bạn không đơn độc bởi bên cạnh bạn luôn có sự thấu hiểu, hỗ trợ của người thân, bạn bè và đặc biệt là sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia tâm lý. Để được hướng dẫn một cách chi tiết nhất và đồng thời nhận được sự chăm sóc tốt nhất, bạn có thể liên hệ với BS Chuyên khoa Tâm Lý Lê Thị Thùy Ngân nhé!
Đánh giá bài viết này
(2 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm