Răng khôn là răng nào? Khi nào nên nhổ?
Ngày cập nhật
Răng khôn là gì?
Răng khôn là răng hàm thứ ba (hay còn gọi là răng số 8) mọc phía trong cùng hai hàm răng. Đây là răng có tỉ lệ mọc lệch và ngầm cao nhất, gây ra nhiều biến chứng như viêm nhiễm, sưng, đau khi bị mọc răng khôn. Vì thế, theo điều tra của Tổ Chức Chăm Sóc Răng Miệng Hoa Kỳ, có khoảng 85% răng khôn bị nhổ bỏ do các biến chứng này.
Tại sao răng khôn thường mọc lệch và ngầm?
Các răng khôn mọc khoảng từ 18 đến 25 tuổi và là những răng mọc sau cùng trên cung hàm, khi xương hàm không còn tăng trưởng dẫn đến không đủ chổ cho răng khôn mọc. Đồng thời lúc này xương đã trưởng thành có độ cứng cao gây cản trở trong quá trình mọc răng khôn. Vì vậy, răng khôn thường bị mọc lệch và ngầm.
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học, thực phẩm ngày càng được chế biến mềm hơn nên răng- hàm ít hoạt động nhai hơn, làm cho xương hàm kém phát triển, vì thế răng vĩnh viễn mọc sau cùng có nguy cơ bị kẹt và ngầm do thiếu chổ.
Nướu và mô mềm phủ trên xương ở vị trí mọc răng khôn quá dày, quá chắc làm răng khôn không mọc lên được.
Răng khôn mọc lệch và ngầm gây biến chứng gì?
Bệnh lý nha chu: Răng khôn mọc lệch dễ làm tiêu xương mặt xa răng kế cận. Đồng thời, vì khó giữ vệ sinh ở vị trí này nên vi khuẩn gây viêm nướu có thể dễ dàng xâm nhập vào mặt chân răng gây bị bệnh lý nha chu.
Sâu răng: Tại vị trí răng lệch tựa vào răng kế bên thường xảy ra tình trạng nhồi nhét thức ăn, vì thế dễ gây sâu răng kế bên cũng như chính nó.
Viêm nướu quanh thân răng ( Viêm lợi trùm): Viêm lợi trùm là tình trạng viêm, nhiễm trùng vùng nướu xung quanh răng khôn mọc ngầm do vi khuẩn thường trú trong miệng, do chấn thương từ răng hàm trên trong quá trình ăn nhai trong giai đoạn mọc răng hoặc do nhồi nhét thức ăn bên dưới vùng nướu này. Ở dạng nhẹ nhất viêm lợi trùm gây đau và sưng tại chổ. Nặng hơn sẽ bị sưng mặt nhẹ, cứng khít hàm nhẹ và sốt nhẹ. Nặng hơn nữa, có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng vùng mặt, cứng khít hàm tăng lên, sốt cao hơn 38,5*C, sung mặt và đau.
Tiêu chân răng: Đôi khi, răng lệch và ngầm gây ra áp lực lên chân răng kế cận đủ để gây ra tiêu chân răng kế cận.
U và nang: Khi răng mọc ngầm trong xương hàm, bao mầm răng có thể phát triển thành nang răng hoặc u răng.
Gãy xương hàm: Răng khôn ngầm trong xương hàm dưới chiếm mất phần hàm bình thường do xương lấp đầy. Do đó, xương hàm dưới có thể yếu đi và dễ bị tổn thương.
Răng chen chúc ở hàm dưới: Nhiều nghiên cứu nhận thấy sự mọc răng khôn có ảnh hưởng đến sự chen chúc trễ của răng hàm dưới, nhất là sau khi niềng răng. Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (1979) khuyến cáo nên nhổ răng khôn chưa mọc trước khi chỉnh hình.
Khi nào nên nhổ răng khôn?
Ngày nay vẫn còn rất nhiều tranh cãi về việc nên nhổ hay giữ răng khôn. Theo tổ chức National Institute of Health (NIH) Hoa Kỳ (1979) đã đưa ra những khuyến cáo về chỉ định nhổ răng khôn như sau:
- Làm tổn hại mô nha chu răng kế cận
- Làm sâu mặt xa răng kế cận
- Sâu răng to không hồi phục
- Viêm quanh thân răng (viêm mô tế bào) lặp lại nhiều lần.
- Xuất hiện nang hay u bao quanh mầm răng khôn.
- Nhổ răng theo yêu cầu niềng răng, implant, tai mũi họng,…
Nhưng không phải trường hợp răng khôn nào cũng cần phải nhổ. Có thể bảo tồn giữ răng khôn trong các trường hợp sau:
- Răng không mọc thẳng không lệch và ngầm, không gây biến chứng. Trong trường hợp này răng khôn được giữ lại cần được chăm sóc và vệ sinh răng miệng kỹ càng.
- Bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, hô hấp, suy giẩm miễn dịch, máu khó đông… Mặc khác, nếu răng gây biến chứng bắt buộc phải nhổ, cần có ý kiến chuyên khoa về các bệnh lý này trước khi phẩu thuật, đồng thời can thiệt tối thiểu và chăm sóc theo dõi sau phẫu thuật.
- Răng khôn liên quan trực tiếp đến các cấu trúc lân cận như thần kinh, xoang hàm. Ở bệnh nhân trẻ, có thể nhổ răng với các biện pháp chuyên biệt để ngăn ngừa tổn thương cấu trúc quan trọng. Tuy nhiên, ở bệnh nhân lớn tuổi nếu khôn có dấu hiệu biến chứng nào sắp xảy ra hoặc khả năng biến chứng thấp thì không nên nhổ.
Tài liệu tham khảo
- PGS. TS. Lê Đức Lánh. Phẫu Thuật Miệng tập 2, Phẫu thuật trong miệng, Nhà Xuất Bản Y Học, Thành Phố Hồ Chí Minh.
- J.M. Korbendau và X. Korbendau. Clinical Success in Impacted Third Molar Extraction, Quintessence International, Paris.
Đánh giá bài viết này
(8 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm