Trẻ bị sốt siêu vi nên cho uống thuốc gì?
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
1. Nhận biết trẻ bị sốt siêu vi
Sau khi virus xâm nhập vào cơ thể, hầu hết trẻ bị sốt siêu vi sẽ xuất hiện các triệu chứng dưới đây:
- Trong giai đoạn ủ bệnh, hầu hết các trường hợp sốt siêu vi có biểu hiện tương đối giống nhau: Mệt mỏi, đau nhức mình mẩy và sau đó sốt. Sốt siêu vi sẽ gây nên tình trạng sốt vừa hoặc sốt cao, từ 38 - 39 độ C, nhiều trường hợp có thể lên tới 40 độ C; kèm theo những triệu chứng như chảy nước mũi, nước mắt, hắt hơi, họng đỏ khô rát. Khu vực cổ có thể sưng khiến trẻ đau đầu, mỏi cơ, người uể oải, quấy khóc.
- Nếu không được khắc phục kịp thời, bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát sẽ có những dấu hiệu đặc trưng như: Sốt cao theo từng cơn, co giật, có thể rơi vào trạng thái hôn mê, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của trẻ.
2. Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ
- Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng này, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị sớm, tránh để bệnh bước sang giai đoạn toàn phát với các biểu hiện có thể gồm:
- Sốt cao xuất hiện theo từng cơn;Xuất hiện co giật;Hôn mê.
- Bên cạnh đó, mẹ cũng nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt khi trẻ có các biểu hiện sau:
- Sốt cao kéo dài hơn 2 ngày, chân tay lạnh toát, run rẩy bất thường và không có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi đã cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ;
- Trẻ sốt phát ban toàn thân;
- Xuất hiện tình trạng: đau bụng, nôn nhiều, tiêu chảy;
- Phân có màu đen kèm máu;
- Đau đầu dữ dội, cứng cổ, mắt bị đau khi bị ánh sáng chiếu vào;
- Trẻ khó thở, thở nhanh, sâu…
3. Làm gì khi trẻ bị sốt siêu vi
Về cơ bản, khi bị sốt virus ba mẹ chỉ cần làm giảm các triệu chứng con đang mắc phải bằng cách:
- Hạ sốt: Khi bé bị sốt virus, bố mẹ nên thường xuyên theo dõi, kiểm tra nhiệt độ của trẻ để tránh trường hợp bé bị sốt cao, co giật gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C ba mẹ có thể cho trẻ uống các loại thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Bên cạnh đó, có thể chườm nước ấm cho bé để hạ nhiệt độ cơ thể. Nước ấm giúp mạch máu dưới da giãn nở tốt giúp thải nhiệt. Tránh dùng nước lạnh hay nước đá sẽ làm các mạch máu co lại không tỏa nhiệt được. Thường dùng 4 khăn nhúng nước ấm, vắt hơi ướt, đắp 2 bên nách, 2 bên bẹn, một khăn khác đắp lau khắp người trẻ. Kiểm tra nhiệt độ trẻ mỗi 15 – 30 phút, ngưng lau mát khi nhiệt độ dưới 38 độ C
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi.
- Bù nước và điện giải: Sốt cao có thể khiến trẻ mất nước và mất cân bằng điện giải vì thế cần đảm bảo trẻ uống đủ nước. Với bé đang bú mẹ, hãy tăng tần suất cho bé bú càng nhiều càng tốt. Với các bé lớn hơn, cho bé uống Oresol để bù nước và điện giải, uống từng ít một và uống làm nhiều lần (oresol phải pha theo đúng hướng dẫn ghi trên sản phẩm)
- Cho trẻ ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu: Khi bị sốt virus mẹ nên cho bé ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa. Mẹ có thể chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày để bé có thể ăn được nhiều hơn. Đồng thời nên bổ sung vào chế độ ăn của bé các loại rau, củ, trái cây tươi để tăng cường sức đề kháng.
- Được nghỉ ngơi đầy đủ: Ăn ngủ hợp lý sẽ giúp trẻ nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Mẹ nên cho con nghỉ học đến khi cơ thể hoàn toàn khỏe lại và cũng là để tránh không lây bệnh sang cho các bé khác.
- Vệ sinh sạch sẽ: Nhiều phụ huynh cho rằng khi con bị sốt virus thì không nên tắm nhưng quan điểm này cần phải thay đổi. Tắm rửa hoặc lau người sạch sẽ cho bé trong phòng ấm, kín gió.
- Chống bội nhiễm: Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9%, tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.
4. Một số loại thuốc siêu vi cho trẻ an toàn
4.1. Thuốc hạ sốt nhét hậu môn cho trẻ
Thuốc hạ sốt đút hậu môn có chứa paracetamol và các tá dược khác có khả năng tan chảy ở nhiệt độ nhiệt độ cơ thể và nhanh chóng thẩm thấu vào hệ mạch máu vùng hậu môn rồi đi thẳng vào hệ tuần hoàn mà không cần phải qua quá trình chuyển hóa ở gan. Điều này sẽ giúp làm giảm áp lực cho gan trong việc thải độc, đồng thời phát huy tác dụng thuốc hơn so với thuốc uống do không bị phá hủy ở gan.
Ưu điểm: Thuốc hạ sốt đút hậu môn đặc biệt phù hợp khi trẻ không uống được thuốc do nôn mửa, do sốt cao gây co giật hoặc khi ba mẹ cần giúp trẻ hạ sốt lúc trẻ đang ngủ mà không muốn đánh thức trẻ dậy
Nhược điểm:
- Thuốc hạ sốt nhét hậu môn ngấm trực tiếp vào máu, nhưng thuốc lại có tác dụng chậm hơn dạng uống khoảng 15 – 20 phút.
- Thuốc hạ sốt nhét hậu môn dễ gây nhiễm khuẩn khiến cho hậu môn của trẻ sưng tấy, đau rát. Nếu dùng nhiều lần và lâu ngày hoặc khoảng cách các lần dùng quá ngắn thì có thể gây viêm trực tràng cho trẻ. Do đó, trường hợp cho trẻ đặt thuốc vài ngày mà trẻ có biểu hiện đi ngoài thì cần dừng ngay.
Liều dùng:
- Viên paracetamol 80mg dùng cho trẻ từ 4 – 6kg
- Viên paracetamol 150mg dùng cho trẻ có cân nặng từ 7 – 12kg
- Viên paracetamol 300mg dùng cho trẻ từ 13 – 24kg.
Lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt nhét hậu môn cho trẻ:
- Thuốc hạ sốt đút hậu môn phải được bảo quản ở nhiệt độ lạnh, do đó cần để thuốc trong ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ từ 2 - 8 độ C.
- Sau khi bóc thuốc ra thì cần phải nhét ngay vào hậu môn lập tức. Bởi vì rời lớp vỏ, thuốc sẽ dễ tan nhanh dẫn đến khó đưa vào hậu môn của trẻ, không đủ liều lượng để hạ sốt.
- Khi đã sử dụng thuốc hạ sốt nhét hậu môn thì không sử dụng thêm bất kỳ thuốc uống có chứa thành phần paracetamol, vì trong thuốc hạ sốt đút hậu môn đã có chứa paracetamol nên dễ bị quá liều, gây hạ nhiệt độ quá nhanh và ngộ độc thuốc.
- Trước khi đặt thuốc hạ sốt nhét hậu môn cho trẻ, phụ huynh cần vệ sinh sạch sẽ hậu môn cho trẻ, sau đó rửa tay sạch bằng xà phòng và đặt mông trẻ ở tư thế dốc lên để dễ dàng đặt thuốc. Đặt thuốc vào hậu môn trẻ nhẹ nhàng rồi khép giữ 2 nếp mông trẻ để thuốc tan và không rơi ra ngoài trong khoảng 2 phút.
- Đặc biệt, không nên dùng thuốc hạ sốt đút hậu môn cho trẻ bị dị ứng với paracetamol hoặc những trẻ có bệnh nặng ở gan, bị tiêu chảy, bị viêm da vùng hậu môn - trực tràng và chảy máu trực tràng.
- Trong những trường hợp trẻ bị táo bón hoặc đang có bệnh lý vùng hậu môn thì không được dùng thuốc hạ sốt nhét hậu môn, nguyên do là bởi lớp niêm dịch ở trực tràng không bình thường sẽ ảnh hưởng tới sự hấp thu của thuốc, từ đó tác dụng điều trị trong việc hạ sốt sẽ bị giảm.
4.2. Bột sủi Hapacol giảm đau, hạ sốt
Khi bé bị sốt siêu vi thì dạng thuốc bột sủi bọt thường có được bào chế với nhiều mùi hương trái cây khác nhau như cam, chanh, dâu…nhất là có vị ngọt nên rất phù hợp, rất dễ “dụ” bé khi bé sợ, không chịu uống thuốc. Thuốc dạng gói bột rất dễ sử dụng vì chỉ cần hòa tan thuốc vào nước sôi để nguội là có thể cho trẻ uống ngay. Thuốc cũng dễ uống và dễ hấp thu, phù hợp với các trẻ nhỏ chưa có khả năng uống nguyên viên thuốc. Thuốc hạ sốt dạng bột sủi bọt thường phát huy tác dụng nhanh vì paracetamol dễ dàng được hấp thụ vào máu qua hệ tiêu hóa chỉ khoảng 15 – 30 phút sau khi uống.
Cách sử dụng:
- Cần pha gói thuốc chung với nước sôi để nguội rồi cho bé uống.
- Cách mỗi 6 giờ, bạn cho trẻ uống một lần, không quá 5 lần/ngày.
- Liều uống trung bình từ 10 – 15 mg/kg thể trọng/lần. Tổng liều tối đa không quá 60 mg/kg thể trọng/ 24 giờ.
Các dạng gói phổ biến có hàm lượng lần lượt là Hapacol 80mg, Hapacol 150mg và Hapacol 250mg. Dựa theo số đo cân nặng mà bố mẹ chọn loại phù hợp nhất cho bé. Bạn cũng có thể cho trẻ dùng liều như sau:
- Trẻ em từ 0 – 3 tháng tuổi: uống 1/2 gói Hapacol 80mg/ lần.
- Trẻ em từ 4 – 11 tháng tuổi: uống 1 gói Hapacol 80mg/ lần.
- Trẻ em từ 1-3 tuổi: uống 1 gói Hapacol 150mg /lần.
- Trẻ em từ 4 -6 tuổi: uống 1 gói Hapacol 250mg/lần
4.3. Bù nước và điện giải bằng dung dịch Oresol
Dung dịch Oresol chỉ được phép pha với nước lọc (không bao giờ dùng nước trái cây hoặc thức uống có gas); nước đun sôi để nguội nên được dùng ở trẻ dưới 1 tuổi và phải pha đúng với lượng nước được quy định ghi trên nhãn thuốc. Dung dịch sau pha có thể giữ trong 24h trong tủ lạnh. Không nên dùng dung dịch đã pha cho ngày hôm sau.
Liều dùng cho trẻ em:
- Với trẻ dưới 2 tuổi: liều dùng 50ml/lần, ngày uống 2-3 lần.
- Với trẻ từ 2-6 tuổi: liều dùng 100ml/lần, ngày uống 2-3 lần.
Đặc biệt lưu ý: cha mẹ không nên tự làm dung dịch muối và đường ở nhà, vì nồng độ các chất điện giải có thể không chính xác, trong khi độ chính xác này là rất cần thiết đặc biệt với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
Medigo hy vọng rằng bài viết này đã mang đến cho bạn những kiến thức hữu ích về cách xử lý và các thuốc nên cho trẻ uống khi trẻ bị sốt siêu vi . Nếu bạn còn ý tưởng nào xin hãy comment dưới bài viết để chia sẻ với Medigo nhé!
Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, liên hệ đội ngũ Bác sĩ của chúng tôi thông qua HOTLINE hoặc ứng dụng MEDIGO.
Trải nghiệm ngay các tiện ích trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa MEDIGO. Tải App TẠI ĐÂY.
Đánh giá bài viết này
(10 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm