lcp

Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh và cách phòng tránh hiệu quả

4.4

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI

Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024

Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu

Kháng sinh là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến không còn quá xa lạ đối với bất kỳ ai. Tuy nhiên không phải ai cũng biết về những tác dụng phụ khi dùng thuốc kháng sinh và sử dụng như thế nào để hạn chế được nó. Sau đây, Medigo app sẽ chia sẻ cho bạn về tác dụng phụ của thuốc kháng sinh và cách phòng tránh hiệu quả.

1. Uống thuốc kháng sinh nhiều có sao không?

Kháng sinh là nhóm những chất kháng khuẩn có nguồn gốc từ vi sinh vật được dùng để điều trị các bệnh lý nhiễm trùng. Ngoài những kháng sinh có nguồn gốc thiên nhiên, ngày nay kháng sinh còn được sản xuất bằng phương pháp tổng hợp hoặc bán tổng hợp từ các chất hóa học. Vậy uống thuốc kháng sinh có tác hại gì, uống nhiều thuốc kháng sinh có sao không, bạn hãy tìm hiểu ngay sau đây.

tác dụng phụ của thuốc kháng sinh

Uống kháng sinh nhiều gây tác dụng phụ gì?

1.1 Sử dụng kháng sinh nhiều có bị tác dụng phụ gì không?

Nếu bạn sử dụng kháng sinh đúng theo chỉ định, liều dùng, cách dùng, thời gian sử dụng của bác sĩ thì sẽ giúp hạn chế nguy cơ gây ra tác dụng không mong muốn nghiêm trọng. Tuy nhiên một số tác dụng không mong muốn khác vẫn có thể xảy ra như: 

  • Đau bụng hoặc tiêu chảy
  • Buồn nôn và nôn
  • Chóng mặt
  • Nhiễm trùng nấm men
  • Phát ban

Tác dụng không mong muốn của kháng sinh thể hiện rõ rệt nhất khi bạn lạm dụng kháng sinh hoặc sử dụng không hợp lý (dùng không đúng thuốc, không đúng liều, thời gian dùng quá ngắn hoặc quá dài, dùng thuốc kháng sinh không đảm bảo chất lượng).

tác dụng phụ của thuốc kháng sinh

Sử dụng kháng sinh có thể gây đầy bụng, buồn nôn

1.2 Hậu quả nghiêm trọng của việc lạm dụng kháng sinh

Lạm dụng kháng sinh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng. Tác dụng kháng khuẩn của kháng sinh không chỉ tiêu diệt những vi khuẩn có hại mà chúng còn có thể ngăn chặn sự phát triển của các vi sinh vật có lợi trong cơ thể, đặc biệt là hệ vi khuẩn đường ruột. Vậy nên khi bạn lạm dụng kháng sinh dẫn đến mất cân bằng vi sinh trong cơ thể gây ra một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa như: Bụng khó tiêu hoặc tiêu chảy, buồn nôn, nôn…

Một hậu quả nghiêm trọng hơn khi lạm dụng kháng sinh đó là tình trạng sốc phản vệ, nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong. 

Trẻ nhỏ là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề khi lạm dụng kháng sinh. Hệ tiêu hóa kém, sức đề kháng yếu, dễ có nguy cơ bị hen suyễn… làm cho trẻ kém phát triển, sức khỏe suy yếu.

Lạm dụng kháng sinh không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân bạn mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng: Hiện tượng vi khuẩn kháng kháng sinh đang ngày càng trở nên nghiêm trọng do:

  • Người bệnh tự ý đi mua kháng sinh để sử dụng khi bị bất cứ bệnh gì, không cần xác định có nhiễm khuẩn hay không và điều trị bằng kháng sinh khi không được bác sĩ kê đơn.
  • Vì muốn nhanh khỏi bệnh nên người bệnh thường có suy nghĩ mua nhiều loại thuốc kháng sinh để “diệt” càng nhiều vi khuẩn càng tốt.

Vi khuẩn kháng thuốc nghĩa là chúng không bị tiêu diệt bởi thuốc kháng sinh mà trước đó chúng từng nhạy cảm. Vi khuẩn kháng thuốc không chỉ ở trong cơ thể người bệnh mà còn lây nhiễm ra cộng đồng, khiến cho điều trị nhiễm khuẩn đã khó càng khó hơn.

Khi lạm dụng tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa biết mình bị nhiễm khuẩn gì, bệnh nhân có thể khiến cho tình trạng nhiễm khuẩn trở nên trầm trọng hơn khi dùng sai thuốc, thuốc không có phổ trên loại vi khuẩn. Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khó khăn cho các bác sĩ khi điều trị.

uống thuốc kháng sinh nhiều có sao không

Kháng sinh sử dụng để điều trị vi khuẩn, không có tác dụng diệt virus

2. Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh và cách phòng tránh

Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng kháng sinh thường không mấy nguy hiểm, có thể tự khỏi khi bạn ngừng sử dụng kháng sinh hoặc điều trị bằng một số loại thuốc. Tuy nhiên một số tác dụng phụ khác như sốc phản vệ, kháng kháng sinh lại vô cùng nguy hiểm và đáng báo động.

2.1. Rối loạn tiêu hóa

Khi sử dụng, một số loại kháng sinh có thể gây rối loạn tiêu hóa hoặc khó chịu dạ dày, gây ra các triệu chứng như: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, giảm ngon miệng.

Hầu hết các tác dụng phụ về rối loạn tiêu hóa sẽ tự hết khi bạn ngừng thuốc.

Các tác dụng phụ của đường tiêu hóa có thể trở nên nghiêm trọng do sự mất cân bằng vi sinh trong đường ruột gây ra các triệu chứng sau:

  • Phân có nhầy hoặc máu
  • Bụng đau quặn dữ dội, tiêu chảy nặng
  • Sốt
  • Buồn nôn, nôn nhiều không kiểm soát

Nhóm kháng sinh macrolid, penicilin, cephalosporin và fluoroquinolon dễ gây tình trạng khó chịu dạ dày hơn các loại kháng sinh khác.

2.2. Nhiễm nấm

Kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà nó còn tiêu diệt luôn một số loại vi khuẩn có lợi bảo vệ cơ thể. Vậy nên một số người bệnh bị nhiễm nấm ở âm đạo, vòm họng khi sử dụng kháng sinh.

Một số triệu chứng của nhiễm nấm gồm có:

  • Ngứa vùng âm đạo kèm theo sưng và đau
  • Khi đi tiểu có cảm giác sưng, đau
  • Dịch âm đạo màu trắng xám và vón cục
  • Sốt và ớn lạnh
  • Có lớp màu trắng xuất hiện trong miệng và cổ họng
  • Khi ăn hoặc nuốt có cảm giác đau
tác hại của thuốc kháng sinh

Nhiễm nấm Cadida (nhiễm nấm vùng âm đạo) khi sử dụng kháng sinh

2.3. Nhạy cảm với ánh sáng

Một số loại kháng sinh chẳng hạn như Tetracycline làm cho cơ thể bạn có thể trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng, nghĩa là khi bạn tiếp xúc với ánh sáng thì làm da bạn dễ bị cháy nắng hơn. 

Hiện tượng này thường sẽ hết sau khi bạn ngừng thuốc kháng sinh.

Trong khi dùng kháng sinh mà tác dụng phụ có nhạy cảm với ánh sáng, bạn nên:

  • Hạn chế để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng
  • Sử dụng kem chống nắng cho mặt và cơ thể có chỉ số chống nắng SPF cao
  • Mặc áo chống nắng, đội mũ, ô khi ra ngoài

2.4. Đổi màu răng và xương

Khi sử dụng kháng sinh tetracyclin có thể người bệnh sẽ xuất hiện vết ố trên men răng của. Đây là tác dụng phụ không hồi phục, nghĩa là vết ố đó sẽ không mất đi (trừ khi trẻ em thay răng sữa)

2.5. Sốt

Sốt là triệu chứng thường gặp, không chỉ riêng kháng sinh mà một số loại thuốc khác cũng có thể gây ra tác dụng phụ này. Bạn có thể sử dụng thuốc hạ sốt (Paracetamol) nếu sốt quá cao và không thuyên giảm.

2.6. Sốc phản vệ

Sốc phản vệ là một trong những tác dụng phụ vô cùng nguy hiểm và nghiêm trọng khi sử dụng kháng sinh. Đây là một phản ứng dị ứng cần được xử trí nhanh chóng và kịp thời nếu không có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng cho người bệnh. Một số triệu chứng của sốc phản vệ gồm:

  • Phát ban hoặc phát ban đỏ, ngứa
  • Nhịp tim nhanh, chóng mặt
  • Buồn nôn, nôn nghiêm trọng
  • Sưng tấy dưới da
  • Miệng, cổ họng và mặt sưng phù
  • Thở khò khè, khó thở, ho
  • Ngất xỉu
  • Co giật

2.8. Ảnh hưởng đến tim mạch

Một số loại kháng sinh như: Terbinafine, erythromycin, fluoroquinolon ( ví dụ ciprofloxacin) có thể gây rối loạn nhịp tim, huyết áp thấp

2.9. Viêm gân

Kháng sinh ciprofloxacin có thể gây viêm gân hoặc đứt gân khi bệnh nhân sử dụng không hợp lý

2.10. Tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn

Vi khuẩn kháng thuốc gây nguy hiểm cho người bệnh và khó khăn trong điều trị. Một số biện pháp giúp giảm đáng kể tình trạng kháng kháng sinh như:

  • Dùng kháng sinh khi được bác sĩ kê đơn. Dùng đúng thuốc, đúng liều, đúng thời gian trong đơn thuốc ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm hoặc biến mất
  • Không dùng thuốc kháng sinh của người khác, thuốc kháng sinh không còn đảm bảo chất lượng
  • Chỉ sử dụng kháng sinh khi biết chính xác nhiễm khuẩn, không dùng khi bị nhiễm virus (ví dụ như khi ho, cảm thông thường)

3. Biện pháp giảm tác dụng phụ khi dùng kháng sinh

Hầu hết các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng kháng sinh sẽ hết khi bạn ngưng sử dụng. Tuy nhiên đôi khi chúng vẫn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt thường ngày của bạn, sau đây là một số biện pháp giảm tác dụng phụ khi dùng kháng sinh mà bạn có thể tham khảo

3.1. Dùng men vi sinh

Bổ sung probiotics (men vi sinh) có thể giúp khôi phục sự cân bằng của vi khuẩn trong đường ruột của bạn từ đó giúp ngăn ngừa và giảm thiểu được các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa như: Đầy bụng, khó tiêu, nôn, tiêu chảy…

3.2. Uống nhiều nước và tránh các thực phẩm giàu chất xơ 

Điều này sẽ giúp bạn tiêu hóa dễ dàng hơn trong thời gian sử dụng kháng sinh

3.3.  Uống thuốc chống nấm

Dùng kháng sinh lâu dài bạn sẽ có nguy cơ bị nhiễm nấm. Dùng thuốc chống nấm có thể giúp ngăn ngừa tác dụng phụ này, tuy nhiên bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc có nên sử dụng hay không.

Medigo app vừa chia sẻ nội dung tác dụng phụ của thuốc kháng sinh và cách phòng tránh hiệu quả. Hy vọng với nội dung bài viết, bạn sẽ có thêm thông tin hữu ích về những tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi dùng kháng sinh và những biện pháp để xử lý kịp thời để gia đình bạn có một sức khỏe tốt hơn.

Đánh giá bài viết này

(7 lượt đánh giá).
4.4
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm