Top 4 thuốc giảm đau đầu không kê đơn hiệu quả
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
1. Tìm hiểu về đau đầu và thuốc đau đầu
1.1 Đau đầu là gì?
Nếu nói đau đầu là “căn bệnh của thời đại” cũng không sai bởi vì đau đầu là triệu chứng phổ biến trong thời buổi hiện nay, hầu như mọi người ai cũng đều đã từng trải qua. Tùy mức độ stress áp lực của công việc và thói quen sinh hoạt có thể gây ra cơn đau đầu ở mỗi người diễn ra ở nhiều cấp độ từ nhẹ đến nặng, hoặc chỉ đau ở một bên đầu, đau nửa đầu hoặc có thể lan tỏa đau hết cả đầu.
Khi đau đầu, người bệnh có thể cảm nhận được cảm giác đau âm ỉ, đau dữ dội, đau nhói hoặc đau châm chích ở đầu. Cơn đau có thể đột ngột xuất hiện hay phát triển dần dần rồi kéo dài cơn đau trong vài phút đến vài ngày.
Nguyên nhân chính gây đau đầu chia hai nhóm là đau đầu nguyên phát và đau đầu thứ phát.
- Đau đầu nguyên phát: theo thống kê chiếm 90% nguyên nhân gây đau đầu ở bệnh nhân. Đau đầu nguyên phát không xuất phát từ nguyên nhân thực thể, không phải do tổn thương cấu trúc não bộ. Đau đầu nguyên phát phổ biến nhất là đau do căng cơ, đau khi gắng sức, đau từng cụm, đau nửa đầu Migraine…
- Đau đầu thứ phát: chiếm phần ít trong nguyên nhân gây đau đầu. Cơn đau đầu do một bệnh lý cụ thể nào đó gây ra, có thể do bệnh thần kinh như u não, chấn thương sọ não… hoặc do bệnh nội khoa như tim mạch, tiêu hóa, cơ xương khớp,...
Đau đầu xảy ra phổ biến ở nhiều đối tượng. Khi bị đau đầu, triệu chứng xuất hiện tùy thuộc vào loại đau đầu mà người bệnh gặp phải có thể như sau:
- Triệu chứng khi đau đầu do căng cơ: cường độ đau đầu từ nhẹ đến vừa, tình trạng đau xảy ra ở cả hai bên đầu và thường xuất hiện trong thời gian ngắn. Người bệnh có cảm giác đầu bị bó và bị kẹp lại như bị quấn căng quanh đầu bởi một dải băng.
- Triệu chứng khi đau nửa đầu: cường độ bị đau đầu từ vừa đến nặng, kéo dài trong vài giờ đến vài ngày và thường xuyên tái phát lặp lại. Người bệnh cảm nhận được cơn đau chỉ xuất hiện ở một bên đầu, có cảm giác dồn dập, có thể kèm theo buồn nôn hoặc gây nôn khi bị đau nửa đầu.
- Triệu chứng khi đau từng cụm: người bệnh cảm nhận được cơn đau nhức nhối bắt đầu ở khu vực phía trong, phía sau hoặc quanh xung quanh một mắt, cơn đau kéo dài trong khoảng 15 phút – 3 giờ. Khi bị đau, có thể kèm theo các triệu chứng như chảy nước mắt, sưng mắt, sụp mí, chảy nước mũi, nghẹt mũi ở bên phần đầu bị đau.
Việc xác định người bệnh đang gặp phải tình trạng đau đầu nào là rất quan trọng để có phương án sử dụng thuốc điều trị và ngăn ngừa hiệu quả.
1.2 Thuốc đau đầu
Thuốc được sử dụng để phòng ngừa và cắt giảm các triệu chứng đau đầu gọi là thuốc đau đầu hay còn gọi là thuốc giảm đau. Các loại thuốc này với cơ chế và mức độ giảm đau khác nhau, do đó thường được sử dụng cho người bệnh có cơn đau đầu ở các cường độ đau khác nhau cho phù hợp.
Thuốc đau đầu được sử dụng với mục đích sau:
- Cắt, giảm cơn đau hiệu quả và an toàn cho người bệnh.
- Phòng ngừa hiệu quả các triệu chứng sau cơn đau đầu và mức độ nghiêm trọng cũng như tần suất xuất hiện lặp lại cơn đau đầu.
Có 2 nhóm thuốc đau đầu:
- Thuốc đau đầu có kê đơn của bác sĩ.
- Thuốc đau đầu không kê đơn.
Trên thực tế, khi bị đau đầu, người bệnh có thể chủ động tự mua các loại thuốc đau đầu không kê đơn ở các nhà thuốc, quầy thuốc trên toàn quốc. Trong một số trường hợp đau đầu nặng và nghiêm trọng, có thể liên quan đến một số bệnh lý khác cần phải có chỉ định của bác sĩ khi sử dụng thuốc sao cho phù hợp và an toàn.
Dưới đây là các loại thuốc đau đầu không kê đơn phổ biến trên thị trường mà chắc hẳn chúng ta đã ít nhất một lần đã từng sử dụng.
2. Các nhóm thuốc giảm đau đầu
Trên lâm sàng có 2 nhóm thuốc giảm đau đầu không kê đơn, được phân loại theo tác dụng của thuốc:
- Thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid (hay còn gọi là NSAID): thuốc có tác dụng giảm đau đầu ở mức độ nhẹ và vừa, kèm theo hiệu quả hạ sốt, kháng viêm. Nhóm thuốc bao gồm các hoạt chất như Ibuprofen, Naproxen, Aspirin,...
- Thuốc Paracetamol (hay Acetaminophen) chỉ có tác dụng giảm đau: là hoạt chất thông dụng nhất trong điều trị đau đầu. Trên thị trường rất phổ biến các loại biệt dược chỉ chứa đơn chất Paracetamol hay kết hợp paracetamol và các hoạt chất khác có tác dụng điều trị ho, sổ mũi, cảm lạnh, dị ứng…
3. Top 4 thuốc giảm đau đầu không kê đơn
3.1 Paracetamol (hay Acetaminophen)
Là hoạt chất phổ biến và có thể đầu tay sử dụng trong điều trị đau đầu mà nhà thuốc nào cũng có, thậm chí có rất nhiều biệt dược khác nhau của nhiều công ty trên thị trường. Paracetamol hay Acetaminophen là một hoạt chất thường được sử dụng hiệu quả trong giảm đau đầu với cường độ nhẹ đến trung bình, kèm theo tác dụng hạ sốt. Chúng ta có thể bắt gặp Paracetamol hay Acetaminophen khắp mọi nẻo đường, biển hiệu trước cửa hàng nhà thuốc, poster quảng cáo, standee của các biệt dược nổi tiếng như Panadol, Panadol Extra, Hapacol, Paracetamol 500mg…
Paracetamol được bào chế dược nhiều dạng: dạng viên con nhộng, viên nén, viên sủi, viên đạn… Việc sử dụng dạng bào chế nào sao cho phù hợp với đối tượng sử dụng và mong muốn tốc độ giảm đau nhanh hay chậm, ví dụ như sử dụng viên sủi sẽ có tác dụng giảm đau nhanh hơn viên nén…
Liều dùng ở người lớn 1-2 viên 500mg, mỗi lần uống cách nhau 4 tiếng và không uống liều quá 4g/ngày.
Với đối tượng là trẻ em, hàm lượng thuốc Paracetamol dùng được cho trẻ tính theo tuổi và cân nặng. Do đó cha mẹ của bé nên nắm chắc chắn thông tin để tính liều lượng cho phù hợp và an toàn. Thuốc Paracetamol được bào chế dưới dạng siro, cốm, sủi hoặc dạng viên đạn (đặt hậu môn) dễ dàng sử dụng cho trẻ với mùi vị ngọt, thơm ngon.
Ưu điểm:
- Paracetamol là nhóm thuốc có thể được xem là loại giảm đau an toàn nhất, ít có tác dụng phụ
- Là lựa chọn đầu tay khi điều trị đau đầu
- Sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em có các dạng bào chế phù hợp
- Dễ tìm mua ở bất cứ nhà thuốc nào trên toàn quốc
Nhược điểm:
- Nếu lạm dụng thuốc có thể gây hại cho gan thận và có thể gây tổn thương nghiêm trọng. Do đó cần chú ý khi sử dụng nhóm thuốc này
3.2 Ibuprofen
Ibuprofen là hoạt chất thuộc nhóm giảm đau kháng viêm không Steroid (NSAIDs) với cơ chế làm giảm tổng hợp PGE2 (Prostaglandin E2α), làm giảm khả năng cảm thụ với các tác nhân gây đau của ngọn các sợi thần kinh cảm giác, từ đó giảm đau hiệu quả.
Ibuprofen thường được sử dụng trong các trường hợp đau với cường độ nhẹ và vừa, đặc biệt đối với những cơn đau đầu thường xuyên do căng thẳng, đau khu trú. Ngoài ra, Ibuprofen có thêm tác dụng kháng viêm, do đó cũng được sử dụng để giảm các triệu chứng viêm, chẳng hạn như viêm khớp.
Điều chế Ibuprofen ở dạng viên nén, viên con nhộng, viên sủi hay ở dạng gel bôi ngoài da cũng phổ biến trên thị trường hiện nay.
Ở người lớn, liều dùng thuốc Ibuprofen khuyến cáo: 1-2 viên hàm lượng 200mg mỗi lần uống và lưu ý mỗi lần uống, uống cách nhau 6 giờ.
Đây là thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng viêm dùng được cho trẻ em nếu không dung nạp Paracetamol. Liều sử dụng được tính theo cân nặng của trẻ và được bào chế ở dạng siro, cốm ngọt phù hợp và được các bé yêu thích, hợp tác uống thuốc..
Ưu điểm:
- Giảm đau đầu hiệu quả, nhiều dạng bào chế phù hợp với nhiều đối tượng
- Sử dụng cho trường hợp bệnh nhân không dung nạp Paracetamol
- Sử dụng được cho người lớn và trẻ em từ 3 tháng tuổi trở lên
Nhược điểm:
- Trong lúc dùng thuốc hay gặp các tác dụng phụ chung của nhóm kháng viêm không Steroid (NSAIDs) như loét dạ dày tá tràng, đau dạ dày, buồn nôn, chảy máu, chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón…
- Ibuprofen chú ý đối tượng phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 3 tháng tuổi không được sử dụng Ibuprofen để giảm đau đầu.
3.3 Naproxen
Naproxen là một thuốc kháng viêm không Steroid dẫn xuất từ Acid propionic, với đặc tính dược lý ức chế tổng hợp Prostaglandin trong các mô của cơ thể bằng cách ức chế enzym Cyclooxygenase (COX) xúc tác cho quá trình tạo thành các tiền chất Prostaglandin nên có tác dụng giảm đau, kháng viêm.
Trên thị trường, naproxen thường được điều chế dưới dạng viên nén, viên con nhộng, viên sủi hoặc dưới dạng gel. Naproxen được chỉ định trong nhiều trường hợp đau, như đau liên quan đến cơ xương khớp, đặc biệt với tác dụng giúp giảm nhanh các cơn đau đầu và sử dụng để điều trị tình trạng đau đầu kéo dài.
Trên lâm sàng, thuốc giảm đau không kê đơn Naproxen, liều dùng được điều chỉnh cẩn thận tùy theo đối tượng và đáp ứng của từng người bệnh, dùng liều thấp nhất mà có hiệu quả và mỗi lần uống nên uống cách nhau 8-12 giờ. Naproxen dùng được cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Khi uống Naproxen, nên được uống nhiều nước hoặc uống vào bữa ăn để giảm thiểu tác dụng phụ loét dạ dày ở đường tiêu hoá.
Ưu điểm:
- Khả năng giảm đau đầu hiệu quả
Nhược điểm:
- Thường được dùng với tác dụng kháng viêm hơn là điều trị đau đầu
- Gồm những tác dụng phụ chung của nhóm thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs): đau, loét dạ dày tá tràng, đau bụng, đầy hơi…
- Naproxen cần lưu ý không sử dụng cho phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú vì khả năng qua được sữa mẹ.
3.4 Aspirin
Thuốc Aspirin hay còn được biết đến với tên gọi là Acid acetylsalicylic, là một dạng thuốc giảm đau không kê đơn cũng rất phổ biến khác trên thị trường. Nằm trong nhóm kháng viêm không Steroid, với cơ chế giống ibuprofen và Naproxen, Aspirin có tác giúp giảm đau, giảm viêm.
Tuy nhiên, Aspirin hiện nay được biết đến với cơ chế ức chế không phục hồi COX-1, dẫn đến ức chế tổng hợp Thromboxane A2 (là chất kích thích tạo huyết khối) và có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu. Aspirin là thuốc duy nhất trong nhóm NSAID được sử dụng với tác dụng ngăn ngừa biến cố tim mạch. Do đó, Aspirin ít được sử dụng với công dụng chính là giảm đau, kháng viêm, mà sử dụng ở dạng liều lượng 81mg để ngăn ngừa và điều trị các vấn đề liên quan đến tim mạch và mạch máu. Nổi bật với sự cản trở sự hình thành cục máu đông trong các mạch máu nhỏ, giảm nguy cơ đột quỵ, đau thắt ngực và các vấn đề về tim mạch khác…
Lưu ý khi sử dụng aspirin có thể gặp một số tác dụng phụ nghiêm trọng như chảy máu đường tiêu hóa, loét dạ dày tá tràng, hội chứng Reye ở trẻ em… Do đó cần cẩn trọng khi sử dụng Aspirin.
4. Tác dụng phụ của thuốc giảm đau đầu
Ngoài tác dụng giảm đau đầu hiệu quả, các thuốc giảm đau đa số đều có những tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp và thận. Người bệnh nên chủ động thăm hỏi ý kiến với bác sĩ về các tác dụng phụ nếu có trong quá trình dùng thuốc. Những tác dụng phụ có thể kể đến như:
- Ảnh hưởng trên đường tiêu hóa gây viêm loét, xuất huyết dạ dày, trực tràng, rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy, khó tiêu, đau bụng, táo bón, buồn nôn,...
- Nhóm NSAIDs ảnh hưởng đến tim mạch gây đau tim, tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, Paracetamol vẫn an toàn hơn và có thể được chỉ định cho những người bị bệnh tim mạch để thay thế
- Paracetamol nếu dùng liều cao liên tục trong nhiều ngày sẽ gây ảnh hưởng đến gan, thận và suy gan thận cấp tính, do đó người có tiền sử suy gan, suy thận cẩn trọng khi dùng
- Chóng mặt, tê chân tay, buồn ngủ, người mệt mỏi
- Da nổi mẩn đỏ, ngứa, phát ban da
5. Lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau đầu
Những loại thuốc xếp vào nhóm thuốc giảm đau đầu không kê đơn được xem là khá an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên, khi sử dụng bất kì nhóm thuốc nào, với mong muốn thuốc phát huy tối đa hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, người sử dụng cũng cần lưu ý:
- Vì sản phẩm trên thị trường rất đa dạng về các dạng bào chế nên chú ý đọc tên biệt dược và hoạt chất rõ ràng để tránh dùng các biệt dược khác nhau nhưng cùng chung hoạt chất, dẫn đến quá liều điều trị
- Bệnh nhân khi tự sử dụng thuốc đau đầu không kê đơn cần tìm hiểu về thuốc, đảm bảo sử dụng đúng liều, đúng thuốc phù hợp với cá nhân, tránh không lạm dụng thuốc
- Dùng liều thấp nhất có hiệu quả điều trị, không lạm dụng liều vượt quá liều được khuyến cáo ghi trên nhãn thuốc
- Với các thuốc như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc. Khi gặp các tác dụng phụ của các loại thuốc này cần đến thăm khám bác sĩ và có hướng xử trí cho phù hợp
- Khi dùng Paracetamol, nếu có vấn đề về gan thận cần tham khảo ý kiến bác sĩ ngay
- Cẩn trọng tính liều lượng sử dụng khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ để đảm bảo hiệu quả và an toàn điều trị
6. Một số phương pháp giảm đau đầu khác
Khi đau đầu, ngoài việc sử dụng thuốc giảm đau, bệnh nhân có thể áp dụng thêm các phương pháp hỗ trợ khác giúp giảm nhanh cơn đau đầu hiệu quả. Sau đây là các phương pháp người bệnh có thể tham khảo:
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh: những cơn đau đầu do đau xoang khi sử dụng phương pháp chườm lạnh lên trán, trong một vài phút hơi lạnh từ túi chườm sẽ giúp co thắt mạch máu và giảm lưu lượng máu, từ đó giảm áp lực và xoa dịu cơn đau đầu. Phương pháp chườm nóng sẽ hiệu quả với những cơn đau đầu do stress căng thẳng kéo dài, lúc này hãy đặt một túi chườm nóng vào sau gáy hoặc trên trán.
- Trị đau đầu bằng xông lá: theo kinh nghiệm dân gian, trong các loại lá có chứa tinh dầu có khả năng làm giảm cơn đau đầu nhanh chóng, giúp thư giãn sau những mệt mỏi, căng thẳng. Có thể sử dụng lá sả,, lá bưởi, lá chanh, lá hương nhu, húng quế… rửa sạch và cho vào nồi xông. Thời gian xông khoảng 10-15 phút, người bệnh sẽ cảm thấy “nhẹ đầu” và thật thư giãn.
- Tạm ngưng công việc, dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc là cách xua tan cơn đau đầu đơn giản.
- Xoa bóp, bấm huyệt giúp giảm cơn đau đầu kéo dài: là cách điều trị đau đầu truyền thống được hầu hết mọi người áp dụng. Rất đơn giản với thao tác dùng tay xoa bóp vùng đầu, trán, thái dương, cổ, vai gáy kết hợp bấm huyệt vào những huyệt giúp giảm đau. Nhưng phương pháp bấm huyệt cần kiến thức chuyên môn của những người có hiểu biết về huyệt.
- Tắm hoặc ngâm chân với nước nóng, có thể bổ sung các loại thảo dược có chứa tinh dầu: là cách đơn giản đem lại cho người bệnh cảm giác sảng khoái, thoải mái, xua tan cơn nhức mỏi, đau đầu hiệu quả, giúp tinh thần thêm thư thái. Ngâm chân với nước nóng giúp máu lưu thông nhanh hơn cũng như hỗ trợ tuần hoàn máu xuống chân, giảm áp lực lên vùng đầu, cổ để đầu không bị căng thẳng và giảm đau hiệu quả.
- Tránh xa các tác nhân gây đau đầu: hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính,... thiết vị có tần số sóng cao, tránh xa tiếng ồn lớn gây chói tai hay ánh sáng chói gắt, đèn nhấp nháy để giảm đau đầu.
Trên đây Medigo đã chia sẻ các thông tin giúp người bệnh có thêm các kiến thức sử dụng thuốc giảm đau đầu hiệu quả. Ngoài ra, hiện nay có nhiều phương pháp giảm đau đầu có thể kết hợp với nhau. Người bệnh có thể lựa chọn thuốc giảm đau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của cơn đau, có thể áp dụng các cách trị đau đầu phù hợp và nhanh chóng. Trong quá trình dùng thuốc điều trị, nếu tình trạng cơn đau đầu còn kéo dài, triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc trầm trọng thêm, người bệnh nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để tư vấn hướng điều trị cho phù hợp.
Đánh giá bài viết này
(10 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm