lcp

Cách chọn thuốc nhỏ mắt viêm kết mạc phù hợp với từng người

4.3

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI

Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024

Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu

Viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ là một bệnh lý khá phổ biến và rất dễ lây lan thành dịch bệnh nhất là vào mùa hè và mùa thu, lúc giao mùa khi không khí có độ ẩm cao, thường là lúc nắng nóng chuyển sang mưa. Dù bệnh không thực sự gây nguy hiểm đến sức khỏe tuy nhiên lại ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, nếu không được điều trị nhanh và kịp thời sẽ có khả năng gây ảnh hưởng đến thị lực. Một trong những phương pháp điều trị viêm kết mạc là sử dụng loại thuốc nhỏ mắt phù hợp với nguyên nhân gây bệnh. Sau đây hãy cùng Medigo app tìm hiểu thêm các thông tin về viêm kết mạc và cách chọn các loại thuốc nhỏ mắt viêm kết mạc phù hợp.

1. Tổng quan về bệnh viêm kết mạc

Viêm kết mạc là tình trạng viêm phần kết mạc (lớp mô mỏng trong suốt nằm trên phần tròng trắng của mắt là bên trong mí mắt), thường là hậu quả của nhiễm trùng (do vi khuẩn hoặc virus) hoặc do phản ứng dị ứng:

  • Virus: viêm kết mạc do virus khu trú mà không có biểu hiện toàn thân thường do virus Adenovirus hoặc có thể là triệu chứng kèm theo của các bệnh nhiễm trùng do virus khác (bệnh sởi, thủy đậu, quai bị,...)
  • Vi khuẩn: thường do liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn gây ra
  • Dị ứng: môi trường nhiều tác nhân như khói bụi, phấn hoa, điều kiện vệ sinh kém hoặc sử dụng nguồn nước ô nhiễm 

Tùy vào từng nguyên nhân gây bệnh mà các triệu chứng cũng sẽ khác nhau:

  • Virus: chảy nước mắt, kích ứng, có hạch to và đau, ngứa mắt. Ngoài ra còn có các triệu chứng điển hình của các bệnh nhiễm trùng do virus khác như sốt, chảy nước mũi, không chịu được ánh sáng,....
  • Vi khuẩn: ngứa, chảy nước mắt, thường xuất hiện gỉ mắt xanh hoặc vàng ở mi mắt, phù mi mắt, phù kết mạc cùng các biến chứng khác như loét giác mạc, bội nhiễm, viêm toàn nhãn và có thể gây mù lòa.
  • Dị ứng: chỉ thường xuất hiện theo mùa hoặc khi xuất hiện các tác nhân dị ứng kèm theo các triệu chứng ngứa mắt, chảy nước mắt nhiều, sung huyết kết mạc cùng với các triệu chứng của các bệnh dị ứng khác (viêm mũi dị ứng, hen suyễn,...). Khác với nguyên nhân do virus và vi khuẩn, viêm kết mạc do dị ứng không có khả năng lây lan giữa người với người.

2. Một số loại thuốc nhỏ mắt viêm kết mạc

Bởi bệnh viêm kết mạc do rất nhiều nguyên nhân gây ra vì vậy bác sĩ sẽ lựa chọn các loại thuốc điều trị phù hợp với từng mặt bệnh bao gồm cả điều trị nguyên nhân và điều trị giảm triệu chứng.

thuốc nhỏ mắt trị viêm kết mạc

Tránh để đầu thuốc nhỏ mắt chạm vào mắt hoặc chỗ bẩn

2.1 Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh thường được sử dụng trong các trường hợp viêm kết mạc do vi khuẩnTiết dịch mủ là một triệu chứng đặc trưng thường có trong các bệnh do vi khuẩn gây ra. Thuốc có tác dụng làm giảm biến chứng gây ra do vi khuẩn cũng như làm giảm khả năng lây lan nguồn bệnh. Một số loại kháng sinh phổ rộng thường được tìm thấy trong thành phần của thuốc như: Polymyxin B, Ofloxacin, Tobramycin, Neomycin,... 

Thuốc kháng sinh nhỏ mắt có tác dụng khá nhanh tuy nhiên không nên sử dụng trong thời gian quá 1 tuần. Tuy nhiên, thuốc nhỏ mắt kháng sinh có khả năng gây dị ứng, kích ứng khi sử dụng. Một điểm cần lưu ý đó là thuốc nhỏ mắt kháng sinh hầu như không có hiệu quả trong điều trị viêm kết mạc do virus và dị ứng

2.2 Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Thuốc chống viêm không steroid thường được dùng làm giảm các triệu chứng sưng, nóng, mẩn đỏ, ngứa ngáy trên da do viêm. Thuốc chống viêm không steroid thường có các thành phần có tác dụng kháng viêm hiệu quả như: indomethacin, diclofenac,...

2.3 Thuốc corticoid (corticosteroid)

Thuốc chủ yếu được dùng trong điều trị các bệnh viêm nhiễm và tự miễn. Thuốc thường dùng hiệu quả với tình trạng viêm kết mạc nặng để làm giảm tình trạng viêm. Thành phần của thuốc thường chứa các dược chất như: dexamethason, prednisolon, fluoromethane.

Tuy nhiên thuốc có nhiều tác dụng phụ khá nghiêm trọng như: tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể cũng như các tác dụng phụ toàn thân khác. Vì vậy, thuốc chỉ nên được sử dụng khi có sự chỉ định của bác sĩ.

2.4 Thuốc kháng histamin

Thuốc kháng histamin thường được dùng điều trị đối với trường hợp viêm kết mạc do dị ứng. Các thành phần trong thuốc kháng histamin có tác dụng chống dị ứng thường là diphenhydramine, antazoline, chlorpheniramine,... nhờ cơ chế ức chế histamin - chất trung gian hóa học tham gia vào phản ứng viêm và gây ngứa.

2.5 Thuốc nhỏ mắt kết hợp

Thuốc nhỏ mắt kết hợp là thuốc có các thành phần của nhiều nhóm thuốc khác nhau như thuốc kháng sinhthuốc kháng viêm corticosteroid,.... nhằm đem lại hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh.

2.6 Thuốc nhỏ mắt nhân tạo

Thuốc nhỏ mắt nhân tạo hay còn có tên gọi khác là nước mắt nhân tạo là loại dung dịch có thành phần tương tự nước mắt tự nhiên. Thuốc có tác dụng làm sạch bề mặt, rửa trôi bụi bẩn, cung cấp độ ẩm cho mắt cũng như ngăn chặn sự xâm nhập của các vị khuẩn vào trong mắt. Thuốc nhỏ mắt nhân tạo được khuyến khích sử dụng trong các trường hợp viêm kết mạc do virus, vi khuẩn và dị ứng để giảm tình trạng khô mắt cũng như loại bỏ các tác nhân gây viêm kết mạc.

3. Cách chọn thuốc nhỏ mắt viêm kết mạc phù hợ

Có hai tiêu chí chính khi chọn thuốc nhỏ mắt bao gồm: dựa trên nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh

3.1 Dựa trên nguyên nhân gây bệnh

Như đã trình bày ở trên, có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc và mỗi nguyên nhân ta cần lựa chọn loại nhỏ mắt phù hợp để điều trị đạt hiệu quả cao.

  • Nguyên nhân do virus: nên chọn thuốc nhỏ mắt có các thành phần chống viêm như thuốc kháng viêm không steroid (indomethacin, diclofenac) hoặc thuốc corticoid (dexamethason, prednisolon) để điều trị tình trạng sưng, nóng, đau, ngứa mắt. Dù vậy cũng cần chú ý các thuốc có thành phần corticoid không nên sử dụng trong thời gian dài ( hơn 1 tuần) để tránh các tác dụng phụ như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể,...
  • Nguyên nhân do vi khuẩn: nên chọn thuốc nhỏ mắt kháng sinh có thành phần kháng khuẩn như: polymyxin B, ofloxacin, tobramycin, neomycin,...
  • Nguyên nhân do dị ứng: nên chọn thuốc nhỏ mắt kháng histamin có các thành phần như: diphenhydramine, antazoline, chlorpheniramine,...

3.2 Dựa trên tình trạng bệnh

  • Viêm kết mạc nhẹ: nên dùng nước nhỏ mắt nhân tạo để làm sạch các tác nhân dị ứng cũng như tránh để khô mắt.
  • Viêm kết mạc nặng: tùy thuộc vào mục đích điều trị mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc nhỏ mắt phù hợp.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt cho bệnh viêm kết mạc

thuốc nhỏ mắt viêm kết mạc

Sử dụng thuốc nhỏ mắt sai cách có thể gây tổn thương đến mắt

  • Nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ, liều dùng trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đối với từng loại thuốc nhỏ mắt khác nhau. Ngay cả thuốc nhỏ mắt nhân tạo nếu lạm dụng cũng dẫn đến những biến chứng cho mắt.
  • Không được sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc nhỏ mắt khác nhau, đối với trường hợp người bệnh có chỉ định 2 loại thuốc trở lên nên dùng cách nhau 5-10 phút.
  • Trong quá trình sử dụng thuốc, đậy nắp ngay khi sử dụng, hạn chế tối đa khả năng nhiễm bẩn cho đầu lọ thuốc. Chỉ nên dùng thuốc nhỏ mắt trong vòng 2-4 tuần sau khi mở nắp đầu tiên.
  • Vệ sinh mắt sạch sẽ, hạn chế nguy cơ tiếp xúc với tác nhân gây bệnh bằng cách: sử dụng nước rửa mặt đảm bảo vệ sinh, không chạm tay, đưa tay vào mắt, loại bỏ các tác nhân khỏi môi trường xung quanh,....

Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, liên hệ đội ngũ Bác sĩ của chúng tôi thông qua HOTLINE hoặc ứng dụng MEDIGO

Trải nghiệm ngay các tiện ích trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa MEDIGO. Tải App TẠI ĐÂY.

Đánh giá bài viết này

(6 lượt đánh giá).
4.3
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm