lcp

Thuốc sử dụng trong các bệnh lý về tuyến giáp

4.5

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

BS.CKI Bon Dơng Thái Hiền

Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024

Chuyên khoa: Nội tổng quát-Nội tiết

Điều trị cường giáp tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, với mục tiêu đưa lượng hormone tuyến giáp trở về bình thường, giảm các triệu chứng khó chịu gây ra do nồng độ hormone này trong máu tăng cao. Cùng tìm hiểu một số loại thuốc sử dụng trong các bệnh lý về tuyến giáp trong bài viết này nhé.

1. Tổng quan về chức năng tuyến giáp

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể, có hình cánh bướm và nằm ở phía trước cổ. Tuyến giáp kiểm soát các hoạt động của cơ thể thông qua việc sản xuất và tiết ra các hormone, bao gồm:

  • Thyroxine (T4): Hormone chính được tuyến giáp sản xuất và giải phóng. Khi vào máu, hormone này có thể chuyển đổi thành T3 thông qua quá trình khử i-ốt. Do đó, T4 đóng vai trò như một hormone dự trữ và không ảnh hưởng nhiều đến quá trình trao đổi chất của cơ thể.
  • Triiodothyronine (T3): T3 là hormone tuyến giáp dạng hoạt động, được tạo ra từ T4. Lượng hormone T3 được tuyến giáp sản xuất ít hơn nhiều so với T4.
  • Triiodothyronine đảo ngược (RT3): Được tuyến giáp sản xuất với lượng rất nhỏ, có thể đảo ngược tác dụng của T3.
  • Calcitonin: Làm giảm canxi huyết thanh do đáp ứng với tình trạng tăng canxi máu.

Nhiệm vụ của tuyến giáp là kiểm soát tốc độ trao đổi chất, quá trình cơ thể biến thức ăn thành năng lượng để cung cấp năng lượng cho các tế bào hoạt động. Do đó, khi có bất thường trong hoạt động tuyến giáp, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.

2. Các bệnh lý tuyến giáp

Khi có các rối loạn xảy ra ở tuyến giáp sẽ dẫn đến việc tuyến này sản xuất ra quá ít hormone giáp (suy giáp), hoặc quá nhiều (cường giáp). Rối loạn chức năng tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, tâm trạng, sự trao đổi chất, quá trình mang thai, xương và nhiều chức năng khác.

Cường giáp: có thể dẫn đến bệnh Graves, các triệu chứng gồm đổ mồ hôi, rối loạn nhịp tim, sụt cân, lồi mắt và căng thẳng.

Suy giáp: Các triệu chứng của suy giáp có thể bao gồm mệt mỏi, tăng cân, trầm cảm, bất thường trong phát triển xương và chậm lớn. Nguyên nhân chủ yếu do cơ chế tự miễn: cơ thể sản xuất ra các kháng thể tấn công tuyến giáp.

Viêm tuyến giáp Hashimoto: là một rối loạn tự miễn, khiến tuyến giáp viêm mãn tính. Tình trạng này có thể gây bướu cổ (phì đại tuyến giáp)

U tuyến giáp lành tính: là các khối u xuất hiện ở tuyến giáp không phải ung thư. Bản thân u tuyến có thể tiết hormone giáp và gây cường giáp. Bệnh nhân thường không có triệu chứng gì, ngoại trừ trường hợp tuyến giáp tăng kích thước nhanh, gây chèn ép các bộ phận xung quanh như khí quản và thực quản.

Ung thư tuyến giáp: Ung thư tuyến giáp thường xảy ra ở những người đã từng xạ trị đầu, cổ hoặc ngực. Hầu hết ung thư tuyến giáp đều có tiên lượng tốt và đáp ứng điều trị.

3. Thuốc sử dụng trong các bệnh lý tuyến giáp

Cường giáp

Điều trị cường giáp tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, với mục tiêu đưa lượng hormone tuyến giáp trở về bình thường, giảm các triệu chứng khó chịu gây ra do nồng độ hormone này trong máu tăng cao. Các thuốc sử dụng trong cường giáp bao gồm:

I-ốt phóng xạ: i-ốt phóng xạ trong điều trị cường giáp thường được sử dụng bằng đường uống, dưới dạng viên hoặc dung dịch. Các tế bào sản xuất hormone giáp hấp thu i-ốt phóng xạ bị phá huỷ, giảm kích thước tuyến giáp và đưa nồng độ hormone giáp trong máu trở về bình thường. Liệu pháp i-ốt phóng xạ đã được sử dụng thời gian dài và không có bằng chứng nào cho thấy Iốt phóng xạ làm tăng tỷ lệ mắc u bướu, ung thư bạch cầu, ung thư tuyến giáp.

Thuốc kháng giáp: ngăn chặn tuyến giáp sản xuất thêm hormone giáp, trong đó có 2 loại thuốc được sử dụng phổ biến bao gồm methimazole - ưu tiên hơn do ít tác dụng phụ và propylthiouracil. Khi sử dụng đúng cách, các thuốc kháng giáp thường sẽ kiểm soát tình trạng cường giáp trong vài tuần. Tuy nhiên, vấn đề chính của loại thuốc này là vấn đề sẽ quay trở lại sau khi ngưng thuốc. Do đó, bệnh nhân thường tìm kiếm các phương pháp điều trị lâu hơn như sử dụng i-ốt phóng xạ hoặc phẫu thuật cắt bỏ. Tác dụng phụ của nhóm thuốc này gồm phát ban, dị ứng , bất thường chức năng gan (đặc biệt tình trạng suy gan do propylthiouracil). Một số trường hợp hiếm, bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng giảm bạch cầu đột ngột.

Thuốc chẹn beta: thuốc chẹn beta không làm tuyến ngưng sản xuất hormone giáp nhưng có thể làm giảm các triệu chứng của cường giáp nhờ giảm kích thích giao cảm. Các triệu chứng tim nhanh, run, hồi hộp, đổ mồ hôi và tiêu chảy thường đáp ứng với các thuốc chẹn beta, do đó chúng được sử dụng để giảm khó chịu cho bệnh nhân cho đến khi các thuốc khác bắt đầu có tác dụng (thuốc kháng giáp thường mất vài tuần mới đạt hiệu quả tối đa). Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân có hội chứng Raynaud (thay đổi màu sắc ngón tay và ngón chân khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp), phải thông báo cho bác sĩ điều trị biết do thuốc chẹn beta làm trầm trọng thêm tình trạng này.

Suy giáp

Sử dụng liệu pháp hormone thay thế là phương pháp chính được sử dụng trong điều trị suy giáp để bù lại lượng hormone giáp mà tuyến giáp không sản xuất đủ. Trong đó, chế phẩm hormone tuyến giáp thay thế thường được sử dụng nhất là levothyroxine. Quá trình điều trị thường bắt đầu bằng liều thấp levothyroxine, sau đó tăng dần tuỳ theo đáp ứng của bệnh nhân. Một số bệnh nhân thấy triệu chứng cải thiện ngay sau khi bắt đầu điều trị, một số khác thì không nhận thấy sự thay đổi trong vòng vài tháng sử dụng. Nhìn chung, suy giáp là một bệnh có thể kiểm soát được, tuy nhiên, bệnh nhân phải dùng thuốc cả đời để duy trì lượng hormone giáp cần thiết trong cơ thể.

Nhìn chung, các bệnh lý về tuyến giáp thường là những tình trạng kéo dài suốt đời và yêu cầu bệnh nhân phải kiểm soát liên tục. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể sống chung với các bệnh lý tuyến giáp mà không gặp bất kỳ hạn chế gì. Việc tuân thủ nghiêm túc mọi hướng dẫn của bác sĩ ở bất kỳ phương pháp điều trị nào sẽ khiến bệnh không trở nên trầm trọng hơn và có chuyển biến tốt.


Nguồn tài liệu tham khảo:

Đánh giá bài viết này

(4 lượt đánh giá).
4.5
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm