Acid acetic
Tên quốc tế: Acetic Acid (Axit Axetic)
Loại thuốc: Kháng khuẩn, kháng nấm
Dạng thuốc và hàm lượng:
- Dung dịch xịt tai 2% (kl/kl).
- Dung dịch nhỏ tai 2% (kl/kl).
- Gel bôi âm đạo 0,9%.
- Dung dịch rửa bàng quang 0,25%.
Dược lực học
Acetic acid có hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm.
Acetic acid có khả năng chống lại các loài vi khuẩn Haemophilus, Pseudomonas và vi nấm Candida, Trichomonas...
Dược động học
Hấp thu: Acetic acid chỉ có tác dụng tại chỗ, rất ít được hấp thu vào tuần hoàn chung.
Chỉ định của Acid acetic
Điều trị nhiễm trùng bề mặt ống tai ngoài gây ra bởi các vi khuẩn còn nhạy cảm với chất kháng khuẩn.
Phục hồi và duy trì độ acid của âm đạo.
Rửa bàng quang liên tục hoặc ngắt quãng để ngăn ngừa sự tăng sinh của vi khuẩn tiết niệu nhạy cảm (đặc biệt là vi khuẩn sinh amoniac) cho bệnh nhân đặt ống thông niệu đạo trong thời gian dài.
Rửa ống thông niệu đạo.
Chống chỉ định Acid acetic
Có tiền sử quá mẫn nghiêm trọng với dung dịch Acetic Acid.
Bệnh nhân bị thủng màng nhĩ.
Bệnh nhân đang phẫu thuật nội soi tiết niệu.
Thận trọng khi dùng Acid acetic
Dung dịch xịt hay nhỏ tai
Ngừng sử dụng nếu xảy ra hiện tượng mẫn cảm hoặc kích ứng.
Không sử dụng hơn 7 ngày. Tránh xịt gần mắt.
Trong quá trình sử dụng, nếu bệnh nhân gặp một trong các vấn đế như bị đau tai, suy giảm thính giác, các triệu chứng xấu đi hoặc không cải thiện trong vòng 48 giờ thì nên ngừng điều trị và tham khảo ý kiến bác sĩ.
Không nên chỉ định dạng xịt tai cho trẻ em dưới 12 tuổi và dạng nhỏ tai cho trẻ em dưới 3 tuổi.
Có thể gặp phải cảm giác châm chích hoặc bỏng rát thoáng qua trong những lần đầu tiên sử dụng cho tai bị viêm cấp tính.
Dung dịch rửa bàng quang
Trong khi rửa, bệnh nhân bị đau hoặc tiểu máu, nên ngừng thuốc và kiểm tra lại.
Dung dịch này có thể gây kích thích vết thương khi sử dụng cho bệnh nhân đang bị tổn thương niêm mạc bàng quang. Sự hấp thu qua vết thương hở trên niêm mạc bàng quang có thể dẫn đến nhiễm toan toàn thân.
Sử dụng ngay khi mở nắp chai để tránh nhiễm khuẩn và bỏ phần dung dịch còn dư.
Không làm nóng dung dịch quá 66°C (150°F).
Phụ nữ có thai
Dung dịch xịt, nhỏ tai: Chưa có nghiên cứu về tính hiệu quả và an toàn cho việc sử dụng Acetic Acid trong thời kỳ mang thai.
Gel bôi âm đạo, dung dịch rửa bàng quang: Chỉ sử dụng cho phụ nữ mang thai khi thật cần thiết.
Phụ nữ cho con bú
Dung dịch xịt, nhỏ tai và gel bôi âm đạo: Chưa có nghiên cứu về tính hiệu quả và an toàn của Acetic Acid cho phụ nữ cho con bú.
Liều dùng và cách dùng Acetic acid
Liều dùng
Người lớn và người cao tuổi
Dung dịch xịt tai:
- Liều lượng: 1 liều (60 mg) mỗi bên tai bị ảnh hưởng ít nhất 3 lần/ ngày (sáng, tối và sau khi bơi hoặc tắm).
- Liều tối đa: mỗi 2 - 3 giờ xịt một lần.
- Sau khi các triệu chứng đã biến mất, tiếp tục điều trị thêm 2 ngày nhưng tổng thời gian dùng thuốc không quá 7 ngày.
Dung dịch nhỏ tai:
- Liều lượng: 5 giọt x 3-4 lần/ngày.
Gel bôi âm đạo :
- Bôi đều một lượng thuốc vừa đủ vào âm đạo mỗi buổi sáng và buổi tối.
Dung dịch rửa bàng quang:
- Rửa bàng quang liên tục và ngắt quẵng: 500 - 1500 mL mỗi 24 giờ.
- Rửa ống thông niệu đạo định kỳ: 50 mL cho mỗi lần rửa.
Trẻ em
Dung dịch xịt tại:
- Trẻ em trên 12 tuổi dùng liều như người lớn.
Dung dịch nhỏ tai:
- Trẻ em trên 3 tuổi: 3-4 giọt x 3-4 lần/ngày.
Cách dùng
Dung dịch xịt tai:
Trước khi sử dụng thuốc lần đầu tiên, ấn vòi bơm từ 6 - 10 lần cho đến khi dung dịch phun ra dạng hạt mịn và đồng đều.
Sử dụng trong vòng 1 tháng kể từ lần xịt đầu tiên.
Nếu đã hơn một tuần kể từ lần sử dụng cuối cùng, cần loại bỏ phần dung dịch còn tồn trong buồng bơm bằng cách ấn vòi bơm 1 hoặc 2 lần.
Dung dịch nhỏ tai:
Trước khi nhỏ thuốc nên loại bỏ ráy tai để dung dịch thuốc được tiếp xúc trực tiếp trên bề mặt bị nhiễm khuẩn.
Thấm ướt bông bằng dung dịch và nhét vào ống tai ngoài.
Giữ bông trong ít nhất 24 giờ và giữ ẩm bằng cách nhỏ thêm 3-5 giọt dung dịch thuốc sau mỗi 4-6 giờ.
Gỡ bỏ bông sau 24 giờ. Sau đó, tiếp tục nhỏ 5 giọt vào mỗi bên tai 3-4 lần mỗi ngày theo thời gian chỉ định.
Không chạm đầu nhỏ giọt vào tai hoặc chạm vào bề mặt bất kỳ vì có thể gây ra nhiễm khuẩn. lau sạch đầu nhỏ giọt bằng khăn giấy sạch, không rửa với nước hoặc xà phòng.
Gel bôi âm đạo:
Rửa tay trước và sau khi sử dụng thuốc gel.
Có thể sử dụng băng vệ sinh để ngăn thuốc làm bẩn quần áo, nhưng không sử dụng tampon.
Dung dịch rửa bàng quang:
Sử dụng trong bệnh viện với sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
Điều chỉnh tốc độ rửa để duy trì độ pH trong nước tiểu từ 4,5 đến 5,0.
Tác dụng không mong muốn
Thường gặp
Ngứa thoáng qua, bỏng rát thoáng qua sau khi dùng thuốc trong vài ngày đầu điều trị đầu tiên.
Hiếm gặp
Kích ứng tại chỗ.
Không xác định tần số
Dung dịch tưới bàng quang: Nhiễm toan toàn thân, đau và tiểu máu.
Quá liều và xử trí
Quá liều và độc tính
Hầu như không xảy ra tình trạng quá liều khi dùng Acetic Acid ở những dạng bào chế này.
Cách xử lý khi quá liều
Nếu vô tình nuốt phải Acetic Acid, có thể phải trung hòa thuốc bằng cách uống sữa hoặc nước.
Nếu bị nhiễm toan chuyển hoá do dung dịch rửa bàng quang cần ngưng rửa, theo dõi nồng độ điện giải, thể tích tuần hoàn và sử dụng biện pháp điều trị phù hợp.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm