lcp

Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo: Đặc điểm, công dụng và cách dùng hiệu quả


Bạch hoa xà thiệt thảo hay còn được gọi là cỏ lưỡi rắn hoa trắng, cây lữ đồng, giáp mãnh thảo, thuộc họ Cà phê với danh pháp khoa học là Rubiaceae. Cây thường mọc hoang ở bờ ruộng, sườn núi, hai bên đường đi. Trong y học, Bạch hoa xà thiệt thảo có thể dùng ngoài để chữa vết thương, vết rắn cắn hay do côn trùng đốt hoặc dùng trong các bài thuốc uống với nhiều công dụng khác nhau như thanh nhiệt, giải độc, kháng viêm, kháng khuẩn và kháng khối u.

Bạch hoa xà thiệt thảo là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước, tuy nhiên, gần đây tác dụng chữa ung thư của dược liệu này đang được chú ý hơn cả. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của Bạch hoa xà thiệt thảo cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Bạch hoa xà thiệt thảo, cỏ lưỡi rắn hoa trắng, cây lữ đồng, giáp mãnh thảo.
  • Tên khoa học: Hedyotis diffusa Willd.
  • Họ: Cà Phê (Rubiaceae).
  • Công dụng: Bạch hoa xà thiệt thảo có thể dùng ngoài để chữa vết thương, vết rắn cắn hay do côn trùng đốt hoặc dùng trong các bài thuốc uống với nhiều công dụng khác nhau như thanh nhiệt, giải độc, kháng viêm, kháng khuẩn và kháng khối u.

Mô tả Bạch hoa xà thiệt thảo

Thân cây non có 4 cạnh, thân cỏ, màu xanh hoặc nâu. Cây già thân tròn, màu tím hoặc nâu đậm, bề mặt sần. Cây mọc bò dưới đất.

Lá đơn, không có cuống, lá có hình phiến thuôn hẹp nhọn ở đầu, kích thước: dài khoảng 2cm, rộng khoảng 2mm, mọc đối, mặt trên màu xanh đậm có đốm, mặt dưới màu nhạt hơn, có 1 gân chạy ở mặt dưới. Cây có lá kèm màu xanh nhạt, cao khoảng 2mm.

Hoa mọc riêng lẻ, đều, nhỏ, lưỡng tính, mẫu 4. Cuống hoa dài khoảng 1 - 5 mm, có màu nâu.

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Ở Việt Nam, chi Hedyotis L. có khoảng 60 loài. Trong đó, bạch hoa xà thiệt thảo là loài phân bố phổ biến khắp nơi. Tuy nhiên, ở các tỉnh ven biển miền Trung, Khu IV cũ và trung du Bắc Bộ thường gặp nhiều hơn các tỉnh khác.

Cây còn phân bố ở nhiều nước khác như Ấn Độ, Srilanca, Malaysia, Thái Lan và vùng phía nam Trung Quốc. Bạch hoa xà thiệt thảo là cây ưa ẩm, ưa sáng thường mọc rải rác hoặc thành từng đám ở vườn, ven đường đi và nhất là ở các gò đất cao, ruộng trồng màu ở vùng trung du. Hàng năm, cây con mọc từ hạt và sinh trưởng, phát triển nhanh trong mùa hè. Sau khi có hoa quả, toàn cây tàn lụi vào giữa mùa thu.

Cần lưu ý, hạt bạch hoa xà thiệt thảo tồn tại 5-6 tháng qua mùa đông và gần hết mùa xuân năm sau mới nảy mầm.

Nguồn bạch hoa xà thiệt thảo mọc tự nhiên khá phong phú. Song, muốn chủ động về nguyên liệu để làm thuốc, cần thiết vẫn phải trồng. Cây trồng bằng hạt vào mùa xuân hoặc đầu mùa hè, sau 3-4 tháng có thể thu hoạch.

Bộ phận sử dụng của Bạch hoa xà thiệt thảo

Toàn cây.

Thành phần hóa học

Trong cây bạch hoa xà thiệt thảo có các osid như asperulosid; scandosid methyl ester; 6.0.p coumaroyl scandosid; methyl ester; 6.0. p.coumaroylscarđosid methyl ester 6.0. feruscandosid methyl ester; các acid asperulosidic, deacetyl – asperulosidic, oleanolic; p.coumaric; stigmasterol, p. sitosterol và sitosterol – o – glucose.

Tác dụng của Bạch hoa xà thiệt thảo

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, Bạch hoa xà thiệt thảo có vị ngọt và đắng, tính hàn vào các kinh vị, đại tràng, tiểu tràng. Tác dụng:

Thanh nhiệt, giải độc, dùng ngoài cho vết thương rắn cắn, côn trùng đốt hoặc đau nhức xương khớp.

Dùng điều trị bệnh lý hô hấp như hen suyễn, viêm họng, viêm amidan và các bệnh lý vùng tiết niệu, sinh dục.

Hỗ trợ điều trị một số bệnh lý ung thư giai đoạn sớm như ung thư dạ dày, ung thư trực tràng, ung thư gan.

Theo y học hiện đại

Tác dụng kháng viêm

Nước sắc H. diffusa giúp hỗ trợ chức năng của bạch cầu và hệ võng nội mô.

Tác dụng chống khối u, kháng ung thư

Có tác dụng với một số ung thư huyết học và một số carcinom. Thử nghiệm trên chuột cho thấy kích thích tế bào lách ở chuột, cải thiện điều hoà miễn dịch.

Tăng cường bảo vệ thần kinh

Liều lượng và cách dùng Bạch hoa xà thiệt thảo

Liều từ 15 - 60 g/ngày dạng khô, hoặc 60 - 320 g dạng tươi giã nát đắp tại chỗ hoặc có thể dùng phối hợp trong các bài thuốc.

Bài thuốc chữa bệnh từ Bạch hoa xà thiệt thảo

Chữa viêm thận cấp có phù, nước tiểu có albumin: Bạch hoa xà thiệt thảo, xa tiền thảo, mỗi thứ 15g, mao cân 30g, sơn chi tử 9g, tô diệp 6g. sắc nước uống.

Chữa sỏi mật, viêm ống mật: Bạch hoa xà thiệt thảo, nhân trần, kim tiền thảo, mỗi thứ 30g, làm thành thuốc lợi đờm, uống.

Chữa mụn nhọt, vết thương sưng đau: Bạch hoa xà thiệt thảo 30 – 60g (tương đương 125 – 259 dược liệu tươi), sắc nước uống.

Chữa trẻ em kinh nhiệt (sốt, co giật), khó ngủ: Bạch hoa xà thiệt thảo tươi, giã nát, vắt lấy nước, uống mỗi lần một thìa canh, ngày 2-3 lần.

Thuốc tiêm bạch hoa xà thiệt thảo: Mỗi ống 2ml, dung dịch trong vàng thẫm, dùng tiêm bắp thịt, mỗi lần 2-4ml, ngày 2 lần. Dùng chữa viêm nhiễm đường hô hấp trên, viêm amydal, viêm phổi, viêm túi mật, viêm ruột thừa, còn dùng trong điều trị ung thư.

Lưu ý khi sử dụng Bạch hoa xà thiệt thảo

Phụ nữ mang thai thận trọng khi sử dụng.

Thí nghiệm ở chuột cho thấy Bạch hoa xà thiệt thảo ức chế quá trình sinh tinh trùng, vì vậy, đàn ông yếu sinh lý cần lưu ý.

Tránh nhầm lẫn Bạch hoa xà thiệt thảo tên khoa học Herba Hedyotidis diffusae với Bạch hoa xà tên khoa học Plumgbago zeylanica L.

Bảo quản dược liệu Bạch hoa xà thiệt thảo

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Bạch hoa xà thiệt thảo cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.