lcp

Cỏ Mật


Cỏ mật hay còn được gọi là Cỏ đường, Cỏ ngọt…thuộc họ Lúa (Poaceae) với tên khoa học là Eriochloa procera (Retz.) C. Hubb. Trong y học, Cỏ mật có tác dụng giải độc gan, nhuận gan, ... đây còn là một vị thuốc quý với bệnh nhân tiểu đường, người cao huyết áp hay những người đang có chế độ ăn kiêng.

Là một loài thực vật còn xa lạ với không ít người nhưng từ lâu Cỏ mật đã được sử dụng để làm thuốc trong dân gian. Tuy nhiên, nếu không dùng đúng cách và đúng liều lượng có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Vì vậy, hãy cùng Medigo tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Cỏ mật cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

Tên Tiếng Việt: Cỏ mật.

Tên khác: Cỏ đường; Cỏ ngọt; Cúc ngọt…

Tên khoa học: Eriochloa procera (Retz.) C. Hubb.

Họ: Lúa (Poaceae)

Mô tả cây Cỏ mật

Cây thảo, sống lâu năm. Rễ hình sợi, mọc dày đặc. Thân rễ ngắn, mọc bò dài. Thân khí sinh mọc thành bụi dày, nhẵn, có lông ở các đốt, cao 0,30 – 1,50m. Lá mọc so le, hình dải, đầu nhọn, mép hơi nháp, bẹ lá xoè rộng, lưỡi bẹ rất ngắn, có lông.

Cụm hoa mọc thành bông đơn hoặc phân nhánh, dài 5 – 13cm, cuống chung mảnh, nhẵn, bông nhỏ xếp lớp rất thưa mọc so le, hơi thẳng đứng, hình bầu dục nhọn, có lông cứng ở đỉnh, không có mày ngoài, mày trong mềm nhọn, mép hơi gập lại, có lông mềm.

Cuống hoa nhỏ, có lông, hoa dưới không sinh sản, hoa trên dẹt lưỡng tính, màu xám, bóng, 3 nhị, hình sợi mảnh, bầu noãn dài nhẵn, có 2 vòi nhụy, nhụy phát triển, màu đen hơi đỏ nhạt.

Quả bên trong mày hoa, gốc rất nhọn, đầu tù, nhẵn, dẹt, có vòi.

 

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Trong thiên nhiên, Eriochloa H.B.K là một chi nhỏ, gồm một số loài cỏ sống một năm hay nhiều năm, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới.

Ở Việt Nam, Cỏ mật phân bố rải rác ở vùng đồng bằng và trung du, đôi khi cũng gặp ở vùng núi thấp. Cây ưa sáng, thường mọc trên đất ẩm lẫn với các loại cỏ khác ở bãi sông, ruộng trồng hoa màu, ven đường hay nương rẫy. Cây con mọc từ hạt vào khoảng cuối tháng 3 đến tháng 5. Sau mùa hoa quả, cây tàn lụi. Tốc độ sinh trưởng và chiều cao của cỏ mật tùy thuộc vào nơi sống. Những cây mọc ở đất trống thường thấp và các cành nhánh ở gốc có xu hướng nằm ngang. Trong khi đó, cây mọc lẫn với lúa, ngô, đậu hoặc các loại cỏ cao khác thường có sự cạnh tranh ánh sáng nên chiều cao đến 1m hoặc hơn.

Cỏ mật là nguồn thức ăn của trâu, bò, nhưng có hại cho cây trồng.

Bộ phận sử dụng của Cỏ mật

Bộ phận dùng làm thuốc: toàn thân cây đặc biệt là rễ cỏ mật. Thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.

Thành phần hóa học

Hiện nay, nghiên cứu về thành phần hóa học và tác dụng của loài cỏ này còn rất hạn chế.

Tác dụng của Cỏ mật

Theo y học cổ truyền

Nhờ tác dụng hạ sốt mà Cỏ mật được sử dụng để chữa các triệu chứng của cảm sốt, cúm, sốt xuất huyết...

Theo y học hiện đại

Chất stevioside trong cỏ mật được chứng minh là có độ ngọt gấp khoảng 300 lần đường kính. Tuy nhiên nó lại không bị phân hủy, lên men, đồng thời chứa rất ít năng lượng.

Cỏ mật chính là nguyên liệu làm gia tăng vị ngọt tự nhiên cho các món ăn, nhất là đối với chế độ ăn của bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường hay những người ăn kiêng.

Chiết xuất etanolic của lá cỏ mật còn được đánh là rất giàu axit isochlorogen và không có tác dụng phụ.

Theo nghiên cứu của các tác giả Lê Văn Công, Đỗ Trung Đàm, cho thấy rằng Cỏ mật có tác dụng hạ sốt.

Liều lượng và cách dùng Cỏ mật

Dược liệu cỏ mật thường được sử dụng tương tự như 1 loại trà. Ngoài ra, nó còn được thêm vào món ăn nhằm tạo vị ngọt tự nhiên. Liều lượng sử dụng tùy thuộc vào mục đích, liều thường dùng là từ 8 – 12g.

Bài thuốc chữa bệnh từ Cỏ mật

Hỗ trợ điều trị đái tháo đường

Chuẩn bị: 2,5g lá cây Cỏ mật phơi khô.

Thực hiện: Cho dược liệu vào ấm và thêm 200ml nước đun đến khi còn 50ml. Mỗi ngày sắc uống 2 lần. Sử dụng đều đặn trong thời gian dài mới thấy được tác dụng.

Chữa cao huyết áp

Chuẩn bị: 6g lá Cỏ mật, 4g Hoa cúc, 12g Quyết minh tử (sao cháy) cùng với 10g Hoa hòe (sao vàng).

Thực hiện: Rửa sạch các vị thuốc trong bài thuốc rồi cho vào ấm, cùng với 1 thăng nước. Đun trong 10 phút, bỏ bã, mỗi ngày uống 1 thang.

Giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch

Chuẩn bị: 7,5g Cỏ mật phơi khô.

Thực hiện: Rửa sạch dược liệu rồi cho vào ấm sắc lấy nước. Lọc bỏ bã và chia làm nhiều lần để uống trong ngày. Sử dụng đều đặn nhiều ngày liền.

Chữa tiểu tiện không thông

Chuẩn bị: 6g Cỏ mật, 10 hạt Đào nhân, 4g Hồng hoa, 20g Đương quy, 12g Mẫu đơn bì, 20g Trư linh cùng 6g Xích thược.

Thực hiện: Cho hết các vị thuốc trong bài thuốc vào ấm. Sắc trên lửa nhỏ, bỏ bã chỉ lấy nước, uống 1 thang mỗi ngày.

Chữa bệnh phong, hư lao sau sinh

Chuẩn bị: 2,4g Cỏ mật, 2g Bá tử nhân, 2g Bạch truật, 2g Cảo bản, 2g Bạch chỉ, 2g Chích thảo, 2g Đan sâm, 2g Hậu phác, 4g Địa hoàng, 2,8g Đương quy, 2g Quế tâm, 2g Nhân sâm, 2g Phòng phong, 2g Xuyên khung cùng 2g Tế tân.

Thực hiện: Trộn các vị thuốc với nhau cho đều rồi tán thành bột mịn và làm thành hoàn.

Chữa rong huyết

Chuẩn bị: 20g Cỏ mật, 15g Chỉ hiên, 15g Mã đề, 15g Ké hoa vàng.

Thực hiện: Thái nhỏ các vị thuốc trên rồi sao vàng trên chảo nóng. Cho thuốc đã sao vàng vào ấm và thêm 3 bát nước, sắc đến khi còn 1 bát. Bỏ bã lấy nước rồi chia thành 2 lần uống, đều đặn mỗi ngày 1 thang trong 5 ngày liền.

Chữa mệt mỏi, mất ngủ sau sinh

Chuẩn bị: 20g Cỏ mật, 10g Ngải cứu, 20g Mạch đông, 4g Rẻ quạt, 6g Nhân trần, 4g vỏ quả Bưởi đào khô.

Thực hiện: Cho hết các vị thuốc trên vào ấm, sắc lấy nước, bỏ bã, uống 1 thang/ngày. Cần sử dụng liên tiếp trong 10 ngày.

Lưu ý khi sử dụng Cỏ mật

Kiêng kỵ:

  • Người dị ứng và mẫn cảm với Cỏ mật không nên dùng.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú khi sử dụng cần thận trọng.

Bảo quản Cỏ mật

Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt và ẩm mốc.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Cỏ mật. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Cỏ mật là loài cây mọc tự nhiên, tuy là dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh được những tác dụng phụ không mong muốn. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.