Cỏ may hay còn được gọi là Cây bông cỏ, Châm thảo, Thảo tử hoa, Thúy hồ điệp, Trúc tiết thảo, Thúy nga mi, Đát trúc hoa, Trúc thái, Nhả khoác, Co nhả khua, thuộc họ Lúa với danh pháp khoa học là Poaceae. Trong y học, Cỏ may có tác dụng Giải nhiệt, tiêu độc, lợi tiểu, hỗ trợ tiêu trừ giun sán, giun chui ống mật, giun đũa, giảm đau nhức xương, trong nhân dân, cây được dùng để bệnh da vàng, mắt vàng, bệnh về gan, hồi phục vết thương trên da, vết thương lở loét.
Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước, tuy nhiên, việc dùng Cỏ may sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của Cỏ may cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.
Tên tiếng Việt: Cỏ may, Cây bông cỏ, Châm thảo, Thảo tử hoa, Thúy hồ điệp, Trúc tiết thảo, Thúy nga mi, Đát trúc hoa, Trúc thái, Nhả khoác, Co nhả khua.
Tên khoa học:Chrysopogon aciculatus (Retz.) Trin.
Họ: Poaceae (Lúa).
Công dụng: Cỏ may có tác dụng Giải nhiệt, tiêu độc, lợi tiểu, hỗ trợ tiêu trừ giun sán, giun chui ống mật, giun đũa, giảm đau nhức xương, trong nhân dân, cây được dùng để bệnh da vàng, mắt vàng, bệnh về gan, hồi phục vết thương trên da, vết thương lở loét.
Mô tả Cỏ may
Cây Cỏ may là một loại cỏ sống lâu năm, thân rễ cứng mọc bò. Thân bò lan trên mặt đất, mọc đến đâu bén rễ đến đó: những thân mọc thẳng lên cao 20 - 50 cm, có nhiều đốt, đốt phía gốc ngắn hơn phía trên.
Lá mọc so le, lá phía dưới mọc mau, lá phía trên mọc thưa hơn. Phiến lá hẹp dài 2 - 10cm, rộng 3 - 5mm, đầu nhọn, phía cuống tròn, nhẵn. Cụm hoa mọc thành chuỳ dài 5 - 10cm, màu tím than, có những nhánh mọc vòng mang hoa mọc thành bông dài 8mm. Quả chín có thể móc vào quần áo khi người ta đi qua do đó có tên Cỏ may. Và cũng do hình thức này, cây lan từ vùng này sang vùng khác.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Phân bố: Dược liệu được tìm thấy ở rất nhiều nước thuộc khu vực châu Á như Thái Lan, Ấn Độ, Nam Trung Quốc… Ở nước ta, loại cỏ này mọc hoang dại ở khắp mọi nơi.
Thu hoạch và chế biến: Dược liệu có thể được thu hái vào bất cứ thời điểm nào trong năm với cách sơ chế rất đơn giản. Chỉ cần rửa sạch, thái nhỏ rồi phơi hoặc sấy khô và bảo quản dùng dần.
Bộ phận sử dụng của Cỏ may
Toàn cây mà điển hình nhất là thân rễ thường được sử dụng để làm vị thuốc.
Thành phần hóa học
Sự hiện diện của nhiều loại hóa chất thực vật khác nhau trong chiết xuất ethanol của C. aciculatus bao gồm đường khử, tannin, flavonoid, saponin, gôm, steroid, ankaloid, glycosid… đã được khảo sát bằng quy trình tiêu chuẩn.
Tác dụng của Cỏ may
Theo y học cổ truyền
Cỏ may là dược liệu có vị đắng và tính mát.
Công dụng: Giải nhiệt, lợi tiểu, tiêu độc.
Chủ trị: Chữa chứng mắt vàng, da vàng, các bệnh về gan và trị giun.
Theo y học hiện đại
Trong Y học hiện đại dùng Cỏ may để giảm đau: chiết xuất C. aciculatus có tác dụng giảm đau bằng cách tăng thời gian phản ứng ở chuột thử nghiệm.
Liều lượng và cách dùng Cỏ may
Trong nhân dân, cây được dùng để chữa bệnh da vàng, mắt vàng, bệnh về gan như sau: Toàn cây Cỏ may cả rễ rửa sạch, thái nhỏ sao vàng, 300g, nước rửa nửa lít, sắc còn 250ml, chia làm nhiều lần uống trong ngày thay nước uống. Thường sau 4 - 5 ngày thấy có kết quả rõ rệt.
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Vị thuốc Cỏ may thường dùng tươi hoặc sắc thuốc thang.
Liều lượng khuyến cáo là khoảng 20 – 60g/ngày. Có thể điều chỉnh cho phù hợp với từng bài thuốc và mục đích sử dụng.
Bài thuốc chữa bệnh từ Cỏ may
Hỗ trợ chữa da vàng, mắt vàng, bệnh về gan
Dùng 300g rễ Cỏ may thái nhỏ, sao vàng, sắc với 1/2 lít nước còn 250ml, chia 2 lần uống thay nước trà trong ngày. Uống liền trong 4 - 5 ngày.
Hỗ trợ trị giun đũa, giun chui ống mật
Dùng 18-20 hạt Cỏ may sao vàng, đun sôi với 1/2 lít nước, cô lại còn 150ml, uống tất cả nước sắc này 1 lần sau bữa ăn.
Chữa sốt, cảm mạo, tiểu tiện khó khăn
Cỏ may 15g, Đạm trúc diệp 15g, Hồ lô trà 9g. Sắc nước uống làm ba lần trong ngày.
Lưu ý khi sử dụng Cỏ may
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Vị thuốc Cỏ may thường dùng tươi hoặc sắc thuốc thang. Chú ý kiêng kỵ:
Phụ nữ có thai và cho con bú cần thận trọng.
Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của dược liệu.
Bảo quản dược liệu Cỏ may
Dược liệu đã qua sơ chế cần bảo quản trong túi kín ở những nơi khô thoáng, tránh ẩm mốc, mối mọt.
Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Cỏ may cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.