lcp

Cây cúc tần: Đặc điểm, tác dụng và vị thuốc kinh nghiệm


Nhờ chứa nhiều hoạt chất và dược tính có lợi cho sức khỏe, cây cúc tần được dân gian sử dụng rộng rãi làm bài thuốc trị đau nhức xương khớp, ho, sốt, bí tiểu và tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa. Hiện nay, y học hiện đại cũng đã chứng minh được tác dụng của loại cây này và sử dụng trong điều trị bệnh. 

Vậy cụ thể cúc tần có những công dụng gì? Cần lưu ý những gì khi sử dụng các bài thuốc từ cúc tần? Cùng chúng tôi giải đáp mọi thắc mắc về cây thuốc này trong nội dung dưới đây.

cây cúc tần

Tìm hiểu về cây cúc tần

Cây cúc tần còn có nhiều tên gọi khác như Cây Từ Bi, Lức Ấn, Nan Luật và có tên khoa học là Pluchea indica (L.) Less thuộc họ Cúc (Asteraceae). Cây cúc tần ở Việt Nam chủ yếu phát triển ở khu vực đồng bằng các tỉnh phía Bắc, nhiều nhất là ở Nghệ An, Ninh Bình, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Hoà Bình…

Đặc điểm sinh thái của cúc tần

Cây cúc tần là một loại cây bụi mọc thẳng, cao từ 1-2m và phân nhiều nhánh nhỏ. Cành lúc còn non có lông, sau nhẵn. 

Lá cúc tần có màu xanh nhạt tươi sáng, hình bầu dục, đầu hơi nhọn, gốc thuôn dài, có răng cưa ở viền lá, còn mặt dưới có lông mịn, lá có mùi thơm khi vò nát. Phiến lá dài 4-5cm rộng 1-2.5cm. Các lá mọc so le nhau, thường không có cuống hoặc cuống rất ngắn. 

Hoa cúc tần mọc từ đầu cành cây, mọc tụ lại thành chùm màu tím nhạt. Quả cúc tần nhỏ có hình trụ, màu nâu đỏ, có 10 cạnh

cúc tần

Cúc tần chủ yếu mọc ở các vùng đất thấp ven sông, đất ngập nước hay ở các đầm lầy nước lợ, ven biển và các khu vực nước mặn như bãi triều, rừng ngập mặn. Ở Việt Nam, cây cúc tần thường mọc hoang ở vùng đồng bằng hay các sườn đồi thấp và được trồng trong nhà để làm hàng rào chắn. Tuy nhiên, khi biết được công dụng của loại cây này với sức khỏe, mọi người bắt đầu sử dụng cúc tần nhiều hơn để làm thảo dược và các bài thuốc trị bệnh. Cũng vì vậy mà nó được trồng ngày càng nhiều, thậm chí theo quy mô lớn.

Bộ phận dùng, thu hái và sơ chế

Mọi bộ phận của cây cúc tần đều có thể sử dụng, bao gồm cả lá, thân và rễ cây. Vì cây rất dễ trồng và phát triển mạnh nên có thể thu hái quanh năm. Nhưng nếu dùng để làm thuốc nên thu hoạch vào mùa hè và mùa thu.

Lá và rễ cây cúc tần được thu hái quanh năm, có thể dùng lá tươi để nấu ăn hoặc làm thuốc. Người ta thường thu hái lá non và lá bánh tẻ trước khi cây bắt đầu ra hoa. Sau thu hoạch, các bộ phận được làm sạch, phơi hoặc sấy khô để dùng dần.

Thành phần hóa học của cúc tần

Trong toàn cây cúc tần chủ yếu đều có tinh dầu và mùi thơm ngải cứu. Trong 100g Cúc tần tươi có 5.7g protit, 1g lipit, 5.1g xenluloza, 2.3g tro, 179mg Canxi, 2.3mg P, 0.5mg Fe, 4.6g caroten, 15mg Vitamin c.

Tác dụng của cây cúc tần

Theo y học cổ truyền

Trong dân gian, cây cúc tần được dùng để làm các bài thuốc quý chữa bệnh. Do có tính mát, mùi thơm dịu, có tác dụng giải cảm, tán phong nhiệt, tiêu đọc, giúp sáng mát và tiêu đờm. Nên cúc tần được dùng để điều trị cảm sốt, phong thấp, chữa các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh xương khớp, bệnh về thận và đường hô hấp

tác dụng của cây cúc tần

Theo y học hiện đại

Theo các tài liệu nghiên cứu, rễ và lá cây cúc tần có tác dụng hạ nhiệt và được sắc lấy nước uống để cơ thể đổ mồ hôi chữa sốt. Nước ép lá cúc tần được dùng để điều trị lỵ. Ngoài ra còn có những công dụng như:

  • Có tính kháng viêm, kháng khuẩn mạnh mẽ: trong cúc tần chứa hoạt tính chống lại Entamoeba histolytica và giúp giảm các triệu chứng của bệnh lao. Tinh dầu lá cúc tần pha loãng giúp kháng khuẩn.
  • Chống nọc độc rắn: β-sitosterol và stigmasterol trong rễ cúc tần có tác dụng vô hiệu hóa nọc độc rắn, giảm đáng kể nguy cơ tử vong và tình trạng xuất huyết do nọc độc.
  • Bảo vệ gan: chiết xuất từ rễ cây cúc tần có khả năng bảo vệ tế bào gan khỏi các tổn thương.
  • Chống oxy hóa: chiết xuất cúc tần chứa các chất chống oxy hóa và chống viêm
  • Chống loét: dịch chiết cúc tần có công dụng bảo vệ các vết loét do indomethacin, alcohol.
  • Lợi tiểu: giúp lợi tiểu mà không gây ra các thay đổi bệnh lý khi dùng liều lượng cao
  • Chống ung thư: chiết xuất cúc tần được chứng minh có tác dụng chống tăng sinh, chống di căn trên các tế bào thần kinh đệm ác tính ở người ung thư cổ tử cung

Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây cúc tần

Thấp khớp, đau nhức xương: Lấy 15-20g rễ cúc tần sắc nước uống. Có thể kết hợp với rễ trinh nữ 20g, rễ bưởi bung 20g, đinh lăng 10g, cam thảo dây 10g, sắc lấy nước uống.

Chữa cảm sốt, nhức đầu, ho, không có mồ hôi: lấy 2 năm cúc tần, 1 nắm lá sả, 1 nắm lá chanh, nấu nước để xông và uống nóng cho toàn thân ra mồ hôi

Chữa đau mỏi lưng: Lấy lá cúc tần và cành non đem giã nát, thêm ít rượu rồi sao nóng lên, đắp vào vùng bị đau ở hai bên thận.

Chữa chấn thương, bầm giập: Lấy lá cúc tần giã nhuyễn rồi đắp vào chỗ bị chấn thương để vết thương mau lành

Chữa đau đầu: Cho 50g cúc tần, 50g hoa cúc trắng (xé nhỏ), 100g đu đủ vừa chín tới vào nồi cùng 1 lít nước rồi đun sôi. Sau đó thêm 100g  óc heo vào rồi đun thêm 20 phút cho nhừ là ăn được. Ăn nóng trước bữa cơm, 2 lần/ngày, ăn liền 1 tuần.

Chữa ho do viêm khí quản: rửa sạch 20g cúc tần già, băm nhỏ, 2 nắm gạo, 3g gừng tươi, cắt nhỏ, 50g thịt lợn nạc băm nhuyễn. Tất cả đem nấu cháo chín nhừ. Ăn nóng khi đói, ngày 3 lần, ăn liên tục 3 ngày sẽ đỡ.

Xông hơi tiêu trĩ: Cúc tần, lá lốt, ngải cứu, lá sung với tỷ lệ bằng nhau, 1 củ nghệ vàng đem tất cả đi rửa sạch, cho vào nồi nấu cùng 1.5 lít nước, sau đó thêm vài lát nghệ vàng vào nấu cùng. Cho nước thuốc đã nấu sôi vào chậu, chờ cho nguội bớt thì tiến hành xông hơi hậu môn trong 15 phút, đến khi nước còn ấm thì ngâm trực tiếp hậu môn vào chậu nước thêm 10 phút nữa. Mỗi tuần nên xông từ 2 – 3 lần, nếu bị trĩ nhẹ, búi trĩ sẽ co lên và tiêu biến sau khoảng 2 tháng. Lưu ý, vùng da ở hậu môn rất mỏng và nhiều dây thần kinh nên không được xông khi nước còn quá nóng.

Chữa chứng bí tiểu: Dùng 40g lá cây cúc tần đã phơi khô hoặc có thể dùng 100g lá tươi, rửa sạch và nấu thành nước uống. Mỗi ngày có thể uống nước lá thay nước lọc để tăng cường chức năng thận.

Lưu ý khi sử dụng cây cúc tần

Chưa có thông tin

Cây cúc tần là một loại cây quen thuộc với người Việt Nam, mang lại nhiều công dụng chữa bệnh tuyệt vời và rất lành tính. Tuy nhiên hiện nay cúc tần không còn mọc hoang nhiều nữa mà chủ yếu được trồng quy mô lớn với mục đích làm thuốc chữa bệnh. Vì vậy nếu muốn mua cúc tần, bạn nên chọn cơ sở uy tín và đảm bảo chất lượng.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.