lcp

Đậu đen


Đậu đen hay còn gọi là Đỗ đen, Ô đậu, Hắc đại đậu, Hương xị, thuộc họ Đậu với danh pháp khoa học là Fabaceae. Đậu đen là một loại ngũ cốc quen thuộc và được dân gian sử dụng khá nhiều trong một số món ăn cũng như một số bài thuốc chữa bệnh. Trong Đông y, loại dược liệu này có vị ngọt, tính bình và có tác dụng chữa thận yếu, đau lưng, mụn nhọt, bổ gan, thanh nhiệt, giải độc.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước. Tuy nhiên, việc dùng Đậu đen sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Đậu đen cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Đậu đen, Đỗ đen, Ô đậu, Hắc đại đậu, Hương xị.
  • Tên khoa học: Vigna cylindrica L.Skeels
  • Họ: Fabaceae (Đậu).
  • Công dụng: Thuốc giải nhiệt, phong thấp, giảm đau (Hạt).

Mô tả cây Đậu đen

Đậu đen là một loại cỏ mọc hang năm, toàn thân không có lông. Lá kép gồm 3 lá chét mọc so le, có lá kèm nhỏ, lá chét giữa to và dài hơn là chét hai bên. Hoa màu tím nhạt. quả giáp dài, tròn, trong chứa từ 7-10 hạt màu đen. Ngay trong đậu đen, lại có loại đậu đen trắng long và đậu đen xanh lòng. Đậu đen xanh lòng có nhân màu xanh nhạt.

Đậu đen

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cây đậu đen được trồng khá nhiều ở một số các nước thuộc châu Á và châu Phi. Loại cây này đã được tìm thấy khá nhiều ở Việt Nam, rải rác một số tỉnh thành, đặc biệt là các tỉnh ở phía Bắc nước ta.

Thu hái: Thu hái những phần quả đã già để thu lấy phần hạt đã chuyển sang màu đen. Thời điểm thích hợp để thu hoạch là cuối mùa hạ và đầu mùa thu.

Đậu đen

Chế biến: Tách phần quả của cây đậu đen để lấy phần hạt bên trong. Đem những phần hạt đã thu hoạch rửa qua nhiều lần với nước rồi đem phơi nắng cho khô để sử dụng được lâu dài.

Bộ phận sử dụng của Đậu đen

Sử dụng phần hạt đen của cây đậu đen để làm thuốc hoặc làm lương thực.

Đậu đen

Thành phần hóa học

Vỏ đậu đen có chất màu anthoxyanozit (đỗ tất Lợi 1960). Trong hạt đậu đen có 24,2% protit, 1,7% chất béo, 53,3% gluxit, 2,8% tro. Hàm lượng muối khoáng là: 56mg% canxi: 354mg% P; 6,1mg% sắt; 0,06mg% carten; 0,51% vitamin B, vitamin PP; 3mg% vitamin C.

Hàm lượng các axit amin cần thiết trong đậu đen rất cao: trong 100g đậu đen có 0,97g lysine; 0,31g mentionin; 0,31g tryptophan; 0,16g phenylalanine; 1,09g alanin; 0,97g valin; 1,26g lenxin; 1,11g izoleuxin; 1,72g acginin và 0,75g histidin.

Tác dụng của Đậu đen

Theo y học cổ truyền

Tinh vị: của đậu đen thường không ổn định. Tính vị có thể bị thay đổi tùy theo bài thuốc có chứa các vị thuốc phối hợp cùng. Mặt khác, cách bào chế cũng làm thay đổi tính vị của đậu đen. Thông thường, đậu đen có các tính vị sau:

Vị ngọt, tính bình (theo Biệt ký);

Vị ngọt, hơi đắng, tính hàn (theo Y lâm soạn yếu).

Quy kinh:

Dược liệu đậu đen được quy vào những bản kinh sau:

Thủ thiếu âm kinh (theo Đắc phối bản thảo);

Kinh Tâm, Tỳ và Thận (theo Bản thảo tái tân);

Thủ túc thiếu âm, quyết âm kinh (theo Bản thảo toát yếu).

Trong nền y học cổ truyền, đậu đen được sử dụng khá nhiều trong một số bài thuốc với những công dụng sau:

  • Trị phong nhiệt (chứng sốt, sợ gió);
  • Trị nhức đầu;
  • Chữa chứng thiếu máu, cơ thể suy nhược;
  • Chữa can thận hư, thận suy;
  • Bổ khí, bổ thận;
  • Giải độc, thanh nhiệt cơ thể;
  • Tăng cường hệ tiêu hóa;
  • Hỗ trợ bài tiết;
  • Làm đẹp da;
  • Phòng ngừa bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch.

Theo y học hiện đại

Hoạt tính chống oxy hóa invitro: Dịch chiết Đậu đen có tác dụng tăng cơ bóp tử cung. Tác dụng của đậu đen kém hơn tác dụng của nước sắc bài thuốc điều kinh gồm có Đậu đen 10g, Ích mẫu 40g, Hương phụ chế 15g, Nghệ vàng 2g, Ngải cứu 2g và Bạch đồng nữ 16g.

Liều lượng và cách dùng Đậu đen

Cách dùng: Đậu đen được sử dụng dưới dạng nước sắc, bột mịn hoặc sử dụng trong một số món thuốc với cách thực hiện còn tùy thuộc vào từng bài thuốc khác nhau.

Liều dùng: Dùng 20 – 40 gram/ ngày.

Bài thuốc chữa bệnh từ Đậu đen

Chữa đau bụng dữ dội:

Đậu đen 50g sao cháy, ngâm rượu uống, hoặc sắc với nước rồi chế them rượu vào mà uống.

Chữa trúng gió, nguy cấp, hoặc chân tay tê cứng, chóng mặt, sây xẩm sau đẻ:

Đậu đen 300g sao cháy đến bốc khói, đổ vào 500ml rượu, ngâm 1 ngày rồi đem uống, sau đó đắp chăn cho ra mồ hôi.

Chữa can hư, mắt mờ, ra gió dễ chảy nước mắt:

Đậu đen đồ lên, thêm mật bò đực vào, để nơi thoáng gió cho khô. Uống mỗi lần 27 hạt.

Chữa tiêu khát do thận hư:

Tán nhỏ đậu đen và Thiên hoa phấn với lượng bằng nhau. Làm viên và uống với nước sắc Đậu đen làm thang.

Chữa dị ứng, lở ngứa, mụn nhọt:

Đậu đen 50 – 100g sao lửa nhỏ đến khi ruột bên trong có màu vàng đậm. Sắc nước uống.

Chữa chứng tăng huyết áp:

Đậu đen 50g, 30g Hạ khô thảo, 20g Đường trắng. Đem sắc với nước, sử dụng khi còn nóng.

Chữa chứng rối loạn tiền đình:

Dùng 30g đậu đen, 45g Ngải cứu và 1 quả trứng gà tươi. Đậu đen và ngải cứu sắc lấy nước, đồng thời luộc trứng cho chín. Người bệnh ăn trứng và uống nước sắc thuốc.

Chữa mụn nhọt, đinh độc:

Nấu đậu xị sao cho cháy có khói, tán nhỏ hòa vào dầu vừng, dầu lạc hoặc dầu thầu dầu, bôi lên chỗ lở loét.

Chữa hẹn suyễn, lên cơn khi thay đổi thời tiết:

Đạm đậu xị 40g; Thạch tín 4g, Khô phàn 12g, tất cả tán nhỏ viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần 7 – 9 viên, uống trước khi ngủ. Theo kinh nghiệm nhân dân, uống thuốc này không được dùng thức ăn nóng hoặc nước nóng. Không dùng quá liều vì thuốc có độc. Thường chỉ dùng trong bài thuốc trong 7 – 8 ngày.

Chữa bệnh viêm gan mãn tính:

Dùng 100g Đậu đen, đem nấu cùng với một lượng nước vừa đủ. Lấy phần nước để uống thay cho nước trà.

Chữa chứng ra nhiều mồ hôi do suy nhược cơ thể:

Đậu đen 30g, Phù tiểu mạch 30g, Đại táo 15g. Sắc cùng với một lượng nước vừa đủ để lấy nước dùng.

Lưu ý khi sử dụng Đậu đen

Không nên dùng Đậu đen cho bệnh nhân có thể hàn, đang bị tiêu chảy, tay chân lạnh, viêm loét hành tá tràng, loét dạ dày hoặc bị dị ứng với Đậu đen thì không nên dùng.

Trong Đậu đen có chứa Phytate có khả năng ức chế khả năng hấp thụ calci, sắt, kẽm.

Thành phần protein có nhiều trong Đậu đen có thể gây khó tiêu, đầy bụng nếu ăn quá nhiều. Tránh dùng Đậu đen với sữa tươi, rau chân vịt, ngũ sâm... do tính tương kỵ của Đậu đen với các thành phần này.

Bảo quản Đậu đen

Bảo quản nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Lưu trữ trong bọc kín hoặc trong hũ thủy tinh để được sử dụng lâu dài.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Đậu đen. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.