lcp

Đu Đủ


Đu đủ hay còn gọi là Phiên qua thụ thuộc họ Đu đủ (Caricaceae) có danh pháp khoa học là Carica papaya L.. Trong y học, Đu đủ có công dụng trong điều trị đau dạ dày, gai cột sống, đau lưng, trị ho phế quản… Ngoài ra, Đu đủ còn dùng để thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng rất tốt.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, song việc dùng Đu đủ sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Đu đủ cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.

đu đủ

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Đu đủ, Phiên qua thụ, Mác rẩu, Mác vá (Tày), Bẳn cà lài (Thái), Má hống, Blơ hơng (Kho), Điảng nhấm (Dao)
  • Tên khoa học: Carica papaya L.
  • Họ:  họ Đu đủ (Caricaceae).
  • Công dụng: Thuốc bổ, giúp tiêu hóa tốt (Quả). Trị giun kim (Hạt). Chữa ho (Hoa). Sốt rét, lợi tiểu (Rễ). Tiêu mụn nhọt (Lá). Tàn nhang da, hắc lào (Nhựa).

Mô tả cây Đu đủ

Cây đu đủ cao từ 3 đến 7m, thân thẳng, đôi khi có phân nhánh. Vỏ mang rất nhiều sẹo của cuống lá.

Lá mọc so le ở ngọn cây, phiến lá to rộng chia làm 6-9 thùy, thùy hình trứng nhọn, mép có răng cưa không đều, cuống lá rỗng và dài 30-50cm. Hoa trắng nhạt hay xanh nhạt, khác gốc.

Hoa đực mọc ở kẽ lá thành chùy có cuống rất dài. Hoa cái có tràng dài hơn tràng của hoa đực, mọc thành chùy ở kẽ lá.

Quả thịt, hình trứng to, dài 20-30cm, đường kính 15-20cm. Thịt quả dày, lúc đầu có màu xanh lục, sau ngả màu vàng cam. Trong ruột quả có rất nhiều hạt đen to bằng hạt tiêu, xung quanh có lớp nhầy.

đu đủ

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Nguồn gốc cây đu đủ là vùng nhiệt đới Châu Mỹ, sau được phổ biến đi khắp nơi. Tại Việt Nam, cây đu đủ được trồng ở khắp nơi, nhưng việc trồng trên quy mô kỹ nghệ chưa được đặt ra.

Thu hoạch: Thu hoạch quả khi còn sống hoặc đã chín.

Chế biến: Tùy vào mục đích sử dụng mà có thể để tươi hoặc phơi khô.

Bộ phận sử dụng của Đu đủ

Hoa, quả, hạt, lá, rễ và nhựa đu đủ được sử dụng làm dược liệu.

đu đủ

Thành phần hóa học

Quả đu đủ chín chứa chừng 90% nước, các chất đường trong đó chủ yếu là glucose 8,5%, một ít protein, chất béo, một ít muối vô cơ (canxi, photpho, sắt); vitamin a, b và c.

Năm 1946, solano sancedo đã nghiên cứu quả đu đủ ở Châu Mỹ thấy: axit toàn bộ 7%, axit bay hơi 1,3%, axit không bay hơi 6,1%, nước 64%, xenluloza 0,9-11%; đường 4,3-7% chất có nitơ (nx0,65) 0,6-0,86%; protein tinh chế 0,35%-0,64%. Không phải protin 0,035%; protein tiêu hóa được 0,38-0,47%; photpho 0,223%; canxi 0,245%; magiê, sắt, thiamin, riboflavin và vitamin C.

Quả đu đủ xanh và các bộ phận khác của cây như thân, rễ, lá đều chứa một chất nhựa mủ (latex) nhiều nhất ở quả xanh. Một quả xanh cho chừng 4% trọng lượng nhựa mủ. Một cây cho khoảng 100g nhựa trong 1năm. Cần lấy nhựa khi quả còn ở trên cây: dùng dao hay răng lược vạch những đường dọc trên quả (đừng vạch sâu quá) hứng lấy nhựa đã chảy ra phơi khô ở nhiệt độ 50-60o. Trong quả chín chất nhựa mủ không còn nữa mà chỉ còn thứ nhựa (resin) màu vàng đỏ. Quả chín nhựa chóng chín hơn, nhưng hạt gieo không mọc.

Trong nhựa mủ có men papain, chất cao su, chất nhựa, các axit amin: leuxin, tyrosin, chất béo, axit malic và men thủy phân, chất mỡ, chất men papain có tác dụng làm tiêu hóa các chất thịt, protid để giải phóng các axit amin như glycocola, alanin, arginin, tryptophan.

Men papain tan trong nước (1 thể tích nước), bị cồn làm kết tủa, cho các phản ứng của albumin (phản ứng biure).

Trong men papain có tác giả thấy rất nhiều men peroxydaza, một ít men lipase

Men papain không để dành được lâu. Sau 7 năm, men papain có thể mất tính chất làm tiêu protid. Người ta đã kết tinh được papain. Thành phần cấu tạo papain có 52,1% c; 7,12% h; 15%n và 1,2% s.

Trong lá, quả và hạt(chủ yếu ở lá) có một chất acaloit đắng gọi là cacpain và chất glucozit gọi là cacpozit.

Công thức cacpain đã được xác định như sau:

Cacpain kết tinh dưới dạng khối lăng trụ đơn tà (prisme monoclinique) chảy ở 121o, không tan trong nước, tan trong các dung môi hữu cơ.

Tác dụng của cacpain gần như digitalin là một thuốc mạnh tim.

Trong hạt và các bộ phận khác người ta còn thấy các tế bào chứa myrozin và các tế bào khác chứa chất kali myronat. Khi giã hạt với nước, hai chất đó tiếp xúc với nhau sẽ cho tinh dầu chứa mùi diêm sinh, hắc, giống chất isothyoxyanat allyl.

Trong rễ người ta thấy nhiều kali myronat, trong lá nhiều myrozin, trong vỏ hạt nhiều myrozin và không có kali myronat.

Theo hooper ht5 đu đủ có 26,3% dầu; 24,3% chất anbuminôit; 17% sợi; 15,5 hydrat cacbon; 8,8% tro và 8,2% nước.

Tác dụng của Đu đủ

Theo y học cổ truyền

Tính vị: tính hàn, vị ngọt mùi hơi hắc.

Công dụng: Thanh nhiệt, bổ tỳ, làm mát gan, nhuận tràng, giải độc, tiêu thũng.

Quy kinh: Tỳ vị, can

Theo y học hiện đại

Men papain có tác dụng như men pepsin của dạ dày và nhất là giống men trypsin của tụy tạng trong sự tiêu hóa các chất thịt.

Nó làm một số vi trùng gram dương và gram âm ngừng phát triển. Những vi trùng như staphylococci, vi trùng thương hàn rất nhạy cảm đối với tác dụng của papain.

Papain còn có tác dụng làm đông sữa và có tác dụng làm giảm độc đối với toxin và toxanbumin: 18mg papain trong dung dịch 2% trung tính được 10mg rixin là chất độc trong hạt thầu dầu (=10 liều độc rixin), 2mg papain trung tính được 4 liều độc của toxin uống ván và 10 liều độc của toxin yếu hầu. Papain còn trung tính được độ độc của ancaloit nư 12,5g papain trung tính được một liều độc của stricnin = 2,5mg.

Nhựa đu đủ được coi là vị thuốc giun ở nhiều nơi. Nó tác dụng trên giun đũa, giun kim, sán lợn (trichine) nhưng không tác dụng đối với giun móc (ankylostom). Tuy nhiên cấn chú ý cẩn thận: lợn ăn lá đu đủ để tẩy giun thường bị xuống cân, khó vỗ béo trở lại.

Chất cacpain làm chậm nhịp tim, có người đã dùng thay thế thuốc chữa tim digitalis.

Gần đây, người ta đã phát hiện thấy hạt đu đủ có tính chất kháng sinh mạnh.

Liều lượng và cách dùng Đu đủ

Quả đu đủ:

Đu đủ chín được coi là một món ăn bồi bổ và giúp sự tiêu hóa các chất thịt, các chất lòng trắng trứng.

Đu đủ xanh nấu kỹ với thịt gà gần đây được một số đơn vị quân y dùng điều trị bệnh loét dạ dày có kết quả. Tuy nhiên một số trường hợp xuống cân.

Nhân dân còn dùng nấu với những thịt cứng, cho chóng chín dừ. Quả đu đủ xanh nghiền với nước còn dùng bôi mặt hoặc tay chữa các vết tàn nhang ở mặt và tay.

Nhựa đu đủ dùng làm thuốc giun nhưng cần chú ý tránh nguy hiểm đối với trẻ em và người loét dạ dày. Có khi được dùng bôi ngoài chữa chai chân và hạt cơm, bệnh sang thấp (eczema) hoặc can tiểu (psoriasis).

Tại Mỹ, nhựa đu đủ dùng làm trong kỹ nghệ chế bia, kỹ nghệ thực phẩm, kỹ nghệ thuốc, kỹ nghệ tơ sợi để làm cho sợi cỏ khô, kỹ nghệ làm da. Hàng năm nhập tới hơn 50 tấn nhựa.

Lá đu đủ dùng gói những thịt gà cứng để khi nấu chóng mềm, dừ. Nước sắc lá đu đủ dùng giặt những vết máu trên vải và quần áo, hoặc để rửa các vết thương, vết lở loét.

Rễ đu đủ sắc uống làm thuốc cầm máu trong bệnh băng huyết, bệnh sỏi thận. Có người dùng rễ đu đủ làm chế giả nhân sâm vì rễ đu đủ giống hình người, uống cũng thấy đói, ăn ngon cơm.

Hoa đu đủ đực tươi hoặc phơi khô hấp với đường hoặc đường phèn dùng chữa bệnh ho, viêm ống phổi, mất tiếng.

Bài thuốc chữa bệnh từ Đu đủ

1. Ít ngủ, hay hồi hộp: Đu đủ chín 100g, chuối 100g, củ cà rốt 100g. Xay trong nước dừa non nạo. Thêm mật ong cho đủ ngọt, uống cách ngày.

2. Trị giun kim: Ăn đu đủ chín vào buổi sáng lúc đói liên tục 3 – 5 hôm.

3. Viêm dạ dày mãn tính: Đu đủ 30g, táo tây 30g, mía 30g sắc uống.

4. Ho do phế hư: Đu đủ xanh 100g, đường phèn 20g hầm ăn, ngày ăn 2 lần vào trưa và tối, ăn trong 3 – 5 ngày.

5. Tỳ vị hư nhược (ăn không tiêu, táo bón): Đu đủ 30g, khoai mài (hoài sơn) 15g, sơn tra 6g, nấu cháo.

6. Trị đau lưng mỏi gối: Đu đủ 30g, ngưu tất 15g, kỷ tử 10g, cam thảo 3g sắc uống.

7. Chữa bệnh ho, viêm cuống phổi, khàn tiếng hoặc mất tiếng ở trẻ em: Hái 5 – 10 hoa đực, đem sao vàng, cho đường phèn hấp hoặc chưng khi nồi cơm cạn nước, cho trẻ uống trong ngày.

8. Nhuận da, dưỡng nhan sắc, chống lão hóa:

Đu đủ chín 1 quả 0,5kg, sữa tươi 4 ly, hạt sen 20g (bỏ tim) ngâm mềm cho nở, nếu loại tươi phải bóc vỏ, táo tàu đỏ 2 quả bỏ hột, đường phèn vừa đủ.

Cho tất cả vào bát to chưng cách thủy độ 2 giờ cho đến khi hạt sen mềm là được.

Ăn lúc còn nóng.

9. Chữa đau đầu: Lấy lá đu đủ tươi giã nát, gói vào miếng gạc, đắp thái dương.

10. Chữa gai cột sống: Hạt đu đủ đem xát cho sạch phần nhớt bao quanh, giã nát trong túi vải rồi đắp lên vùng đau. Mỗi lần chỉ đắp tối đa 30 phút và theo dõi để tránh bị bỏng. Ngày làm một lần, liên tục trong 20 – 30 ngày.

Lưu ý khi sử dụng Đu đủ

Có thể gây sảy thai:

Đu đủ xanh được xem như một bài thuốc tự nhiên để phá thai ngoài ý muốn. Trong khi đu đủ chín được coi là an toàn và bổ dưỡng thì đu đủ xanh lại có thể làm tăng nguy cơ khiến tử cung bị co thắt do có nhựa. Nếu bà bầu ăn phải nhựa của đu đủ xanh, thai nhi có thể bị ảnh hưởng dẫn đến sảy thai hoặc sinh non, trẻ sinh ra bất thường thậm chí thai chết lưu.

Khiến tay co quắp, không còn cảm giác:

Nếu ăn quá nhiều, chất beta carotene có trong đu đủ có thể khiến da đổi màu, co quắp và không còn cảm giác, y học gọi hiện tượng này là carotenemia. Nếu như người bệnh còn mắc thêm chứng vàng da thì mắt có thể chuyển sang màu trắng, lòng bàn tay và bàn chân chuyển sang màu vàng.

Rối loạn hô hấp:

Papain, một loại enzyme có trong lá đu đủ là loại chất dễ gây dị ứng. Ăn đu đủ với số lượng lớn có thể kích hoạt một số rối loạn hô hấp như thở khò khè, tắc nghẽn liên tục ở mũi, hen suyễn…

Dạ dày:

Ăn quá nhiều đu đủ sẽ làm đảo lộn hệ tiêu hóa của bạn, có thể gây ra rối loạn dạ dày với các triệu chứng như là đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, bụng trướng… Thủ phạm chính của các triệu chứng này là sự dồi dào của chất xơ và nhựa đu đủ có trong dạ dày khiến dạ dày phải co bóp nhiều . Nó thậm chí còn kích thích dạ dày gây ra những trận nôn mửa.

Tiêu chảy:

Giống như tất cả các loại trái cây giàu chất xơ, đu đủ không an toàn nếu ăn quá nhiều trong giai đoạn bị tiêu chảy. Nguy hiểm hơn cả là bạn sẽ rơi vào trạng thái mất nước trầm trọng.

Không an toàn cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi:

Lượng chất xơ dồi dào có thể khiến các bé đi ngoài lỏng phân, nếu không đủ nước thì lại dẫn đến tình huống ngược lại là táo bón. Dù là cho trẻ ăn đủ đủ chín hay xanh, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ nhi khoa.

Bảo quản Đu đủ

Bảo quản nơi khô thoáng.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Đu đủ. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm