lcp

Giảo Cổ Lam: Đặc điểm, công dụng và cách dùng hiệu quả


Giảo cổ lam hay còn được gọi là cổ yếm, thư tràng năm lá, dây lõa hùng, trường sinh thảo, thất diệp đảm thuộc họ Bầu bí với danh pháp khoa học là Cucurbitaceae. Trong y học, Giảo cổ lam có tác dụng làm hạ mỡ máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, ổn định đường huyết, ngăn ngừa biến chứng bệnh tiểu đường, giúp hạ huyết áp, lưu thông máu, giúp dễ ngủ.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước, tuy nhiên, việc dùng Giảo cổ lam sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Giảo cổ lam cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Giảo cổ lam, cổ yếm, thư tràng năm lá, dây lõa hùng, trường sinh thảo, thất diệp đảm.
  • Tên khoa học: Gynostemma pentaphyllum (Thunb.) Makino
  • Họ: Bầu bí - Cucurbitaceae.
  • Công dụng: Giảo cổ lam có tác dụng làm hạ mỡ máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, ổn định đường huyết, ngăn ngừa biến chứng bệnh tiểu đường, giúp hạ huyết áp, lưu thông máu, giúp dễ ngủ.

Mô tả cây Giảo cổ lam

Giảo cổ lam là cây thảo mọc leo, sống hằng năm. Thân mảnh, hơi có rãnh, nhẵn, có tua cuốn chẻ đôi ở đầu.

Lá kép mọc so le, gồm 3 - 7 lá chét hình bầu dục - thuôn hoặc mũi mác, dài 3 - 9cm, rộng 1,5 - 3cm, gốc thuôn hẹp, đầu nhọn, mép khía răng, hai mặt có lông, ít khi nhẵn, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới rất nhạt, có cuống dài 3 - 7cm.

Hoa đơn tính khác gốc, mọc ở kẽ lá và đầu ngọn thành chùy buông chõng có thể dài đến 30cm (ở cụm hoa cái ngắn hơn); hoa nhỏ, hình sao, bao hoa rất ngắn, to hơn hoa cái; lá đài hình tam giác nhọn; cánh hoa hình mác rời nhau; nhị 5,bao phấn dính nhau; bầu có 3 vòi nhụy.

Quả mọng, nạc, hình cầu, đường kính 5 - 9mm, nhẵn, khi chín màu đen, hạt 2 - 3, gần hình ba cạnh, hơi dẹt, đường kính 4mm.

Mùa hoa: Tháng 7 - 8, mùa quả tháng 9 - 10.

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Loài cây này mọc nhiều ở độ cao trên dưới 2.000m so với mặt nước biển, trong các khu rừng thưa, ẩm thấp, khí hậu lạnh quanh năm bao gồm: Nhật Bản, Bắc Triều Tiên, Nam Trung Quốc, các tỉnh vùng núi phía Bắc của Việt Nam.

Riêng tại Việt Nam, khi tiến hành cuộc khảo sát dược liệu tại Fansipan, các nhà khoa học Việt Nam đã phát hiện một quần thể rộng lớn cây Giảo cổ lam mọc hoang ở độ cao 1.500m thuộc dãy Hoàng Liên Sơn.

Thu hoạch: Trung bình 1 năm có thể thu 4 – 5 lứa, cây trồng 1 lần có thể cho thu hoạch 3- 4 năm, sau khi bón phân đảm bảo thời gian cách ly ít nhất 3 tuần mới thu hoạch. Nên thu cây vào những ngày nắng to, để đảm bảo dược liệu có màu sắc đẹp và đem đi tiêu thụ.

Chế biến: Thái khúc khoảng 3 – 5 cm, rửa sạch, phơi hay sấy ở nhiệt độ 40 – 50 độ C.

Bộ phận sử dụng của Giảo cổ lam

Phần trên mặt đất.

Thành phần hóa học

Thành phần hoạt chất chính của Giảo cổ lam: Saponin, flavonoid, polysaccharid.

Saponin: Trong GCL có chứa hơn 100 loại saponin cấu trúc triterpenoid kiểu Dammaran (gồm 4 vòng và một mạch nhánh), gọi chung là các gypenosids, trong đó có 4 saponin có giống cấu trúc giống hệt saponin trong nhân sâm, 11 saponin có cấu trúc tương tự như saponin trong nhân sâm. Ngoài ra, giảo cổ lam còn chứa các acid amin tan trong nước, các vitamin, nhiều nguyên tố vi lượng như kẽm, sắt, selen và rất giàu canxi hữu cơ.

Tác dụng của Giảo cổ lam

Theo y học cổ truyền

Giảo cổ lam vị rất giống nhân sâm, trước đắng sau ngọt (tiền khổ hậu cam cam).

Giảo cổ lam là một trong những cây dược liệu cổ quý hiếm được biết đến với rất nhiều tác dụng trong y học. Dược liệu này đã được sử dụng từ rất lâu đời ở các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Triều Tiên, đặc biệt là Trung Quốc.

Giảo cổ lam đã được ghi trong sách cổ “Nông chính toàn thư hạch chú”, quyển Hạ năm 1694 và trong cuốn “Từ điển cây thuốc Việt Nam” với những công dụng sau:

Ba chống: Chống u, chống lão hóa, chống mệt mỏi.

Ba giảm: Giảm béo, giảm căng thẳng, giảm nám sạm da.

Năm tốt: Ăn ngủ tốt, tiêu hóa tốt, da dẻ tốt, sức khỏe tốt và giúp tỉnh táo.

Theo y học hiện đại

Hỗ trợ điều trị bệnh huyết áp, tim mạch: Hỗ trợ điều trị cao huyết áp, chống huyết khối và bình ổn huyết áp (đưa huyết áp trở lại trạng thái cân bằng); phòng ngừa các biến chứng tim mạch, tai biến mạch máu não, tai biến não.

Hỗ trợ điều trị máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, giảm cholesterol toàn phần, ngăn ngừa xơ vữa mạch máu, giúp tăng cường tuần hoàn máu; Tốt cho tế bào gan, tăng cường chức năng giải độc gan, hạ men gan.

Hỗ trợ điều trị tiểu đường: hạ đường huyết, giúp bệnh nhân tiểu đường mạnh khỏe và giảm các biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra.

Tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng giúp cơ thể phòng chống bệnh tật về lâu dài, sử dụng thường xuyên sẽ nâng cao tuổi thọ; giảm căng thẳng mệt mỏi, giúp tăng lực mạnh, tăng khả năng làm việc; ngăn ngừa, phòng chống bệnh ung thư, tác dụng ức chế sự hình thành và phát triển của khối u.

Tác dụng làm đẹp, giảm béo: chống lão hóa, điều chỉnh rối loạn chuyển hóa mỡ nên làm giảm béo tốt, nhất là béo bụng, béo đùi; tác dụng thanh nhiệt (làm mát, giải nhiệt), giải độc gan tốt lên hỗ trợ chữa và phòng chống mụn, nám da, giúp cho làn da sáng đẹp.

Liều lượng và cách dùng Giảo cổ lam

Liều dùng: Mỗi ngày 10 – 20g, uống vào buổi sáng đến đầu giờ chiều thay nước uống hằng ngày.Hãm bằng nước nóng hoặc sắc để chiết được hoạt chất trong dược liệu.

Bài thuốc chữa bệnh từ Giảo cổ lam

Bài thuốc 1: Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

Nguyên liệu: Giảo cổ lam 40g, cỏ ngọt 20g, nước.

Cách thực hiện: Giảo cổ lam và cỏ ngọt phơi khô sau đó chia làm 2 – 3 lần, pha với nước như trà uống bình thường trong ngày. Lưu ý  không sắc hai vị thuốc trên sẽ làm mất các hoạt chất và giảm mùi vị của dược liệu.

Bài thuốc 2: Hỗ trợ giải độc, mát gan và điều trị bệnh viêm gan virus

Nguyên liệu: 30g giảo cổ lam, 30g cây xạ đen, 20g cà gai leo, nước sôi, bình giữ nhiệt.

Cách thực hiện: cho tất cả nguyên liệu vào bình giữ nhiệt sau đó đổ thêm 1,5 lít nước sôi. Đậy kín nắp lại để trong khoảng thời gian 30 đến 45 phút có thể sử dụng được ngay. Hoặc cho hỗn hợp 3 loại trên vào sắc chung với 1,5 lít nước trong khoảng thời gian 20 phút. Sau khi sắc xong thấy nước đặc và khoảng lượng 2/3 đem tắt bếp. Chia hỗn hợp trên thành 3 phần và uống trong ngày uống trước khi ăn.

Bài thuốc 3: Hỗ trợ bệnh tiểu đường, mỡ máu

Nguyên liệu: Giảo cổ lam 25g, dây thìa canh 25 g.

Cách thực hiện: Cho giảo cổ lam và dây thìa canh vào nấu cùng với 1 lít nước, đun sôi nhỏ lửa còn khoảng 800ml tắt bếp. Sau đó để nguội và chia nước trên thành 3 phần uống trong ngày và trước bữa ăn khoảng 15 phút.

Lưu ý khi sử dụng Giảo cổ lam

Người đang bị tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch có thể dùng gấp đôi.

Bảo quản Giảo cổ lam

Trong bao bì kín, để nơi khô, thoáng, tránh ẩm, sâu mọt.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Giảo cổ lam cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.