lcp

Hoàng đằng là cây gì? Tác dụng và vị thuốc từ Hoàng đằng


Hoàng đằng được mệnh danh là vị thuốc kháng sinh từ thảo dược vô cùng hiệu nghiệm. Một số công dụng chính của loại dược liệu này có thể kể đến như chống viêm nhiễm, điều trị tiêu chảy… Sau đây Medigo sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin hữu ích về vị thuốc hoàng đằng.

Hoàng đằng là cây gì?

Thông tin chung

  • Tên dược liệu: Hoàng đằng
  • Tên gọi khác: Dây vàng, nam hoàng liên…
  • Tên khoa học: Caulis et Radix Fibraurea.
  • Thuộc họ: Tiết dê (Menispermaceae).
  • Các loài: Gồm 2 loài là Fibraurea recisa Pierre và Fibraurea tinctoria Lour.
hoàng đằng

Hoàng đằng còn có tên gọi khác là nam hoàng liên, dây vàng…

Đặc điểm sinh thái

Loài Fibraurea recisa Pierre:

  • Thuộc loài cây leo có dây leo dày và to, có thể vươn đến ngọn của cây lớn. Thân và rễ cây già có màu vàng, phần vỏ ngoài nứt nẻ. Thân non của cây có bề mặt nhẵn, màu xanh lục.
  • Lá cây rộng 4 – 10cm, dài 9 – 20cm, mọc so le, nhẵn và cứng. Lá có đầu nhọn, phiến hình bầu dục, gốc tròn hoặc cắt ngang, chia làm 3 gân chính rõ ràng. Mặt trên của lá bóng và xanh sẫm, mặt dưới màu xanh nhạt, cuống lá dài từ 5 – 14cm, hai đầu phình lên, hơi gần trong phiến.
  • Hoa hoàng đằng màu vàng lục, khác gốc, đơn tính, hoa mọc ở kẽ lá đã rụng và mọc thành chùy dài, phân nhánh 2 lần, dài từ 30 – 40cm. 3 lá đài ngoài nhỏ, hơi nhọn, hình trái xoan. 3 lá dài trong dài và khum rộng hơn. Cánh hoa 3, kích thước hơi rộng hơn lá của đài trong. Bao phấn nhẵn, chỉ nhị dài và rộng bằng bao phấn. Hoa cái gồm 3 lá noãn, hoa đực gồm 6 nhị.
  • Quả hạch hình trái xoan, bên trong có một hạt hơi dẹt và dày, quả chín chuyển màu vàng.

So với loài hoàng đằng Fibraurea recisa Pierre ở trên, loài Fibraurea tinctoria Lour có một số điểm khác biệt như sau:

  • Cụm hoa ngắn hơn, ít phân nhánh
  • Phiến lá nham nhở, lá dài ngoài có hình tam giác, mũi lá nhọn rõ
  • Nhị 6, chỉ nhị dài hơn bao phấn

Hoàng đằng có nguồn gốc ở các nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, cây thường mọc ở các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, một số tỉnh Tây Nguyên và khá nhiều ở Nghệ An. Đây là loài cây ưa bóng, sinh trưởng tốt nhất ở nơi đất ẩm ướt.

cây hoàng đằng

Đặc điểm sinh thái của vị thuốc hoàng đằng

Bộ phận dùng, thu hái, sơ chế, bảo quản

Rễ và thân già của hoàng đằng sẽ được dùng làm thuốc. Cây thường được thu hoạch vào mùa thu, từ tháng 8 – 9. Sau khi thu hoạch, người ta loại bỏ hết lớp bần bao bọc bên ngoài vỏ cây và cắt thành từng đoạn từ 15 – 20cm. Cuối cùng mang đi sấy hoặc phơi khô, bảo quản ở nơi thoáng mát, khô ráo. Có thể bỏ vào túi nilon để dùng dần. Có hai cách sơ chế dược liệu như sau:

  • Hoàng đằng phiến: Cắt vị thuốc thành phiến vắt, độ dày từ 1 – 3mm, sấy hoặc phơi khô. Nếu dùng rễ và thân khô thì mang đi ngâm và ủ mềm, thái phiến vát, sau đó sấy hoặc phơi khô.
  • Hoàng đằng sao: Hoàng đằng phiến được bỏ vào sao đến khi khô vàng.

Thành phần hóa học Hoàng đằng

  • Trong dược liệu này có chứa hoạt chất alcaloid, trong đó có các chất chính như berberin, columbamin, một chút jatrorrhizin, palmatin 1 – 3,5%.
  • Ngoài ra còn có một số thành phần hóa học khác như tenophylloloside 3, fibleucinoside 4, fibraurinoside 5, fibleucine 1 và fibraucine 2.

Tác dụng của Hoàng đằng

Mô tả dược liệu

Rễ và thân cây hoàng đằng có dạng hơi cong hoặc hình trụ thẳng, chiều dài từ 10 – 30cm, đường kính từ 0,6 – 3cm. Vỏ ngoài của dược liệu màu nâu, có sẹo của rễ con hoặc sẹo cuống lá và nhiều vân dọc. Mặt cắt ngang màu vàng, chia thành 3 phần rõ rệt là phần ruột tròn và hẹp ở giữa, phần gỗ có hình nan hoa bánh xe, phần vỏ hẹp. Dược liệu hoàng đằng có đặc tính là cứng, vị đắng, khó bẻ gãy.

tác dụng của hoàng đằng

Mô tả dược liệu hoàng đằng

Y học hiện đại

Nhờ vào hàm lượng berberin dồi dào nên hoàng đằng có các tác dụng dược lý sau đây:

  • Ngăn chặn quá trình hình thành các mảng xơ vữa, cải thiện độ đàn hồi của mạch máu
  • Giảm thiểu hàm lượng triglyceride tích tụ ở gan, làm giảm tỷ lệ cholesterol xấu trong máu
  • Nâng cao sức khỏe tim mạch, hỗ trợ cải thiện khả năng co bóp và giãn nở của tim. Đồng thời duy trì hoạt động hiệu quả của thần kinh giao cảm ở tim
  • Ức chế sự sinh sôi phát triển của các loại vi khuẩn, điều trị viêm kết mạc hay tiêu chảy do nhiễm khuẩn

Bên cạnh đó, hoàng đằng cũng chứa palmatin với những công dụng như:

  • Ức chế sự sinh sôi của vi khuẩn đường ruột (tác dụng yếu hơn kháng sinh)
  • Chống nấm, đặc biệt là các loại nấm gây ra tình trạng viêm nhiễm âm đạo
  • Hạ huyết áp, ngăn ngừa rối loạn nhịp tim đối với người bị cao huyết áp

Y học truyền thống

  • Đông y cho rằng, hoàng đằng có tính hàn, vị đắng, quy kinh Tâm, Can. Công dụng của loại dược liệu này là thông tiện, giải độc, sát trùng, tiêu viêm, thanh nhiệt.
  • Chủ trị: nóng trong người, các bệnh lý về gan, viêm tai, lở ngứa ngoài da, sốt rét, tiêu chảy, viêm sưng ruột, đau mắt, dùng làm thuốc bổ…

Liều dùng và cách dùng

Liều dùng tham khảo là 6 – 12g/ngày, có thể sắc lấy nước uống hoặc nấu nước và rửa ngoài da.

Một số vị thuốc từ Hoàng đằng

Trị đau mắt đỏ có màng

  • Bài thuốc 1: 2g phèn chua, 4g hoàng đằng. Tán bột mịn các vị thuốc trên và chưng cách thủy với nước. Gạn lấy nước trong, nhỏ mắt 2 lần/ngày.
  • Bài thuốc 2: Cam thảo 2g, bạch chỉ, phòng phong, long đởm thảo, kinh giới, cúc hoa mỗi loại 4g, mật mông hoa 9g, hoàng đằng 8g. Sắc lấy nước uống 1 thang/ngày, uống từ 3 – 5 thang.

Trị viêm tai có mủ: 10g phù phỉ, 20g hoàng đằng. Nghiền thành bột mịn các vị thuốc trên và trộn đều. Sau khi làm sạch mủ trong tai, thổi bột thuốc vào tai từ 2 – 3 lần/ngày.

Trị viêm gan virus, tiểu ra máu, viêm âm đạo, viêm đường tiết niệu: 10 – 12g các vị thuốc huyết dụ, mộc thông, hoàng đằng. Sắc cùng 1 lít nước cho đến khi cạn còn 300ml. Chia làm 3 phần và uống khi còn ấm, dùng mỗi ngày 1 thang.

vị thuốc từ hoàng đằng

Một số bài thuốc từ dược liệu hoàng đằng

Lưu ý khi sử dụng Hoàng đằng

  • Tuyệt đối không dùng cho bệnh nhân đang mắc các bệnh có tính hàn như lạnh run, rét, tay chân lạnh, đau tăng khi gặp lạnh…
  • Thận trọng khi điều chế hoàng đằng làm thuốc nhỏ mắt, phải đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối nếu không dễ dẫn đến bội nhiễm.
  • Kiêng kỵ dùng cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú.
  • Không dùng cho người có dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.

Vị thuốc từ cây hoàng đằng có nhiều tác dụng đặc biệt quan trọng, được ứng dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên để việc điều trị đạt kết quả tốt nhất, tránh những tác dụng phụ không mong muốn thì Medigo khuyên bạn nên tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Mai Thị Thanh Huyền

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Quản lý chuyên môn. Cửa hàng trưởng tại Nhà Thuốc 247 - Hàng Bông, Hà Nội

Dược sĩ Mai Thị Thanh Huyền có hơn 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược lâm sàng. Hiện là cửa hàng trưởng chịu trách nhiệm quản lý nhà thuốc, chuyên môn sâu tư vấn về thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân, cung cấp thông tin và đào tạo kiến thức về thuốc cho Dược sĩ tư vấn.