Cây Hoàng Liên là gì? Tác dụng và cách dùng Hoàng Liên
Cây hoàng liên là thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, xuất hiện nhiều ở khu vực miền núi nước ta. Để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây hoàng liên cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng đọc thêm trong bài viết dưới đây.
Thông tin cây Hoàng Liên
- Tên tiếng Việt: Cây sâm hoàng liên, hoàng liên chân gà, cây chi liên, vương chi liên, thượng thảo, vượng thảo, vận liên, xuyên nhã liên, chích đởm chi, cổ dũng liên.
- Tên khoa học: Coptis chinensis Franch., Coptis teeta Wall., Coptis teetoides C.Y. Cheng., Coptis deltoidea C.Y. Cheng et Hsiao.
- Họ: Ranunculaceae (Hoàng liên)
- Công dụng: Thân rễ làm thuốc giúp tiêu hoá, chữa đau mắt, lỵ, sốt.
Mô tả cây Hoàng Liên
- Thuộc loài cây thân thảo, sống nhiều năm, thân cao chừng 15 – 35cm.
- Lá cây mọc so le, mọc từ thân rễ lên, có cuống dài khoảng từ 6 – 12cm. Mỗi phiến lá có 3 – 5 lá chét, chia thành nhiều thùy xẻ sâu, mép lá có hình răng cưa, màu xanh mướt.
- Khoảng tháng 2 – 4 là thời điểm cây ra hoa. Mùa xuân sinh trục dài chừng 10 – 12 cm, hoa hoàng liên mọc thành từng cụm nhỏ 3 – 5 bông từ đầu cành. Có 5 lá đài màu vàng lục, cánh hoa hình mũi mác dài bằng ½ lá đài, có nhiều nhị dài gần bằng cánh hoa, có nhiều lá noãn rời nhau.
- Đến tháng 3 – 6 cây kết quả. Quả hoàng liên có cuống, màu vàng, bên trong chứa chừng 7 – 8 hạt màu nâu đen hoặc lục xám.
- Rễ hoàng liên thuộc loại rễ chùm, hình trụ dài, có màu vàng nhạt hoặc màu nâu. Khi cây trưởng thành, rễ sẽ phát triển thành củ tựa như chân gà.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Hoàng Liên thường mọc ở vùng núi có độ cao 1500 – 1800m. Hoàng Liên mọc hoang và trồng nhiều ở Trung Quốc (có nhiều ở Tứ Xuyên, Hồ Bắc…) ở nước ta Hoàng Liên mọc hoang trên dãy núi Hoàng Liên Sơn (Sapa có loài Coptis quinquesecta Wang, Coptis chinensis Franch và ở khu vực Tây Bắc như Quảng Bạ – Hà Giang có loài Coptis chinensis Franch). Tuy nhiên chưa đủ nhu cầu dùng trong nước và xuất khẩu.
Hoàng Liên ưa chỗ lạnh, mát, ẩm thấp (không ưa chỗ nóng nhiều, khô ráo và nhiều ánh sáng) nhiệt độ nơi trồng phải thấp dưới 30 độ C.
Hoàng Liên trồng bằng hạt. Người ta thường trộn hạt lẫn với cát nhỏ theo tỉ lệ 1:1 rồi đem gieo. Hoặc chọn các quả già nhưng chưa nứt vỏ, hái về phơi, khi vỏ nứt, sẽ chọn các hạt mập, chắc, có hạt phải tranh thủ gieo ngay, để lâu sẽ mất khả năng mọc. Khi cây đã có 3 lá thì tỉa bớt chỉ để cách nhau độ 3 – 4cm một cây. Khi cây có 5 – 6 lá đem nhổ lên, trồng thành hàng cách nhau 40 cm, cây nọ cách cây kia 30 cm.
Thường trồng vào mùa xuân. Đất trồng cố định cũng phải ở trên cao 1.200 – 2.000m có cây to che mát, nếu không có phải làm dàn che cao độ 1,8m. Đất dễ tháo nước, tốt nhất là đất có cát và nhiều mùn. Khi trồng có thể dùng phân chuồng, phân xanh; nếu đất chua có thể dùng thêm vôi.
Sau 5 năm bắt đầu có thể thu hoạch. Cần thu hoạch vào thu đông, khi cây được 2 – 3 năm tuổi, nếu để sang xuân chất lượng sẽ kém. Rễ cây nằm sâu trong lòng đất lên khi thu hoạch cần đào sâu tránh làm đứt gãy hay bỏ sót dược liệu.
Sau khi thu hoạch, người dùng cần rửa sạch tạp chất, bụi bẩn rồi ủ khoảng 1 – 2 tiếng cho mềm để tiến hành bào chế để sử dụng trong thời gian dài.
- Cách 1: Phơi để nguyên củ. Mang dược liệu phơi khô trong bóng mát chừng 1 – 2 tháng đến khi khô hoàn toàn.
- Cách 2: Cắt dược liệu thành những lát mỏng rồi phơi trong bóng mát cho khô để bảo quản dùng dần.
- Cách 3: Dược liệu cắt mỏng, phơi âm can (không phơi trực tiếp dưới nắng). Mỗi lần dùng lấy một lượng vừa đủ sao với rượu, hạ thổ để dùng.
- Cách 4: Dùng cây hoàng liên ngâm rượu cũng là cách bào chế phổ biến hiện nay. Cứ mỗi 2 – 3 kg dược liệu tươi ngâm cùng khoảng 10 lít rượu 40 – 42 độ, ủ càng lâu rượu càng thơm ngon. Mỗi ngày dùng từ 40 – 50ml, chia thành 2 – 3 lần sau ăn hoặc kết hợp trong bữa ăn.
- Cách 5: Ở Trung Quốc người ta còn chế biến thành du hoàng liên (tẩm Hoàng Liên với nước sắc của ngô thù du đem sao nhẹ) hay Khương Hoàng Liên (tẩm Hoàng Liên với nước ép của gừng tươi sao nhẹ).
Bộ phận sử dụng của cây Hoàng Liên
Thân rễ (Rhizoma coptidis). Là những mẩu cong queo, dài 3cm trở lên, rộng 0,2 – 0,5 cm, có nhiều đốt khúc khuỷu và phân nhiều nhánh, trông giống hình chân gà nên thường gọi là hoàng liên chân gà. Mặt ngoài màu vàng nâu, mang vết tích của rễ phụ và của cuống lá. Chất cứng rắn, vết bẻ ngang phẳng, phần gỗ màu vàng tươi, tia ruột có lỗ rách, phần vỏ và ruột màu vàng đỏ, cũng có khi rỗng. Không mùi, vị rất đắng, tồn tại lâu.
Thành phần hóa học
Thân rễ hoàng liên chứa nhiều alcaloid (5 – 8%) trong đó chủ yếu là berberin, ngoài ra còn có worenin, coptisin, palmatin, jatrorrhizin, magnoflorin. Cả cây hoàng liên đều có alcaloid nhưng tỷ lệ trong các bộ phận của cây thay đổi theo các giai đoạn sinh trưởng và thời tiết. Vào khoảng tháng 9 – 10 ỏ thân rễ và rễ nhỏ có hàm lượng berberin cao. Ở lá già trước khi rụng, vào khoảng tháng 7 – 10 có hàm lượng alcaloid cao. ở hoa có khoảng 0,56% và hạt chứa 0,23% berberin.
Ngoài alcaloid trong rễ hoàng liên còn có tinh bột, acid hữu cơ như acid ferulic. Cụ thể các chất hóa học có trong cây hoàng liên bao gồm:
- Alcaloid (7%)
- Coptisin
- Columbamin palmatin
- Magnoflorin worenin
- Jatrorrhizin
- Berberrubine
- Worenine
- Magnofoline
- Ferulic acid
- Obakunone
- Obakulactone
Tác dụng của Hoàng Liên
Tính theo vị đông y: vị đắng, tính hàn, vào 5 kinh: tâm, can, đởm, vị và đại trường. Tác dụng tả hỏa, táo thấp, giải độc, chữa sốt, tả lỵ, tâm phiền, nôn ra máu, tiêu khát, đau mắt đỏ, loét miệng, ngộ độc do ba đậu, khinh phấn. Bệnh nhân huyết ít, khí hư, tỳ vị hư nhược, trẻ con lên đậu, đi tả cấm dùng.
Theo y học hiện đại:
- Chữa lỵ, viêm ruột, ung nhọt, lở ngứa, miệng lưỡi lở, thổ huyết, chảy máu cam, trĩ. Dịch chiết Hoàng Liên nhỏ vào mắt chữa đau mắt đỏ.
- Ngăn cản sự phát triển của các loại vi khuẩn, chẳng hạn như: Shigella, liêu cầu khuẩn, vi khuẩn tụ cầu,... và một số bệnh về nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
- Điều trị ho gà, hạ huyết áp, ngăn ngừa tăng giãn mạch, phòng các bệnh về tim mạch chuyển hóa và đột quỵ.
- Tăng cường chức năng của mật, kích thích vỏ não khi sử dụng với liều lượng phù hợp.
- Chữa các chứng bệnh về đường tiêu hóa, chẳng hạn như kiết lỵ, tiêu chảy, đau bụng,...
- Tác dụng của cây hoàng liên trị mụn nhọt, nổi ngứa, mề đay, giải độc, thanh nhiệt.
- An thần, giảm căng thẳng, hay hồi hộp,...
Một số bài thuốc chữa bệnh từ Hoàng Liên
Trị mắt đau đỏ, do phong nhiệt công lên: Hoàng liên 10g, địa hoàng 12g, cam cúc 10g, hoa kinh giới 8g, ngọn cam thảo 6g, xuyên khung 8g, sài hồ 8g, thuyền thoái 4g, mộc thông 8g. Sắc uống sáng và tối, ngày 1 tháng.
Trị bệnh mắt, mắt có màng, thong manh: Bột hoàng liên 40g giã cùng 1 bộ gan dê đực, giã nhuyễn làm viên bằng hạt ngô đồng 0,3g. Mỗi lần uống 21 viên với nước ấm.
Nước rửa mắt đau (rất công hiệu): Hoàng liên 10g, đương quy 10g, cam cúc hoa 8g. Sắc lấy nước, cho 1 ít phèn chua để dùng hàng ngày. Đun nóng ấm rửa mắt.
Trị các loại trệ đọng, đi ngoài ra máu: Hoàng liên 12g, thược dược 10g, hạt sen 8g, biển đậu 10g, thăng ma 8g, cam thảo 4g, hoạt thạch 8g. Sắc uống trong ngày.
Trị lỵ toàn máu, bụng đau: Hoàng liên 12g, hoa hoè 10g, chỉ xác 10g, nhũ hương 6g, một dược 8g. Sắc uống trong ngày.
Trị các loại cam nhiệt của trẻ con: Hoàng liên 12g, ngũ cốc trùng 8g, lô hội 8g, bạch vu di 8g, thanh đại 10g, hoa bạch cẩn 8g, hoa phù dung trắng 8g. Sắc uống.
Trị các loại trĩ rò: Hoàng liên và xích tiểu đậu lượng bằng nhau, giã nhuyễn thấm nước đắp lên chỗ trĩ.
Trị tiết tả sau khi bị sởi nặng: Hoàng liên 12g, càn cát 10g, cam thảo 4g, thăng ma 10g, thược dược 10g. Sắc uống trong ngày.
Trị miệng cam bị lở loét: Hoàng liên 12g, ngũ vị tử 6g, cam thảo 4g. Sắc uống.
Trị đái đường, đi tiểu nhiều: Hoàng liên 12g, mạch môn 8g, ngũ vị tử 6g. Sắc uống.
Người già, phụ nữ mắc bệnh lỵ lâu khỏi: Hoàng liên 12g, nhân sâm 10g, hạt sen 10g. Sắc uống.
Trị nhiệt lỵ, thanh nhiệt, bình can: Hoàng liên 30g, hoàng bá 30g, trần bì 20g, bạch đầu ông 30g. Sắc uống.
Thuốc kích thích tiêu hoá ăn uống tốt: Bột hoàng liên 10g, bột đại hoàng 20g, bột quế chi 15g. Các vị trộn đều để dùng. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1g với nước ấm.
Trị tổn thương do rượu: Hoàng liên 12g, ngũ vị tử 6g, mạch môn 8g, càn cát 8g. Sắc uống.
Lưu ý khi sử dụng Hoàng Liên
Cây hoàng liên tuy là dược phẩm ít độc tố nhưng lại có dược tính tương đối mạnh nên được khuyên không nên sử dụng cho trẻ em, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú. Trước khi đưa hoàng liên vào làm vị thuốc sử dụng, người bệnh cần phân biệt chính xác cây hoàng liên để tránh nhầm lẫn với các loại cây khác.
Một số đối tượng không nên sử dụng gồm: người bị khí hư, thiếu máu, tỳ vị yếu, mất ngủ hậu sản, phiền nhiệt táo khát, huyết hư gây sốt, thủy đậu ở trẻ em, tiêu chảy do dương hư, tỳ vị hư hàn, âm hư, nội nhiệt phiền táo, chân âm bất túc, hư tiết tả.
Không đồng thời sử dụng cây hoàng liên với các nguyên liệu, dược liệu sau: thịt lợn, cúc hoa, cương tàm, huyền sâm, cây cỏ xước, nguyên hoa, bạch tiễn bì.
Hoàng Liên là một cây thuốc quý, cần được nhân giống và bảo vệ ở Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu bảo tồn cây thuốc ở vùng Sapa, Viện Dược liệu đã bước đầu trồng được một số khóm hoàng liên (từ cây thu thập trong tự nhiên) dưới tán rừng tự nhiên, ở độ cao khoảng 1.800 m. Cây trồng bảo tồn có ra hoa, nhưng quả thường lép. Cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu để phát triển trồng cây thuốc quý này.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm