Hoè hoa là gì? Tác dụng và vị thuốc từ hoè hoa
Hòe hoa là một vị thuốc nam quý được sử dụng rộng rãi trong Y Học Cổ Truyền. Vị thuốc này có vị đắng, tính bình, mát mà không độc. Nó có mặt hầu hết trong các bài thuốc chữa nhiều loại bệnh như bệnh trĩ, cao huyết áp hay chứng mất ngủ. Vậy hòe hoa có hình thái như thế nào? Có tác dụng gì trong chữa trị bệnh?
Tìm hiểu về hoè hoa
Hòe hoa có tên khoa học là Sophora japonica L, cây có họ Đậu - Fabaceae. Ngoài ra, hòe hoa còn có tên tiếng Việt là hòe, lài luồng, hoa hòe hay hòe mễ.
Cây hòe xuất hiện nhiều ở các tỉnh Thái Bình, Hà Bắc, Nam Hà, Hải Phòng, Hải Hưng, Nghệ An và các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Đặc điểm sinh thái
Cây hòe có chiều cao khoảng từ 5 đến 7m, có khi lên đến 15m. Cây thuộc loài cây thân gỗ to, sống lâu năm. Thân cây mọc thẳng, có vỏ hơi nứt nẻ. Cành cây nằm ngang, cành có hình trụ, vỏ nhẵn có màu xanh lục nhạt với những chấm trắng. Cây hòe có nhiều nhánh mọc ra từ thân, cành cây cong queo.
Lá kép lông chim lẻ, mọc so le nhau. Có từ 11 đến 17 lá chét mọc đối nhau. Lá chét có gốc tròn, đầu hơi nhọn, dài từ 3-4cm, rộng từ 1.2-2cm. Lá có màu lục nhạt, ở mặt dưới có màu nhạt hơn và có một ít lông.
Cây hòe ra hoa vào tháng 5 đến tháng 8
Cụm hoa mọc thành chùm dài 20cm ở đầu cành. Hoa có kích thước nhỏ, có màu trắng và màu vàng nhạt. Đài hoa có hình chuông, gần như nhẵn. Cánh hoa hòe có móng ngắn, cánh rộng, có hình tim ở gốc và mép hoa cong lên. Hoa có 10 nhị rời nhau với bao phấn có hình bầu dục.
Quả hòe có hình dáng giống như quả đậu. Quả có vỏ dày, màu xanh nhưng không mở. Bên trong quả có chứa vài hạt. Ở giữa quả có từng khoảng thắt lại ở giữa hai hạt. Quả có từ 2 đến 5 hạt, hạt có hình bầu dục, hơi dẹt và có màu đen bóng. Mùa hoa hòe rơi vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8. Mùa quả rơi vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 11.
Bộ phận dùng của hoè hoa
Bộ phận dùng làm dược liệu của cây hòe là nụ hoa hòe. Đôi khi cũng được sử dụng nhưng ít hơn.
Thu hái, sơ chế và bảo quản
- Thu hái
Vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8, những chùm có nụ hoa to sắp nở. Lúc này người dùng sẽ được hái vào sáng sớm khi trời khô ráo. Riêng quả hòe thì được thu hái vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11. Đây là lúc quả hòe đã chín.
- Sơ chế
Sau khi hái hoa về thì tuốt lấy hoa và đem sấy hoặc phơi ngoài trời nắng cho thật khô. Nụ hoa được dùng để làm dược liệu Đông y với tên gọi là hòe hoa. Hoa đã nở nhưng vẫn được sử dụng nhưng không lẫn vào quá 10%.
Quả hòe sẽ được đem phơi hoặc sấy khô làm thuốc.
- Bảo quản
Dược liệu hòe hoa rất dễ bị mốc. Do đó, cần bảo quản dược liệu ở nơi khô thoáng, tránh để ở nơi ẩm ướt như nhà tắm hoặc gần bồn rửa chén.
Thành phần hóa học
Nụ hòe và quả hòe có chứa nhiều thành phần hóa học như:
- Rutin
- Quercetin
- Genistein
- Sophoricoside
- Flavonoid
- Alkaloid với hai thành phần cytisin, sophocarpin
Tác dụng của hoè hoa
Hoa hòe đã được phơi khô có nhiều tác dụng trị bệnh
Tăng cường sức đề kháng, làm giảm tính thẩm thấu của mao mạch: Rutin và quercetin là hai chất có tác dụng tăng cường sức đề kháng. Không những thế nó còn có khả năng làm giảm tính thẩm thấu của mao mạch. Có khả năng phục hồi tính đàn hồi của các mao mạch đã bị tổn thương.
Có tác dụng chống viêm: Trong thực nghiệm, các chất trong hoa hòe còn có tác dụng ức chế phù bàn chân chuột do albumin, histamine, serotonin gây. Làm giảm tình trạng sưng khớp do men hyaluronidase tạo nên.
Có tác dụng bảo vệ cơ thể chống chiếu xạ: Trên chuột nhắt trắng, nếu dùng rutin tiêm dưới da với liều 2mg/kg. Thuốc sẽ có tác dụng làm giảm tỷ lệ tử vong của súc vật bị chiếu xạ với liều lượng lớn.
Có tác dụng hạ huyết áp và làm hạ cholesterol máu: Rutin tiêm tĩnh mạch với liều 1mg/kg cũng có tác dụng hạ huyết áp trên chuột trắng. Chất quercetin tiêm dưới da với liều 10mg/kg có tác dụng hạ cholesterol. Nhờ đó, dịch chiết trong hoa hòe sẽ có tác dụng điều trị và ngăn ngừa bệnh xơ vữa động mạch trên thực nghiệm.
Có tác dụng cầm máu: Nước sắc nụ hòe đã sao cháy có tác dụng cầm máu ở chuột cống trắng.
Một số vị thuốc từ hoè hoa
Chữa trị chảy máu không cầm: Đem các vị thuốc hòe hoa, ô tặc cốt, lượng bằng nhau. Một nửa lượng thuốc để sống và một nửa đem sao. Sau đó thang thuốc này đem đi tán bột thổi vào.
Chữa trị ho ra máu, khạc ra máu: Hoa hòe đã sao đem tán bột. Mỗi lần dùng 12g thuốc đem uống với nước gạo nếp. Người bệnh cúi ngửa một lát thì đỡ.
Chữa trị tiểu ra máu: Lấy hòe hoa sao và uất kim đã nướng, mỗi thứ 1 lượng. Sau đem đem đi tán bột, mỗi lần uống 8g thuốc với nước sắc Đậu xị .
Chữa trị đại tiện ra máu: Lấy một lượng bằng nhau các vị thuốc như hoa hòe, kinh giới tuệ đem đi tán bột. Mỗi lần dùng 4g thuốc uống với rượu.
Chữa trị sốt cao đột ngột và tiểu ra máu: Dùng ruột heo sống 1 cái đem rửa sạch phơi khô. Sau đó hòe hoa đã tán bột bỏ đầy vào ruột heo. Lấy giấm gạo ngâm trong hũ sành nấu chín rồi viên thành từng hạt lớn đem phơi nắng. Mỗi lần dùng 1 viên uống lúc đói với rượu ngâm Đương quy.
Chữa trị lỵ ra máu, trĩ ra máu: Đem vị thuốc hòe hoa đem sao rồi tán bột. Mỗi lần dùng 12g thuốc uống với rượu. Mỗi ngày uống 3 lần.
Chữa trị rong kinh không cầm: Vị thuốc hòe hoa đã sao tồn tính. Mỗi lần uống 8 - 12g thuốc với rượu nóng trước khi ăn.
Chữa trị độc nhọt lở sưng tấy, các loại ung nhọt phát bối, chẳng kể là có mủ hay chưa, nhưng có tấy sưng nóng đau: Hòe hoa đã sao qua cùng với hạch đào nhân mỗi loại đều 80g. Dùng giấm 1 chén đem sắc uống. Nếu chưa đỡ thì dùng thuốc uống 2 -3 lần, đã vỡ mủ thì uống từ 1 -2 lần thấy hiệu quả.
Chữa trị huyết áp cao: Lấy mỗi thứ 20 đến 40g hòe hoa và hy thiêm thảo đem sắc uống.
Lưu ý khi sử dụng hoè hoa
Khi dùng hòe hoa thì nên chú ý một số vấn đề sau:
- Không có thực hỏa, thực nhiệt thì cấm dùng.
- Hòe hoa kỵ sắt.
- Những người có bệnh do hư hàn, không có nhiệt thì không dùng.
Như vậy, vị thuốc hòe hoa được dùng để chữa bệnh hiện đang được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên tự ý sử dụng hoa hòe mà hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng để tránh các hậu quả không mong muốn nguy hiểm đến tính mạng.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm