Liên tâm là gì? Tác dụng và vị thuốc từ Liên tâm
Liên tâm hay còn gọi là tâm sen là vị thuốc có công dụng chính là an thần, chữa mất ngủ. Vậy tâm sen có đặc điểm gì, cách thức thu hoạch và sơ chế ra sao, có những bài thuốc nào có thành phần tâm sen? Cùng Medigo tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Mô tả dược liệu Liên tâm
Liên tâm là gì? Liên tâm còn có nhiều tên gọi khác như liên tử tâm, tim sen, tâm sen, với tên khoa học là Embryo Nelumbinis. Đây là mầm của cây hoa sen được bóc tách ra từ bên trong hạt sen. Tâm sen từ lâu đã được nhiều người sử dụng như một loại trà. Ngoài ra nó cũng đóng vai trò là loại dược liệu quý dùng trong nhiều bài thuốc y học cổ truyền.
Liên tâm là gì? Liên tâm còn gọi là tâm sen, là phần mầm của cây hoa sen
Đặc điểm sinh thái
Cây sen là loài thực vật có hoa, sinh sống ở dưới nước. Thân rễ cây hình trụ, mọc sâu và bám xuống dưới các lớp bùn, có tên gọi là ngẫu tiết (ngó sen). Lá cây sen có dạng hình tròn, rộng khoảng 60cm, cuống dài, mọc vươn lên trên cao khỏi mặt nước, gọi là vị thuốc liên diệp trong Đông y.
Hoa sen có màu đỏ hồng hoặc trắng, gồm nhiều cánh mọc xếp chồng lên nhau. Khi mới mọc, các cánh hoa úp vào nhau tạo thành búp, khi nở thì xòe rộng. Đế của cây sen (còn gọi là đài sen) chứa nhiều quả (hay hạt sen) bên trong gọi là liên nhục.
Vỏ ngoài của hạt có màu xanh, nhẵn mịn. Khi bóc lớp vỏ ra bên trong nhân có màu trắng đục, được ghép lại bởi hai mảnh. Khi tách đôi hai mảnh này ra sẽ thấy tâm sen màu xanh, hay chồi mầm của cây sen, ở bên trong.
Tâm sen gồm có 4 mảnh lá non xếp gập vào nhau tạo thành khối trụ nhỏ, dài khoảng 10mm, đường kính khoảng 1mm. Liên tâm có một đầu màu xanh lục sẫm, một đầu màu vàng tươi. Đầu vàng tươi sau này sẽ phát triển thành thân và rễ của cây sen.
Cây hoa sen thường mọc hoang ở những vùng có nước. Cây sinh trưởng và phát triển tốt ở các nước nhiệt đới, đặc biệt là các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam… Ở nước ta, cây sen mọc hoang hoặc được trồng trong các đầm lầy, ao hồ, chậu cây cảnh…
Bộ phận sử dụng
Tâm sen, mầm chồi bên trong hạt của cây sen.
Thu hái, sơ chế, bảo quản
Người ta thường thu hoạch tim sen sau khi cây ra hoa, tức là vào mùa hè. Quả sen đã chín già sẽ được mang về tách lấy hạt bên trong. Tiếp đó người ta loại bỏ lớp vỏ màu xanh bên ngoài hạt, tách hạt làm đôi để lấy chồi mầm màu xanh bên trong. Liên tâm được phơi nắng hoặc sấy nhẹ trong điều kiện từ 40 – 50 độ C đến khi khô hẳn.
Thu hái, sơ chế và bảo quản liên tâm
Thành phần hóa học
Trong tâm sen có các thành phần hóa học gồm:
- Asparagin
- Neferin
- Alkaloid
- Pronuxiferin
- Nelumbin – chất làm nên vị đắng của tâm sen
- Metylcoripalin
- Lotusin
- Acid amin…
Tác dụng của Liên tâm
Theo y học cổ truyền
- Tâm sen có vị đắng, tính hàn, quy vào kinh Tâm. Dược liệu này có tác dụng trấn kinh, an thần, thanh tâm, giúp tinh thần thoải mái để có được giấc ngủ ngon.
- Công dụng thanh tâm: Tim sen có tính hàn, có lực giải nhiệt tạng tâm khá mạnh. Dùng để trị các chứng bệnh do ôn nhiệt, tà nhiệt bị giữ lại ở lớp màng bên ngoài của tạng tâm. Các chứng bệnh này có biểu hiện như chóng mặt, nói lảm nhảm, sốt… Có thể tăng công hiệu bằng cách kết hợp cùng mạch môn hay huyền sâm.
- Trấn kinh, an thần: Trị các chứng tim đập mạnh và nhanh, hồi hộp lo âu, phiền muộn. Có thể tăng công hiệu khi kết hợp cùng trắc bách diệp, sơn táo nhân.
- Giúp dễ ngủ: Dành cho người mất ngủ do nguyên nhân cơ địa thực nhiệt, với các triệu chứng như khô miệng, táo bón, chất lưỡi đỏ, bốc hỏa.
- Bên cạnh đó, tâm sen còn có công dụng cầm máu, sáp tinh, giáng áp. Chủ trị di tinh, mộng tinh cho nam giới, bệnh thổ huyết, cao huyết áp.
Một số công dụng tuyệt vời của liên tâm theo y học cổ truyền
Theo y học hiện đại
- Hạ huyết áp, lợi tiểu nhờ chất Asparagine, thường được dùng cho bệnh nhân bí tiểu, cao huyết áp.
- Giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ, an thần, trấn tĩnh nhờ vào hoạt chất Alkaloid.
- Dịch chiết của tim sen có công dụng cường tim đáng kể khi được thử nghiệm trên động vật.
Một số vị thuốc từ Liên tâm
- Trị cao huyết áp: Sao vàng 4g tâm sen, hãm với nước sôi và dùng trong ngày, uống thay trà. Có thể dùng phối hợp với hạt muồng hoặc hoa hòe và sắc lấy nước đặc uống. Dùng mỗi ngày sẽ giúp giảm huyết áp, điều hòa nhiệt độ cơ thể.
- Trị mất ngủ cho người tiểu tiện ít, nóng trong: 5g cam thảo, 8g tâm sen tán bột mịn và pha cùng 200ml nước sôi. Uống khi nguội, uống hết trong ngày.
- An thần, ngủ ngon: 10g hoa lài tươi, 10g táo nhân, 20g lá cây vông nem, 5g tâm sen sao thơm. Tán bột mịn (trừ hoa lài) rồi hãm cùng 1 lít nước sôi. Chờ cho thuốc nguội thì cho thêm hoa lài tươi vào. Uống làm nhiều lần trong ngày.
- Điều trị hồi hộp lo âu, căng thẳng, tâm phiền muộn, khó ngủ: 15g tóc tiên, 20g thảo thuyết minh đã sao khô, 8g liên tâm. Cho các tất cả các vị thuốc vào ấm và đổ lượng nước sôi vừa đủ vào. Ủ trong khoảng 20 phút và gạn uống dần thay trà.
- Chống rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp: 3g liên tâm ủ thành trà cùng nước sôi trong 15 phút. Gạn uống thành 2 lần.
- Điều trị các chứng bệnh gây ra do huyết nhiệt, dưỡng tâm an thần: 100g gạo tẻ và 5g tâm sen. Nấu gạo và tâm sen thành cháo, cho thêm đường phèn. Dùng từ 2 – 3 lần trong ngày. Có thể dùng cho người bị táo bón mãn tính, người cao tuổi suy nhược cơ thể.
Lưu ý khi sử dụng Liên tâm
- Liều lượng sử dụng tham khảo từ 4 – 10g/ngày
- Có thể sắc uống độc vị, hãm trà hoặc kết hợp cùng các vị thuốc khác
- Liên tâm có thành phần alkaloid giúp chữa mất ngủ nhưng có độc tính, nếu không sử dụng đúng cách có thể gây ngộ độc và dẫn đến nhiều hậu quả khác đối với sức khỏe
Trên đây là công dụng và một số bài thuốc từ liên tâm. Mặc dù có công dụng chữa mất ngủ và an thần rất tốt nhưng tâm sen vẫn có tính độc. Vì vậy Medigo khuyên bạn đọc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn hoặc thầy thuốc Đông y để có hướng điều trị phù hợp.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm