lcp

Magnesi carbonat


Magnesi carbonat là một hợp chất hóa học vô cơ, có công thức hóa học là MgCO3, là một chất rắn màu trắng ở dạng thường, vô định hình, vụn bở. Trong tự nhiên, magnesi carbonat tồn tại như một muối khoáng sản ngậm nước. Muối MgCO3 có nhiều ứng dụng trong khoa học và đời sống

Chỉ định của Magnesi carbonat

Các thuốc kháng acid chứa Magnesium được dùng bổ trợ cho các biện pháp khác để giảm đau do loét dạ dày - tá tràng và để thúc đẩy lành vết loét.

Thuốc cũng được dùng để giảm đầy bụng do tăng acid, ợ nóng, khó tiêu, ợ chua (trào ngược dạ dày - thực quản).

Chống chỉ định Magnesi carbonat

Suy thận nặng (nguy cơ tăng magnesium huyết).

Các trường hợp quá mẫn với các thuốc kháng acid chứa magnesium.

Trẻ nhỏ (nguy cơ tăng magnesium huyết, đặc biệt ở trẻ mất nước hoặc trẻ bị suy thận).

Hạ phosphat huyết, bệnh nhân suy tim, suy thận.

Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc

Thận trọng khi dùng Magnesi carbonat

Các thuốc kháng acid chứa Magnesium thường gây nhuận tràng nên hầu như không dùng đơn trị, khi dùng liều nhắc lại sẽ gây tiêu chảy nên thường gây mất cân bằng dịch và điện giải.

Ở người bệnh suy thận nặng, có thể gây chứng tăng Magnesium huyết (gây hạ huyết áp, suy giảm tâm thần, hôn mê), vì vậy không được dùng các thuốc kháng acid chứa Magnesium cho người suy thận nặng. Khi dùng các chế phẩm kháng acid có chứa hơn 50 mEq Magnesium mỗi ngày, cần được theo dõi rất cẩn thận về cân bằng điện giải, chức năng thận.

Không nên dùng thuốc kéo dài liên tục trên 2 tuần nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Với các dạng thuốc phối hợp với muối canxi có thể gây táo bón và muối Magnesium có thể có tác dụng nhuận tràng.

Nếu sử dụng dạng hỗn dịch: Lắc kỹ trước khi sử dụng.

Thai kỳ

Thời kỳ mang thai

Nhìn chung các thuốc kháng acid chứa Magnesium được coi là an toàn, miễn là không dùng lâu dài và liều cao. Đã có thông báo tác dụng phụ như tăng hoặc giảm Magnesium huyết, tăng phản xạ gân ở bào thai và trẻ sơ sinh, khi người mẹ dùng thuốc kháng acid có chứa Magnesium lâu dài và đặc biệt với liều cao.

Cần thận trọng khi kê đơn cho phụ nữ có thai.

Thời kỳ cho con bú

Chưa tài liệu nào ghi nhận về tác dụng phụ của thuốc, tuy thuốc có thải trừ qua sữa nhưng chưa đủ để gây tác dụng phụ cho trẻ em bú sữa mẹ.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Thường gặp

Miệng đắng chát, tiêu chảy (khi dùng quá liều).

Ít gặp

Nôn hoặc buồn nôn, cứng bụng.

Hiếm gặp

Phản ứng dị ứng như phát ban, ngứa, da đỏ, sưng, phồng rộp hoặc bong tróc; thở khò khè căng ở ngực hoặc cổ họng, nuốt hoặc nói chuyện; giọng khàn khàn bất thường; hoặc sưng miệng, mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.

Không xác định tần suất

Hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, ngừng tim, yếu cơ, trầm cảm, thờ ơ, đỏ mặt, bí tiểu.

Liều lượng và cách dùng Magnesi carbonat

Cách dùng: Thuốc kháng acid được dùng theo đường uống, viên thuốc phải nhai kỹ trước khi nuốt.

Đối với bệnh loét dạ dày tá tràng, liều thuốc thường cho theo kinh nghiệm. Ở người loét dạ dày hoặc tá tràng không có biến chứng, cho uống thuốc 1 - 3 giờ sau khi ăn và trước khi ngủ. Thời gian điều trị thông thường khoảng từ 4 - 6 tuần hoặc tới khi lành vết loét. Ở người bệnh bị trào ngược dạ dày thực quản, ở người bệnh có chảy máu dạ dày hoặc loét do stress, thuốc được dùng mỗi giờ một lần. Với người bị xuất huyết dạ dày, phải điều chỉnh liều Antacid để duy trì được pH dạ dày bằng 3,5.

Để giảm nguy cơ hít sặc phải acid dạ dày trong quá trình gây mê, thuốc được dùng trước khi gây mê 30 phút.

Chế phẩm kháng acid phối hợp nhôm và/hoặc calci với Magnesium có thể có lợi về cân bằng tác dụng gây táo bón của nhôm và/hoặc calci với tác dụng nhuận tràng của Magnesium.

Ở liều điều trị, thuốc chỉ có tác dụng nhuận tẩy nhẹ. Với Magnesium Carbonat khi trung hòa sẽ tạo ra carbon dioxyd, gây hiện tượng đầy hơi.

Người lớn

Từ 500 mg - 2 g/liều, dùng 4 lần/ngày.

Trẻ em

Trẻ em > 12 tuổi: Dùng như người lớn.

Trẻ em < 12 tuổi: Không được khuyến cáo.

Đối tượng khác

Suy thận: Sử dụng thận trong do có nguy cơ làm tăng Magnesium huyết do giảm thải trừ. Tăng Magnesium huyết thường gặp ở bệnh nhân có độ thanh thải creatinin dưới 10 mL/phút.

Quá liều và xử trí quá liều

Dùng quá liều, hoặc uống quá nhiều hoặc kéo dài magnesium có chứa thuốc kháng axit có thể làm tăng Magnesium huyết, và sử dụng quá nhiều Natri hydro cacbonat có thể dẫn đến hạ kali máu và nhiễm kiềm chuyển hóa, đặc biệt ở bệnh nhân suy thận.

Các triệu chứng của tăng Magnesium huyết bao gồm buồn nôn, nôn mửa, đỏ bừng da, khát nước, buồn ngủ, hạ huyết áp, lú lẫn, yếu cơ, thần kinh trung ương và suy hô hấp, giảm khả năng vận động, giãn mạch ngoại vi, nhịp tim chậm, loạn nhịp tim, hôn mê và ngừng tim.

Các triệu chứng của hạ kali máu và nhiễm kiềm chuyển hóa bao gồm thay đổi tâm trạng, mệt mỏi, khó thở, yếu cơ và tim đập không đều. Tăng trương lực cơ, co giật và co cứng cơ có thể phát triển, đặc biệt ở những bệnh nhân hạ canxi huyết. Liều quá cao của muối natri có thể dẫn đến quá tải natri và quá liều.

Tăng Magnesium huyết.

Một số các báo cáo khác ghi nhận quá liều magnesium ở mức độ nặng có thể dẫn đến block nút xoang nhĩ hoặc nhĩ thất, liệt hô hấp và cuối cùng là ngừng tim

Cách xử lý khi quá liều

Điều trị tăng Magnesium huyết nhẹ thường chỉ giới hạn ở việc hạn chế lượng magnesium. Trong trường hợp tăng Magnesium huyết nặng, có thể cần hỗ trợ thông khí và tuần hoàn. Điều trị nên bao gồm tiêm tĩnh mạch Calci Gluconat 10% với liều 10 - 20ml, để chống ức chế hô hấp hoặc ức chế tim. Nếu chức năng thận bình thường, nên truyền đủ nước để giúp loại bỏ Magnesium khỏi cơ thể.

Thẩm tách máu có thể cần thiết ở những bệnh nhân suy thận hoặc những người mà các phương pháp khác không hiệu quả. Nhiễm kiềm chuyển hóa và tăng natri máu có thể được điều trị bằng cách điều chỉnh cân bằng dịch và điện giải thích hợp. Việc thay thế các muối canxi, clorua và kali có thể có tầm quan trọng đặc biệt.

Trong trường hợp nguy hiểm tính mạng, bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Tương tác với các thuốc khác

Tất cả các thuốc kháng acid đều làm tăng hoặc giảm tốc độ và mức độ hấp thu các thuốc khác, khi dùng phối hợp, do làm thay đổi thời gian thuốc ở trong ống tiêu hóa, hoặc do có sự gắn kết với chúng.

Giảm tác dụng của các Tetracyclin, Digoxin, Indomethacin, hoặc các muối sắt do là giảm sự hấp thu của những thuốc này.

Các thuốc bị tăng tác dụng: Amphetamin, Quinidin.

Để giảm thiểu nguy cơ tương tác, không nên dùng sản phẩm này trong vòng 2 đến 4 giờ với các loại thuốc khác (cho phép ít nhất trước 4 giờ hoặc sau 2 giờ khi dùng thuốc).

Một số loại thuốc khác có thể bị ảnh hưởng bao gồm: Aspirin, Atazanavir, Azithromycin, Barbiturat, Bisphosphonat, kháng sinh nhóm Cephalosporin, kháng sinh nhóm Fluoroquinolon, Chloroquine và Hydroxychloroquine, Deflazacort, Digoxin, Ditpyridam, Erlotinib, Fexofenadine, Gabapentin, các chế phẩm sắt, Isoniazid, Itraconazole, Ketoconazole, Lansoprazole, Levothyroxine, Lithi, Methenamine, Mycophenolate, Nitrofurantoin, Penicillamine, Phenothilpazines, Phenytoin, Uipravastatin, sử dụng Rilines, Rilines với thuốc kháng axit).

Có nguy cơ nhiễm kiềm chuyển hóa khi uống muối Magnesium với nhựa Polystyrene Sulphonate.

Dược lý

Dược lực học

Các muối Magnesium (Magnesium Carbonat, Magnesium Hydroxyd, Magnesium Oxyd, Magnesium Trisilicat) được dùng làm thuốc kháng acid (Antacid) dịch vị, thuốc nhuận tràng và thuốc cung cấp magnesium cho cơ thể khi cơ thể thiếu (magnesium là cation nhiều thứ hai trong nội tế bào, có một vai trò quan trọng trong nhiều chức năng của cơ thể). Tác dụng kháng acid dịch vị của thuốc phụ thuộc vào tốc độ hoà tan của dạng bào chế, tính phản ứng với acid, tác dụng sinh lý của cation, mức độ hoà tan trong nước, có hoặc không có thức ăn trong dạ dày.

Muối Magnesium còn làm tăng áp lực thẩm thấu trong ruột, kích thích giải phóng cholecystokin nên ngăn ruột hấp thu để giữ nước và điện giải, kích thích nhu động ruột. Chính vì tác dụng này nên muối magnesium thường được kết hợp với muối nhôm trong thuốc kháng acid dịch vị để điều chỉnh nhu động ruột, làm giảm bớt táo bón gây ra do cation nhôm.

Magnesium đóng vài trò như một yếu tố quan trọng trong nhiều phản ứng enzym trong cơ thể liên quan đến tổng hợp protein và chuyển hóa carbohydrate (ít nhất 300 phản ứng enzym cần Magnesium)

Dược động học

Hấp thu ở đoạn đầu ruột non, một lượng nhỏ hấp thu không đáng kể ở ruột kết

Thuốc bắt đầu tác dụng ngay khi đói, thuốc tác dụng kéo dài trong khoảng 30 ± 10 phút. Nếu uống vào bữa ăn, hoặc trong vòng 1 giờ sau khi ăn, tác dụng kéo dài trong khoảng 1 - 3 giờ. Khoảng 30% Magnesium được hấp thu. Magnesium ít hòa tan trong nước, hấp thu kém so với natri bicarbonat nên không sợ gây ra nhiễm kiềm.

Do làm thay đổi pH dịch vị và nước tiểu, thuốc kháng acid có thể làm thay đổi tốc độ hoà tan và hấp thu, sinh khả dụng và đào thải qua thận của một số thuốc; muối Magnesium cũng còn có khuynh hướng tạo phức hợp không hoà tan với các chất trong đường tiêu hóa nên không được hấp thu vào cơ thể.

Magnesium Cacbonat phản ứng với axit dạ dày để tạo thành Magnesium clorua hòa tan và Carbon Dioxide trong dạ dày.

Phân bố

Liên kết với khoảng 33% Albumin.

Thải trừ

Ở người có chức năng thận bình thường, tích lũy một lượng nhỏ magnesium ảnh hưởng không đáng kể, nhưng ở người có suy thận, cần phải thận trọng.

Magnesium đào thải qua thận khi chức năng thận bình thường. Phần không được hấp thu thải qua phân.

Bảo quản

Bảo quản trong lọ kín, ở nhiệt độ 20 - 35 oC.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.