Oải hương (Lavender) - Đặc điểm, công dụng và cách dùng hiệu quả
Oải hương, loài hoa quen thuộc được biết đến với sắc tím rực rỡ cùng hương thơm quyến rũ. Nhưng không phải ai cũng biết là oải hương còn được dùng như một loại thảo mộc với rất nhiều lợi ích sức khỏe. Tinh dầu oải hương có tác dụng chữa mất ngủ, giảm căng thẳng, trầm cảm, mệt mỏi. Trong khi hoa oải hương được sử dụng hiệu quả để điều trị các vấn đề về tiêu hóa. Vậy cụ thể công dụng của thảo mộc quen thuộc này là gì? Cách trồng có đơn giản không? Cùng tìm hiểu những thông tin liên quan đến hoa oải hương trong bài viết sau.
Tìm hiểu về oải hương
Hoa oải hương, hay còn được biết đến với tên tiếng Anh là Lavender, có tên khoa học là Lavandula angustifolia, từ tiếng Latinh lavare, có nghĩa là rửa (hay tắm). Đây là loài hoa được rất nhiều người yêu thích bởi vẻ đẹp rực rỡ và mùi hương thư giãn của nó. Bên cạnh dùng làm cây cảnh, ngày nay, hoa oải hương còn được sử dụng phổ biến trong ngành sản xuất tinh dầu, hương liệu, dược phẩm, mùi hương…
Đặc điểm sinh thái
Oải hương có chiều cao trung bình 40-60cm, thậm chí cao đến trên 1m, mọc thành các bụi nhỏ, gọn. Phần thân dưới là thân gỗ nhưng phần thân trên thuộc thân thảo. Cấu trúc rễ dạng sợi, phân nhiều nhánh. Phiến lá hình mác, màu xanh bạc, có mép cuộn lại. Bề mặt được phủ một lớp lông măng có tác dụng bảo vệ cây khỏi nắng gió và mất nước quá nhiều.
Hoa xếp thành vòng tròn quanh thân, mỗi vòng từ 3-5 hoa, mọc ở phía trên cùng của thân cây. Hoa có màu tím rực rỡ và đặc trưng, cánh hoa mỏng và nhỏ.
Oải hương có nguồn gốc từ lưu vực Địa Trung Hải cổ đại. Ngày nay, quần thể loài hoa này phát triển đa dạng với khoảng 39 loài và nhiều giống lai tạo khác. Oải hương phân bố trên khắp thế giới, nhiều nhất ở Bắc Phi, Địa Trung Hải, Châu Âu (Anh, Pháp, Ý…), châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ…)
Ý nghĩa của hoa oải hương
Không chỉ rực rỡ và thu hút, hoa oải hương còn được nhiều người yêu thích và trồng làm cảnh bởi nhiều chúng ẩn chứa các tầng ý nghĩa và thông điệp sâu sắc:
- Oải hương tượng trưng cho tình yêu say đắm, lãng mạn, thủy chung.
- Là sự thanh thản, tĩnh lặng, thư giãn nhẹ nhàng trong tâm hồn.
- Biểu trưng cho sự trong sáng, thuần khiết, hồn nhiên.
- Hoa oải hương mang ý nghĩa may mắn và biểu tượng cho sự can đảm
Các loại hoa oải hương
Quần thể của loại thảo mộc này rất đa dạng, có thể kể đến một số loại hoa oải hương nổi bật như:
- L. angustifolia Mill: Trước đây được gọi là L. officinalis, là loài thường gặp.
- L. stoechas: Một loại cây lớn có tán lá màu xám xanh và nở muộn, có mùi rất nồng (đôi khi được gọi là oải hương Pháp).
- L. latifolia: Một loài hoa oải hương giống cỏ Địa Trung Hải.
- L. intermedia: Cây lai vô tính giữa L. latifolia và L. angustifolia.
Cách trồng hoa oải hương
Với vẻ đẹp thu hút cùng nhiều công dụng quý đối với sức khỏe, lại có thể ngăn chặn sâu bệnh, ruồi muỗi, hoa oải hương được trồng ngày càng phổ biến trong sân vườn và trở thành loài hoa được yêu thích nhất tại Việt Nam. Bạn hoàn toaanf có thể trồng một vườn hay một chậu hoa oải hương cho riêng mình bằng các hướng dẫn sau:
Chuẩn bị
Đất: đất cần có độ tơi xốp, có tính kiềm với độ pH 6.5 hoặc cao hơn, thoát nước tốt.
Hạt giống: thị trường hiện có rất nhiều loại hạt giống hoa oải hương. Bạn có thể lựa chọn dựa vào sở thích, điều kiện thời tiết hay mục đích sử dụng. Ví dụ hạt giống oải hương có nguồn gốc từ Anh hay Pháp sẽ đặc biệt thích hợp với khí hậu Đà Lạt và miền Bắc
Chậu trồng: Chọn loại chậu có lỗ thoát nước tốt
Nhiệt độ: thích hợp nhất để gieo giống là từ 18-24 độ. Vì vậy ở Đà Lạt hay Sapa có thể trồng oải hương quanh năm, nhưng ở miền Nam thì nên trồng vào tháng 11-12, còn miền Bắc nên trồng vào mùa thu.
Kỹ thuật trồng
Ngâm hạt: Ngâm hạt giống hoa oải hương 12 giờ trong nước, 2 giờ với Gibberellin (chất kích thích điều hòa sinh trưởng) trước khi gieo hạt.
Gieo hạt: Tưới nước cho mặt đất ẩm, xới đất tơi lên rồi gieo hạt giống. Sau đó phủ một lớp đất tốt lên trên với độ dày 0,2cm và cuối cùng phủ cỏ hoặc bộ phim nhựa bên trên để giữ ẩm cho đất.
Chăm sóc hạt giống: Tưới ít nước 2 lần/ngày để cây con phát triển (lưu ý không nên quá ẩm ướt khiến nấm phát triển).
Chuẩn bị đất trồng: Trộn hỗn hợp gồm 2-3 viên đá sỏi (đường kính 2,5cm), phân chuồng, bột xương rồi trộn đều. Đá sẽ giúp thoát nước tốt hơn, vôi tăng độ kiềm của đất và bột xương, phân bón giúp cây oải hương phát triển tốt hơn. Tiếp theo, phủ một lớp đất lên hỗn hợp đá này để chuẩn bị chuyển cây con vào chậu.
Lưu ý khi chuyển chậu không để bộ rễ hoa oải hương tiếp xúc với hỗn hợp đá.
Chuyển cây con vào chậu: Nên chuyển cây oải hương vào chậu khi cây con được 5-10cm. Lắc nhẹ để loại bỏ đất thừa ở phần rễ trước khi cho cây vào chậu mới. Hoa oải hương được chuyển qua chậu mới với bộ rễ trần sẽ thích nghi nhanh chóng với môi trường và phát triển nhanh hơn.
Trồng hoa oải hương: Đặt cây oải hương một cách nhẹ nhàng vào vị trí đã chuẩn bị trong chậu, phía trên một lớp đất và không tiếp xúc với hỗn hợp đá. Thêm đất vào khoảng trống xung quanh gốc và vỗ nhẹ xung quanh.
Sau khi chuyển cây vào chậu, duy trì chăm sóc đều đặn cho cây: bón phân, tưới nước, tỉa cành.
Bộ phận dùng và thành phần hóa học
Bộ phận sử dụng của Oải hương là hoa và lá. Cả hoa và lá thường sẽ được thu hoạch, phơi khô để sử dụng lâu dài cho nhiều mục đích khác nhau như làm tinh dầu, hoa khô, túi thơm…
Tác dụng của Oải hương
Hoa oải hương đã được sử dụng từ rất lâu về trước, cụ thể là từ thời Ai Cập cổ đại. Thời điểm đó, oải hương được dùng trong quá trình ướp xác. Sau đó được nhiều nước ưa chuộng với công dụng thanh lọc cơ thể và tâm trí. Hiện nay, oải hương được biết đến với nhiều tác dụng như:
Hỗ trợ giấc ngủ; hương thơm của oải hương (bao gồm cả tinh dầu và hoa oải hương) có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ, có hiệu quả tích cực với những người bị rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, những người bị rối loạn lo âu có thể có một giấc ngủ sâu và chất lượng hơn nhờ bổ sung hoa oải hương bằng đường uống
Giảm lo âu: sử dụng oải hương và các chế phẩm từ thảo dược này giúp hỗ trợ điều trị các triệu chứng của rối loạn lo âu như cải thiện sự lo lắng, cải thiện tâm trạng và giúp ngủ ngon hơn
Chống oxy hóa mạnh mẽ: các hợp chất trong oải có tính chống oxy hóa cao, giúp nâng cao sức đề kháng và sức khỏe cơ thể. Ngoài ra còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay hình thanhfcacs khối u…
Kháng khuẩn và nấm: các hoạt chất như linalool, linalyl acetate, β-caryophyllene trong hoa oải hương có khả năng kháng khuẩn tốt, ức chế sự phát triển của vi khuẩn thể hiện trên cả nhóm khuẩn gram dương và gram âm. Có thể kể đến như S. enteritidis, K. pneumoniae, E. coli, S. aureus, P. aeruginosa, C. albicans, A. niger… Bên cạnh đó có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các loại nấm như C. albicans, chủng Aspergillus…
Hoạt động giảm đau: oải hương có thể hỗ trợ điều trị các cơn đau nhức và căng cơ bằng cách giảm mức độ và tần suất các cơn đau.
Ngăn rụng tóc; dầu hoa oải hương có thể điều trị chứng rụng tóc từng mảng
Bên cạnh đó, oải hương là một thành phần có tác dụng tuyệt vời đối với làn da như trị mụn trứng cá, phục hồi vết thương bỏng, làm lành vết thương, hỗ trợ điều trị các vấn đề khác về da liễu
Hướng dẫn sử dụng hoa oải hương
Dựa vào nhu cầu khác nhau mà bạn có thể linh động sử dụng oải hương theo các phương pháp dưới đây:
Uống chiết xuất hoa oải hương dưới dạng viên nang.
Liệu pháp hương thơm nước hoa: Massage, khuếch tán
Dùng toàn thân: Bôi hỗn hợp gồm tinh dầu oải hương và kem dưỡng tại vùng cần thiết. Ví dụ: massage da mặt giúp chống rụng tóc, vùng cần thả lỏng cơ bắp, giảm đau nhức xương khớp. Ngoài ra, hiện nay có nhiều sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và mỹ phẩm làm từ thực vật khác.
Nhỏ một vài giọt tinh dầu vào sữa tắm, kem dưỡng, dầu gội.
Hoa tươi trang trí để ở một góc phòng hoặc hoa khô ở các nơi mà bạn yêu thích.
Các loại thực phẩm được gia tăng chiết xuất từ tinh dầu oải hương như chè, bánh kẹo, mứt.
Lưu ý khi sử dụng oải hương
Nếu sử dụng ngắn hạn với mục đích điều trị, oải hương được đánh giá là khá an toàn. Nhưng vẫn chưa có những thử nghiệm chuyên sâu về độ an toàn của thảo dược này khi sử dụng lâu dài. Ngoài ra, có một số trường hợp cần có sự tư vấn kỹ lưỡng từ người có chuyên môn hoặc bác sĩ khi sử dụng oải hương như:
- Độ an toàn của oải hương đối với phụ nữ đang mang thai và cho con bú vẫn chưa được xác định
- Người có tiền sử dị ứng với bất kì thành phần nào trong thảo mộc cũng không nên sử dụng
Không uống trực tiếp tinh dầu oải hương nguyên chất mà nên pha loãng tinh dầu với khoảng 3-12 giọt trên mỗi ounce dầu nền. Trong thành phẩm, dầu hoa oải hương chỉ nên chiếm 0,5% đến 2% tổng lượng dầu.
Hoa oải hương là một loại hoa thu hút cả về vẻ đẹp lẫn mùi hương cùng với nhiều ý nghĩa sâu sắc. Không những thế, loại hoa cảnh này còn chứa rất nhiều lợi ích đắt giá với sức khỏe và được sử dụng ngày càng phổ biến với đa dạng công dụng. Dù vậy, việc dùng oải hương để chữa bệnh vẫn nên có sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ hay người có chuyên môn để đảm bảo an toàn và hiệu quả tốt nhất.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm