lcp

Phật Thủ: Đặc điểm, công dụng và cách dùng hiệu quả


Phật thủ hay còn được gọi là Kim Phật Thủ, Phật Thủ Hương Duyên, Phúc Thọ Cam, thuộc họ Cam với danh pháp khoa học là Rutaceae. Cây phật thủ là loài cây có quả có hình dạng đặc biệt, mang ý nghĩa tâm linh trong đời sống của người dân Việt Nam. Quả Phật Thủ - quả tay Phật trên mâm ngũ quả ngày Tết là biểu tượng sự may mắn, mang tài lộc thịnh vượng đến cho mọi nhà. Trong y học, Quả phật thủ có vị cay, đắng và chua, tính ôn, quy vào kinh phế và tỳ. Có tác dụng lý khí, cầm nôn mửa, mạnh tỳ, hóa đờm, giúp tiêu hóa, chữa ho. Do đó, thường được dùng trong các trường hợp như đau bụng, biếng ăn, nôn mửa, ho.

Ở Việt Nam, Phật thủ chủ yếu là để làm cảnh, trưng Tết do đó để quả đẹp và không bị sâu người trồng đã sử dụng thuốc sâu rất nhiều. Vì vậy, chỉ nên sử dụng quả Phật thủ với mục đích chăm sóc sức khoẻ khi xác định chúng không dính thuốc trừ sâu hoặc thuốc kích thích, không bị dập nát hay sâu bọ. Việc dùng Phật thủ sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của Phật thủ cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Phật Thủ, Kim Phật Thủ, Phật Thủ Hương Duyên, Phúc Thọ Cam.
  • Tên khoa học: Citrus medica L.var. sarcodactylis Sw.
  • Họ: Rutaceae (Cam).
  • Công dụng: Trong y học, Quả phật thủ có vị cay, đắng và chua, tính ôn, quy vào kinh phế và tỳ. Có tác dụng lý khí, cầm nôn mửa, mạnh tỳ, hóa đờm, giúp tiêu hóa, chữa ho. Do đó, thường được dùng trong các trường hợp như đau bụng, biếng ăn, nôn mửa, ho.

Mô tả Phật thủ

Cây nhỏ hay cây nhỡ, thường xanh. Thân thẳng có gai ngắn và cứng. Lá mọc so le, hình bầu dục hoặc hình trứng, gốc tròn hơi thuôn, đầu tù, mép có răng cưa, hai mặt nhẵn; cuống lá không có cánh. Hoa mọc riêng lẻ hoặc thành chùm ngắn ít hoa, màu trắng, phía dưới hơi đỏ; đài có 5 răng nhẵn; tràng 5 cánh; nhị nhiều; bầu hình trứng.

Quả có lá noãn rời nhau ở gần gốc, cong và cụp vào trong ở phía trên nom như bàn tay nhiều ngón, vỏ ngoài sần sùi, khi chín màu vàng, ruột trắng xốp.

Mùa hoa : tháng 5-8; mùa quả : tháng 10-12.

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Phật thủ có nguồn gốc ở cận Himalaya, thuộc Đông – Bắc Ấn Độ và Mianma. Cây được trồng từ xa xưa ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Ở Việt Nam, phật thủ được trồng rải rác ở các địa phương thuộc vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ; khu Bốn cũ và ở cả miền Nam. Trong khi đó, ở các nước ở vùng Đông Nam Á và Ấn Độ, cây được trồng ở cả vùng núi, đến độ cao 1300m.

Phật thủ là cây ưa ẩm, nhạy cảm với thời tiết có Sương mù cũng như với nhiệt độ cao. Cây chịu hạn kém và không chịu được ngập úng, dù chỉ 2-3 ngày. Ở một vài địa phương thuộc tỉnh Hà Tây (Ba Vì); Vĩnh phúc (Lập Thạch, Tam Dương); Thái Nguyên (Phổ Yên, Phú Bình)… nhân dân thường trồng phật thủ xen với các loại cây ăn quả khác ở vườn nhà. Cây ra hoa quả hàng năm, thời gian để cho quả phát triển và chín kéo dài đến 9-10 tháng.

Thu hoạch: Thu hoạch khi quả còn xanh hoặc ngả vàng.

Chế biến: Quả đem rửa sạch, thái lát dọc phơi khô.

Bộ phận sử dụng của Phật thủ

Bộ phận dùng của cây phật thủ là quả phơi khô của cây phật thủ và rễ.

Thành phần hóa học

Cả cây, lá, hoa và quả phật thủ đều có chứa tinh dầu với các thành phần hóa học như vitamin (B1, B6, C, B12, E,…), khoáng chất (bao gồm sắt, kẽm, selen, canxi,…) và hesperosid, lisnonoid,…

Tác dụng của Phật thủ

Theo y học cổ truyền

Trong Đông y, phật thủ là vị thuốc được dùng phổ biến trong dân gian. Quả phật thủ có vị cay, đắng và chua, tính ôn, quy vào kinh phế và tỳ. Có tác dụng lý khí, cầm nôn mửa, mạnh tỳ, hóa đờm, giúp tiêu hóa, chữa ho. Do đó, thường được dùng trong các trường hợp như đau bụng, biếng ăn, nôn mửa, ho.

Theo y học hiện đại

Tác dụng kháng khuẩn

Tinh dầu phật thủ có tác dụng kháng khuẩn khá tốt trên vi khuẩn gram dương như Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis, nhưng không có tác dạng trên vi khuẩn gram âm như Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa.

Tác dụng kháng nấm

Tinh đầu phật thủ có tác dụng kháng nấm tốt trên Aspergillus fumigatus, A. niger, Candida albicans, Microsporum canis, Trichophyton rubrum.

Tác dụng kích thích tiêu hoá

Thử trên chuột cống trắng thấy tinh dầu phật thủ làm tăng sự tiêu thụ thức ăn. Sau 60 ngày, thể trọng chuột tăng rõ.

Thử độc tính trường diễn

Cho chuột cống trắng uống lâu dài tinh dầu phật thủ trong nước không làm thay đổi có ý nghĩa các thông số như hemoglobin toàn phần, công thức bạch cầu, glucose huyết, protein huyết, cholesterol huyết, urê huyết và một số enzvm như aspaitat-amino-transaminase, alanin-amino transaminase; phosphatase kiềm.

Liều lượng và cách dùng Phật thủ

Phật thủ được dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Ngày dùng 3 đến 6 g.

Bài thuốc chữa bệnh từ Phật thủ

Điều trị ăn không tiêu, trợ tiêu hóa

Dùng 50g quả phật thủ, thái mỏng, đem hong gió; tiểu hồi hương, xuyên tiêu, sa nhân mỗi vị 12g. Tán tất cả các vị thành bột, hòa với nước sôi để uống. Ngày dùng 2 lần, trong 2 – 3 ngày.

Chữa đau bụng do lạnh

15g quả phật thủ và 30g gạo rang. Sắc thuốc, chia ra, dùng 3 lần trong ngày.

Điều trị đau dạ dày và đau gan

Sắc chung 10g phật thủ và 6g thanh bì và uống. Hoặc có thể sắc chung 10g phật thủ, 3g cam thảo, 15g sa nhân, 6g ô dược, 15g bạch thược, 10g hương phụ.

Điều trị ăn không tiêu, chán ăn, buồn nôn, đau mỏi lưng, ngực suồn trướng bụng

Ngâm 5 lít rượu với 30g quả phật thủ, đã rửa sạch, thái nhỏ trong 10 ngày. Uống 1 lần mỗi 5 ngày. Mỗi lần uống khoảng 15 – 20mL trước bữa ăn chiều.

Chữa ợ hơi

Ướp vỏ quả phật thủ với một ít đường và nuốt.

Điều trị viêm loét dạ dày – hành tá tràng

Nấu 30g rễ cây phật thủ cùng với dạ dày lợn vừa đủ và ăn.

Hỗ trợ tiêu hóa và kiện tỳ

Dùng quả phật thủ nấu với nước, lọc lấy nước đem nấu với 15g gạo và 100g đường phèn. Dùng cháo vào mỗi buổi sáng.

Chữa viêm amidan

Sắc 10g hoa phật thủ, 10 g hoa tường vi, 6g hoa mai và dùng nước sắc được để uống, ngậm hoặc súc miệng.

Điều trị viêm phế quản mạn tính

Thái nhỏ 1 – 2 quả phật thủ, đem chưng cách thủy với một lượng vừa đủ đường mạch nha cho chín nhừ. Ăn một thìa to hàng ngày trong 1 tuần.

Điều trị chứng ho suyễn, nhiều đờm và khó thở

Sắc chung 9 – 15g phật thủ với 5 – 9g củ gừng và 9g lá hoắc hương.

Điều trị đau bụng kinh

Sắc chung 30g phật thủ tươi, 6g gừng tươi, 6g đương quy và 30g rượu gạo với một lượng nước vừa đủ. Lọc lấy nước để uống. Ngoài ra, có thể dùng quả phật thủ ngâm với rượu trong vòng 6 tháng, ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ.

Chữa bệnh nước tiểu đục hoặc bệnh đái tháo đường

Nấu chung 15 – 25g rễ cây phật thủ và 1 bộ ruột lợn non và ăn.

Điều trị động kinh

Ninh chung 30g rễ cây phật thủ với 1 con gà mái tơ lông trắng đã được làm sạch. Sau đóm ăn và uống nước trong thời gian ngắn giúp hỗ trợ điều trị bệnh.

Chữa bạch đới ra nhiều

Ninh chung 30g phật thủ với lòng lợn (dài 0,5 – 1m). Dùng liên tục trong 5 – 7 ngày.

Điều trị say rượu

Sắc 30g quả phật thủ tươi với nước và uống.

Lưu ý khi sử dụng Phật thủ

Nên rửa sạch dược liệu bằng cách ngâm nước muối pha loãng từ 7 – 10 phút nhằm loại bỏ ký sinh trùng và hóa chất tồn dư trên quả.

Không nên dùng phật thủ đã trưng trên bàn thờ lâu ngày tránh trường hợp quả bị hư thối.

Bảo quản Phật thủ

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Phật thủ cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.