lcp

Qua lâu là cây gì? Tác dụng và vị thuốc từ cây Qua lâu


Cây qua lâu còn có tên gọi khác là vương qua, dưa núi, hoa bát và bát bát châu. Đây là một cây dược liệu được dùng nhiều trong các bài thuốc Đông y. Không giống như nhiều loại cây dược liệu khác, tất cả các bộ phận của cây qua lâu đều có thể dùng để làm thuốc. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về cây qua lâu và tác dụng của loại dược liệu này. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cho bạn.  

Mô tả dược liệu Qua lâu

  • Tên Tiếng Việt: Hạt Qua lâu.
  • Tên khác: Qua lâu nhân; hạt thảo ca; quát lâu nhân; Qua lâu tử.
  • Tên khoa học: Semen Trichosanthis.

Đặc điểm sinh thái

Cây qua lâu là loại dây leo, thân dài từ 3 đến 10m. Thân cây có rãnh và nhiều chấm trắng. Lá của cây qua lâu mọc so le nhau. Lá dày và dai, gốc là có hình tim, đầu lá hơi nhọn, được xẻ thành 5 thùy nông. Mỗi thùy có 5 răng cưa không đều. Lá có hai mặt nhẵn, mặt trên của lá thường điểm những vết trắng. Cuống của lá qua lâu dài 3-4cm.  Cây có tua cuốn mọc đối xứng với lá. 

cây Qua lâu

Cây qua lâu là loại cây thân leo

Hoa qua lâu là hoa đơn tính có màu trắng. Đầu của cánh hoa có nhiều sợi dạng mi dài. Cụm hoa đực dài khoảng từ 10cm đến 15cm. Đài hoa có hình ống loe ở đầu và 5 răng có lông nhỏ. Cánh hoa qua lâu có lông. Nhị hoa hợp thành đầu. Hoa cái của qua lâu mọc đơn độc, đài hoa và tràng hoa giống hoa đực, nhưng khác ở chỗ hơi tiêu giảm, bầu hoa có hình trứng và có lông mịn.

Quả có hình cầu hoặc hình trứng, có màu lục kèm theo sọc trắng. Khi quả chín có màu đỏ, trong quả có hạt nhiều. Hạt có hình trứng dẹt, màu nâu nhạt. Rễ củ thuôn dài trông giống như củ sắn, thắt khúc.

Mùa hoa của cây qua lâu thường rơi vào tháng 3 cho đến tháng 6. Mùa quả thường rơi vào khoảng thời gian tháng 7-10.

Đây là hạt đã phơi hay sấy khô của nhiều loài Trichosanthes như Trichosanthes kirilowii Maxim., Trichosanthes multiloba Miq. Loại quả giống quả bầu này được tìm thấy ở Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á.

Hiện tại, những cây mới đã được phát hiện và mua lại ở Cao bằng. Hạt được thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 9, sau đó hạt được phơi nắng hoặc sấy khô.

Bộ phận sử dụng

Các bộ phận của cây qua lâu được dùng để làm thuốc bao gồm: Hạt có tên thuốc là qua lâu nhân, vỏ quả có tên thuốc qua lâu bì. Rễ củ được gọi thiên hoa phấn hoặc qua lâu căn. 

Thu hái, sơ chế, bảo quản

Thu hái

Mỗi bộ phận của cây qua lâu đều được thu hoạch vào một thời điểm khác nhau. 

  • Quả qua lâu được thu hái vào tháng 9, tháng 10.
  • Rễ củ qua lâu được thu hái vào mùa đông. Nếu trồng cây qua lâu để lấy củ thì khi cây ra hoa phải ngắt bỏ hết hoa không cho cây kết quả. Nhờ đó, rễ củ sẽ to mập hơn. 

Sơ chế

Sơ chế các dược liệu của cây qua lâu:

  • Vỏ quả qua lâu: Sau khi thu hoạch quả, đem về bỏ hạt rồi dùng vải ẩm lau sạch bụi bẩn mà không rửa nước. Sau đó thái sợi vỏ quả qua lâu rồi đem phơi khô.
  • Qua lâu nhân: Đây là phần hạt lấy ở những quả qua lâu già, chắc, mập. Lấy hạt đem phơi hoặc sấy khô. Đập nhẹ cho vỏ hạt tách đôi để lấy phần nhân. Phần nhân có thể đem giã nát để dùng sống hoặc đem sao chín.
  • Rễ củ qua lâu: Rễ củ qua lâu được thu hái vào mùa đông. Sau khi đào củ, đem về để rửa sạch loại bỏ tạp chất. Thái củ thành từng đoạn bổ dọc hoặc thái lát đem đi phơi khô.
hạt cây Qua lâu

Hạt qua lâu phơi khô

Chế biến

Vỏ qua lâu thái sợi: Vỏ quả đem thái sợi dài 5-7cm, rộng 2-3mm. Sau đó, đem dược liệu đi phơi nắng hay phơi âm can cho khô.

Vỏ qua lâu chưng: Quả đem bỏ hạt, bỏ cuống. Sau đó vỏ quả đem chưng 1-2 giờ cho mềm, ép dẹp. Cuối cùng đem thái thành sợi, phơi khô.

Qua lâu chích mật: Đem 10kg sợi qua lâu với 2kg mật ong trộn với nhau, ngâm trong 30 phút cho ngấm đều. Đem sao thuốc cho lửa nhỏ cho đến khi không còn dính tay. 

Qua lâu sao vàng: Vỏ quả qua lâu sợi đem sao nhỏ lửa cho đến khi có màu vàng sẫm và các chấm màu nâu cánh gián.

Qua lâu nhân sao thơm : Dùng qua lâu nhân cho đến chuyển màu vàng, có mùi thơm. Sau đó cho thêm cùng lượng thiên hoa phấn vào cùng sao để giữ chất đầu của dược liệu.

Qua lâu nhân sao cháy : Cho qua lâu nhân vào chảo rang nóng già để sao đến khi bề mặt có màu đen nhánh.

Qua lâu nhân sao cám: 10kg hạt qua lâu trộn đều với 0.5kg cám. Tất cả đem sao trên lửa nhỏ cho đến khi có màu vàng.

Qua lâu nhân chích mật ong: Đem 10kg qua lâu nhân cùng với 0.3kg mật ong. Dùng qua lâu nhân đem sao với mật ong hòa nước, cho đến khi sờ vào không dính tay là được.

Qua lâu sương; Đem tán qua lâu nhân thành bột mịn rồi buộc vào vải gạc. Ép nóng bột và rang ở nhiệt độ 100 đến 105 độ C. Hoặc đồ cho bột chín rồi đem ép cho hết dầu. Cuối cùng đem phơi và sấy bột. 

Bảo quản

Qua lâu rất dễ bị mối mọt, cho nên cần bảo quản nơi thoáng, kín gió và tránh ẩm.

Thành phần hóa học

Trong mỗi bộ phận của cây qua lâu sẽ có những thành phần hóa học khác nhau:

Thành phần có trong hạt qua lâu:

  • Các chất triterpenoid bao gồm: 3 epi karounido, 7oxo isonmulti i florcnol, 3  epibriotlolol, Brionolol.
  • Protein
  • Các axit béo bao gồm: các triacetylglycerrol chứa các picolinyl ester 38,2 mol % và axit punicic 38,0 mol%.

Trong rễ qua lâu có một số thành phần như:

  • Các protein : Karasurin B và karasurin C
  • Chất trichosanthin 
  • Hoạt chất triterpenoid saponin
  • TAP-29

Tác dụng của Qua lâu

Vỏ quả qua lâu

Vỏ qua lâu hay qua lâu bì được dùng trong Y Học Cổ Truyền. Đây là vị thuốc có vị ngọt, hơi chua, mùi hương gần giống với đường sao cháy, có tính hàn mà không độc. Công dụng của vỏ qua lâu là thanh nhiệt, chống viêm, cầm máu.

Dưới đây là một số tác dụng của vỏ qua lâu là:

  • Qua lâu bì dùng để chữa trị sốt nóng, ho, thổ huyết, thủy thũng, vàng da.
  • Chữa trị tình trạng viêm họng, khản tiếng.
  • Chữa trị viêm tuyến vú.
  • Chữa tình trạng đau thắt ngực.
vỏ qua lâu

Vỏ quả qua lâu đã được phơi khô

Nhân hạt qua lâu

Nhân hạt qua lâu có vị ngọt, hơi đắng, có tính hàn. Thuốc đi vào kinh phế, vị và đại trường. Vị thuốc này có tác dụng thanh nhiệt hoá đàm, nhuận phế, chỉ khái, nhuận tràng. Nhân hạt qua lâu được dùng để:

  • Chữa trị viêm tắc động mạch
  • Chữa trị lao phổi

Rễ củ qua lâu

Thiên hoa phấn có vị ngọt, chua, có tính hàn. Thuốc tác dụng vào 3 kinh phế, vị và đại trường. Vị thuốc này dùng để:

  • Chữa trị mụn nhọt lâu ngày.
  • Chữa trị tình trạng sốt nóng do viêm họng, da vàng, miệng khô khát.
  • Chữa trị viêm amidan mạn tính.
  • Chữa trị tắc tia sữa.

Một số vị thuốc từ Qua lâu

Một số bài thuốc trị bệnh từ dược liệu qua lâu bì

  • Bài thuốc chữa viêm họng, khản tiếng: Qua lâu bì, cam thảo và bạch cương tằm mỗi loại 10g kết hợp với 4g gừng tươi.  Đem thang thuốc này để sắc với 200ml cho đến khi còn 50ml. Dùng thuốc uống trong ngày.
  • Bài thuốc chữa viêm tuyến vú: Qua lâu bì, hoàng cầm 12g, liên kiều và kim ngân hoa 16g, thanh bì và sài đất 8g cùng với 40g bồ công anh đem đi sắc uống trong ngày.
  • Bài thuốc chữa đau thắt ngực: Qua lâu bì, hương phụ chế, xích thược, hẹ mỗi loại 12g, xuyên khung, trầm hương, đan sâm, uất kim mỗi loại 20g, 16g hồng hoa cùng với 10g xuyên quy vĩ đem sắc uống trong ngày.

Một số bài thuốc trị bệnh từ dược liệu qua lâu nhân

  • Bài thuốc chữa viêm tắc động mạch: Qua lâu nhân, xích thược, kim ngân hoa, ngưu tất mỗi loại 16g, cam thảo và đương quy mỗi loại 20g cùng với đan bì, đào nhân, huyền sâm mỗi loại 12g. Dùng tất cả thuốc đem sắc uống ngày 1 thang.
  • Bài thuốc chữa lao phổi: Qua lâu nhân, chỉ xác, bán hạ chế, tang bạch bì mỗi loại 8g, hạ khô thảo, sài hồ, huyền sâm mỗi loại 16g. Tất cả vị thuốc này đem sắc uống trong ngày.

Một số bài thuốc trị bệnh từ dược liệu rễ qua lâu

  • Chữa mụn nhọt lâu ngày: Dùng 8g thiên hoa phấn, 12g ý dĩ cùng 10g bạch chỉ đem sắc uống hoặc tán thành bột để uống.
  • Chữa trị sốt nóng do viêm họng, da vàng, miệng khô khát: Lấy 8g thiên hoa phấn kết hợp 8g rễ cây ké lớn đầu. Một thang thuốc này sắc uống trong ngày.
  • Chữa trị viêm amidan mạn tính: Dùng thiên hoa phấn, sơn thù, đan bì, phục linh, tri mẫu, địa cốt bì, trạch tả mỗi loại 8g, huyền sâm, hoài sơn, ngưu tất mỗi loại 12g, 16g sinh địa cùng với 6g xạ can. Tất cả đem sắc uống trong ngày.
  • Chữa trị tắc tia sữa: Thiên hoa phấn, đương quy, sài hồ, xuyên sơn giáp mỗi vị lấy 8g, cát cánh, thanh bì, thông thảo mỗi vị lấy 6g kết hợp với 12g bạch thược dùng để sắc uống trong ngày.
rễ qua lâu

Rễ củ qua lâu được dùng trong bài thuốc trị mụn nhọt

4. Lưu ý khi sử dụng Qua lâu

Khi sử dụng qua lâu trị bệnh, cần phải chú ý những điều sau để đảm bảo an toàn:

  • Qua lâu nhân không có hiệu quả trong điều trị chứng thấp, hàn và thực tích sinh đờm, khí hư.
  • Hạt qua lâu có tác dụng nhuận tràng. Do đó, không dùng cho người có tỳ vị hư yếu sử dụng để. Nếu không sẽ gây ra tình trạng thuốc gây tiêu chảy.
  • Đối với phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú không sử dụng qua lâu nhân chữa bệnh. Bởi chưa có nghiên cứu nào chứng minh an toàn của qua lâu.
  • Đối với những người bị tiêu chảy hay mắc chứng rối loạn co giật cũng không nên dùng qua lâu để trị bệnh.
  • Nếu kết hợp qua lâu với các loại thuốc khác, cần được sự cho phép của bác sĩ. Tránh được những ảnh hưởng của tác dụng phụ của thuốc. 

Cho đến nay, tác dụng và tính an toàn của cây qua lâu vẫn chưa được nghiên cứu sâu rõ ràng. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ có chuyên môn trước khi sử dụng dược liệu này trị bệnh.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.