Quy đầu
Quy đầu là một phần phía đầu của rễ cây Đương quy. Đương quy là một trong những vị thuốc có tác dụng dược lý đa dạng nhất, được ứng dụng để chữa trị nhiều chứng bệnh liên quan đến đau nhức xương khớp, thiếu máu, suy nhược cơ thể, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ,….…để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của Đương Quy cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.
Thông tin chung
- Tên tiếng Việt: Đương Quy, Tần quy, Vân quy, Xuyên quy
- Tên khoa học: Angelica sinensis
- Họ: Họ hoa tán Apiaceae
- Công dụng: Đương quy được dùng chữa thiếu máu xanh xao, cơ thể gầy yếu, mệt mỏi, đau lưng, đau ngực bụng, viêm khớp, chân tay đau nhức lạnh, tê bại, đại tiện táo bón, mụn nhọt lở ngứa, tổn thương ứ huyết, kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau bụng kinh. Còn được dùng trị cao huyết áp, ung thư và làm thuốc giảm đau, chống co giật, làm ra mồ hôi, kích thích ăn ngon cơm.
Mô tả Đương Quy
Cây thảo sống nhiều năm, cao 40-60cm. Rễ rất phát triển. Thân hình trụ, có rãnh dọc màu tím. Lá mọc so le, xẻ lông chim 3 lần; cuống dài 3-12cm, có bẹ to ôm thân; lá chét phía dưới có cuống, các lá chét ở ngọn không cuống, chóp nhọn, mép khía răng không đều. Cụm hoa tán kép gồm 12-36 tán nhỏ dài ngắn không đều; hoa nhỏ màu trắng hay lục nhạt. Quả bế, dẹt, có rìa màu tím nhạt. Mùa hoa quả tháng 7-9.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Phân bố
Loài cây của Trung Quốc phát triển ở vùng cao 2000-3000m, nơi khí hậu ẩm mát. Nước ta đã nhập trồng cây Đương Quy vào đầu những năm 60. Hiện nay phát triển trồng ở Sapa (Lào Cai), Ngọc Lĩnh (Kontum), Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) và Đà Lạt (Lâm Đồng).
Thu hoạch
Rễ đào vào cuối thu. Loại bỏ rễ xơ rễ được chế biến hoặc xông khói với khí sufur và cắt thành lát mỏng.
Cây đương quy thu hoạch về sẽ được cắt bỏ phần lá, giữ lại phần rễ, phơi khô hoặc sao khô để sử dụng.
Chế biến:
Có ba cách chế biến đương quy và chia đương quy ra thành ba loại như sau:
- Quy đầu: là lấy một phần phía đầu
- Quy thân: là bỏ đầu và đuôi
- Quy vĩ: lấy phần rễ nhánh
Bộ phận sử dụng Đương Quy:
Bộ phận thường được sử dụng là rễ
Thành phần hóa học
Rễ chứa tinh dầu 0,2%, trong đó có chứa 40% acid tự do. Tinh dầu gồm có các thành phần chủ yếu sau: Ligustilide, o-valerophenon carboxylic acid, sesquiterpen, safrol, p-cymen, vitaminB12 0,25-0,40%, acid folinic, biotin.
Tác dụng của Đương Quy
Theo Y học cổ truyền:
- Là vị thuốc hàng đầu trong các bài thuốc hoạt huyết, bổ huyết, điều kinh, thông kinh, nhuận tràng, tiêu sưng, dưỡng gân.
- Chủ trị chứng kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, tắc kinh. Các bệnh thai tiền sản hậu, tê mỏi chân tay, đau nhức xương khớp, mụn nhọt.
- Theo Y học hiện đại:
- Đương quy có tác dụng chống viêm, tăng miễn dịch cho cơ thể, lợi tiểu, kháng khuẩn.
- Các tác dụng khác: giảm đau, an thần, tăng lưu lượng máu, chống hình thành cục máu đông, làm giãn cơ trơn phế quản, ngăn ngừa glycogen trong gan giảm thấp…
Liều lượng và cách dùng:
Tùy thuộc vào mục đích chữa bệnh khác nhau mà có những cách bào chế Đương quy khác nhau. Phổ biến nhất là dạng thuốc sắc, tán bột viên thành viên uống và ngâm rượu.
Dạng thuốc sắc: ngày uống từ 5-15g, chia 2 lần
Dạng viên uống: uống trong 4-7 ngày
Dạng ngâm rượu thuốc: ngày uống 3 lần, mỗi lần 10ml.
Bài thuốc chữa bệnh từ Đương Quy
1. Bài thuốc chữa viêm quanh khớp vai, đau nhức cánh tay
12g đương quy, 10g ngưu tất, 8g nghệ, sắc tất cả thuốc với 500ml nước đến khi còn một nửa lượng nước, ngày uống 2 – 3 lần. Liều lượng 1 thang/ngày. Cần kết hợp với các bài tập vận động, co duỗi cánh tay để nhanh chóng giảm đau nhức.
2. Bài thuốc bổ máu
8g đương quy, 6g quế chi, 6g sinh khương, 6g đại táo, 10g bạch thược, 50g đường phèn. Sắc các vị thuốc cùng 600ml nước đến khi còn 200ml, thêm đường vào, dùng uống mỗi ngày 1 thang, ngày uống 3 lần.
3. Phụ nữ kinh nguyệt không đều, cơ thể suy nhược
12g đương quy, 8g bạch thược, 12g thục địa, 6g xuyên khung, sắc cùng 600ml nước cho đến khi còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.
4. Phụ nữ mang thai bị đau bụng
120g đương quy, 600g thược dược, 160g phục linh, 160g bạch truật, 300g trạch tả, 120g xuyên khung, tán mịn tất cả nguyên liệu thuốc, dùng uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần một thìa cà phê với nước pha rượu.
5. Bài thuốc chữa mất ngủ, nhức đầu, ngủ hay mê
100g đương quy, 40g viễn chí, 40g xương bồ, 60g táo nhân, 60g ngũ vị tử, 80g khởi tử, 40g đởm tinh, 40g thiên trúc hoàng, 40g long cốt, 60g ích trí nhân, 40g chu sa, 80g hồ đào nhục, 60g bá tử nhân, tán tất cả thành bột mịn, thêm mật ong vào và làm thành viên 4g. Mỗi ngày uống 2 lần, 1 viên/lần và duy trì liên tục trong khoảng 15 ngày.
6. Bài thuốc chữa cao huyết áp và các triệu chứng tim mạch
31g đương quy, 31g sinh địa, 31g mạch môn, 10g tri mẫu, 31g long đởm, 15,5g lô hội, 31g chi tử, 6g vân mộc hương, 1,5g xạ hương, 31g hoàng liên, 31g hoàng cầm, 31g hoàng bồ, 15,5g đại hoàng, 15,5g hà thủ ô, 31g thạch cao. Tán các nguyên liệu này thành bột mịn, trộn cùng mật ong, viên thành viên nhỏ, uống 4 viên/ lần, 3 lần/ngày.
7. Bài thuốc chữa suy nhược tâm thần
6g đương quy, 6g nhân sâm, 6g bạch truật, 6g phục linh, 6g cam thảo, 6g viễn chí, 6g xà sàng, 6g phụ tử chế, 9g toan táo nhân, 9g khởi tử, 9g bạch chỉ. Sắc chung tất cả các nguyên liệu với 600ml nước, đến khi lượng nước chỉ còn 1/3. Chia làm 3 lần uống trong ngày, mỗi ngày 1 thang.
Lưu ý khi sử dụng Đương quy
- Để dược liệu Đương quy phát huy tác dụng tốt nhất, cần nhớ rõ tác dụng của từng bộ phận trên cây thuốc: phần đầu rễ có tác dụng bổ máu tốt nhất, phần cuối rễ có tác dụng hoạt huyết, còn phần thân có khả năng hoạt huyết và bổ máu.
- Sắc uống với rượu để nâng cao tác dụng.
- Không dùng cho người đang bị tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng
- Tránh dùng với thuốc chống đông máu
- Tuyệt đối không dùng cho phụ nữ có thai
- Tránh dùng cho người bị viêm loét đường tiêu hóa, rối loạn máu hoặc người bệnh tiểu đường
Bảo quản Đương Quy
Đối với những loại Đương quy sấy khô nên bảo quản trong túi ni lông, bọc thành nhiều lần để nơi khô ráo, tránh chỗ ẩm ướt. Đương quy rất dễ bị mốc, mọt cho nên kiểm tra thường xuyên để đánh giá độ ẩm mốc, mọt, sử dụng đến đâu gói kỹ lại đến đó.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm