lcp

Táo Tàu


Táo Tàu hay còn gọi là Hồng táo, đại táo, can táo, cẩu nha, thích táo, mỹ táo, đường táo, nam táo, dương cung táo, thuộc họ Táo,với danh pháp khoa học là Rhamnaceae. Trong những năm gần đây, Táo Tàu ngày càng trở nên quen thuộc trên thị trường thực phẩm nước ta. Loại thực phẩm này không chỉ là nguyên liệu dùng để chế nên các món ăn ngon và hấp dẫn mà còn là một vị thuốc Đông y khá độc đáo. Trong y học, Táo Tàu có tác dụng an thần, bổ tỳ vị, lợi huyết, sinh tân dịch.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước. Tuy nhiên, việc dùng Táo Tàu sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Táo Tàu cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Hồng táo, đại táo, can táo, cẩu nha, thích táo, mỹ táo, đường táo, nam táo, dương cung táo.
  • Tên khoa học: Zizyphus jujuba Mill
  • Họ: Táo – Rhamnaceae.
  • Công dụng: Thuốc bổ, kích thích tiêu hoá, an thần, ho (Quả).

Mô tả cây Táo Tàu

Đại táo là một cấy nhỡ hay cây to. Lá mọc so le, lá kèm thường có dạng thành gai. Cuống lá ngắn 0,5-lcm, phiến lá hình trứng, đầu hẹp lại, dài 3-7cm, rộng 2-3,5cm, mép có răng cưa thô, trên mặt rõ 3 gân chính, gân phụ cũng nổi rõ. Hoa nhỏ, mọc thành tán ở kẽ lá, mỗi tán gồm 7-8 hoa. Cánh hoa màu vàng xanh nhạt. Đài, tràng và nhị đều 5. Quả hạch hình cầu hay hình trứng, khi non có màu nâu hoặc xanh nhạt, khi chín có màu dỏ sẫm. Vỏ quả mẫm vị ngọt. Mùa hoa tháng 4-5, mùa quả tháng 7-9.

Táo Tàu

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cây táo tàu được trồng nhiều ở Trung Quốc và dược liệu được sử dụng tại Việt Nam cũng chủ yếu nhập từ nguồn này. Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng, loài cây này có nguồn gốc ở Bắc Phi và Syria. Sau đó di thực qua Ấn Độ trước khi tới Trung Quốc. 

Táo Tàu

Hiện tại, một số nơi ở miền Bắc nước ta đã bắt đầu trồng thử nghiệm cây táo tàu. Cây được nhân giống bằng cách chiết cành và được trồng vào mùa xuân. Từ tháng 4 đến tháng 6, cây bắt đầu ra hoa và kết quả vào tháng 7 đến tháng 8 hàng năm.

Thu hái – sơ chế: Quả táo tàu được thu hoạch vào mùa Thu Đông. Những quả chín sẽ được hái trước đem về rửa sạch, ăn tươi hoặc bào chế thành dược liệu.

Bộ phận sử dụng của Táo Tàu

Phần sử dụng làm thuốc lá quả khô của cây táo tàu. Đôi khi hạt và lá cũng có thể được dùng. 

Táo Tàu

Thành phần hóa học

Trong đại táo có 3,3% protid, 0,4% chất béo, 73% hyđrat cacbon, 0,061% canxi, 0,055% photpho, 0,0016% sắt, 0,00015% caroten,0,012% vitamin C.

Tác dụng của Táo Tàu

Theo y học cổ truyền

Tính vị

Theo sách Bản kinh: Táo tàu vị ngọt, tính bình

Theo sách Thiên Kim Phương – Thực trị: Táo tàu vị ngọt, hơi cay, tính nóng, không chứa độc

Theo sách Trung Dược Học và Trung Dược Đại Từ Điển: Dược liệu có vị ngọt, tính ấm

Quy kinh

Táo tàu có khả năng quy vào các kinh Can, Tỳ, Vị, Thận, Tâm, Phế

Đông y cho rằng, táo tàu khô có tác dụng bổ tỳ vị, lợi khí, sinh tân dịch, cường lực, chỉ thấu, bổ huyết, an thần, giải độc dược, điều hòa các loại thuốc.

Chủ trị tỳ vị hư nhược, tiêu chảy, kém ăn, hồi hộp, suy nhược cơ thể, bồn chồn khó ngủ, lở loét ngoài da, táo bón, nghẹt mũi…

Theo y học hiện đại

Ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị ung thư: Thành phần vitamin C, axit triterpenic và polysacarit trong táo tàu có thể giúp ức chế, tiêu diệt các tế bào ác tính, ngăn chặn không cho ung thư lan rộng.

Tác dụng trên hệ tim mạch: Táo tàu cung cấp nhiều kali giúp ổn định huyết áp, phòng chống các bệnh lý về tim mạch.

Đối với hệ tiêu hóa: Saponin, tritrerpernoid và chất xơ có tác dụng ổn định chuyển động ruột, ngăn ngừa táo bón, tăng cường hấp thu các chất dinh dưỡng và cải thiện sức khỏe đường ruột.

Trên hệ tuần hoàn: Chất sắt và photpho trong táo tàu làm tăng sản xuất tế bào hồng cầu, kích thích lưu thông tuần hoàn máu trong toàn bộ cơ thể. Ngoài ra, các chất alkaloid và triterpenoid còn giúp loại bỏ độc tố trong máu, thanh lọc máu.

Kháng khuẩn, chống virus: Flavornoid và vitamin C trong dược liệu có đặc tính kháng khuẩn, chống lại sự xâm nhập của vi trùng, virus cảm cúm xâm nhập vào cơ thể.

Công dụng của táo tàu với hệ miễn dịch: Chất polysacarit có khả năng trung hòa các gốc tự do, làm chậm tiến trình oxy hóa trong cơ thể, qua đó cải thiện chức năng hoạt động của hệ miễn dịch.

Ngoài quả, hạt táo tàu cũng có nhiều tác dụng tốt như an thần, chữa mất ngủ, chống co giật, bảo vệ tế bào não, kích thích mọc tóc. Lá táo tàu chữa bệnh trĩ, cải thiện sức khỏe xương khớp.

Liều lượng và cách dùng Táo Tàu

Thường dùng hiện nay trong hầu hết các đơn thuốc, mỗi ngày cho uống từ 5 đến 10 quả làm thuốc bổ tỳ vị, nhuận phế, chữa ho, điều hòa khí huyết.

Bài thuốc chữa bệnh từ Táo Tàu

1. Trong người bồn chồn không yên dẫn đến mất ngủ 

Dùng bài thuốc gồm 14 quả táo tàu đen kết hợp với 7 củ hành trắng. Cho cả 2 vào ấm sắc với 3 thăng nước đến khi cạn còn 1 thăng thì dừng lại. Gạn ra uống 1 – 2 lần trong ngày khi thuốc còn ấm.

2. Chữa lở loét ngoài da không lành

Dùng 3 tháng táo tàu sắc kỹ trong 15 phút. Lấy nước, để nguội dùng rửa tổn thương mỗi ngày 3 – 4 lần.

3. Chữa lên cơn đau tim đột ngột

Dùng 2 quả táo tàu, 1 quả ô mai và 7 hạt khổ hạnh nhân. Tất cả tán nhuyễn. Nam giới uống thuốc với rượu còn phụ nữ thì dùng giấm để uống.

4. Điều hòa dịch vị (vị khí) 

Hái quả táo tàu tươi phơi khô, tách bỏ hạt, đem tán thành bột mịn. Khi sử dụng, lấy bột táo trộn chung với một ít bột gừng sống pha nước, nhắp uống từ từ từng ít một.

5. Chữa khô miệng, đau cổ họng khi nuốt, hay buồn ngủ sau khi bị thương hàn

Dùng táo tàu đen và ô mai mỗi loại 10 quả. Táo bỏ hạt, đem giã nát cùng với ô mai. Cả hai trộn với lượng mật vừa đủ để làm viên hoàn. Kích thước mỗi viên cỡ bằng hạt hạnh nhân. Để khắc phục bệnh, dùng thuốc ngậm mỗi ngày 2 – 3 viên.

6. Chữa tỳ vị hư nhược

Dùng thịt táo tàu sấy khô, nghiền thành bột mịn. Trộn chung với sinh khương. Mỗi lần lấy 6g đun sôi với nước uống x 2 lần/ngày.

7. Chữa chứng bế khí do ăn nhiều hạt tiêu

Theo sách Bách Nhất Tuyển Phương, ăn vài quả táo tàu sẽ giúp hóa giải các triệu chứng.

8. Chữa chứng phế ung, nôn ói ra máu do sử dụng nhiều thức ăn cay nóng

Dùng quả táo đỏ ( hồng táo ) kết hợp với bách dược tiễn lượng bằng nhau làm thành một thang thuốc. Táo để cả hột đem đốt cháy thành than, bách dược tiễn đốt qua. Cả hai tán bột trộn chung. Khi sử dụng lấy 8g hòa với nước cơm uống.

9. Chữa chứng thống khí tại tiểu trường

Dùng một con sâu đậu bỏ cánh và đầu nhét vào trong quả táo, bọc giấy lại đốt cho thuốc chín. Bỏ sâu đậu, chỉ ăn táo. Kết hợp lấy cây khương mọc nấu nước uống cùng để bệnh được đẩy lùi.

10. Điều trị bệnh táo bón, khó đi cầu

Táo tàu đen 1 quả, tách bỏ hạt, đem trộn với 2g cam phấn (khinh phấn). Tiếp tục dùng một cái giấy ướt gói thuốc lại, bỏ lên bếp than nướng chín. Lấy thuốc ra đem sắc uống.

11. Chữa nôn ói sau khi ăn

 Dùng 1 quả táo tàu đen ( đại táo ), 1 con sâu đậu. Táo bỏ hột, sâu đậu ngắt bỏ đầu và cánh rồi nhét vào bên trong quả táo. Nướng chín trên bếp than, bỏ xác sâu đậu lấy táo ăn khi bụng còn đang đói.

Lưu ý khi sử dụng Táo Tàu

Không nên ăn nhiều táo tàu tươi vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ ở đường tiêu hóa như khó tiêu, tăng tiết dịch vị dạ dày, chướng bụng, mất cân bằng ngũ tạng. Bạn cũng không nên ăn táo tàu tươi khi bụng đang đói.

Sử dụng dược liệu có nguồn gốc an toàn, xuất xứ rõ ràng

Người bị béo phì, đường huyết cao, đầy hơi, chướng bụng, nổi mụn, lở ngứa ngoài da nên thận trọng khi sử dụng.

Vỏ táo tàu khô cứng nên khó tiêu hóa. Cần nhai kỹ trước khi nuốt.

Táo tàu kị với Nguyên Sâm, Bạch vi. Không sử dụng các dược liệu này cùng lúc

Không dùng táo tào cho các trường hợp sau: Có bỉ khối ở vùng ngực, đau dạ dày do khí bế, đau bụng do giun, dị ứng với thành phần của táo tàu.

Bảo quản Táo Tàu

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Táo Tàu. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm