lcp

Thiên hoa phấn


Thiên hoa phấn hay còn gọi là Qua lâu, Dưa trời, Dưa núi, Hoa bát, Vương qua, Dây bạc bát, Bát bát trâu, thuộc họ Bầu bí với danh pháp khoa học là Cucurbitaceae. Trong những năm gần đây, Thiên hoa phấn ngày càng trở nên quen thuộc trên thị trường thực phẩm nước ta. Thiên hoa phấn chính là vị thuốc được lấy từ phần rễ của cây qua lâu, có tác dụng giải độc, thanh phế nhiệt, nhuận phế hóa đờm. Được sử dụng rất phổ biến trong các bài thuốc chữa nóng sốt, mụn nhọt, sưng viêm, miệng khô rát, ngứa.

Để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Thiên hoa phấn cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

thiên hoa phấn

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Thiên hoa phấn, Qua lâu, Dưa trời, Dưa núi, Hoa bát, Vương qua, Dây bạc bát, Bát bát trâu.
  • Tên khoa học: Trichosanthes kirilowii Maxim.
  • Họ: Bầu bí - Cucurbitaceae.
  • Công dụng: Chữa đái tháo đường, hoàng đản, viêm tuyến sữa, mụn lở có mủ, chữa sốt nóng, miệng khô khát, vàng da.

Mô tả cây Thiên hoa phấn

Thiên hoa phấn là tên thuốc của rễ (phình ra thành củ) của cây qua lâu. Cây qua lâu (còn được gọi là hoa bát, dây bạc bát, dưa núi, vương qua, thau ca…) là thực vật dây leo có rễ thuôn dài như củ sắn, lá tựa lá gấc, hoa đơn tính màu trắng, quả hình cầu, màu lục sóc trắng, khi chín thì chuyển sang màu đỏ. Trong quả có nhiều hạt hình trứng dẹt.

thiên hoa phấn

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Dược liệu được tìm thấy nhiều ở Triều Tiên, Trung Quốc. Tại Việt Nam, cây qua lâu chỉ mới được tìm thấy ở Cao Bằng, phần lớn dược liệu ở nước ta đều được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thu hoạch: Mùa thu hoặc đông (tháng 9 – 10).

Chế biến: Rễ củ đem rửa sạch, gọt bỏ vỏ ngoài, cắt thành từng đoạn ngắn (rễ nhỏ để nguyên, rễ lớn bổ dọc) rồi ngâm với nước sôi trong 1 tuần lễ. Sau đó lấy ra phơi khô, sấy khô rồi xông diêm sinh để bảo quản, sử dụng dần.

Bộ phận sử dụng của Thiên hoa phấn

Rễ của cây qua lâu là bộ phận được dùng làm vị thuốc với tên gọi qua lâu căn hay thiên hoa phấn.

thiên hoa phấn

Thành phần hóa học

Nhiều nghiên cứu đã xác định trong Thiên hoa phấn có chứa các thành phần hóa học như: trichosanthin, karasurin A, B, C, T 33, các saponin gồm cucurbitacin B, cucurbitacin D,  và các polysaccharid gồm glycose, galactose, fructose, manose, xylose.

Tác dụng của Thiên hoa phấn

Theo y học cổ truyền

1. Tính vị

Dược liệu thiên hoa phấn được các tài liệu Đông y ghi nhận có vị đắng, hơi ngọt và tính hàn.

2. Quy kinh

Được quy vào 2 kinh Phế và Vị.

3. Tác dụng dược lý

Công dụng: Nhuận táo, chỉ khát, sinh tân dịch, giảm đau, giải độc.

Chủ trị: Dược liệu được dùng chữa các chứng nóng sốt, lở ngứa, viêm tấy, hoàng đản, miệng khô khát, mụn nhọt, ho khan do phế nhiệt.

Theo y học hiện đại

Tác dụng chống ung thư

Trichosanthin có trong vị thuốc, là chất được biết đến và có nhiều nghiên cứu nhất. Các nghiên cứu cho thấy chất này có tác dụng chống lại nhiều dòng tế bào ung thư.

Ngoài ra, cucurbitacin D và acid bryonolic từ vị thuốc này cũng có tác dụng chống ung thư bằng cách gây chết tế bào trong nghiên cứu trong ống nghiệm.

Hỗ trợ điều trị đái tháo đường

Lectin được chiết xuất từ Thiên hoa phấn cũng cho thấy tác dụng hạ đường huyết trên chuột đái tháo đường phụ thuộc insulin.

Ngoài ra, các polysaccharide gồm glycose, galactose, fructose, mannose, xylose cũng được chứng minh có tác dụng hạ đường huyết.

Vị thuốc này còn cho thấy vai trò trong việc giảm biến chứng của bệnh đái tháo đường.

Hỗ trợ hạ lipid máu

Nghiên cứu sử dụng phối hợp các vị thuốc Nhân sâm, Đại hoàng, Thiên hoa phấn có thể làm chậm quá trình xơ vữa động mạch bằng cách giảm tình trạng rối loạn lipid máu. Đặc biệt, giảm triglyceride và LDL-C. Đồng thời, giảm cytokine để chống viêm và cải thiện chức năng nội mô và ức chế sự phát triển cơ trơn.

Liều lượng và cách dùng Thiên hoa phấn

8-16g dưới dạng thuốc sắc hoặc thái mỏng, giã nát, ngâm nước, lọc lấy bột, dùng mỗi lần 4 – 8g.

Bài thuốc chữa bệnh từ Thiên hoa phấn

1. Bài thuốc chữa sốt rét

Chuẩn bị: 8g thiên hoa phấn, 8g sài hồ, 12g mẫu lệ, 8g quế chi, 8g hoàng cầm, 6g can khương, 6g cam thảo.

Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào ấm, thêm 1 thăng nước để sắc lấy nước đặc. Uống ngày 1 thang.

2. Bài thuốc chữa sốt nóng, vàng da, miệng khô khát

Chuẩn bị: 8g thiên hoa phấn cùng 8g rễ cây é lớn đầu.

Thực hiện: Các vị thuốc đem thái nhỏ, phơi khô rồi cho vào ấm sắc với 200ml nước. Thu lấy 50ml, bỏ bã và uống 1 lần khi còn ấm. Ngày dùng đúng 1 thang.

3. Bài thuốc chữa quai bị

Chuẩn bị: 8g thiên hoa phấn, 16g thạch cao, 12g cát căn, 12g ngưu hoàng, 8g cát cánh, 8g hoàng cầm, 8g thăng ma, 8g liên kiều, 4g cam thảo cùng 4g sài hồ.

Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào ấm, sắc lấy nước đặc. Bỏ phần bã và chia đều làm 3 lần uống, liều mỗi ngày 1 thang.

4. Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường

Bài thuốc 1: Cần 8g thiên hoa phấn, 20g thục địa, 20g hoài sơn, 12g kỷ tử, 12g thạch hộc, 12g đơn bì, 8g sa sâm cùng 8g sơn thù. Các vị thuốc trên đem đi sắc nhiều lần để lấy nước đặc. Bỏ bã uống trong ngày, dùng 1 thang/ngày.

Bài thuốc 2: Chuẩn bị 16g thiên hoa phấn, 16g đương quy, 16g phục linh cùng 30g hoàng liên. Các vị thuốc đem trộn đều rồi nghiền thành bột mịn và làm hoàn. Ngày uống 12 – 16g cùng với nước sắc bạch mao căn.

Bài thuốc 3: Cần có 30g thiên hoa phấn, 30g sinh địa, 8g cam thảo, 16g cát căn, 16g ngũ vị tử cùng 16g mạch môn. Các vị thuốc trộn đều, nghiền bột. Mỗi lần lấy 10g bột thuốc cho vào ấm, thêm 20g gạo tẻ rồi sắc lấy nước uống khi còn ấm.

Bài thuốc 4: Chuẩn bị 32g thiên hoa phấn, 10g hoàng liên, 32g mạch môn, 32g sinh địa cùng 32g huyền sâm. Các vị thuốc đem đi sắc nước uống, liều 1 thang/ngày.

5. Bài thuốc chữa mụn nhọt lâu ngày không khỏi

Chuẩn bị: 8g thiên hoa phấn, 10g bạch chỉ cùng với 10g ý dĩ.

Thực hiện: Ba vị thuốc trên đem sắc lấy nước hoặc trộn đều rồi tán thành bột mịn uống với nước sôi ấm. Dùng liều lượng 1 thang/ngày.

6. Bài thuốc chữa tắc sữa

Bài thuốc 1: Cần có 8g thiên hoa phấn, 12g bạch thược, 6g thông thảo, 6g thanh bì, 6g cát cánh, 8g xuyên sơn giáp, 8g sài hồ cùng 8g đương quy. Đem các vị thuốc này đi sắc lấy nước đặc, uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc 2: Chuẩn bị 12g thiên hoa phấn, 12g xuyên sơn giáp rang phồng cùng với 1 lượng chân giò heo vừa đủ. Hai vị thuốc đem tán thành bột mịn rồi ninh cùng chân giò cho nhừ. Ăn cái và uống hết nước khi còn nóng.

7. Bài thuốc chữa thấp khớp

Chuẩn bị: 12g thiên hoa phấn, 12g cốt toái bổ, 12g thổ phục linh, 12g thạch cao, 12g kê huyết đằng, 4g cam thảo, 8g bạch chỉ, 12g đơn sâm, 12g rau má, 12g sinh địa, 12g hy thiêm, 12g uy linh tiên, 12g độc hoạt cùng 12g khương hoạt.

Thực hiện: Các vị thuốc trên đem cho hết vào ấm, thêm 600ml nước. Sắc trên lửa nhỏ thu lấy phân nửa, lọc bỏ bã, chia thành 3 lần uống, liều 1 thang/ngày.

8. Bài thuốc chữa viêm amidan mãn tính

Bài thuốc 1: Chuẩn bị 8g thiên hoa phấn, 12g ngưu tất, 12g hoài sơn, 12g huyền sâm, 16g sinh địa, 8g địa cốt bì, 8g tri mẫu, 8g sơn thù, 8g trạch tả, 8g đơn bì, 6g xạ can, 8g phục linh. Các vị thuốc trên đem đi sắc lấy nước đặc, lọc bỏ phần bã, uống ngày 1 thang khi thuốc còn ấm.

Bài thuốc 2: Cần có 8g thiên hoa phấn, 20g sinh địa, 12g huyền sâm, 12g đan bì, 8g địa cốt, 8g bối mẫu, 8g mạch môn, 12g bạch thược, 4g bạc hà và 4g cam thảo. Các vị thuốc cho vào ấm sắc lấy nước đặc, bỏ bã, uống mỗi ngày 1 thang.

9. Bài thuốc chữa bệnh viêm họng mãn tính

Chuẩn bị: 12g thiên hoa phấn, 12g tang bạch bì, 16g sa sâm, 4g cát cánh, 12g hoàng cầm, 12g mạch môn cùng 4g cam thảo. Trường hợp viêm họng hạt thì gia 8g xạ can, nếu có đờm khó khạc thì gia 8g qua lâu, còn nếu họng khô thì gia 12g huyền sâm cùng 16g thạch hộc.

Thực hiện: Đem cho tất cả vị thuốc trên vào ấm, thêm 600ml nước. Sắc lấy phân nửa, uống trong ngày khi còn nóng với liều 1 thang/ngày.

10. Bài thuốc chữa ban đậu chẩn biến chứng

Chuẩn bị: 20g thiên hoa phấn, 20g cát cánh, 20g kha tử, 20g thạch xương bồ, 20g phục linh cùng 20g cam thảo.

Thực hiện: Đem trộn đều các bị thuốc trên rồi nghiền thành bột mịn. Mỗi lần lấy 4g sắc chung với 7 đọt kinh giới cùng 7 đọt tiểu trúc lấy nước uống. Dùng 1 thang mỗi ngày.

Lưu ý khi sử dụng Thiên hoa phấn

Không dùng thiên hoa phấn cho các đối tượng sau:

Người có tỳ vị hư hàn, tiêu chảy.

Người bị ho hàn đàm hay thấp đàm.

Hạn chế (hoặc không dùng) dược liệu trên cho phụ nữ đang mang thai.

Không dùng kết hợp thiên hoa phấn với ô đầu và thành phần thuốc có ô đầu (phản ô đầu).

Bảo quản Thiên hoa phấn

Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát, tránh đặt dược liệu nơi ẩm thấp, ngăn đá tủ lạnh.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Thiên hoa phấn. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm