Thông bạch là gì? Tác dụng và vị thuốc từ thông bạch
Thông bạch chính là cây hành hoa, được sử dụng phổ biến như một món rau gia vị ăn hàng ngày. Ngoài ra loài cây này còn có nhiều tác dụng dược lý quan trọng như trị chứng cảm mạo phong hàn, bí tiểu tiện, chữa phát ban, viêm mủ da… Vậy làm thế nào để dùng thông bạch trong điều trị bệnh? Cùng Medigo tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây.
Tìm hiểu về thông bạch
Thông bạch còn được gọi với nhiều cái tên khác như hoa sự thảo, hành hương, lộc thai, thái bá, hom búa, tứ quý thông, đại thông, hành hoa, sông (Dao), hom búa (Thái)… Cây có tên khoa học là Allium fistulosum L., thuộc họ Hành (Alliaceae). Đây là loài cây đặc trưng của vùng Đông Á, cây ưa khí hậu cận nhiệt đới và ôn đới. Ở nước ta, cây được trồng khắp các tỉnh thành từ Bắc chí Nam, được dùng làm gia vị trong các món ăn và làm thuốc.
Đặc điểm sinh thái
Thông bạch là loài cây thân thảo sống lâu năm, chiều cao tối đa có thể lên đến 50cm. Cây có thân nhỏ, màu nâu hoặc trắng, chỉ hơi phồng, chiều rộng từ 0,7 – 1,5cm. Lá cây màu xanh hơi mốc, dạng trụ rỗng, lá có 3 cạnh phía dưới, chiều dài tới 30cm, bẹ lá chiếm tỉ lệ 1/4 phiến.
Trục mang cụm hoa (cán hoa) có chiều cao bằng lá. Nhiều hoa cuống ngắn tạo thành cụm hoa có đầu hình tròn, bao hoa có nhiều mảnh dạng trái xoan nhọn màu trắng điểm sọc xanh, bầu hoa màu xanh. Quả nang đường kính khoảng 6mm, dạng tròn, bên trong có hạt hình cạnh màu đen. Thời điểm ra hoa của cây là mùa hạ và mùa xuân.
Thông bạch là loài cây thân thảo sống lâu năm, còn gọi là cây hành hoa
Bộ phận dùng của thông bạch
Bộ phận sử dụng của dược liệu là toàn cây hoặc củ (dò), đôi khi người ta cũng sử dụng cả phần hạt.
Thu hái, sơ chế và bảo quản
Cây hành được thu hoạch quanh năm, đặc biệt là tháng 10 - 11. Khi dùng, củ hành sẽ được cắt hết rễ, lột bỏ lớp vỏ bên ngoài và rửa sạch đất cát. Cây thường được dùng khi còn tươi.
Thành phần hóa học
- Trong củ hành người ta tìm thấy tinh dầu có sulfur, với chất kháng sinh allicin chiếm tỉ lệ cao nhất. Ngoài ra còn có một số loại acid như acid malic, chất allisulfit và galantin.
- Hạt của cây hành có thành phần S-propenyl-L-eine sulfoxide.
- Thân hành (Bulbus Allii fisculosii) chứa tinh dầu, trong đó hầu hết là alilicin cùng một số hợp chất diallyldisulfit khác. Ngoài ra còn có đường, acid béo, saponin, chất nhầy, vitamin B1, B2, C..
- Một số tài liệu cho rằng tinh dầu hành hoa còn chứa chất kháng sinh axitin C6H10OS2 với công dụng diệt khuẩn mạnh mẽ. Axitin là chất dầu không màu, dễ bị thủy phân trong nước, tan trong ete, benzen và cồn.
Tác dụng của thông bạch
Theo y học cổ truyền
Thông bạch có vị cay, tính ấm, quy vào kinh Phế và Vị
Công năng: Lý khí, phát tán phong hàn
Chủ trị
- Điều trị cảm mạo phong hàn, kích thích ra mồ hôi. Có thể dùng độc vị, kết hợp với đậu xị hoặc cho vào cháo nóng ăn để giải cảm.
- Kết hợp với can khương điều trị các chứng đi ngoài phân lỏng, đau bụng, đầy bụng.
- Chữa bí tiểu tiện bằng cách dùng củ hành sao vàng với cám nóng, giã dập và đắp trực tiếp lên vùng bàng quang)
- Thúc đẩy quá trình làm lành vết thương, trị chứng phát ban, eczema, viêm mủ da, bỏng, mụn nhọt (thường dùng để đắp bên ngoài)
- Hạt của cây hành có công dụng làm sáng mắt, bổ thận
Hành hoa (thông bạch) có công dụng trị cảm mạo phong hàn rất tốt
Theo y học hiện đại
Y học hiện đại đã nghiên cứu và chứng minh một số công dụng của hành hoa như sau:
- Tăng cường tiết dịch tiêu hóa, kích thích thần kinh
- Ngăn ngừa ký sinh trùng đường ruột
- Tinh dầu hành có tính sát khuẩn đáng kể, dùng để điều trị các loại mụn nhọt mưng mủ
Một số vị thuốc từ thông bạch
Trị nghẹt mũi, nhức đầu, cảm mạo:
- Bài 1: 30g củ hành tươi, 10g gừng. Sắc lấy nước uống.
- Bài 2: 3 củ hành sống, 3 lát gừng, 10g tía tô. Ăn cùng cháo nóng, thêm chút muối, có thể ăn cùng 1 quả trứng gà.
Giảm niệu: Hành giã nát rồi đắp trực tiếp lên vùng rốn.
Trị chứng nghẽn ruột gây ra do giun đũa: 30g hành củ, 30g dầu vừng. Nghiền lấy nước và uống, dùng 2 lần/ngày
Trị phát ban, eczema, loét chân: Giã nát hành tươi, rửa vết đau bằng nước đun sôi để nguội. Đắp hành đã giã nát lên vùng da nhiễm bệnh, tùy kích thước vết đau mà sử dụng lượng tương ứng.
Trị nghẹt mũi, viêm mũi: Lấy một vài củ hành cho vào ly, đổ thêm nước sôi, trùm hoa giấy lên rồi hít vào mũi. Có thể nhỏ mũi bằng nước củ hành pha loãng.
Trị bệnh tê thấp: Hành, dầu thực vật, tương đậu nành. Xào hành với một chút muối, tương đậu nành và dầu thực vật và ăn.
Hoạt huyết, thông dương, 12g phụ tử, 12g can khương, 40g thông bạch. Sắc lấy nước uống để trị chứng chân tay lạnh, tả cấp tính, mạch nhỏ.
Phụ nữ động thai: Dùng 60g hành tươi sắc cùng 1 bát nước, lọc bỏ hết bã và uống.
Lưu ý khi sử dụng thông bạch
- Hàm lượng sử dụng hàng ngày tham khảo là 4 – 40g/ngày, có thể dùng đường uống, nấu ăn hoặc giã nát đắp ngoài
- Không khuyến khích dùng cho bệnh nhân biểu hư, mồ hôi nhiều, viêm kết mạc
- Kiêng kỵ dùng chung hành và mật ong
Trên đây là một số kiến thức hữu ích về vị thuốc thông bạch và cách dùng sao cho hiệu quả. Bài viết trên đây chỉ cung cấp thông tin mang tính tham khảo. Medigo khuyên bạn nên điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn để đạt được kết quả tốt nhất.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm