Tỏi: Đặc điểm, tác dụng và cách dùng Tỏi chữa bệnh
Tỏi là thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, được trồng nhiều ở nước ta. Ngoài ra, tỏi còn là một gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn hằng ngày. Để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Tỏi cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng đọc thêm trong bài viết dưới đây.
Thông tin chung
- Tên tiếng Việt: Cây Tỏi, Đại toán, Hom kía, Co sluốn (Thái), Sluôn (Tày)
- Tên khoa học: Allium sativum L.
- Họ: họ hành (Alliaceae)
- Công dụng: Kích thích tiêu hoá, chống viêm, kháng khuẩn, ăn uống không tiêu, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, thấp khớp, trĩ nội, trĩ ngoại, đái tháo đường, viêm tá tràng.
Mô tả cây Tỏi
Cỏ thân thảo, là một địa thực vật, thẳng, cao 40-140 cm, hành tròn, to 2-4 cm, do nhiều cầu hành có bao trắng, thường trồng từ những tép tỏi. Thân hành ngắn, hình tháp gồm nhiều hành còn gọi là ánh tỏi, to nhỏ không đều, xếp ép vào nhau quanh mỗi trục lõi, vỏ ngoài của thân hành mỏng, màu trắng hoặc hơi hồng.
Lá dẹp, từ 4 đến 10, dài 40-60 cm, rộng 1,2 cm, mọc cách, nhẵn, với một lớp vỏ bao hình ống, phiến lá thẳng-thuôn dài, gần như phẳng hoặc hình chữ V cắt ngang, đỉnh nhọn, bìa lá láng. Thân giả được hình thành bởi sự đan xen của những lớp vỏ lá nhỏ của những lá liên tiếp.
Hoa tụ thành nhóm thành tán ở chót trục dài, màu trắng hay hồng, hình cầu, có cầu hành ở nách lá hoa, hoa xanh xanh có đốm đỏ, tiểu nhụy không thò ra, hoa nở vào mùa hè. Nhị 6, chỉ nhị có cựa dài, đính vào các mảnh bao hoa; bầu gân hình cầu. Quả nang.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Tỏi là một trong những cây trồng cổ xưa nhất còn tồn tại đến ngày nay. Người ta xem Tỏi trồng Allium sativum có nguồn gốc từ Trung Á Asie centrale (Kazakhstan, Ouzbekistan và miền tây Trung Quốc). Điều này đã được xác nhận bởi sự phân tích hệ phát sinh chủng loại phylogénétiques đặt cơ sở trên những dấu hiệu phân tử marqueurs moléculaires và sinh hóa biochimiques, cũng chỉ ra một trung tâm thứ cấp đa dạng trong vùng Caucase. Ngày nay, tỏi là cây trồng rộng rãi khắp thế giới, từ vùng có khí hậu nhiệt đới xích đạo (5⁰) đến 50⁰ vĩ tuyến ở cả 2 bán cầu. Ở Việt Nam, tỏi được trồng khắp cả nước.
Củ tỏi thương phẩm thu hoạch sau khi trồng 125-130 ngày. Nhổ cả cây, rũ sạch đất, bó thành bó nhỏ treo trên dây hoặc sào nơi thoáng mát.
Thường ta thu hoạch vào cuối đông, đầu xuân; có thể dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Bộ phận sử dụng của Tỏi
Thân hành (giò) - Bulbus Allii, thường có tên là Ðại toán. Bộ phận dùng phổ biến là phần thân củ. Ngoai dùng trong y học còn là một loại gia vị phổ biến.
Thành phần hóa học
Thành phần trong củ tỏi khoảng 84,09% nước, 13,38% chất hữu cơ, và các chất vô cơ 1,53%, trong khi trong lá tỏi là 87,14% nước, 11,27% chất hữu cơ, các chất vô cơ 1,59%. Trong củ tỏi tươi hoặc nghiền chứa nhiều hợp chất lưu huỳnh như: alliin, ajoene, polysulfides diallyl, vinyldithiins, S - allylcysteine, và các enzym, vitamin nhóm B , protein, khoáng chất, saponin, flavonoid, và các sản phẩm phản ứng Maillard không phải là các hợp chất có chứa lưu huỳnh.
Trong củ tỏi có 3 hoạt chất chính là allicin, liallyl sulfide và ajoene. Allicin là hoạt chất mạnh nhất và quan trọng nhất của tỏi. Allicin không hiện diện sẵn trong tỏi. Tuy nhiên, khi được cắt mỏng hoặc đập dập và dưới sự xúc tác của phân hoá tố anilaza, chất aliin có sẵn trong tỏi biến thành allicin. Do đó, càng cắt nhỏ hoặc càng đập nát, hoạt tính càng cao. Một ký tỏi có thể cho ra từ 1 đến 2 gam allicin. Allicin dễ biến chất sau khi được sản xuất ra. Càng để lâu, càng mất bớt hoạt tính. Đun nấu sẽ đẩy nhanh quá trình mất chất nầy. Đun qua lò vi sóng sẽ phá huỷ hoàn toàn chất allicin.
Tác dụng của Tỏi
Theo y học cổ truyền:
- Tỏi được dùng làm gia vị và làm thuốc.
- Củ tỏi có vị cay, tính ôn, hơi độc, vào hai kinh Can, Vị, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn, thông khiếu, giải phong, sát trùng; chữa khí hư, tiểu tiện khó, bụng trướng đầy, tiêu nhọt, tẩy uế, kiết lỵ, trị giun móc, giun kim, phòng trị cảm cúm.
- Ở Ấn Độ, các chế phẩm tỏi được dùng trong lao phổi, hoại thư phổi và ho gà. Ở Nepal, tỏi có trong thành phần một số bài thuốc trị thấp khớp. Ở Indonesia, tỏi có trong thành phần một thuốc bột dùng ngoài cho các phụ nữ sau sinh khi sinh đẻ, một thuốc đắp để điều trị cấc vết bọ cạp đốt và rắn rết cắn.
Theo y học hiện đại:
- Tinh dầu tỏi, nước tỏi, dịch ngâm tỏi đều có tác dụng kháng khuẩn mạnh phổ rộng, kháng khuẩn và ức chế khuẩn. Tỏi vỏ tím có tác dụng kháng khuẩn mạnh hơn tỏi vỏ trắng. Tỏi chế làm thuốc đều có tác dụng đối với các loại khuẩn kháng với streptomycin, penicillin, chloromycetin, aureomycin. Tỏi cũng có tác dụng ức chế nấm ở vùng sâu và nông của cơ thể, nồng độ của dầu tỏi có tác dụng đối với nấm là 1mcg/1ml.
- Tỏi có tác dụng chống ung thư, có khả năng làm giảm tỷ lệ phát sinh ung thư bao tử.
- Tỏi có tác dụng chống amip và trùng roi (trichomonas).
- Tỏi có tác dụng hạ lipid huyết, ức chế các mảng xơ cứng động mạch hình thành, tăng hoạt tính dung giải của fibrin, ức chế sự làm tăng ngưng tập tiểu cầu của ADP và Adrenalin, có tác dụng hạ áp.
- Tỏi có tác dụng làm tăng chuyển dạng lymphô bào, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.
- Tỏi còn có tác dụng tốt như chống viêm, hưng phấn tử cung, hạ đường huyết và cải thiện tình trạng nhiễm độc chì mạn tính.
Lưu ý khi sử dụng Tỏi
- Do có tính nóng và tác dụng hành khí mạnh, cẩn thận khi dùng tỏi cho người đang có thai, đang nóng sốt, nhiễm trùng chân răng, viêm xoang.
- Tỏi cũng có thể gây dị ứng làm ngứa ngáy, nổi mẫn ở một số người.
- Ngoài ra, người sắp được phẫu thuật không nên dùng tỏi vì tỏi có khả năng làm thay đổi ảnh hưởng các thuốc chống đông máu được dùng trong giải phẫu.
- Một nghiên cứu còn cho biết dùng tỏi có thể gây phản ứng phụ nguy hiểm đối với những người đang điều trị HIV/AIDS.
Tỏi và các chế phẩm từ tỏi có nhiều công dụng tốt như: chống ung thư, chống oxy hóa, chống đái tháo đường, bảo vệ, chống xơ vữa động mạch, kháng khuẩn, kháng nấm, chống động vật nguyên sinh và hạ huyết áp các hoạt động. Ngoài có nhiều công dụng, tỏi còn là một gia vị không thể thiếu với người Việt. Sản phẩm từ Tỏi dễ dàng tìm thấy trên thị trường của nhiều nhà sản xuất khác nhau, với nhiều loại bào chế khác nhau. Cần phát triển thêm các dạng bào chế và các sản phẩm để đa dạng hóa các mặt hàng của một sản phẩm đã rất thông dụng như cây Tỏi.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm