Trinh nữ hoàng cung
Trinh nữ hoàng cung hay còn gọi là Hoàng cung trinh nữ, Náng lá rộng, Tỏi lơi lá rộng, thuộc họ Thủy tiên với danh pháp khoa học là Amaryllidaceae. Trong những năm gần đây, Trinh nữ hoàng cung ngày càng trở nên quen thuộc trên thị trường thực phẩm nước ta. Trước đây, Trinh nữ hoàng cung là một vị thuốc quý mà xưa kia chỉ được dùng trong hoàng tộc. Loại thảo dược này có tác dụng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị u xơ tử cung, u nang buồng trứng, u vú ở nữ vô cùng đặc hiệu.
Để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Trinh nữ hoàng cung cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.
- Thông tin chung
- Mô tả cây Trinh nữ hoàng cung
- Phân bố, thu hoạch và chế biến
- Bộ phận sử dụng của Trinh nữ hoàng cung
- Thành phần hóa học
- Tác dụng của Trinh nữ hoàng cung
- Liều lượng và cách dùng Trinh nữ hoàng cung
- Bài thuốc chữa bệnh từ Trinh nữ hoàng cung
- Lưu ý khi sử dụng Trinh nữ hoàng cung
- Bảo quản Trinh nữ hoàng cung
Thông tin chung
- Tên tiếng Việt: Trinh nữ hoàng cung, Hoàng cung trinh nữ, Náng lá rộng, Tỏi lơi lá rộng.
- Tên khoa học: Crinum latifolium L.
- Họ: Thuỷ tiên (Amaryllidaceae).
- Công dụng: Chữa ung thư tuyến tiền liệt, ung thư dạ dày, ung thư tử cung (Lá). Trong lá có chứa lycirin là một alcaloid độc, khi dùng phải cận thận.
Mô tả cây Trinh nữ hoàng cung
Cây cỏ lớn. Thân hành to, gần hình cầu hoặc hình trứng thuôn, đường kính 8 – 10cm, phủ bởi những vảy hình bản to, dày, màu trắng. La mọc thẳng từ thân hành, hình đài dài đến 50cm, có khi hơn, rộng 7 – 10cm, mép nguyên, gốc phẳng có bẹ, đầu nhọn hoặc tù, gân song song.
Cụm hoa mọc thành tán trên một cán dẹt, dài 30 – 40cm, lá bắc rộng hình thìa dài 7cm, màu lục, đầu nhọn, hoa màu trắng pha hòng, dài 10 – 15cm; bao hoa gồm 6 phiến bằng nhau, hàn liền 1/3 thành ống hẹp, khi nở đầu phiến quặn lại; nhị 6, bầu hạ.
Quả gần hình cầu (ít gặp).
Mùa hoa quả: tháng 8 – 9.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Chi crinum L. có khoảng 100 loài, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới; trong đó, một số loài được trồng làm cảnh và làm thuốc tương đối phổ biến.
Cây trinh nữ hoàng cung có nguồn gốc từ Ấn Độ, hiện được trồng rộng rãi ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Ấn Độ, Việt Nam … và cả ở phía nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, cây được trồng chủ yếu ở các tỉnh từ Quảng Nam – Đà Nẵng trở vào, sau được trồng ở các tỉnh phía Bắc.
Trinh nữ hoàng cung là cây ưa ẩm, ưa sáng hoặc có thể chịu nóng một phần, sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu nóng và ẩm của vùng nhiệt đới với nhiệt độ trung bình từ 22 – 27oC, lượng mưa trên 1500mm/năm. Trinh nữ hoàng cung sinh trưởng mạnh trong mùa xuân hè, mỗi năm 1 cây có thể sinh ra 6 – 8 lá mới. Cây trồng ở các tỉnh phía Bắc có hiện tượng hơi tàn lụi vào mùa đông. Cây có khả năng đẻ nhánh khỏe, hàng năm thêm 3 – 5 hành con từ thân hành mẹ. Cây trồng được 3 năm sẽ tạo thành môt khóm lớn, có đến 20 nhánh ở các tuổi khác nhau.
Trinh nữ hoàng cung ra hoa hàng năm, nhưng không đậu quả ở Việt Nam. Trong khi đó, ở Thái Lan, Ấn Độ…, có thể thu được hạt giống để nhân giống.
Lá trinh nữ hoàng cung thường được thu hoạch vào tháng 6 -7 hàng năm. Những lá bánh tẻ sẽ được cắt về rửa sạch, dùng tươi hoặc trần qua nước sôi rồi đem phơi/sấy khô. Thu hái lá đến khi cây ngừng phát triển.
Bộ phận sử dụng của Trinh nữ hoàng cung
Bộ phận dùng làm thuốc của cây trinh nữ là lá và phần thân hành của cây
Thành phần hóa học
Các alkaloid trong trinh nữ hoàng cung thuộc 2 nhóm
– Không dị vòng: latisolin, lansodin, beladin.
– Dị vòng: ambelin, crinafolin, crinafolidin…..
Thân rễ chứa 2 glucan: glucan A và glucan B. Glucan A gồm 12 đơn vị glucose còn glucan B có khoảng 110 gốc của glucose.
Ở Việt Nam, theo Nguyễn Hoàng và cs, 1997, trinh nữ hoàng cung có 11 alcaloid, 11 acid amin, acid hữu cơ.
Trần Văn Sung và cs, 1998, đã phân lập được từ thân hành trinh nữ hoàng cung 5 alcaloid trong đó 2 chất là 1.lycorin và pratorin được nhận dạng bằng phổ khối lượng và phổ cộng hưởng từ hạt nhân proton carbon 13.
Võ Thị Bạch Huệ và cs, 1998, đã phân lập được từ lá 2 alcaloid là crinamidin, 6 –hydroxycrinamidin được nhận dạng bằng các phân tích hóa học và quang phổ.
Tác dụng của Trinh nữ hoàng cung
Theo y học cổ truyền
Trinh nữ hoàng cung có vị đắng, chát.
Y học cổ truyền Ấn Độ dùng thân hành của cây trinh nữ hoàng cung để chữa mụn nhọt, thấp khớp, áp xe mưng mủ. Lá được chiết dịch làm thuốc nhỏ trị đau tai. Campuchia dùng loại thảo dược này để ngừa thai.
Theo y học hiện đại
Nghiên cứu hiện đại cho thấy, các hoạt chất trong trinh nữ hoàng cung có những tác dụng sau:
Cao Methanol và alcaloid có khả năng ức chế quá trình phân bào. Nó cũng giúp làm chậm lại sự phát triển của khối u khi thực nghiệm trên chuột nhắt bị ung thư đùi.
Lycorin có tác dụng ức chế protein và DNA trong tế bào trên cơ thể chuột. Ngoài ra, chất này cũng khiến các tế bào u bị giảm khả năng sống sót, đồng thời ức chế sự sinh trưởng và phát triển của virus gây bệnh bại liệt.
Hiện nay, trinh nữ hoàng cung còn được dùng chủ trị các chứng u tuyến tiền liệt, u xơ tử cung, tụ máu, đau khớp, viêm phế quản, viêm họng hạt, u vú, rong kinh.
Liều lượng và cách dùng Trinh nữ hoàng cung
Dùng thuốc dạng sắc uống, nhai sống hoặc giã đắp vào tổn thương. Liều lượng được gia giảm cho từng bệnh theo khuyến cáo của thầy thuốc.
Bài thuốc chữa bệnh từ Trinh nữ hoàng cung
1. Giảm đau khớp, chữa chấn thương, tụ máu bầm
Cách 1: Hái lá trinh nữ hoàng cung đem về rửa sạch, xào nóng, đắp vào khu vực cần điều trị.
Cách 2: Chuẩn bị các vị gồm củ trinh nữ hoàng cung, huyết giác, lá cối xay, dây đau xương mỗi loại 20g và quốc lão 6g. Dùng thuốc dạng sắc, mỗi ngày 1 thang.
Cách 3: Đào cũ trinh nữ hoàng cung về đem nướng cho nóng. Giã dập ra và đắp ngay vào nơi bị sưng đau, có máu bầm. Thực hiện mỗi ngày 2 – 3 lần.
2. Chữa viêm loét dạ dày, u vú
Cách 1: Hái 3 lá trinh nữ hoàng cung tươi đem về rửa sạch, cắt khúc ngắn. Cho vào nồi sắc với 2 chén nước đến khi cạn còn nửa chén. Chia thuốc làm 3 phần uống sau bữa ăn chính trong ngày.
Cách 2: Dùng 200g lá trinh nữ hoàng cung khô. Sắc uống tương tự như khi dùng lá tươi.
Một liệu trình điều trị bệnh kéo dài 20 – 25 ngày. Sau đó nghỉ 10 ngày rồi tiếp tục uống liệu trình mới.
3. Điều trị bệnh viêm phế quản, ho
Cách 1: Chuẩn bị các thành phần gồm lá trinh nữ hoàng cung, tang bạch bì mỗi vị 20g, ô phiến 10g và cam thảo dây 6g. Đem sắc lấy 200ml nước chia làm 3 lần uống.
Cách 2: Dùng lá bồng bồng và lá táo chua mỗi loại 12g, lá trinh nữ hoàng cung 20g, hương tư tử 6g. Mỗi ngày sắc một thang chia làm 2 – 3 lần uống.
4. Trị viêm họng hạt
Dùng 1/3 lá trinh nữ hoàng cung tươi và 3g rễ cây dằng xay. Đem 2 vị thuốc trên rửa và ngâm qua nước muối pha sẵn cho sạch. Khi bị viêm họng hạt lấy nhai với vài hạt muối ăn, nuốt nước từ từ cho thấm vào cổ họng, bỏ bã.
5. Trị u xơ tuyến tiền liệt, rối loạn tiểu tiện ở người cao tuổi
Cách 1: Sắc 20g lá trinh nữ hoàng cung uống làm 2 – 3 lần trong ngày
Cách 2: Dùng 20g lá trinh nữ hoàng cung kết hợp với 12g xa tiền tử và 6g hương tư tử. Mỗi ngày dùng 1 thang dạng thuốc sắc.
Cách 3: Chuẩn bị huyết giác và lá trinh nữ hoàng cung mỗi vị 20g, rễ ngưu tất nam 12g, Ba kích (sao muối) 10g, hương tư tử 6g. Nấu nước đặc uống 2 – 3 lần trong ngày.
6. Điều trị bệnh u xơ tử cung, rong kinh, chảy máu âm đạo, đau bụng dưới
Cách 1: Lấy 20g lá trinh nữ hoàng cung sắc uống vài lần trong ngày cho hết
Cách 2: Kết hợp lá trinh nữ hoàng cung, hạ thảo khô mỗi vị 20g với 6g hương tư tử, 8g hoàng cầm và 12g rễ cỏ xước. Các vị thuốc trên hợp thành một thang sắc lấy nước đặc chia làm 3 phần đều nhau uống hết trong ngày.
Cách 3: Lá trinh nữ hoàng cung, lá sen, dừa dại, ngải cứu tươi mỗi vị 20g, ích mẫu 12g, hương tư tử 6g. Sắc uống tương tự như bài trên.
Cách 4: Chuẩn bị hương tử tư 6g, lá trắc bách 12g (sao đen ), lá trinh nữ hoàng cung 20g. Đem thuốc sắc uống ngày 1 thang.
7. Trị mụn nhọt
Cách 1: Lấy một ít trinh nữ hoàng cung, có thể dùng lá hoặc củ, giã nát rồi đắp vào khu vực bị mụn nhọt khi thuốc còn nóng
Cách 2: Dùng trinh nữ hoàng cung và bèo cái mỗi loại 20g, cườm thảo đỏ 6g. Mỗi ngày sắc 1 thang, chia thuốc uống vào buổi sáng, trưa, tối.
Cách 3: Kết hợp 20g lá trinh nữ hoàng cung với 6g cườm thảo đỏ và 20g kim ngân hoa. Sắc thuốc chia làm 2 – 3 lần uống, mỗi ngày 1 thang.
8. Điều trị dị ứng da, nổi mẩn ngứa
Dùng 20g lá trinh nữ hoàng cung, 20g ngân hoa thán, 12g ké đầu ngựa, 6g cườm thảo đỏ. Các vị thuốc trên hợp thành một thang sắc lấy nước đặc chia 3 lần uống vào buổi sáng, trưa, tối.
9. Hỗ trợ điều trị ung thư vú, đại tràng, cổ tử cung
Dùng các vị: Lá trinh nữ hoàng cung và nga truật mỗi vị 20g, lá đu đủ (phơi khô) 50g và 10g xuyên điền thất. Cho thuốc vào siêu, thêm 3 chén nước sắc lấy 1 chén. Chia thuốc làm 3 phần uống sau các bữa ăn chính.
Lưu ý khi sử dụng Trinh nữ hoàng cung
- Không dùng cho phụ nữ mang thai, bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan thận nặng
- Kiêng ăn rau muống, đậu xanh trong quá trình điều trị bệnh bằng dược liệu này
- Không tự ý dùng trinh nữ hoàng cung chữa bệnh mà chưa thông qua ý kiến thầy thuốc, bác sĩ. Việc dùng thuốc không đúng liều lượng hoặc phối hợp sai vị có thể gây nguy hại cho sức khỏe.
Cây trinh nữ hoàng cung rất giống với náng hoa trắng hoặc cây lan huệ. Bạn có thể dựa vào những đặc điểm sau để phân biệt các loại cây này nhằm tránh bị ngộ độc:
- Cây náng hoa trắng: Loại cây này cũng thân hành nhưng hình dáng thuôn dài chứ không tròn như thân cây trinh nữ hoàng cung. Lá náng cũng dày hơn, to, sắc xanh đậm hơn. Hoa màu trắng.
- Cây lan huệ: Lá màu xanh đậm, dày, bản hẹp và không có gợn sóng ở hai bên mép. Thân cao hơn trinh nữ hoàng cung, cánh hoa màu trắng xanh, mùi rất thơm. Nhụy hoa lan huệ có màu đỏ tía trong khi nhụy hoa trinh nữ hoàng cung lại có màu trắng.
Bảo quản Trinh nữ hoàng cung
Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát. Tránh bảo quản ở những nơi ẩm ướt dễ sinh nấm mốc.
Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Trinh nữ hoàng cung. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm