Xoan trà là cây gì? Tác dụng chữa bỏng từ Xoan trà
Cây xoan trà, hay còn được gọi là xoan nhừ, xoan rừng, sầu đâu...là một loại cây có tác dụng giải độc, tiêu viêm, hỗ trợ tiêu hóa và được dùng để chữa giun rất phổ biến. Vậy xoan trà có đặc điểm sinh thái thế nào, bộ phận dùng, tác dụng và các bài thuốc chữa bỏng từ xoan trà là gì? Cùng tìm hiểu chi tiết về cây thuốc này trong nội dung bài viết sau.
Xoan trà có nhiều tên tiếng Việt khác như xoan nhừ, xoan rừng, lát xoan, xuyên cóc, nam toan táo và có tên khoa học là Choerospondias axillaris(Roxb.) Burtt. et Hill, thuộc họ Anacardiaceae (Đào lộn hột).
Xoan trà thường mọc hoang và được trồng nhiều nơi ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền xuôi do cây mọc khỏe hơn. Cây xoan trà dễ trồng và nhanh lớn, chỉ sau 6-7 năm là có thể khai thác lấy gỗ làm cột nhà, đồ dùng. Cây được trồng bằng hạt xoan chín đã được ngâm nước, chà sạch lớp thịt bên ngoài và đem phơi khô.
Đặc điểm sinh thái
Xoan nhừ thuộc loại cây thân gỗ to, thường cao khoảng 10-15m, thậm chí cao đến 25-30m nhưng hiếm hơn, vỏ thân cây xù xì và có màu xám nâu. Lá xoan trà mọc so le, cách 2-3 lần kép lông chim lẻ, dài khoảng 20-30cm, cuống lá dài 5-10cm, lá chét dài 7-15cm. Cuống lá chét ngắn, mép khía răng cưa nông, mặt dưới và cuống có lông hình khiên.
Hoa tạp tính hai ngả. Hoa đực và hoa giả lưỡng tính màu tím hồng nhạt, mọc thành chùy gồm nhiều tán tụ, chùy hoa dài 4-12cm, hoa cái mọc đơn độc ở nách lá phía trên. Quả xoan trà là quả hạch, hình dạng giống quả nhót dài 2-3cm, vỏ bóng, màu vàng, đỉnh có 5 lỗ nhỏ, vị chua, khi chín có vị ngọt. Quả xoan ra quả vào tháng 3 và chín vào tháng 12.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Bộ phận của cây xoan trà được dùng để làm thuốc là vỏ thân và quả ( Cortex et Fructus Choerospondiatis Axillaris) ở dạng tươi hoặc dạng khô. Vỏ thân có thể thu hái quanh năm. Nếu dùng khô, sau khi lấy dược liệu về sẽ đem lột từng mảnh rồi phơi hoặc sấy khô.
Thành phần hoá học
Trong vỏ thân và lá cây xoan trà chứa khoảng 13-14% gôm nhựa. Ngoài ra còn có khoảng 37,1% tanin pyrogalic, 5,4% flavon, 0,6% quirion, và 14% chất polyme thiên nhiên.
Tác dụng của Xoan trà
Theo Đông y, quả xoan trà có vị chua, ngọt, tính bình, còn bỏ thân có vị chua, tính hàn. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chỉ huyết, chỉ thống, chỉ thổ. Trị tỳ vị hư yếu, ăn uống không tiêu, đau bụng, vết thương ngoài xuất huyết, giúp làm tiêu viêm, giảm đau và cầm máu.
Vỏ rễ và vỏ thân xoan nhừ được dân gian dùng để chữa giun từ lâu đời nhưng do liều lượng dùng không chính xác dẫn đến một số vụ ngộ độc nên gần đây không thấy chúng được dùng để chữa giun nữa. Xoan trà còn được biết đến với công dụng trị bỏng lửa, mụn nhọt lở loét và bệnh sa nang rất hiệu quả.
Dùng xoan trà để chữa bỏng
Trong những tác dụng chữa bệnh kể trên, xoan trà nổi tiếng với khả năng chữa bỏng hiệu quả do trong vỏ cây xoan trà có chứa hợp chất tanin có tác dụng làm kết tủa protein liên kết các sợi collagen, nhờ đó tạo thành lớp màng che phủ vết bỏng, kích thích lên da non nhanh hơn. Theo nhiều nghiên cứu, dùng nước sắc vỏ xoan nhừ có thể giúp vết thương không bị rách, căng da, bám dính tốt hơn cả màng Collodion, Fibrin. Bài thuốc chữa bỏng từ xoan trà: Dùng 10kg vỏ xoan trà nấu kỹ lấy 400ml cao đặc. Dùng cao này bôi trực tiếp vào vết bỏng sẽ tạo ra một màng che phủ không bị nứt rạn và bám chặt vết thương. Trên đây là những thông tin liên quan đến xoan trà - loại cây thân gỗ lâu năm chứa nhiều công dụng tuyệt vời với sức khỏe con người. Phổ biến nhất là công dụng trị bỏng tuyệt vời của vỏ xoan trà. Tuy nhiên thành phần này có độc vì vậy cần đặc biệt cẩn thận khi sử dụng và nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng làm thuốc.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tôi là Lê Thu Hà, hiện đang là dược sĩ tư vấn sử dụng thuốc và biên soạn nội dung cho MEDIGO. Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược, tôi mong muốn mang đến những kiến thức sức khỏe tốt nhất cho khách hàng.