lcp

Xương Sông


Xương sông hay còn được gọi là xang sông, hoạt lộc thảo,…thuộc họ Asteraceae (Cúc) với danh pháp khoa học là Blumea lanceolaria (Roxb.) Druce. Trong y học, Xương sông có công dụng chữa cảm sốt, chữa ho, suyễn, nôn mửa, đầy bụng.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng phổ biến, song việc dùng Xương sông sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Xương sông cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.

xương sông

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Xương sông, rau húng ăn gỏi, hoạt lộc thảo, xang sông
  • Tên khoa học: Blumea lanceolaria (Roxb.) Druce
  • Họ: Asteraceae (Cúc)
  • Công dụng: Cây xương sông có tác dụng trừ tanh hôi, tiêu thũng, khu phong trừ thấp, thông kinh, hoạt lạc, kích thích tiêu hóa và chỉ thống. 

Mô tả cây Xương sông

Cây xương sông là một cây thân thảo sống dai, thường cao khoảng 1m hoặc hơn. Lá xương sông hình ngọn giáo, phần gốc thuôn dài, phần nhọn, mép lá có răng cưa; cuống lá có khi có tai ngắn. Cụm hoa xương sông có màu vàng nhạt, tập hợp 2-4 cái ở nách các lá. Quả xương sông bé hình trụ, có 5 cạnh. Cây xương sông thường ra hoa vào tháng 1-2, có quả tháng 4-5.

xương sông

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Mọc hoang và được trồng tại nhiều nơi ở nước ta. Còn thấy ở Lào, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia.

Thu hoạch: Thu hái lá quanh năm. Khi hái về, có thể dùng sống hoặc phơi khô trong bóng râm để dùng dần.

Chế biến: Người ta thường chỉ hái lá non để ăn, lá bánh tẻ để làm thuốc. Dùng tươi hay phơi trong bóng mát hoặc sấy nhẹ đến khô.

Bộ phận sử dụng Xương sông

Bộ phận dùng làm thuốc của cây xương sông là lá, toàn cây trên mặt đất.

xương sông

Thành phần hóa học

Trong lá xương sông Việt Nam có 0,24% tinh dầu với thành phần chủ yếu là methylthymol (94,96%), ngoài ra còn p. cymen (3,28%), limonen (0,12%) v..v.. (J. Ess.Oil Res., USA 3, 1990), (Nguyễn Xuân Dũng, Đỗ Tất Lợi, Đỗ Tất Hùng)

Trong khi lá xương sông B. lanceolaria của Ấn Độ có thành phần chủ yếu là p.cymen (99%) (S. c. Dutta, E. M. Saha, Indian Perfum., 33-38- 39, 1989).

Tác dụng của Xương sông

Theo y học cổ truyền

Tác dụng trừ tanh hôi, tiêu thũng chỉ thống, tiêu đàm thấp, khu phong trừ thấp, thông kinh, hoạt lạc, kích thích tiêu hóa.

Chủ trị trúng phong hàn, ho suyễn, nôn mửa, mẩn ngứa, cấm khẩu,…

Theo y học hiện đại

Điều trị ho hen, đau họng, cảm cúm, sổ mũi và viêm họng.

Liều lượng và cách dùng Xương sông

Có thể dùng lá xương sống trực tiếp hoặc dùng ngoài, ngâm, cách thủy,… Chưa có đủ tài liệu để khuyến cáo liều dùng mỗi ngày.

Bài thuốc chữa bệnh từ Xương sông

Chữa thấp khớp:
Lá xương sông (liều lượng tùy theo mức tổn thương) giã nát, xào nóng, chườm lên vùng đau nhức hoặc viêm tấy. Nếu bó lá tại chỗ, để qua đêm càng tốt.

Chữa viêm họng:
Lấy 5-10 lá xương sông bánh tẻ. Giấm ăn 20-30ml. Lá xương sông rửa sạch để ráo nước, đập nhẹ (để giải phóng tinh dầu) rồi đem nhúng vào giấm để ngậm.

Chữa ho có đờm, trẻ em nôn trớ:
Lá xương sông bánh tẻ 2-3 lá, mật ong 5 thìa con. Lá xương sông rửa sạch, thái nhỏ, cho vào bát con cùng với mật ong, đem hấp cách thủy (đun sôi chừng 10 phút) rồi lấy ra, chắt nước uống nhiều lần trong ngày. Người lớn có thể nhai nuốt cả lá.

Chữa ho thông thường:
Lá xương sông, lá húng chanh, lá hẹ, mỗi thứ 10g, cho tất cả vào hấp đường hoặc mật ong để ngậm. Bài thuốc này dùng chữa chứng ho thông thường do cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản sẽ có kết quả tốt.

Chữa đầy bụng, khó tiêu:
Lá xương sông 30g, tía tô 30g, sinh khương 10g, hậu phác 10g, trần bì 10g, chỉ xác 10g. Cho các vị vào ấm, đổ 3 bát nước, nấu sôi 10 phút, rót ra bát uống dần.

Chữa đau nhức răng:
Rễ xương sông rửa sạch phơi khô 20g, hoàng liên 10g, hai thứ cho vào chai thủy tinh, đổ ngập rượu để ngâm, ngâm khoảng 10 ngày là có thể dùng dược, dùng bông chấm thuốc bôi vào răng lợi.

Ho trẻ em:
Xương sông, lá Hẹ, Hồng bạch, hoa Ðu đủ đực, sắc uống.

Trẻ em sốt cao, co giật, thở gấp:
Xương sông, Chua me đất giã nhỏ chế nước nóng vào vắt lấy nước cốt uống.

Trúng phong cấm khẩu:
Lá Xương sông và lá Xương bố giã tươi hòa với nước nóng uống hoặc sắc nước uống.

Lưu ý khi sử dụng Xương sông

Lá xương sông có khả năng làm giảm các triệu chứng ở đường hô hấp như ho, nhiều đàm, viêm họng,… Tuy nhiên nếu triệu chứng kéo dài, bạn cần đến bệnh viện để xác định căn nguyên bệnh và tiến hành các phương pháp phù hợp.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Xương sông. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này đồng thời có cách sử dụng Xương sông hiệu quả và an toàn nhất cho sức khỏe

 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm