lcp

Xuyên Tâm Liên


Xuyên tâm liên hay còn được gọi là Công cộng, Khổ diệp, Hùng, Nhất kiến kỷ, thuộc họ Acanthaceae (Ô rô) với danh pháp khoa học là Andrographis paniculata (Burm.f.) Wall. ex Nees. Trong y học, Xuyên tâm liên có công dụng chữa sốt, cúm, ho, viêm họng, viêm âm đạo, viêm loét cổ tử cung, khí hư, ỉa chảy,…

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, song việc dùng Xuyên tâm liên sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Xuyên tâm liên cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.

Xuyên tâm liên

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Xuyên tâm liên, Công cộng, Khổ diệp, Hùng bút, Khổ đởm thảo, Nguyễn cộng, Nhất kiến kỷ
  • Tên khoa học: Andrographis paniculata (Burm.f.) Wall. ex Nees.
  • Họ: Acanthaceae (Ô rô)
  • Công dụng: Chữa sốt, cúm, ho, viêm họng, viêm phổi, sưng amygdal, viêm đường tiết niệu, viêm âm đạo, viêm loét cổ tử cung, khí hư, ỉa chảy, lỵ, huyết áp cao...

Mô tả cây Xuyên tâm liên

Xuyên tâm liên mọc thẳng đứng, có nhiều cành, chiều cao trung bình 0,3 – 0,8 m. Cây lá nguyên, mềm, mọc đối xứng và có cuống ngắn. Phiến lá hình trứng, thuôn dài hoặc hơi có hình mác với hai đầu nhọn. Lá có chiều dài 3 – 12 cm và rộng 3,5 cm. Hoa mọc thành chùm hình chùy ở đầu cành hoặc nách lá. Hoa có màu trắng, điểm hồng. Quả dài, hơi nhẵn có chiều dài 15 mm và rộng 3,5 mm. Hạt xuyên tâm liên hình trụ.

Xuyên tâm liên

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Xuyên tâm liên có nguồn gốc từ Ấn Độ và Sri Lanka. Sau đó cây du nhập và trồng phổ biến ở các nước khu vực Đông Nam Á và Nam Á. Hiện nay, xuyên tâm liên được trồng chủ yếu ở các nước như Châu Phi, Caribe, Australia và Trung Mỹ.

Thu hoạch: Xuyên tâm liên được thu hoạch quanh năm. Cụ thể, rễ thường hái vào mùa đông, lá và thân thu hoạch vào mùa hè

Chế biến: Sau khi hái, rửa sạch, cắt ngắn và phơi khô

Bộ phận sử dụng của Xuyên tâm liên

Toàn bộ cây, bao gồm cả phần lá, thân và rễ

Xuyên tâm liên

Thành phần hóa học

Xuyên tâm liên chứa 2 nhóm hoạt chất chính là diterpen lacton và flavonoid.

Ngoài ra, xuyên tâm liên còn có các chất khác là andrographan, anđrographon, andrographosterin, panicolid, p – sitosterol – D – glucosid, a – sitosterol, acid cafeic, carvacrol, eugenol, acid myristic, hentriacontan, tritriacontan

Tác dụng của Xuyên tâm liên

Theo y học cổ truyền

Tính vị: Xuyên tâm liên có vị rất đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, giảm đau.

Tác dụng: Trị bệnh cảm sốt, cúm, viêm amidan, trị ho do viêm họng, viêm phổi, tiểu rắt, tiểu buốt do viêm đường tiết niệu, bệnh phụ nữ như viêm âm đạo gây khí hư, đau bụng kinh, trị chứng thấp nhiệt gây mụn nhọt, mẩn ngứa...

Theo y học hiện đại

Tác dụng chống viêm rõ rệt, các tác giả cho thấy khả năng làm tăng hoạt động động của bạch cầu và tác động qua hormon vỏ tuyến thượng thận.

Tác dụng kháng khuẩn: Xuyên tâm liên có tác dụng kháng lại vi sinh vật như vi khuẩn, virus, vi nấm, ký sinh trùng.

Tác dụng hạ nhiệt: Xuyên tâm liên có tác dụng hạ nhiệt cơ thể, được dùng trong các trường hợp sốt do bệnh đường hô hấp.

Liều lượng và cách dùng của Xuyên tâm liên

Xuyên tâm liên dùng dưới dạng sắc thuốc hoặc thuốc bột. Liều dùng ở mỗi người khác nhau, tùy vào loại bệnh, cân nặng, độ tuổi và tình trạng sức khỏe của từng đối tượng bệnh.

Liều dùng để chữa bệnh sốt, cảm cúm và đau họng: 60 mg. Hoặc cũng có thể dùng 10 mg/kg

Liều dùng ở trẻ em bị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp: 30 mg/ngày. Thời gian dùng 10 ngày

Bài thuốc chữa bệnh từ Xuyên tâm liên

1. Chữa lỵ trực khuẩn cấp tính, viêm dạ dày, viêm ruột, cảm sốt, sưng lấy, rắn độc cắn: Xuyên tâm liên 15g; kim ngân hoa, sài đất mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang.

2. Chữa viêm phổi, sưng amidan: Xuyên tâm liên 12g; huyền sâm, mạch môn, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang.

3. Chữa viêm gan nhiễm khuẩn: Xuyên tâm liên 3g, cỏ nhọ nồi 6g, diệp hạ châu đắng 3g. Sắc uống ngày một thang trong 2-4 tuần.

4. Chữa bỏng (giai đoạn hồi phục của bệnh):

  • Xuyên tâm liên 200g. Nấu với 500 ml nước, rửa hàng ngày.
  • Xuyên tâm liên, hoàng bá, xà sàng tử, mỗi vị 100g. Nấu với 600 ml nước, rửa hàng ngày.

Lưu ý khi sử dụng Xuyên tâm liên

Xuyên tâm liên có tính lạnh nên không được dùng kéo dài vì có thể làm ảnh hưởng tới tỳ vị, những người hư hàn không nên dùng. Cho nên đừng uống dài ngày để phòng Covid vì tính hàn còn làm bạn dễ bị nhiễm bệnh hơn. Đặc biệt, không dùng cho bệnh nhân bệnh nhân bị rối loạn đông máu, đang bị chấn thương, sau phẫu thuật, phụ nữ mang thai và cho con bú nên lưu ý.

Bảo quản Xuyên tâm liên

Nơi kín gió, khô ráo

 

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Xuyên tâm liên. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này đồng thời có cách sử dụng xuyên tâm liên hiệu quả và an toàn nhất cho sức khỏe

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm