lcp

Quy trình nuôi đông trùng hạ thảo tại nhà

4.7

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

Ths.BS Đỗ Thái Phương Ngọc

Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024

Chuyên khoa: Y học cổ truyền - phục hồi chức năng

Đông trùng hạ thảo là một loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế rất cao nên bị khai thác quá mức dẫn đến khan hiếm ngoài tự nhiên. Đến nay, đã phát hiện được hơn 400 loài nấm Đông trùng hạ thảo thuộc chi Cordyceps nhưng chỉ có 2 loài được chú trọng nghiên cứu nhiều nhất là Cordyceps sinensis và Cordyceps militaris do có giá trị dược liệu cao. Việt Nam là một trong số những quốc gia nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo cho hàm lượng dưỡng chất tương đối cao, mang đến những tác dụng tốt nhất cho sức khỏe con người. Trong bài viết này, chúng tôi chia sẻ thông tin tới bạn đọc về quy trình nuôi đông trùng hạ thảo đúng chuẩn kỹ thuật.

1. Môi trường và điều kiện sống

  • Điều kiện phòng nuôi: phòng nuôi phải được đảm bảo khử khuẩn vô trùng, đủ lượng ánh sáng và đủ độ thoáng tự nhiên.
  • Độ ẩm: Bạn cần chú ý duy trì độ ẩm cần thiết từ 70-85%, cần trang bị hệ thống phun sương để đảm bảo độ ẩm luôn được ổn định
  • Nhiệt độ: bản thân trùng thảo thiên nhiên Tây Tạng đã sống trong môi trường nhiệt độ khắc nghiệt, vì vậy, việc tạo ra điều kiện sống giống như tự nhiên là tiên quyết, quyết định thành công của quá trình nuôi cấy. Chúng ta cần đầu tư một hệ thống phòng sinh học chuyên biệt, trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại để kiểm soát, điều chỉnh nhiệt độ môi trường.
  • Quá trình chăm sóc: cần cẩn thận, tỉ mỉ và đặc biệt kiên nhẫn theo dõi từng giai đoạn thay đổi, phát triển của trùng thảo, giúp xử lý kịp thời và loại bỏ trùng thảo chất lượng kém.

2. Lựa chọn phương pháp nuôi cấy

Hiện nay, có hai cách để nhân nuôi cấy đông trùng hạ thảo là nuôi trên vật chủ nhộng tằm và lên men xốp, hay còn gọi là nuôi trên giá thể.

Với cách nuôi trên vật chủ nhộng tằm, từ khi con nhộng tằm còn đang sống đã được phun bào tử nấm đông trùng hạ thảo (có bản chất bán ký sinh) lên. Ban đầu chúng gây bệnh lên nhộng tằm, khi hệ sợi của chúng phát triển sẽ sản sinh ra enzym giết chết vật chủ và chuyển sang pha hoại sinh, nghĩa là sử dụng dinh dưỡng của vật chủ phát triển nốt vòng đời của mình. Từ thời điểm nhiễm nấm đến lúc có quả thể nấm để thu hoạch kéo dài từ 90-105 ngày. Quá trình nuôi cấy này trải qua hai giai đoạn là pha tối và pha sáng. Ban đầu, nhộng tằm được nuôi ở pha tối (giống như giai đoạn nấm ngoài tự nhiên mọc ở dưới đất trước khi phát triển lên khỏi mặt đất). Trong pha tối, nấm bắt đầu xâm nhập vào con tằm khiến vật chủ nhiễm nấm. Khi sợi nấm phát triển, ăn toàn bộ mô của vật chủ thì hoàn thành pha tối, thời gian khoảng 10-14 ngày. Ở pha sáng, tằm được nuôi trong điều kiện chiếu sáng giống như điều kiện tự nhiên, với độ sáng từ 550-700 Lux, nhiệt độ 17-19⁰C, độ ẩm 85-90% trong suốt quá trình nuôi. Đây là điều kiện tối ưu để tạo ra đông trùng hạ thảo.

Với cách nuôi đông trùng hạ thảo bằng lên men xốp, bào tử nấm sẽ được phun lên giá thể. Giá thể này gồm tằm dâu nghiền và gạo lứt. Giá thể được hấp khử trùng 121⁰C trong khoảng 1 tiếng và được phun bào tử nấm đông trùng hạ thảo lên. Sau giai đoạn này, quy trình nuôi cũng trải qua hai pha sáng và tối nêu trên, thời gian, điều kiện nuôi cấy là giống nhau.

Ngoài ra, cần lưu ý chọn lọc kỹ lưỡng cây giống là rất quan trọng. Do lợi nhuận kinh tế cao nên trên thị trường hiện nay có rất nhiều địa chỉ bán cây giống Đông Trùng Hạ Thảo giả

cách nuôi đông trùng hạ thảo

3. Quy trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo

Để tạo điều kiện tốt nhất cho Đông Trùng Hạ Thảo phát triển bạn cần chuẩn bị một hệ thống phòng nuôi đảm bảo đầy đủ từ ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm phù hợp như đã được đề cập ở trên. Quy trình nuôi đông trùng hạ thảo đúng kỹ thuật phải trải qua 4 giai đoạn: nuôi sợi, tạo quả thể, nuôi quả thể cuối cùng là thu hoạch. Trong đó các giai đoạn được tiến hành như sau:

Giai đoạn 1: nuôi sợi trùng thảo

  • Bước 1: Cấy giống vào các lọ cơ chất
  • Bước 2: Chuyển đến phòng tối đáp ứng đầy đủ điều kiện môi trường. Nhiệt độ giữ ổn định ở mức 18 – 20⁰C, độ ẩm khoảng 75 – 80%, ủ kín.

Đợi khoảng 10 ngày sẽ thấy các sợi nấm ăn kín toàn bộ bề mặt của môi trường sinh khối. Lúc này sẽ đưa toàn bộ lọ cơ chất sang giai đoạn 2 để tạo quả thể.

Giai đoạn 2: tạo quả thể

Các lọ cơ chất sau khi được đưa tới phòng chiếu sáng sẽ được kích thích để tạo quả thể. Lúc này phòng nuôi trồng sẽ duy trì với các điều kiện sau:

  • Nhiệt độ 18 – 20⁰C
  • Độ ẩm 74 – 80%. 
  • Mỗi ngày phải chiếu sáng 12 tiếng với cường độ 1000 Lux.

Ở giai đoạn này cần chú ý mở cửa phòng mỗi ngày 2 lần vào lúc sáng sớm và chiều tối. Mỗi lần mở 30 phút để đảm bảo không khí được lưu thông. Sau 15 ngày, trên bề mặt sinh khối sẽ bắt đầu xuất hiện các sợi nấm. Đây là lúc có thể chuyển tiếp sang giai đoạn 3 của quá trình nuôi cấy.

Giai đoạn 3: nuôi quả thể

Ở giai đoạn này cần tạo điều kiện để lưu trữ các lọ cơ chất đảm bảo các yếu tố như sau:

  • Giữ nguyên nhiệt độ phòng nuôi cấy
  • Tăng độ ẩm lên 80-85%
  • Chiếu sáng 12 tiếng/ngày nhưng giảm cường độ xuống còn 700 Lux.

Trong giai đoạn nuôi quả thể cửa phòng vẫn phải mở 2 lần mỗi ngày để đảm bảo lưu thông không khí. Đây là giai đoạn quan trọng vì thế cần liên tục theo dõi để phát hiện và loại bỏ các lọ cơ chất bị hỏng mốc, tránh lây lan. Sau khoảng 2 tháng, những ngọn nấm sẽ mọc dài ra và xuất hiện bào tử nấm trùng thảo.

Giai đoạn 4: thu hoạch

Khi thấy các ngọn nấm bắt đầu chuyển sang màu vàng đậm hơn so với phần thân là lúc có thể thu hoạch được đông trùng hạ thảo. Đông trùng hạ thảo sau khi được thu hoạch có thể sử dụng bằng nhiều cách khác nhau như ngâm mật ong, ngâm rượu, pha trà…

4. Đông trùng hạ thảo nuôi cấy có tốt bằng trùng thảo thiên nhiên hay không?

Khác với đông trùng hạ thảo tự nhiên, đông trùng hạ thảo nuôi trồng được hình thành bằng cách cấy nấm Cordyceps lên các loại côn trùng như nhộng, tằm sau đó sử dụng bột gạo lứt, bột nhộng tằm trong phòng thí nghiệm để nuôi dinh dưỡng. Thêm vào đó trùng thảo tự nhiên được hình thành và phát triển ở độ cao 4000m so với mặt nước biển, quanh năm tiếp xúc trực tiếp với nhiều lớp cát, bùn, khoáng chất tinh khiết. Chính vì điều này mà hàm lượng dưỡng chất hữu cơ, khoáng chất vi lượng trong trùng thảo tự nhiên cao hơn hẳn với đông trùng hạ thảo nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. 

Mặc dù đông trùng hạ thảo nuôi cấy có thể không có hàm lượng 100% dinh dưỡng như loại tự nhiên nhưng có thể đảm bảo được đến 70%, không thua kém quá nhiều. Ngoài ra, các hoạt chất có lợi như Cordycepin có khả năng hỗ trợ điều trị ung thư, ngăn chặn sự phát triển của tế bào khối; hoạt chất Adenosine tạo hàng rào vững chắc bảo vệ tim mạch, điều hòa huyết áp… có thể được giữ lại trong đông trùng hạ thảo nuôi cấy.

Hơn nữa các thành quả sau khi thu hoạch còn qua nhiều khâu kiểm định, đánh giá chất lượng, phải đạt những tiêu chuẩn nhất định mới được xuất ra ngoài thị trường. Cho nên đông trùng hạ thảo đến tay người tiêu dùng đã là những dược liệu có chất lượng cao nhất, giúp chăm sóc sức khỏe với nhiều tác dụng tuyệt vời khác.

Đánh giá bài viết này

(6 lượt đánh giá).
4.7
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm