Các loại thuốc nhỏ mắt kháng viêm hiệu quả
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
1. Hiểu về thuốc nhỏ mắt kháng viêm
Thuốc nhỏ mắt kháng viêm là thuốc nhỏ mắt có chứa Corticoid và kháng sinh, có tác dụng diệt trừ vi khuẩn xâm nhập vào mắt, cải thiện tình trạng nhiễm trùng nhanh, giảm biến chứng và nguy cơ lây lan sang mắt còn lại hoặc lây cho người khác.
Thuốc nhỏ mắt kháng viêm được chỉ định để điều trị một số bệnh lý như viêm kết mạc bờ mi, viêm giác mạc, dị ứng mắt, viêm mống mắt, phòng ngừa viêm sau phẫu thuật mắt.
Nguyên nhân gây ra các bệnh lý trên có thể là do:
- Vết thương ở mắt: chấn thương lực, chấn thương xuyên hoặc đốt (hóa chất hoặc nhiệt) đến mắt có thể gây viêm mống mắt cấp tính
- Herpes lây nhiễm: nhiễm herpes zoster – thường được gọi là bệnh giời leo – có thể gây ra viêm mống mắt
- Viêm khớp dạng thấp: viêm mống mắt mãn tính có thể phát triển ở trẻ em với viêm khớp dạng thấp chưa thành niên. Trong trường hợp điều kiện là nhẹ và chỉ ảnh hưởng đến một vài khớp, viêm mống mắt là một trong những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng này
- Bị tắc tuyến lệ: tuyến lệ bị tắc nghẽn dẫn đến việc mắt bị kích ứng và tích tụ nước mắt. Kích ứng này gây sưng đau, khiến mắt liên tục chảy nước và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng
2. Khi nào cần sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng viêm
Thuốc nhỏ mắt kháng viêm thường được sử dụng cho bệnh nhân bị một số bệnh lý về mắt có thể dùng nhỏ mắt kháng sinh là: viêm loét kết mạc, bệnh viêm kết mạc hoặc viêm mi,…
Khi bị các bệnh lý về mắt trên, bệnh nhân thường có các triệu chứng điển hình như:
- Đỏ mắt: là triệu chứng điển hình của viêm kết mạc. Đây là dấu hiệu phổ biến và rất ít trường hợp diễn biến nghiêm trọng và không gây tổn thương mắt hoặc thị lực lâu dài nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.
- Ngứa hoặc cộm ở mắt: cảm giác ngứa ngáy, nóng rát trong mắt hoặc khó chịu như có vật gì kẹt trong mắt
- Tiết nhiều dịch ở mắt: nước mắt chảy nhiều thường gặp ở bệnh nhân viêm kết mạc do virus và dị ứng. Viêm kết mạc do vi khuẩn gây ra sẽ cho dịch mủ tiết ra có màu vàng xanh.
- Nhạy cảm với ánh sáng: một số bệnh nhân gặp phải tình trạng nhạy cảm nhẹ với ánh sáng, dẫn đến các triệu nghiêm trọng hơn như suy giảm thị lực, đau mắt dữ dội,...
Khi gặp phải các triệu chứng trên, bệnh nhân cần đi gặp bác sĩ để được điều trị, giữ sức khỏe cho một đôi mắt khỏe mạnh và tránh những biến chứng xấu nhất có thể xảy ra.
Đối với bệnh nhân nhiễm trùng mắt ở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ không chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt kháng viêm ngay lập tức mà người bệnh thường được theo dõi thêm. Nếu tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh bắt đầu sử dụng các thuốc nhỏ mắt kết hợp thêm kháng sinh để chống nhiễm khuẩn.
Bệnh nhân nhiễm trùng mắt do virus không nên dùng kháng sinh, bởi vì thuốc không hỗ trợ điều trị bệnh. Ngoài ra, người bị viêm kết mạc dị ứng, viêm giác mạc khi sử dụng kính áp tròng cũng không được khuyến khích điều trị bằng thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần kháng sinh.
Các thuốc kháng viêm Corticoid dạng nhỏ mắt được chỉ định trong những tình trạng viêm kết mạc bờ mi và kết mạc nhãn cầu, hay viêm bán phần trước nhãn cầu hoặc viêm giác mạc khi người bệnh chấp nhận nguy cơ vốn có của việc sử dụng steroid để giảm được tình trạng viêm và phù nề. Ngoài ra, thuốc nhỏ mắt chứa Corticoid cũng được chỉ định sử dụng trong những trường hợp viêm màng bồ đào trước mạn tính và tổn thương giác mạc do tia xạ, hóa chất hoặc bỏng nhiệt, do dị vật.
3. Các loại thuốc nhỏ mắt kháng viêm thường dùng
Một số loại thuốc nhỏ mắt kháng viêm thường dùng trên thị trường:
3.1 Thuốc nhỏ mắt Tobradex
Thuốc nhỏ mắt kháng sinh, kháng viêm Tobradex được dùng để điều trị viêm kết mạc bờ mi, kết mạc nhãn cầu, viêm giác mạc và bán phần trước phần nhãn cầu khi người ta chấp nhận nguy cơ vốn có của việc sử dụng steroid để nhằm giảm được phù nề và tình trạng viêm nhiễm, viêm màng bồ đào trước mạn tính và tổn thương giác mạc do hóa chất, tia xạ hay bỏng nhiệt hoặc do di vật.
Cách dùng: Nhỏ 1 hoặc 2 giọt vào túi kết mạc mỗi 4-6 giờ. Tần suất nhỏ thuốc giảm dần khi các triệu chứng được cải thiện, tránh ngừng thuốc đột ngột.
Ưu điểm của thuốc nhỏ mắt Tobradex là có giá thành rẻ, phù hợp với nhiều đối tượng, thiết kế nhỏ gọn, dễ mang theo và cho tác dụng nhanh, hiệu quả.
Bên cạnh các ưu điểm trên, Tobradex có nhược điểm là ko dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi, cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú. Tobradex là dạng thuốc nhỏ mắt nên dễ bị nhiễm khuẩn, do đó cần sử dụng và bảo quản cẩn thận đúng theo hướng dẫn.
3.2 Thuốc nhỏ mắt Vigadexa
Thuốc nhỏ mắt Vigadexa dùng để điều trị những trường hợp nhiễm khuẩn ở mắt được gây ra bởi các vi khuẩn còn nhạy cảm. Ngoài ra, thuốc còn ngăn ngừa tình trạng viêm và nhiễm khuẩn có thể xảy ra sau khi phẫu thuật ở mắt.
Cách dùng: Nhỏ thuốc 4 lần/ngày, mỗi lần 1 giọt, trong 7 ngày hoặc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Thuốc nhỏ mắt Vigadexa cho tác dụng nhanh, hiệu quả, được thiết kế nhỏ gọn, dễ mang theo.
Tuy nhiên, thuốc nhỏ mắt Vigadexa có thể gây một số tác dụng phụ, cần thận trọng khi sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú. Cần sử dụng và bảo quản cẩn thận do thuốc nhỏ mắt rất dễ bị nhiễm khuẩn.
3.3 Thuốc nhỏ mắt Maxitrol
Thuốc Maxitrol được chỉ định sử dụng trong trường hợp nhiễm khuẩn ở mắt gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm, ngăn ngừa tình trạng viêm và nhiễm khuẩn sau phẫu thuật ở mắt.
Cách dùng: Trường hợp nhẹ, nhỏ 1 đến 2 giọt thuốc vào túi kết mạc của mắt bị bệnh, 4 - 6 lần mỗi ngày, giảm dần tần suất nhỏ khi các triệu chứng được cải thiện, tránh dừng đột ngột. Trường hợp nặng có thể nhỏ 1 - 2 giọt thuốc mỗi giờ.
Ưu điểm của Maxitrol là thời gian tác dụng nhanh chóng, hiệu quả, thiết kế nhỏ gọn, dễ mang theo.
Bên cạnh đó, Maxitrol cũng có một số nhược điểm của các dạng thuốc nhỏ mắt là dễ bị nhiễm khuẩn, thời gian sử dụng khi mở lọ phải theo quy định, nếu dùng chung có thể gây nhiễm chéo.
3.4 Thuốc nhỏ mắt Ticoldex
Thuốc nhỏ mắt Ticoldex
Thuốc nhỏ mắt Ticoldex dùng theo đơn của bác sĩ theo các chỉ định như điều trị viêm kết mạc do nhiễm khuẩn hoặc biến chứng, viêm giác mạc không tổn thương, viêm mống mắt, bế tắc và nhiễm khuẩn ở lệ quản, khử nhiễm khuẩn trước và sau phẫu thuật mắt.
Cách dùng: Liều thông thường: dùng nhỏ 1-2 giọt/ngày, dùng nhiều lần/ngày, dùng trong khoảng 10 ngày.
Ưu điểm của Ticoldex là khi sử dụng cho hiệu quả cao, dễ sử dụng với cách dùng và liều dùng đơn giản.
Nhược điểm của thuốc nhỏ mắt Ticoldex là có thành phần chính là cloramphenicol gây suy tủy nên hiện nay ngoài thị trường đã hạn chế bán, chỉ dùng trong bệnh viện. Ticoldex không được dùng cho trẻ sơ sinh và người suy tủy.
4. Hướng dẫn sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng viêm
Khi dùng thuốc kháng sinh nhỏ mắt viêm kết mạc, chắp lẹo, viêm bờ mi, ... người bệnh cần thực hiện các bước sau:
- Rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi nhỏ mắt.
- Tránh để đầu lọ thuốc chạm vào mắt để hạn chế nhiễm khuẩn ngược.
- Tư thế khi nhỏ thuốc: Đầu hơi ngả về phía sau để dễ nhỏ thuốc và tránh thuốc chảy ra ngoài. Giữ lọ thuốc gần mắt và không chạm vào mắt. Mắt nhìn ngước lên, tay bóp nhẹ lọ thuốc để giọt thuốc rơi vào mắt. Nhắm mắt lại trong 2 – 3 phút và lau sạch phần thuốc dư bằng khăn giấy.
- Nếu cần phải nhỏ nhiều hơn một giọt thuốc nhỏ mắt kháng viêm ở cùng một mắt, hãy đợi ít nhất 5 phút rồi nhỏ giọt tiếp theo.
- Đậy nắp lọ thuốc lại, không lau hoặc rửa đậu lọ thuốc để tránh lây lan vi khuẩn.
Trong quá điều trị bằng thuốc nhỏ mắt kháng sinh kháng viêm, người bệnh nên:
- Chỉ dùng kháng sinh nhỏ mắt viêm kết mạc, giác mạc, lẹo mắt, ... khi có chỉ định của bác sĩ nhãn khoa.
- Tuân thủ lời dặn của bác sĩ về liều lượng, cách nhỏ thuốc, thời gian điều trị.
- Không tự ý ngưng thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ, không dùng đơn thuốc của người khác khi có cùng triệu chứng.
- Một số thuốc nhỏ mắt kháng viêm có thể gây giảm thị lực trong thời gian ngắn. Lúc này, người bệnh cần chờ cho mắt sáng trở lại rồi mới làm những công việc cần nhìn rõ như lái xe, vận hành máy móc.
- Không dùng thuốc nhỏ mắt kháng viêm, kháng sinh đã hết hạn sử dụng.
- Khi quan sát thấy dung dịch thuốc nhỏ mắt có tủa hoặc thay đổi màu sắc thì tuyệt đối không sử dụng.
- Lọ thuốc nhỏ mắt đã mở chỉ nên sử dụng trong vòng 15 ngày.
5. Lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng viêm
- Do thuốc có chứa những hoạt chất kháng khuẩn, kháng viêm nên bạn chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Không sử dụng thuốc đã quá hạn dùng.
- Đối với dung dịch quan sát thấy có tủa hoặc biến màu thì tuyệt đối không được sử dụng.
- Lọ thuốc nhỏ mắt đã mở thì chỉ nên sử dụng trong vòng 15 ngày.
- Thuốc nhỏ mắt kháng sinh kháng viêm không có tác dụng với nhiễm trùng mắt do virus hoặc dị ứng như viêm kết mạc do virus, viêm kết mạc nhiễm trùng, viêm kết mạc do đeo kính áp tròng.
- Thuốc kháng sinh nhỏ mắt là phổ kháng khuẩn hẹp, dễ gây dị ứng, kích ứng, có thể tạo điều kiện xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc.
Trên đây là một số điều cần biết về các loại thuốc kháng sinh nhỏ mắt. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu có xảy ra bất cứ tác dụng không mong muốn nào hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn hướng giải quyết tốt nhất!
Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, liên hệ đội ngũ Bác sĩ của chúng tôi thông qua HOTLINE hoặc ứng dụng MEDIGO.
Trải nghiệm ngay các tiện ích trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa MEDIGO. Tải App TẠI ĐÂY.
Đánh giá bài viết này
(4 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm