Đột quỵ: Nguyên nhân, triệu chứng, chuẩn đoán và điều trị
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não xảy ra khi dòng máu đến não bị gián đoạn do sự tắc nghẽn, các tế bào não có thể bị tổn thương do đột ngột không nhận được máu dẫn đến thiếu lượng oxy cần thiết. Đột quỵ có thể gây ra các hậu quả khác nhau, phụ thuộc vào phần não không được cung cấp máu. Các hậu quả này thường ảnh hưởng đến cách nói chuyện, suy nghĩ và di chuyển của bạn.
Các dấu hiệu của người bị đột quỵ
- Dấu hiệu F.A.S.T
- Facial (khuôn mặt) – Họ có cười được không? Miệng hoặc mắt có bị sụp hay không?
- Arm (cánh tay) – Họ có giơ cả hai cánh tay lên được hay không?
- Speech (giọng nói) – Họ có thể nói chuyện một cách rõ ràng và có thể hiểu những gì người khác nói hay không?
- Time (thời gian) – Gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu này.
Dấu hiệu này gọi là F.A.S.T (nhanh chóng) vì thời gian vô cùng quan trọng đối với những người đang bị đột quỵ. Mỗi một phút trôi qua đồng nghĩa với việc hàng triệu tế bào thần kinh bị chết do thiếu oxy. Càng lâu được điều trị, khả năng nói, hoạt động và trở lại như ban đầu càng giảm.
Các dạng của đột quỵ
- Đột quỵ thiếu máu cục bộ xảy ra khi động mạch cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn bởi cục máu đông.
- Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi mạch máu bị vỡ, gây chảy máu trong não. Điều này khiến cho các tế bào máu xung quanh bị thiếu lượng máu cần thiết và chết dần.
- Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA), xảy ra khi dòng máu đến một phần não bị gián đoạn trong thời gian ngắn gây ra các triệu chứng, chẳng hạn như mất khả năng nói tạm thời. TIA thường biến mất sau vài giây hoặc vài phút.
Những yếu tố nào sẽ góp phần vào việc tăng nguy cơ bị đột quỵ?
Những yếu tố nguy cơ của tình trạng đột quỵ khá tương đồng với các bệnh tim mạch, chẳng hạn như đau thắt ngực hoặc đau tim.
Có rất nhiều hành động bạn có thể làm ngay hôm nay để làm giảm thiểu những nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ:
- Ăn uống lành mạnh
- Luyện tập thể dục
- Giữ cân nặng khỏe mạnh và giảm cân khi cần thiết
- Không hút thuốc lá
- Giảm lượng cồn tiêu thụ
- Kiểm soát huyết áp
- Kiểm soát tình trạng tăng cholesterol
- Kiểm soát tình trạng đường huyết cao (nếu bạn đang có tình trạng đái tháo đường).
Nếu bạn có những bất thường về nhịp tim gọi là rung nhĩ (atrial fibrillation – AF), nguy cơ bị đột quỵ của bạn có thể tăng lên. Nguyên nhân gây ra do sự rung nhĩ làm tăng hình thành cục máu đông bên trong tâm nhĩ (buồng tim phía trên). Nếu điều này xảy ra, những cục máu đông có thể di chuyển lên não và làm tắc nghẽn dòng máu tới não.
Đột quỵ sẽ được điều trị như thể nào ở bệnh viện?
Bạn sẽ được cho chụp não sớm nhất có thể. Nếu bạn đã từng có đột quỵ trong quá khứ, bạn có thể cần theo dõi sát sao hơn và tùy vào loại đột quỵ, bạn có thể được cho các loại thuốc làm tan cục máu đông (các thuốc tiêu sợi huyết). Thời gian mà bạn phải nằm viện phụ thuộc vào loại và mức độ của cơn đột quỵ, hướng điều trị cho bạn, sức khỏe chung của bạn và tốc độ hồi phục của bạn như thế nào.
Các cảm xúc lo lắng, tức giận và buồn bã xảy ra rất phổ biến sau khi bạn trải qua tình trạng đột quỵ. Hãy trao đổi với bác sĩ và cho họ biết nếu bạn muốn biết thêm thông tin hoặc muốn nghe lại điều gì đó rõ ràng. Bạn cũng có thể yêu cầu sự giúp đỡ và khi bạn làm điều đó, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn và gia đình nếu họ nghĩ bạn cần giúp đỡ khi được về nhà.
Những thuốc được sử dụng trong điều trị đột quỵ
Các thuốc này hoạt động như thế nào?
Các thuốc sử dụng trong điều trị đột quỵ thường “làm việc” theo nhiều cách khác nhau.
Một vài thuốc thực sự “phá vỡ” những cục máu đông đang tồn tại trong cơ thể. Một số khác giúp ngăn chặn việc hình thành các cục máu đông trong mạch máu. Một vài thuốc khác hoạt động bằng cách kiểm soát tình trạng tăng huyết áp và cholesterol, giúp ích trong việc ngăn chặn sự tắc nghẽn trong lòng mạch.
Việc lựa chọn sử dụng thuốc nào sẽ phụ thuộc vào loại đột quỵ mà bạn đang gặp phải và nguyên nhân gây ra. Các thuốc này cũng có thể được sử dụng để giúp phòng ngừa tái phát tình trạng đột quỵ ở những người đã từng bị vấn đề này trước đó.
Thuốc chống đông máu
Thuốc chống đông máu
Các thuốc chống đông máu được sử dụng với mục đích làm máu khó “bị đông lại”, bằng cách can thiệp vào quá trình đông máu trong cơ thể. Các thuốc này được sử dụng để ngăn ngừa đột quỵ do thiếu máu cục bộ (loại đột quỵ phổ biến nhất) và đột quỵ.
Warfarin là thuốc chống đông được sử dụng để phòng ngừa sự hình thành của các cục máu đông hoặc tránh cho những cục máu đông đã xuất hiện trước đó không trở nên lớn hơn. Thuốc này thường được kê cho những người có van tim nhân tạo hoặc nhịp tim không đều, hoặc những người bị đau tim hay có tình trang đột quỵ.
Thuốc chống kết tập tiểu cầu
Các thuốc chống kết tập tiểu cầu, chẳng hạn như clopidogrel có thể giúp ích trong việc ngăn ngừa các cục máu đông. Chúng khiến cho việc tiểu cầu trong máu “dính lại” với nhau, bước đầu tiên trong việc hình thành cục máu đông, trở nên khó hơn.
Các thuốc này đôi khi được kê cho những người đã từng bị đột quỵ hoặc đau tim do thiếu máu cục bộ. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn dùng các thuốc này thường xuyên trong một thời gian dài như một biện pháp ngăn ngừa các cơn đột quỵ tái phát hoặc đau tim.
Aspirin là một thuốc chống kết tập tiểu cầu có liên quan đến nguy cơ chảy máu cao. Do đó, liệu pháp aspirin không phải lúc nào cũng là những lựa chọn tối ưu cho những người không có tiền sử của các bệnh tim mạch xơ vữa (ví dụ: đột quỵ và nhồi máu cơ tim).
Aspirin chỉ nên được sử dụng để phòng ngừa bệnh tim mạch xơ vữa ở những người:
- Có nguy có cao bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc các loại bệnh tim mạch do xơ vữa khác.
- Và có nguy cơ xuất huyết thấp
Chất hoạt hóa plasminogen mô (Tissue plasminogen activator – tPA)
Chất hoạt hóa plasminogen mô (tPA) là thuốc điều trị đột quỵ duy nhất thực sự có tác dụng phá vỡ cục máu đông. Thuốc này được sử dụng như một phương pháp điều trị khẩn cấp phổ biến khi xảy ra tình trạng đột quỵ.
tPA được sử dụng bằng đường tiêm tĩnh mạch để có thể đi đến các cục máu đông nhanh chóng.
Không phải ai cũng có thể dùng tPA. Những người có nguy cơ cao bị xuất huyết não không được sử dụng tPA.
Statin
Các thuốc statin ra đời với “sứ mệnh” để giảm mức cholesterol trong máu. Khi mức cholesterol của bạn quá cao, điều này có thể dẫn đến sự tích tụ cholesterol dọc theo thành động mạch, tạo thành các mảng bám.
Statin hoạt động bằng cách ức chế HMG-CoA reductase – enzyme cần để tạo ra cholesterol. Kết quả là, cơ thể tạo ra ít cholesterol hơn, do quá trình sản xuất “bị gián đoạn”. Điều này làm giảm các nguy cơ hình thành mảng bám và ngăn ngừa các cơn đau tim do động mạch bị tắc nghẽn.
Thuốc huyết áp
Bác sĩ cũng có thể kê các thuốc này để làm giảm huyết áp. Tình trạng tăng huyết áp có thể đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra các cơn đột quỵ. Do góp phần làm cho các mảng bám vỡ ra, dẫn đến sự tích tụ của tiểu cầu và hình thành cục máu đông.
Sự phục hồi sau khi trải qua đột quỵ sẽ như thế nào?
Một cơn đột quỵ ảnh hưởng đến bệnh nhân theo những cách khác nhau. Bạn thường thấy những sự hồi phục rõ rệt nhất trong một vài tuần đầu tiên, thường trong lúc bạn nằm viện. Tuy nhiên, điều này cũng có thể mất hàng tháng hoặc hàng năm.
Qúa trình phục hồi các chức năng trong cơ thể sẽ bắt đầu ở bệnh viện, tại đây, nhân viên chăm sóc sức khỏe như y tá, bác sĩ vật lý trị liệu sẽ thảo luận về những phương pháp cần thiết cho bạn để hỗ trợ quá trình hồi phục. Mục tiêu của việc hồi phục là giúp bạn trở lại về trạng thái gần nhất hoặc tương tự với lúc chưa xảy ra đột quỵ. Và họ cũng giúp bạn để sống một cách độc lập nhất có thể. Nếu bạn đã phải trải qua tình trạng đột quỵ, bạn có thể có nguy cơ phát triển bệnh sa sút trí tuệ não mạch. Vấn đề này xảy ra khi cơn đột quỵ phá hủy một phần của não bộ, dẫn đến các triệu chứng như các vấn đề về sự tập trung và thay đổi tính cách.
Đột quỵ xảy ra đột ngột và có thể gây nguy hiểm, nhưng vẫn nhiều người đã trải qua vẫn tiếp tục cải thiện hậu quả của nó và hãy nhớ rằng luôn luôn có sự giúp đỡ và hỗ trợ khi bạn cần.
Chăm sóc những người đã trải qua đột quỵ như thế nào?
Sự hỗ trợ cần thiết tùy vào tác động của cơn đợt quỵ và sự phục hồi của họ. Nếu bạn là người chăm sóc, điều quan trọng không kém việc chăm sóc cho người khác, là làm cách nào để chăm sóc sức khỏe và hạnh phúc cho chính bản thân bạn. Vì đôi khi bạn cũng có thể cần hỗ trợ về vật chất hoặc tình cảm.
Nguồn tài liệu: British Heart Foundation
Dịch thuật: DS. Nguyễn Phạm Quỳnh Hoa
Publisher: Nhà thuốc online Medigo
Đánh giá bài viết này
(8 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm