Những điều cần biết về tinh bột khoai tây
Ngày cập nhật
1. Tinh bột khoai tây là gì?
Tinh bột là một loại carb phức tạp được tìm thấy trong rễ và củ. Đó là nguồn glucose chính, cung cấp năng lượng cho các tế bào của cơ thể. Bạn cũng có thể tìm thấy glucose này trong các loại rau củ giàu tinh bột khác, chẳng hạn như ngô, sắn (1, 2). Nhờ vào khả năng làm đặc, tạo gel và kết cấu ổn định, nên tinh bột chiết xuất từ những loại thực phẩm này được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và giấy. Hơn nữa, các loại tinh bột cô đặc đó cũng không vị, không mùi (3).
Các loại tinh bột được sản xuất và bán nhiều trên thị trường bao gồm tinh bột ngô, bột sắn, lúa mì và khoai tây (3). Tinh bột khoai tây chiết xuất từ khoai tây nghiền và được sấy khô. Bởi vì có hương vị trung tính và khả năng làm đặc cao nên rất được ưa chuộng trong ngành công nghiệp thực phẩm.
2. Chất dinh dưỡng có trong tinh bột khoai tây
1 muỗng canh khoảng 12 gam tinh bột khoai tây chứa (4):
- Calo: 40
- Carbs: 10 gam
Ngoài ra, tinh bột khoai tây không cung cấp bất kỳ chất dinh dưỡng nào khác (4). Hơn nữa, khoai tây không chứa gluten - một nhóm protein có trong ngũ cốc, như lúa mì, lúa mạch…(5, 6). Những người mắc các bệnh liên quan đến gluten có thể thay thế bột mì bằng tinh bột khoai tây để đảm bảo an toàn cho cơ thể.
3. So sánh tinh bột khoai tây và tinh bột bắp?
Tinh bột khoai tây tương tự như bột bắp, hầu hết đều không có hương vị và được áp dụng trong nhiều công thức nấu ăn khác nhau, như một chất làm đặc. Tuy nhiên, tinh bột khoai tây có nhiệt độ hồ hóa thấp hơn và kích thước hạt tinh bột lớn hơn, nghĩa là tinh bột khoai tây có khả năng đặc nhanh hơn so với tinh bột ngô (7).
Các chuyên gia ẩm thực cho rằng tinh bột khoai tây có thể chịu được nhiệt độ cao trong thời gian ngắn. Còn tinh bột ngô thì chịu được thời gian nấu lâu hơn, nhưng có xu hướng kết tụ lại với nhau nếu chế biến ở nhiệt độ rất cao.
4. Tinh bột khoai tây được sử dụng như thế nào?
Tinh bột khoai tây được dùng làm chất tạo độ đặc sánh cho những món ăn dạng lỏng. Khi tiếp xúc với chất lỏng ở nhiệt độ cao, các phân tử tinh bột khoai tây sẽ phồng lên và vỡ ra, nhờ đó tạo được độ sệt cho nhiều món ăn, chẳng hạn như súp, nước sốt, bánh pudding… (8).
Hơn nữa, tinh bột khoai tây không màu nên sẽ không ảnh hưởng đến màu sắc của các món ăn. Đối với những loại bánh cần độ mịn và không tạo màu, tinh bột khoai tây được sử dụng làm “chất đệm” để bánh nhẹ, mềm mịn như mong muốn. Một số đầu bếp ưu tiên dùng tinh bột khoai tây thay vì tinh bột bắp khi chế biến các món chiên rán để thức ăn giữ độ giòn lâu hơn, không bị nhão.
Loại tinh bột này cũng được kết hợp cùng bột mì để làm nên những chiếc bánh nướng thơm ngon và giòn rụm. Đặc biệt, đối với các món nướng yêu cầu không được có gluten, thì đây chính là sự lựa chọn tuyệt vời, vì tinh bột khoai tây hoàn toàn không chứa gluten.
5. Lợi ích của tinh bột khoai tây đối với sức khỏe
Các nghiên cứu cho thấy bổ sung tinh bột khoai tây có thể mang lại một số lợi ích, bao gồm cải thiện sức khỏe đường ruột và tăng cường quá trình trao đổi chất. Tuy nhiên, những lợi ích này có được khi bạn tiêu thụ một lượng lớn tinh bột khoai tây ở dạng thô, chưa qua chế biến, chứ không phải chỉ ăn các loại thực phẩm làm từ tinh bột khoai tây.
5.1 Cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa
Tinh bột khoai tây là một dạng tinh bột kháng. Dạng tinh bột này sau khi đi qua đường tiêu hóa sẽ được lên men trong ruột già. Quá trình lên men này tạo ra axit béo chuỗi ngắn (SCFA - Short Chain Fatty Acid) (9), như butyrate, axetat và propionate. Những chất này đóng vai trò như một nguồn năng lượng cho các tế bào ruột kết và thúc đẩy sản xuất glucose, chất béo cho cơ thể (10).
Ngoài ra, SCFA còn giúp giảm viêm ruột kết, đồng thời hạn chế một số bệnh liên quan đến hệ tiêu hoá, ví dụ như táo bón, tiêu chảy, viêm ruột thừa, viêm loét đại tràng, ung thư đại trực tràng...
SCFA cũng có thể hạn chế tình trạng thèm ăn, hỗ trợ giảm cân, hỗ trợ các tế bào niêm mạc khỏe mạnh, ngăn ngừa tình trạng viêm (10). Chính vì vậy, bổ sung tinh bột kháng vào chế độ ăn uống thường ngày của bạn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hệ tiêu hóa nói riêng và sức khỏe nói chung.
Một nghiên cứu được thực hiện với 20 người tham gia đã chỉ ra rằng, bổ sung tinh bột khoai tây chưa qua chế biến làm tăng nồng độ butyrate SCFA. Tuy nhiên, hàm lượng và phản ứng của từng cá nhân rất khác nhau (11). Ngoài ra, có một nghiên cứu kéo dài 2 tuần với 174 người tham gia cũng chứng minh rằng, tiêu thụ tinh bột khoai tây hàng ngày giúp tăng nồng độ SCFA hiệu quả hơn so với các loại tinh bột khác. Tuy nhiên, tương tự như nghiên cứu trước, mức tăng SCFA rất khác nhau (12).
Thông qua những nghiên cứu đó, chúng ta thấy rằng, tinh bột kháng tác động đến sức khỏe đường ruột của mỗi người rất khác nhau. Đó là do sự khác biệt trong hệ vi sinh vật đường ruột của từng cá nhân.
5.2 Kiểm soát lượng đường trong máu
Các loại thực phẩm chế biến từ tinh bột khoai tây có lợi ích rất lớn trong việc kiểm soát lượng đường trong máu và giảm tình trạng kháng Insulin - một nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như bệnh tiểu đường loại 2, bệnh về tim mạch, gan nhiễm mỡ...
Trong một nghiên cứu có 28 người tham gia, ăn một chiếc bánh quy chứa 25 gam tinh bột kháng được sản xuất từ tinh bột khoai tây giúp giảm 46% lượng insulin và giảm 23% lượng đường trong máu (13). Một nghiên cứu khác được thực hiện trên 38 người cho thấy rằng, khi bổ sung 21 hoặc 30 gam cùng loại tinh bột kháng sẽ cho kết quả tương tự (14). Tuy nhiên, cần phải có nghiên cứu nhiều hơn để đảm bảo tính chính xác (15).
5.3 Tăng chức năng hệ miễn dịch
Ngoài những lợi ích trên, các nghiên cứu được thực hiện trên động vật đã cho thấy tinh bột khoai tây có thể giúp giảm viêm, tăng sinh vi khuẩn có lợi cho đường ruột và tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể (9, 16).
6. Tác hại của tinh bột khoai tây
Nếu ăn một lượng nhỏ tinh bột khoai tây, bạn sẽ không thấy bất kỳ tác dụng phụ nào. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ hàm lượng lớn có thể gây ra một số tình trạng như khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng. Đó là bởi vì khi tinh bột khoai tây được lên men bởi vi khuẩn trong ruột già sẽ sản sinh khí, khiến bạn gặp phải những triệu chứng như trên.
Tinh bột kháng từ ngô và bột sắn ít gây ảnh hưởng xấu cho hệ tiêu hóa hơn, vì chúng chứa ít FODMAP - một các carbohydrate chuỗi ngắn, kém hấp thu và dễ lên men trong ruột kết (14). Thực phẩm chứa nhiều FODMAP có thể khiến bạn đầy hơi, tiêu chảy, đặc biệt là khi bạn ăn quá nhiều (17).
Bởi vì tinh bột khoai tây có thể có một số tác động không tốt đối với hệ tiêu hóa, các chuyên gia vẫn luôn khuyến khích bạn nên tăng dần hàm lượng sử dụng qua từng ngày thay vì đột ngột ăn một lượng quá lớn. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để chỉ ra rằng, cần phải chia tinh bột khoai tây sống thành nhiều phần nhỏ và bổ sung vào chế độ ăn uống dần dần theo thời gian (11, 12). Và tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Như vậy, tinh bột khoai tây là một loại tinh bột kháng, được tìm thấy nhiều trong rễ và củ. Dạng tinh bột này được sử dụng phổ biến như một chất tạo độ sánh mịn, đặc sệt khi chế biến các món ăn. Ngoài ra, nhờ vào tính cô đặc, tinh bột khoai tây cũng được dùng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp. Tinh bột khoai tây có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, tuy nhiên nếu ăn quá nhiều sẽ gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Hãy cân nhắc cẩn thận khi sử dụng nhé!
Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, liên hệ đội ngũ Bác sĩ của chúng tôi thông qua HOTLINE hoặc ứng dụng MEDIGO.
Trải nghiệm ngay các tiện ích trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa MEDIGO. Tải App TẠI ĐÂY.
Đánh giá bài viết này
(7 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm