Nấm men và nấm mốc là gì? Phân biệt giữa nấm mốc và nấm men
Nấm men và nấm mốc thường được coi là tác nhân gây hại đến sức khỏe con người. Chúng có thể xuất hiện ở hầu hết mọi nơi trong tự nhiên, thậm chí cả những loại thực phẩm mà chúng ta ăn mỗi ngày. Tuy nhiên trên thực tế, nấm mốc và nấm men cũng được dùng để sản xuất rượu, phô mai hoặc làm bánh. Hãy cùng tìm hiểu cụ thể hơn về nấm mốc, nấm men trong bài viết dưới đây nhé.
Những điều cần biết về nấm men và nấm mốc
Nấm men là gì?
Men là tên gọi chung để chỉ nhiều loài nấm đơn bào khác nhau. Đến nay có tới trên 1.500 loài men đã được phát hiện. Hầu hết trong số đó thuộc ngành Nấm túi (Ascomycota), ngoài ra còn có một số loài nằm trong ngành Nấm đảm (Basidiomycota).
Nấm men là một loài sinh vật đơn bào có nhiều hình dạng khác nhau như hình que, hình bầu dục, hình cầu… Chúng sinh sản bằng cách nảy chồi. Đặc biệt một số loại tiếp tục nảy chồi mà không rời khỏi cơ thể mẹ, do đó khi quan sát dưới kính hiển vi chúng sẽ có hình dạng giống như cây xương rồng.
Men là tên gọi chung để chỉ nhiều loài nấm đơn bào khác nhau
Nấm mốc là gì?
Nấm mốc thuộc nhóm sinh vật đa bào, được cấu tạo theo dạng sợi phân nhánh. Chúng sinh trưởng và phát triển với tốc độ siêu nhanh và hình thành nên những đám sợi chằng chịt.
Nấm mốc thuộc nhóm sinh vật đa bào, được cấu tạo theo dạng sợi phân nhánh
Nấm men và nấm mốc xuất hiện ở đâu?
Nấm men và nấm mốc thường được tìm thấy trong môi trường tự nhiên, đặc biệt là những nơi tối tăm và ẩm ướt. Cụ thể, loại nấm này có thể mọc trên các loại quả mọng, trái cây, thực phẩm, thậm chí trên da và trong dạ dày của các loài động vật có vú.
Những loại nấm này có thể phát triển nhanh chóng trong nhiều môi trường khác nhau. Chúng tấn công và làm phân hủy, hư hỏng nhiều loại thực phẩm. Khi bị nhiễm nấm, thực phẩm có thể hư hỏng từ nhẹ đến nghiêm trọng, thậm chí là hỏng hoàn toàn.
Nấm mốc, nấm men có nhiều dạng khác nhau như nấm mốc có màu, các sợi nấm màu trắng, các đốm thối với màu sắc và kích thước khác nhau hoặc tiết ra chất nhờn. Ngoài ra thực phẩm bị nấm tấn công cũng có mùi vị và hương vị bất thường. Đôi khi, kích thước của nấm mốc nhỏ đến mức chỉ có thể nhìn thấy khi làm xét nghiệm.
Nấm men và nấm mốc có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi
Tác hại và một số ứng dụng của nấm men, nấm mốc
Những rủi ro về sức khỏe từ nấm men, nấm mốc
Một số loại nấm mốc cũng có thể gây ra những ảnh hưởng xấu với sức khỏe con người. Cụ thể, nấm mốc tạo ra mycotoxin - một chất chuyển hóa độc hại. Phần lớn những độc tố này là các hợp chất ổn định, không thể bị phá hủy trong quá trình chế biến và nấu nướng thực phẩm.
Người bị nhiễm một lượng lớn nấm mốc qua đường hô hấp hoặc ăn uống có thể gặp phải những vấn đề về hô hấp và dị ứng. Khi đó, cơ thể sẽ có những triệu chứng như: nghẹt mũi và hắt hơi thường xuyên, viêm xoang, phát ban, mệt mỏi, khó thở, đau đầu hoặc đau nửa đầu, đau khớp mãn tính, ngứa mắt, chảy nước mắt…
Bên cạnh đó, một số chủng nấm men còn có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng đối với những người cao tuổi bị suy nhược, người mắc suy chứng suy giảm miễn dịch, người nhiễm HIV. Con người cũng có thể bị nhiễm nấm men Candida gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Thực phẩm bị nhiễm nấm mốc gây hại cho sức khỏe con người
Những ứng dụng của nấm men, nấm mốc
Từ hàng ngàn năm trước, con người đã biết sử dụng loài men Saccharomyces cerevisiae để sản xuất bia, bánh mì và rượu vang. Ngày nay nấm men vẫn được dùng để tạo men làm bánh, sản xuất ethanol cho các loại đồ uống có cồn như rượu bia và thực phẩm bồi bổ sức khỏe cho người ăn chay. Men có cấu trúc tế bào đơn giản, vì vậy các nhà di truyền học cũng sử dụng chúng để nghiên cứu các hoạt động tái tổ hợp, sao chép DNA, chu trình tế bào…
Đối với nấm mốc, loài này được ứng dụng phổ biến trong ngành thực phẩm và đồ uống. Ví dụ như làm xúc xích, men sữa chua, phô mai, rượu sake, nước tương… Ngoài ra, nấm mốc cũng được dùng để chế tạo các loại thuốc ức chế miễn dịch như Cyclosporine, thuốc hạ dịch mật như Lovastatin hay thuốc kháng sinh như penicillin.
Nấm men dùng để sản xuất rượu
Phân biệt giữa nấm mốc và nấm men
Hiện nay chỉ có khoảng 1500 loại nấm men được phát hiện, trong khi đó có đến 400000 loài nấm mốc. Dựa vào dấu hiệu hư hỏng của thực phẩm, làm thế nào để biết được đâu là nấm mốc và đâu là nấm men? Dưới đây là bảng so sánh chi tiết về hai loại vi nấm trên.
Nấm men | Nấm mốc |
Là loại nấm đơn bào dạng hình bầu dục hoặc hình cầu. | Là loại nấm mọc theo dạng sợi đa bào (sợi nấm). Mỗi nhánh sợi nấm hình ống chứa nhiều nhân có đặc tính di truyền giống nhau và tạo thành một thể thống nhất. |
Xuất hiện rất phổ biến ở hầu hết mọi nơi từ các loại quả mọng, trái cây, trên da, dạ dày động vật có vú… | Thường có ở những nơi tối tăm, ẩm ướt. |
Không phải nấm bào tử | Là nấm bào tử |
Có khuẩn lạc mềm, có màu kem và trắng đục | Khuẩn lạc có dạng ống hoặc sợi. |
Sau khi được cấy vào môi trường sẽ phát triển trong 24 - 36 giờ | Sau khi được cấy vào môi trường có tốc độ phát triển chậm hơn so với nấm men |
Có thể sinh sôi được ở cả môi trường kỵ khí và hiếu khí | Chỉ sinh sôi được trong môi trường hiếu khí |
Phát triển trong mức pH từ 4,0 - 4,5 | Phát triển trong mức pH rộng hơn so với nấm men |
Thường có màu nhợt nhạt, trắng hoặc trắng đục | Nhiều màu sắc khác nhau như tím, hồng, nâu, đen, xanh lá cây, cam… |
Hầu hều đều sinh sản vô tính qua mọc chồi (nguyên phân) | Sinh sản vô tính hoặc hữu tính thông qua các bào tử |
Có thể gây nhiễm trùng đối với người bị suy yếu hệ miễn dịch | Có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và dị ứng Gây hư hỏng thực phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm tươi sống |
Chuyển hóa carbohydrate thành carbon dioxide và rượu trong yếm khí thông qua lên men | Tạo ra các enzym thủy phân có khả năng phân thủy các carbohydrate (như lignin, cellulose, tinh bột) thành các chất đơn giản hơn có thể được hấp thụ |
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về nấm men và nấm mốc. Nhìn chung đây vẫn là hai loại nấm có hại, vì vậy bạn cần có giải pháp phòng chống thực phẩm bị nhiễm nấm để không làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả gia đình.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm