lcp

Hướng dẫn cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà

5.0

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI

Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024

Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu

Ho ngứa họng là cảm giác khó chịu, ngứa ngáy nơi cổ họng, có cảm giác muốn ho. Triệu chứng ho ngứa họng là dấu hiệu khởi phát cho các bệnh lý như viêm họng, viêm phế quản. cảm cúm,... Số lượng người mắc ho ngứa họng trong một năm là rất nhiều, nhất là vào mùa lạnh. Ho ngứa họng gây ảnh hưởng không nhỏ đối với cuộc sống hằng ngày của người mắc. Hãy cùng Medigo app tìm hiểu nguyên nhân và cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà trong bài viết dưới đây.

1. Nguyên nhân gây ho ngứa cổ họng

Ho ngứa họng là triệu chứng xuất hiện phổ biến hiện nay, được nhiều người quan tâm, đặc biệt là từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19. Có rất nhiều nguyên nhân gây ho ngứa họng, một số nguyên nhân thường gặp có thể kể đến như sau:

1.1 Do mắc các bệnh lý

Mắc các bệnh lý về đường hô hấp (cảm cúm, cảm lạnh, viêm phế quản, viêm họng, viêm xoang, viêm mũi dị ứng,...) có thể gây ho ngứa cổ họng.

  • Ho ngứa họng do viêm mũi dị ứng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra triệu chứng này, thường gặp khi thay đổi thời tiết, giao mùa và các yếu tố từ môi trường như phấn hoa, khói bụi, thuốc lá,… Bệnh viêm mũi dị ứng hay đi kèm các biểu hiện khác như hắt xì liên tục, ngứa mắt, chảy nước mắt, mệt mỏi, ngạt mũi,... Bệnh có thể bị lặp đi lặp lại nhiều lần nếu không được điều trị dứt điểm.
cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà

Ho ngứa cổ họng do viêm mũi dị ứng

  • Ho ngứa họng do dị ứng từ thực phẩm (sữa, hải sản, thịt, thủy sản, ngũ cốc,...) hoặc thuốc (dị ứng với một số loại kháng sinh,...) thường kèm theo các triệu chứng khác của dị ứng như nổi mẩn đỏ, mề đay, khó nuốt, buồn nôn, nôn, khó thở,... Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị có tác dụng không mong muốn là ho ngứa cổ. Khi gặp tình trạng này cần đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.
  • Ho ngứa họng do nhiễm khuẩn, nhiễm virus gây cảm cúm thường chỉ kéo dài một thời gian, sau đó khi khỏi bệnh thì triệu chứng cũng hết, bệnh hay đi kèm với các triệu chứng liên quan như sốt, mệt mỏi, nhức đầu, nghẹt mũi, đau nhức cơ thể,... Một số trường hợp bội nhiễm thì ho ngứa họng bị kéo dài, cần tới bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.
  • Ho ngứa họng do viêm họng, đau họng thường từ các bệnh lý cảm cúm, cảm lạnh, viêm đau họng, sau đó dẫn tới sưng cổ họng, ho khan, ho có đờm, sổ mũi,... tùy theo các tình trạng bệnh khác nhau mà triệu chứng biểu hiện khác nhau.
cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà

Ho ngứa cổ họng do viêm họng

  • Ho ngứa họng do trào ngược dạ dày thực quản, lúc này acid và dịch dạ dày sẽ gây kích thích, thương tổn vùng họng, gây cảm giác ngứa. Người bệnh bị trào ngược dạ dày cũng có thể xuất hiện một số triệu chứng kèm theo như viêm thanh quản, khó nuốt, miệng có vị lạ, nóng ở ngực và cổ họng,...
  • Ho ngứa họng do viêm mũi, viêm xoang, thường kèm theo triệu chứng chảy nước mũi.
  • Ho ngứa họng có thể là một trong những biểu hiện ban đầu của nhiễm virus Covid-19. Khi thấy kèm theo các triệu chứng khác của Covid-19 như sốt hay đau đầu, cần test Covid-19 và điều trị nếu nhiễm virus.

Lưu ý, cần phân biệt triệu chứng ho ngứa họng trên với các triệu chứng ho nguy hiểm hơn như ho ra máu, ho khan dai dẳng,... là triệu chứng của bệnh lý nguy hiểm, khó điều trị, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tính mạng người bệnh. Khi bị ho ngứa họng do các bệnh lý nên điều trị dứt điểm, tránh để triệu chứng kéo dài thành mạn tính.

1.2 Do nguyên nhân khác

Bệnh nhân có thể bị ho ngứa họng do môi trường sinh hoạt, môi trường nơi làm việc, thói quen sống như:

  • Môi trường sống và làm việc nhiều khói bụi, các yếu tố dễ gây dị ứng như phấn hoa, hóa chất,... hay môi trường quá lạnh, không khí quá khô.
  • Người bệnh làm các công việc cần sử dụng giọng nói quá nhiều như giáo viên, phát thanh viên, ca sĩ, MC,... Để khắc phục ở nguyên nhân này, cần sử dụng giọng nói và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
  • Thói quen sống không tốt như ăn uống không khoa học, ăn nhiều thức ăn kích thích họng, đồ ăn cay nóng, đồ ăn quá lạnh, hút thuốc lá, uống rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân gây ho ngứa cổ họng.
  • Mất nước, thiếu nước do uống ít nước, ốm sốt dẫn đến khô cổ họng, gây ho ngứa cổ họng.

2. Hướng dẫn trị ngứa họng, ho tại nhà

Hiện nay có rất nhiều các biện pháp hay các mẹo để chữa ho ngứa cổ họng tại nhà. Các biện pháp này khá đơn giản, dễ thực hiện, giúp người bệnh cải thiện tình trạng ho ngứa cổ họng hiệu quả. Medigo app mách bạn một số biện pháp hay dùng như sau:

2.1 Súc miệng bằng nước muối

Khi bị viêm họng hay ngứa cổ họng do vi khuẩn hoặc virus thì biện pháp mang đến hiệu quả tốt nhất là súc miệng bằng nước muối. Pha loãng nước muối với tỷ lệ 0,9g trong 100ml nước rồi súc miệng trước khi đi ngủ hoặc sau khi ngủ dậy khoảng 30 giây, nên ngậm lại tầm 1 phút trước khi nhổ đi. Thực hiện súc miệng bằng nước muối thường xuyên giúp giảm ngứa rát họng, giảm tích tụ chất nhầy tại cổ họng, cải thiện tình trạng ho ngứa cổ họng.

cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà

Súc miệng nước muối hằng ngày giúp cải thiện tình trạng ho ngứa cổ họng

2.2 Dùng kẹo ngậm và siro ho

Kẹo ngậm và siro ho giúp cải thiện tình trạng ho ngứa cổ họng rất tốt. Cách điều trị này tiện lợi, dễ sử dụng, đặc biệt phù hợp cho trẻ em do trong kẹo và siro có vị ngọt, dễ ngậm, dễ uống.

cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà

Viên ngậm ho

2.3 Thuốc chống dị ứng, thuốc xịt mũi

Biện pháp dùng thuốc chống dị ứng thuốc xịt mũi thường dùng cho những người mắc các bệnh lý viêm mũi dị ứng, dị ứng.

cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà

Lưu ý, biện pháp này chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

2.4 Trị ho ngứa cổ họng bằng thảo dược thiên nhiên (gừng, lá hẹ, lá húng chanh, lá tía tô, quả chanh, cam thảo, lá rẻ quạt)

Cách điều trị ho ngứa cổ họng từ thảo dược được nhiều người ưa chuộng bởi chúng có đặc tính tự nhiên, là các loại dược liệu trong y học cổ truyền.

Gừng: có vị cay, tính ấm, có nhiều trong các bài thuốc điều trị đường hô hấp, sử dụng điều trị ho ngứa cổ họng tốt. Cách sử dụng rất đơn giản, chỉ cần giã nát gừng tươi, pha cùng với nước nóng và mật ong là có ngay một bài thuốc trị ho ngứa cổ họng hiệu quả.

cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà

Lá hẹ: trong lá hẹ chứa một lượng lớn vitamin c và allicin là những chất có khả năng kháng viêm, diệt khuẩn, ức chế các tác nhân gây viêm họng, giảm ho. Bên cạnh đó, lá hẹ còn được biết đến với công dụng nổi bật là giúp long đờm, giảm sưng viêm ở niêm mạc cổ họng đồng thời kích thích tái tạo tổn thương bên trong. Cách sử dụng lá hẹ: đun nước lá hẹ hoặc chưng lá hẹ cùng mật ong.

cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà

Lá húng chanh: là một loại thảo dược thiên nhiên chứa nhiều tinh dầu với các hoạt chất diệt khuẩn, ức chế virus mạnh. Lá húng chanh giúp giữ ấm cổ họng, giảm hiện tượng sưng viêm ở niêm mạc, giảm nhẹ cơn ho và giúp bạn bớt ngứa họng, đau họng. Khi sử dụng thì sắc cùng gừng tươi, lá bạc hà, lá tía tô để tạo hiệu quả điều trị tốt.

cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà

Quả chanh: chanh rất giàu vitamin C, có công dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, làm loãng đờm, cải thiện các biểu hiện ho ngứa cổ họng. Uống nước chanh ấm không chỉ làm sạch vi khuẩn, virus và tạp chất bám dính ở thành họng mà còn tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà

Cam thảo: theo y học cổ truyền, cam thảo có vị ngọt, tính bình, có tác dụng nhuận phế, trị ho. Vì vậy, hãm cam thảo thành nước uống có tác dụng trị ho ngứa cổ họng được rất nhiều người lựa chọn.

cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà

Lá rẻ quạt: sắc lá rẻ quạt làm nước uống hằng ngày có tác dụng trị ho ngứa cổ rất hiệu quả.

cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà

2.5 Trị ho ngứa cổ họng bằng cách uống trà thảo mộc

Uống các loại trà thảo mộc có thể giúp làm giảm ho ngứa cổ họng. Không chỉ vậy, việc uống trà còn bổ sung thêm nước cho cơ thể. Một số loại trà thảo mộc thường được sử dụng làm giảm ho ngứa cổ họng là trà cam thảo, trà gừng,...

2.6 Trị ho ngứa cổ họng bằng nước mật ong chanh

Trong mật ong chứa nhiều vitamin và dưỡng chất có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng, tăng cường hệ miễn dịch và giảm ngứa cổ họng hiệu quả. Từ lâu nay, biện pháp kết hợp chanh với mật ong đã rất phổ biến và đem lại hiệu quả tốt.

Cách thực hiện: Lấy một ít mật ong pha với một cốc nước ấm và vắt thêm khoảng nửa quả chanh, uống liên tục mỗi ngày cho tới khi hết ho ngứa họng.

cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà

2.7 Sử dụng máy tạo độ ẩm tại những nơi có bầu không khí quá khô

Đối với trường hợp ho ngứa cổ họng do bầu không khí quá lạnh hay quá khô thì nên sử dụng máy tạo độ ẩm không khí phù hợp.

Lưu ý, khi dùng máy tạo độ ẩm cần thường xuyên vệ sinh máy, thay nước trong máy, không để quá lâu sẽ tích tụ vi khuẩn trong máy, dễ sinh các bệnh lý khác. Không nên sử để độ ẩm quá cao do độ ẩm quá cao sẽ tạo điều kiện cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển.

cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà

3. Lưu ý khi tự điều trị ho, ngứa họng tại nhà

  • Các cách trị ho ngứa họng nêu trên không có tác dụng thay thế các thuốc trị bệnh, chỉ áp dụng với trường hợp bệnh nhẹ, các triệu chứng mới xuất hiện. Nếu tình trạng nặng, kèm theo các triệu chứng như sốt, khó thở, nổi phát ban, sưng mặt,... thì cần đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.
  • Hiệu quả của các cách điều trị tại nhà tùy thuộc vào cơ địa và mức độ bệnh ở từng người, muốn nhanh khỏi cần kiên trì thực hiện đều đặn và đúng hướng dẫn.
  • Sau 3 – 5 ngày áp dụng, triệu chứng ho ngứa họng không thuyên giảm thì nên ngừng và nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ.
  • Uống đủ nước mỗi ngày, tối thiểu 1,5 - 2 lít nước giúp cổ họng trơn tru, tránh để cổ họng khô gây ngứa rát. Có thể dùng thêm nước ép trái cây hay nước luộc rau củ để bổ sung thêm vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
  • Thiết lập chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng và phòng chống bệnh về đường hô hấp. Kiêng sử dụng các thực phẩm gây kích thích cổ họng như đồ lạnh, đồ cay nóng, rượu bia. Luôn giữ cơ thể đủ ấm, đặc biệt là vùng cổ, ngực trong những ngày trời lạnh.

Trên đây Medigo app vừa chia sẻ một số cách điều trị ho ngứa cổ họng tại nhà. Hy vọng bài viết mang đến thông tin hữu ích cho các bạn. Nhớ đọc kỹ lưu ý để áp dụng các cách điều trị ho ngứa cổ họng tại nhà mang lại hiệu quả cao nhé.

Đánh giá bài viết này

(2 lượt đánh giá).
5.0
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm