lcp

Mẹ bầu ăn măng được không? Nên ăn măng thế nào để đảm bảo an toàn?

4.8

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

Mang thai là một hành trình đầy thiêng liêng của mỗi chị em phụ nữ nhưng cũng không ít thử thách với vô vàn câu hỏi xoay quanh chế độ dinh dưỡng. Trong đó, thắc mắc "Bà bầu ăn măng được không?” nhận được nhiều sự quan tâm bởi vì măng rất quen thuộc trong các bữa ăn hằng ngày và có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau. Trong bài viết dưới đây, Medigo sẽ giải đáp thật chi tiết cho bạn về câu hỏi này, đồng thời hướng dẫn mẹ bầu cách chế biến cũng như ăn măng sao cho an toàn và hấp thu tối đa chất dinh dưỡng nhé!

1. Tìm hiểu về thành phần dinh dưỡng chứa trong măng

Măng là loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe. Cụ thể, trong 100g măng có chứa các dưỡng chất sau(1)

  • Carbohydrate: 5,2g. 
  • Chất đạm: 2,6g.
  • Chất xơ: 2,2g.
  • Chất béo: 0,3g.
  • Kali: 533mg. 
  • Phốt pho: 59mg. 
  • Canxi: 13mg. 
  • Natri: 4mg. 
  • Vitamin C: 4mg. 
  • Sắt: 0,5mg. 
  • Vitamin B6: 0,24mg. 
măng có nhiều dinh dưỡng

Măng chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của phụ nữ có thai (Nguồn: Internet)

2. Bà bầu ăn măng được không?

Măng giúp cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và dưỡng chất tốt cho cơ thể, vậy thì có bầu ăn măng được không? Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết rằng, phụ nữ mang thai có thể ăn cả măng tươi và măng khô nếu biết cách sử dụng. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé thì mẹ bầu chỉ nên ăn khoảng 1 - 2 bữa có món ăn chế biến từ măng trong một tháng, đồng thời không nên ăn quá 200g măng trong một bữa.

>> Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho sự chào đời của bé yêu, tham khảo ngay công cụ tính ngày dự sinh online nhanh chóng của Medigo!

Ăn măng ở mức độ vừa phải giúp mẹ bầu nhận được nhiều lợi ích cho sức khỏe như: 

2.1. Tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch

Các hoạt chất polyphenol và phytosterol chứa trong măng đã được chứng minh có công dụng giảm sưng, kháng viêm, chống oxy hóa và đem lại các lợi ích khác khá tốt cho hệ miễn dịch(2). Do đó, việc bổ sung măng đúng cách vào chế độ ăn uống không chỉ cung cấp thêm nhiều dưỡng chất tốt cho mẹ bầu mà còn giúp tăng sức đề kháng, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng như cảm cúm, cảm lạnh một cách hiệu quả. Cụ thể là mẹ bầu nên ăn măng vào những thời điểm giao mùa hay thời tiết thay đổi để nhận được những lợi ích tốt nhất từ thực phẩm này.

măng tăng cường miễn dịch
Ăn măng đúng cách giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch của mẹ bầu (Nguồn: Internet)

2.2. Bầu ăn măng giúp ngăn ngừa ung thư

Việc tiêu thụ các món ăn chứa măng tre một cách thường xuyên sẽ giúp bảo vệ tế bào khỏi các tổn thương và đồng thời làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Điều này có được là nhờ măng chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa như flavonoid, polyphenol và vitamin C, chúng đóng vai trò phá vỡ các gốc tự do gây ung thư hình thành trong cơ thể. 

2.3. Kiểm soát cân nặng khi mang thai hiệu quả 

Măng là một trong những loại thực phẩm giúp mẹ bầu kiểm soát cân nặng hiệu quả bởi vì măng không chỉ chứa hàm lượng calo thấp, ít chất béo mà chúng còn giàu chất xơ. Với hàm lượng chất xơ cao, măng giúp làm chậm quá trình rỗng dạ dày, giảm cảm giác thèm ăn, tạo cảm giác no lâu hơn, nhờ đó giúp mẹ bầu thưởng thức măng một cách ngon lành mà không cần lo lắng về vấn đề cân nặng(3).

ăn măng giúp kiểm soát cân nặng

Măng là một trong những loại thực phẩm giúp mẹ bầu kiểm soát cân nặng hiệu quả khi mang thai (Nguồn: Internet)

2.4. Nâng cao sức khỏe hệ tim mạch

Một số nghiên cứu cho thấy rằng, ăn măng một cách đều đặn giúp làm giảm đáng kể mức cholesterol toàn phần và đồng thời loại bỏ cholesterol xấu (LDL) nhanh hơn so với những người thực hiện chế độ ăn bình thường(3). Nhờ đó, mẹ bầu sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và duy trì một trái tim khỏe mạnh nếu sử dụng măng với mức độ vừa phải.

ăn măng tốt cho tim mạch

Sức khỏe hệ tim mạch được cải thiện đáng kể nếu mẹ bầu sử dụng măng đúng cách (Nguồn: Internet)

2.5. Măng tốt cho hệ tiêu hóa mẹ bầu

Lượng chất xơ dồi dào chứa trong măng giúp giảm tình trạng táo bón thai kỳ hiệu quả nhờ khả năng làm mềm phân và giảm hiện tượng tắc nghẽn đường ruột. Ngoài ra, chúng còn đóng vai trò giống như prebiotic giúp cân bằng hệ vi sinh, thúc đẩy lợi khuẩn đường ruột phát triển, từ đó duy trì sức khỏe hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh(4).

3. Bà bầu nên ăn măng như thế nào để đảm bảo an toàn và hấp thu tối đa dinh dưỡng?

Như đã đề cập ở trên thì mẹ bầu hoàn toàn ăn được măng, thế nhưng cần lưu ý một số điều sau khi sử dụng để không gây ảnh hưởng đến thai nhi mà vẫn hấp thu tối đa dưỡng chất: 

  • Không nên ăn măng trong 3 tháng đầu thai kỳ: lượng glucozit chứa trong măng, đặc biệt là măng tươi có thể cản trở quá trình hấp thu sắt của mẹ bầu, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là trong giai đoạn hình thành các cơ quan quan trọng. Ngoài ra, mẹ bầu cũng rất dễ rơi vào tình trạng đầy hơi, khó tiêu nếu nhai không kỹ. 
  • Hạn chế dùng măng tươi hay nước luộc măng: hợp chất glucozit chứa trong măng tươi khi vào dạ dày sẽ chuyển hóa thành axit xyanhydric (HCN) gây ngộ độc. Tuy nhiên, quá trình nấu nướng có thể giúp loại bỏ đến 97% glucozit, lượng glucozit giảm từ 32mg xuống còn 2,7mg và chứa trong nước luộc măng khoảng 10mg. Việc uống nước luộc măng có thể dẫn đến các tình trạng như đau đầu, buồn nôn, thậm chí co giật, suy hô hấp. Do đó, mẹ bầu nên sử dụng măng đã nấu chín và tránh dùng nước luộc măng(5).

Mẹ bầu cần tránh dùng măng tươi hay nước luộc măng vì chúng có thể chứa các độc tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu (Nguồn: Internet)

  • Ăn măng với lượng vừa phải: các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị mẹ bầu không nên ăn măng quá 2 lần mỗi tháng và không quá 200g cho mỗi bữa ăn có chứa măng.  
  • Hạn chế mua măng chế biến sẵn: quá trình sơ chế, đóng gói và bảo quản măng không đúng cách có thể tồn tại nhiều độc tố gây hại cho sức khỏe mẹ bầu. 
  • Tránh kết hợp với thức ăn lạnh: sau khi sử dụng thức ăn lạnh như sữa chua, kem thì mẹ bầu cần tránh ăn măng vì cả 2 loại thực phẩm này đều có tính hàn, nếu kết hợp lại với nhau sẽ ảnh hưởng đến hoạt động hệ tiêu hóa.  
  • Tránh ăn măng khi mẹ bầu bị sỏi thận, sỏi mật: hợp chất oxalate chứa trong măng góp phần vào sự hình thành của sỏi thận và sỏi mật, do đó các đối tượng này nên hạn chế dùng măng để tránh làm trầm trọng bệnh. 

4. Hướng dẫn cách chế biến măng đúng cách cho mẹ bầu ngay tại nhà

Để đảm bảo an toàn và tận dụng trọn vẹn lợi ích từ măng, mẹ bầu nên thực hiện theo hướng dẫn bên dưới khi chế biến măng tại nhà: 

  • Chọn mua măng an toàn: mẹ bầu nên mua măng tại siêu thị hay các cửa hàng uy tín, lựa chọn gốc măng tươi, vỏ măng trơn, không có đốm và có mùi thơm. Tuyệt đối không mua những loại măng đã chế biến sẵn có màu vàng hay trắng vì chúng có thể đã được xử lý với chất bảo quản. 
  • Chế biến măng tươi: bà bầu có thể giảm chất độc chứa trong măng bằng cách lột bỏ lớp vỏ bên ngoài, thái măng thành từng lát mỏng rồi tiến hành ngâm qua đêm với nước muối. Ngày hôm sau, rửa sạch lại với nước, sau đó luộc chúng ít nhất 20 phút, lưu ý cần mở nắp nồi khi luộc để các chất độc dễ bay hơi ra ngoài. Sau khi luộc măng xong thì tiến hành ngâm rồi rửa lại với nước một lần nữa rồi mới tiếp tục chế biến. 
  • Xử lý măng khô: đối với măng khô, bạn cần ngâm chúng trong nước muối loãng ít nhất 6 giờ, trong lúc ngâm cần xả nước nhiều lần và luộc lại cho đến khi nước không còn đục thì mới đem chế biến.
bà bầu vẫn ăn được măng khô

Bạn cần ngâm măng khô trong nước muối loãng tối thiểu 6 giờ rồi sau đó mới chế biến (Nguồn: Internet)

5. Giải đáp thắc mắc

5.1. Bầu ăn măng khô được không?

Bà bầu vẫn có thể ăn măng khô vì chúng chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe bao gồm protid, sắt, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, măng khô vẫn chứa các độc tố như glucozit, lưu huỳnh có thể gây ra tình trạng đau đầu, buồn nôn hay khó thở nếu dùng không đúng cách. Nếu mẹ bầu vẫn muốn thưởng thức măng khô thì có thể tư vấn với bác sĩ Medigo để được hướng dẫn cách chế biến cũng như ăn măng sao cho an toàn. 

5.2. Bầu ăn canh măng được không? 

Bầu có thể ăn măng tươi, măng khô hay bất kỳ món ăn nào chế biến từ măng như canh măng, bún măng nhưng chỉ nên ăn với một lượng rất nhỏ, không quá 200g mỗi bữa ăn và nên ăn tối đa 2 bữa mỗi tháng để cơ thể tiếp nhận chất dinh dưỡng và có thời gian đào thải chất độc.

Hy vọng những thông tin Medigo vừa chia sẻ ở trên sẽ giúp mọi người dễ dàng trả lời được câu hỏi bầu ăn măng được không. Bên cạnh việc ăn măng với tần suất và liều lượng hợp lý thì mẹ bầu cần xây dựng một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đồng thời thiết lập chế độ sinh hoạt cũng như nghỉ ngơi hợp lý để có một thai kỳ khỏe mạnh nhé.

>> Giải đáp mọi thắc mắc về thai kỳ với Bác Sĩ Sản khoa tại Medigo!

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt ngày 05/08/2024

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tốt nghiệp khoa dược tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược. Hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung tại ứng dụng MEDIGO.

Đánh giá bài viết này

(9 lượt đánh giá).
4.8
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm


Nguồn tham khảo