Bệnh lậu: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
Biểu hiện của bệnh lậu
Trong hầu hết các trường hợp, vi khuẩn lậu có thể gây bệnh mà không có biểu hiện gì. Trường hợp có biểu hiện triệu chứng, lậu có thể gây bệnh trên nhiều vị trí, nhưng thường nhất là trên đường sinh dục
Ở nam:
- Đi tiểu đau, rát buốt
- Chảy dịch/mủ từ đầu lỗ tiểu. Thường được mô tả như “giọt sương mai”
- Đôi lúc kèm đi tiểu lắt nhắt.
- Lậu lan rộng trên đường sinh dục nam có thể gây sưng viêm mào tinh – tinh hoàn
Ở nữ:
- Tăng tiết dịch âm đạo bất thường
- Đi tiểu đau, rát buốt.
- Giao hợp đau
- Ra âm đạo giữa chu kỳ kinh, ví dụ như sau giao hợp
- Đau bụng hoặc vùng chậu một cách mơ hồ.
Bệnh lậu tại các vị trí khác trong cơ thể:
- Hậu môn - Trực tràng: Cảm giác ngứa hậu môn, chảy dịch mủ từ lỗ hậu môn, khó đi tiêu và có máu lẫn phân khi đi tiêu.
- Mắt: Đau mắt, nhạy cảm với ánh sáng và tiết dịch/mủ từ một hoặc cả hai mắt.
- Họng: Đau họng và sưng hạch bạch huyết ở cổ.
- Khớp: Nếu một hoặc nhiều khớp bị nhiễm trùng do vi khuẩn (viêm khớp nhiễm trùng), các khớp bị ảnh hưởng có thể nóng, đỏ, sưng và cực kỳ đau, đặc biệt là khi cử động.
Bác sĩ sẽ làm gì để giúp bạn chẩn đoán lậu?
Nếu rơi vào trạng thái nghi ngờ nhiễm bệnh với những biểu hiện đã được liệt kê, khi tìm đến các bác sĩ, cần có những xét nghiệm để kiểm chứng và xác định tác nhân gây bệnh. Từ đó giúp việc điều trị chính xác hơn.
Xét nghiệm nước tiểu: Đây là một khảo sát đơn giản và phổ biến ở hầu hết các cơ sở thăm khám bệnh. Có thể phát hiện một số dấu hiệu gián tiếp cho tình trạng nhiễm khuẩn như bạch cầu, nitrite,...
Phết dịch và soi nhuộm Gram dịch/mủ: Dịch/mủ có thể được phết ở niệu đạo, âm đạo, họng, hậu môn – trực tràng, hoặc những vị trí đặc thù nghi nhiễm bệnh khác. Sau khi được xử lý mẫu sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để tìm hình thái đặc thù của Vi khuẩn lậu – Song cầu Gram âm hình hạt cà phê nằm bên trong tế bào. Đây là một xét nghiệm có độ nhạy và độ đặc hiệu cao (95% và 99%) trên các trường hợp Lậu có triệu chứng, nên khảo sát này là một trong những khảo sát đầu tay.
NAAT (nucleic acid amplification test - Xét nghiệm tăng trưởng axit nucleic). Đây là một loại xét nghiệm được sử dụng để phát hiện sự có mặt của các tác nhân gây bệnh như virus hoặc vi khuẩn trong mẫu bệnh phẩm. Và thường dùng để chẩn đoán Lậu.
Cấy vi khuẩn trong một số điều kiện cụ thể. Thường ít thực hiện
Bệnh lậu nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng, đủ có thể để lại hậu quả gì?
Hiếm muộn - vô sinh ở phụ nữ. Bệnh lậu có thể lây lan vào tử cung và ống dẫn trứng, gây ra bệnh viêm vùng chậu (Pelvic Imflammatory Disease - PID). PID có thể gây sẹo trên ống dẫn trứng, tăng nguy cơ thai ngoài tử cung và có thể dẫn đến hiếm muộn - vô sinh.
Vô sinh – hiếm muộn ở nam giới. Bệnh lậu có thể gây bệnh ở mào tinh (viêm mào tinh hoàn), từ đó gây tắc các ống dẫn tinh trùng bên trong mào tinh. Khi đó, các tinh trùng khó hoặc không thể đi ra bên ngoài để thực hiện nhiệm vụ sinh sản.
Nhiễm trùng lan đến khớp và các vùng khác trên cơ thể bạn. Vi khuẩn gây bệnh lậu có thể lây lan qua máu và lây nhiễm sang các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả các khớp. Sốt, phát ban, lở loét da, đau khớp, sưng tấy và cứng khớp là những hậu quả có thể xảy ra.
Tăng nguy cơ nhiễm HIV/AIDS. Mắc bệnh lậu khiến bạn dễ bị nhiễm vi-rút gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), vi-rút dẫn đến bệnh AIDS. Những người mắc cả bệnh lậu và HIV có thể truyền cả hai bệnh dễ dàng hơn cho bạn tình của họ.
Biến chứng ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh nhiễm bệnh lậu từ mẹ trong khi sinh có thể bị mù, lở loét và nhiễm trùng trên da đầu.
Vậy cần điều trị bệnh lậu như thế nào?
Điều trị bệnh lậu ở người lớn
Người lớn mắc bệnh lậu được điều trị bằng kháng sinh một cách đúng loại, đủ thời gian và đủ liều lượng. Do các chủng Neisseria gonorrhoeae kháng thuốc đang nổi lên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo rằng bệnh lậu không biến chứng nên được điều trị bằng thuốc kháng sinh ceftriaxone - được tiêm dưới dạng tiêm - với azithromycin đường uống. Nếu bạn bị dị ứng với thuốc kháng sinh cephalosporin, chẳng hạn như ceftriaxone, bạn có thể được dùng các nhóm thuốc kháng sinh đường uống thay thế.
Điều trị bệnh lậu cho bạn tình
Bạn tình cũng nên đi xét nghiệm và điều trị bệnh lậu, ngay cả khi họ không có dấu hiệu hoặc triệu chứng. Đối tác cũng cần tiếp nhận điều trị tương tự. Ngay cả khi bạn đã được điều trị bệnh lậu, bạn tình không được điều trị vẫn có thể truyền lại cho bạn.
Điều trị bệnh lậu cho trẻ sơ sinh
Trẻ sinh ra từ những bà mẹ mắc bệnh lậu bị nhiễm trùng có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Điều trị Lậu ở các trường hợp bệnh ở các cơ quan khác như hầu họng, hậu môn trực tràng, các khớp, mắt,... có thể được điều trị với cùng loại thuốc nhưng thời gian kéo dài hơn và cũng cần theo dõi sát hơn.
Chữa bệnh không bằng phòng bệnh
Quan hệ tình dục an toàn. Sử dụng bao cao su nếu bạn có quan hệ tình dục, sử dụng bao cao su trong bất kỳ hình thức quan hệ tình dục nào, bao gồm qua đường hậu môn, bằng miệng hoặc qua đường âm đạo.
Hạn chế số lượng bạn tình của bạn. Ở trong một mối quan hệ một vợ một chồng, trong đó không đối tác nào có quan hệ tình dục với bất kỳ ai khác có thể làm giảm nguy cơ của bạn.
Hãy chắc chắn rằng bạn và đối tác của bạn được kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Không quan hệ tình dục với người có biểu hiện mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Cân nhắc tầm soát bệnh lậu thường xuyên. Nên sàng lọc hàng năm cho phụ nữ hoạt động tình dục dưới 25 tuổi và phụ nữ lớn tuổi hơn nhưng có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Bao gồm những phụ nữ có bạn tình mới, nhiều hơn một bạn tình, bạn tình có quan hệ tình dục với người khác hoặc bạn tình bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Tham khảo:
Đánh giá bài viết này
(3 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm