lcp

Kết quả xét nghiệm Giang mai: Những điều cần biết

5.0

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI

Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024

Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu

Giang mai là một trong bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) phổ biến và đang có chiều hướng gia tăng trong cộng đồng. Bên cạnh thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ có một số chỉ định cận lâm sàng để chẩn đoán xác định xem bạn có mắc phải giang mai hay không. Hãy cùng nhau tìm hiểu tổng quan về những loại xét nghiệm giang mai, thông qua bài viết này.

1. Xét nghiệm giang mai là gì?

Xét nghiệm bệnh giang mai được sử dụng để sàng lọc và chẩn đoán bệnh giang mai. Bệnh giang mai là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) phổ biến nhất. Đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lây lan qua quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn với người bị nhiễm trùng. Nó cũng có thể truyền từ người mang thai sang con của họ.

Các xét nghiệm giang mai bao gồm:

Phương pháp gián tiếp: xét nghiệm huyết thanh giang mai:

Có 2 loại xét nghiệm phản ứng huyết thanh chẩn đoán giang mai: xét nghiệm không đặc hiệu và đặc hiệu.

Bệnh phẩm chủ yếu là huyết thanh. Một số xét nghiệm không đặc hiệu có thể dùng bệnh phẩm là huyết tương. Ngoài ra, bệnh phẩm dịch não tủy được dùng để chẩn đoán giang mai bẩm sinh, giang mai tiềm ẩn và khi có triệu chứng thần kinh.

a) Xét nghiệm không đặc hiệu

Các xét nghiệm không đặc hiệu phổ biến và hay được sử dụng nhất là RPR (rapid plasma reagin card test) và VDRL (venereal disease research laboratory).

Các xét nghiệm này phát hiện kháng thể IgM hoặc IgG kháng lipid không đặc hiệu. Những kháng thể này cũng có thể được phát hiện ở một số bệnh khác như sốt vi rút, một số bệnh tự miễn, vì vậy có thể cho kết quả dương tính giả và không đặc hiệu cho bệnh giang mai.

b) Xét nghiệm đặc hiệu

Bao gồm TPHA (treponema pallidum hemagglutination assay), TPPA (treponema pallidum particle agglutination assay) và FTA abs (fluorescent treponemal antibody absorption test).

Phát hiện kháng thể kháng lại kháng nguyên giang mai đặc hiệu nên có tính đặc hiệu cao. Tuy nhiên, xét nghiệm này không phân biệt được kháng nguyên trong bệnh giang mai và các bệnh do xoắn khuẩn khác gây nên (ví dụ: bệnh ghẻ cóc).

Phương pháp trực tiếp

a) Xét nghiệm soi tìm xoắn khuẩn trên kính hiển vi nền đen

Bệnh phẩm: dịch tiết từ tổn thương nghi ngờ trên da, niêm mạc, hạch…

Soi tìm xoắn khuẩn trên kính hiển vi nền đen thấy xoắn khuẩn giang mai dưới dạng lò xo, di động.

Đây là phương pháp đặc hiệu nhất để chẩn đoán giang mai ở giai đoạn sớm. Xét nghiệm có độ đặc hiệu cao, nhưng độ nhạy thấp (thường < 50%), nên xét nghiệm soi tìm xoắn khuẩn âm tính không loại trừ được giang mai. Xét nghiệm này cần được thực hiện ngay sau khi lấy bệnh phẩm.

b) Xét nghiệm tìm kháng thể huỳnh quang trực tiếp (DFA-direct fluorescent antibody)

Dùng kính hiển vi huỳnh quang để phát hiện xoắn khuẩn được nhuộm kháng thể globulin kháng T. pallidum có gắn huỳnh quang.

Bệnh phẩm được lấy như xét nghiệm soi tìm xoắn khuẩn trên kính hiển vi nền đen nhưng xoắn khuẩn được nhuộm kháng thể gắn huỳnh quang nên dễ được phát hiện hơn, không bị nhầm lẫn với các vi sinh vật khác, nên xét nghiệm DFA có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn.

c) Xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (NAATs – nucleic acid amplification tests)

Xét nghiệm trực tiếp tìm ADN xoắn khuẩn T. pallidum bằng phản ứng khuếch đại axit nucleic (còn gọi là xét nghiệm khuếch đại gen, trong đó có xét nghiệm PCR).

Bệnh phẩm: dịch tiết từ tổn thương da, mô, dịch cơ thể.

Độ nhạy khác nhau, phụ thuộc vào bộ sinh phẩm PCR.

2. Chỉ định xét nghiệm giang mai trong trường hợp nào?

Bạn nên đi xét nghiệm bệnh giang mai nếu bạn có các triệu chứng của bệnh giang mai hoặc nếu bạn tình của bạn gần đây được chẩn đoán mắc bệnh giang mai. Các triệu chứng thường xuất hiện khoảng hai đến ba tuần sau khi bị nhiễm giang mai, bao gồm:

  • Vết loét nhỏ, không đau (săng) trên bộ phận sinh dục, hoặc trong miệng, hậu môn hoặc trực tràng
  • Phát ban đỏ, sần sùi, thường ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân
  • Sốt
  • Nhức đầu hoặc đau cơ
  • Đau họng
  • Viêm tuyến
  • Mệt mỏi
  • Giảm cân
  • Rụng tóc từng mảng

Ngay cả khi bạn không có triệu chứng, bạn nên đi xét nghiệm thường xuyên nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh giang mai. Bạn có nhiều khả năng mắc bệnh giang mai nếu bạn có:

  • Nhiều bạn tình
  • Quan hệ tình dục không an toàn (quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su)
  • Bị nhiễm HIV và vẫn quan hệ tình dục với người khác
  • Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, chẳng hạn như lậu, sùi mào gà…
  • Quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM)

Bạn cũng sẽ cần xét nghiệm giang mai thường quy nếu bạn đang mang thai, điều này sẽ giúp bạn phát hiện và điều trị kịp thời; tránh lây nhiễm cho thai nhi với các biến chứng nguy hiểm.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC khuyến cáo rằng tất cả phụ nữ mang thai nên làm xét nghiệm giang mai trong lần khám thai đầu tiên. Những người mang thai có nhiều khả năng bị nhiễm giang mai nên được xét nghiệm lại vào tuần thứ 28 của thai kỳ và khi sinh.

3. Có rủi ro sức khỏe nào khi xét nghiệm hay không?

Có rất ít rủi ro khi xét nghiệm máu. Bạn có thể bị đau nhẹ hoặc bầm tím tại chỗ đâm kim, nhưng hầu hết các triệu chứng sẽ nhanh chóng biến mất.

Nếu bạn bị chọc dò tủy sống (trong trường hợp bạn đã có triệu chứng thần kinh do giang mai gây ra), bạn có thể bị đau hoặc mềm ở lưng nơi kim được đâm vào. Bạn cũng có thể bị đau đầu sau khi làm thủ thuật. Cơn đau đầu có thể kéo dài từ vài giờ đến hơn một tuần.

4. Kết quả cận lâm sàng giang mai cho ý nghĩa gì?

Phương pháp gián tiếp

a) Xét nghiệm không đặc hiệu

RPR hay VLDR máu cho kết quả âm tính cho biết bạn có thể không bị nhiễm giang mai qua việc phát hiện kháng thể của Giang mai trong máu. Trong trường hợp kết quả dương tính, rất có thể bạn đã nhiễm bệnh và cần phân loại qua bệnh sử kèm thêm xét nghiệm đặc hiệu.

Những kháng thể này cũng có thể được phát hiện ở một số bệnh khác như sốt vi rút, một số bệnh tự miễn, vì vậy có thể cho kết quả dương tính giả và không đặc hiệu cho bệnh giang mai.

Có thể có kết quả âm tính giả trong vòng 4 tuần đầu sau khi xuất hiện tổn thương sơ phát và trong giang mai muộn, cần thêm xét nghiệm giang mai khác có tính đặc hiệu hơn.

Xét nghiệm không đặc hiệu định lượng được sử dụng để theo dõi hiệu quả điều trị dựa vào sự thay đổi của hiệu giá kháng thể. Nếu điều trị hiệu quả, hiệu giá kháng thể sẽ giảm. Nếu bệnh không đáp ứng tốt với điều trị, hiệu giá kháng thể sẽ tăng.

Hiệu giá kháng thể thay đổi (tăng/giảm) ≥ 4 lần, tương đương ≥ 2 lần pha loãng huyết thanh giữa 2 lần xét nghiệm liên tiếp nhau thì được xem là thay đổi có ý nghĩa (cùng một phương pháp (RPR hoặc VDRL) và cùng một phòng xét nghiệm) (ví dụ: từ 1/16 giảm xuống 1/4 ở bệnh nhân có đáp ứng với điều trị, hoặc từ 1/8 tăng lên 1/32 đối với trường hợp không đáp ứng tốt với điều trị).

Nếu hiệu giá kháng thể chỉ thay đổi ≤ 2 lần, tương đương 1 lần pha loãng (ví dụ: 1/8 và 1/4, 1/2 và 1/1) thì được xem không có ý nghĩa.

b) Xét nghiệm đặc hiệu

Phát hiện kháng thể kháng lại kháng nguyên giang mai đặc hiệu nên có tính đặc hiệu cao. Tuy nhiên, xét nghiệm này không phân biệt được kháng nguyên trong bệnh giang mai và các bệnh do xoắn khuẩn khác gây nên (ví dụ: bệnh ghẻ cóc). -Sau khi điều trị đúng, xét nghiệm đặc hiệu vẫn dương tính kéo dài suốt đời (85%), vì vậy xét nghiệm đặc hiệu không phân biệt được bệnh đang trong thời kỳ hoạt động hay đã được điều trị và không dùng để theo dõi sau điều trị. Xét nghiệm đặc hiệu được chỉ định sau khi có kết quả dương tính với xét nghiệm không đặc hiệu để chẩn đoán khẳng định hoặc ngược lại.

Phương pháp trực tiếp

Xét nghiệm soi tìm xoắn khuẩn trên kính hiển vi nền đen là xét nghiệm đặc hiệu nhất để chẩn đoán giang mai giai đoạn sớm, tuy nhiên độ đặc hiệu lại không cao. Kết quả âm tính không loại trừ tình trạng nhiễm giang mai; cần kết hợp thêm các xét nghiệm khác như đã đề cập.

Hai xét nghiệm còn lại, gồm tìm kháng thể huỳnh quang trực tiếp và khuếch đại acid nucleic tính ứng dụng không cao, do đó ít chỉ định trên lâm sàng.

Để chẩn đoán xác định, người bệnh sẽ có kết quả dương tính với 01 xét nghiệm huyết thanh đặc hiệu (bao gồm cả xét nghiệm nhanh) và 01 xét nghiệm huyết thanh không đặc hiệu. Việc lựa chọn và phối hợp xét nghiệm đặc hiệu và không đặc hiệu phụ thuộc vào sự sẵn có của các xét nghiệm này tại mỗi cơ sở y tế.


Nguồn tham khảo:

Đánh giá bài viết này

(4 lượt đánh giá).
5.0
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm