Top 10 thực phẩm hạ mỡ máu hiệu quả nhất
Ngày cập nhật
BS.CKI Nguyễn Thị Minh Tuyết
Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024
Chuyên khoa: Nội tổng quát, Tim mạch, Hô hấp, Nội tiết, Xét nghiệm, Y học gia đình
1. Máu nhiễm mỡ nên và không nên ăn gì?
Mỡ máu là cách gọi chung của các loại mỡ trong huyết dịch. Mỡ máu cao - máu nhiễm mỡ hay còn gọi là rối loạn lipid máu, là hiện tượng Cholesterol, Triglycerid tăng khi cơ thể không kịp đào thải hoặc chuyển hóa, làm tăng lượng mỡ máu. Mỡ máu cao lâu ngày sẽ gây các biến chứng nguy hiểm đối với cơ thể, sau cùng có thể làm vữa xơ động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,... Vì vậy chế độ ăn uống hằng ngày quan trọng đối với bệnh nhân máu nhiễm mỡ. Bên cạnh việc sử dụng thuốc nhằm cân bằng lượng mỡ máu, người bệnh cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Người bị mỡ máu nên ăn những thực phẩm có hàm lượng Cholesterol thấp, như rau xanh, đặc biệt là rau chứa nhiều chất xơ; thịt nạc thăn, đậu nành và các sản phẩm được làm từ đậu, dầu oliu,...
Bệnh nhân không nên ăn các món ăn từ nội tạng động vật, mỡ động vật, hạn chế rượu bia, chất kích thích, đường.
Cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để giảm mỡ máu
2. Top 10 thực phẩm hạ mỡ máu hiệu quả
2.1 Giá đỗ
Giá đỗ (hay còn gọi là giá đậu, giá) là hạt đậu xanh nảy mầm. Đậu xanh là một thực phẩm giảm Cholesterol từ tự nhiên rất tốt. Trong quá trình nảy mầm, lượng Vitamin C trong đậu xanh có thể tăng cao gấp 6 - 7 lần hàm lượng ban đầu, Chất này giúp đẩy mạnh quá trình bài tiết của Cholesterol trong cơ thể, ngăn chặn Cholesterol tích tụ trong máu. Ăn giá đỗ thường xuyên còn đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh tim mạch, biến chứng tim mạch do mỡ máu.
Đậu xanh cũng chứa nhiều protein và khoáng chất, chất xơ, giúp làm giảm thấp mức Cholesterol.
Bên cạnh tác dụng hạ mỡ máu, giá đỗ còn giúp làm chậm quá trình lão hóa, tăng độ đàn hồi cho da, làm đẹp da và giúp da mềm mịn, rất thích hợp để sử dụng, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Giá đỗ xanh ngọt mát, dễ ăn, có thể giảm ngấy, dễ chế biến thành các món ăn, được dùng nhiều cho xào nấu, nộm, salad,...
Bên cạnh giá đỗ, các loại đậu, sản phẩm từ đậu đều chứa chất xơ, acid béo không no, tốt cho người mắc bệnh rối loạn lipid máu. Đây là thực phẩm cung cấp cho người dùng năng lượng và ngăn ngừa sự tích tụ Cholesterol trong cơ thể.
2.2 Rau diếp cá
Rau diếp cá chứa nhiều cellulose có tác dụng khử mỡ, hạ Cholesterol trong máu. Bản thân thành phần này không bị hấp thụ vào cơ thể, có tác dụng bổ sung chất chống oxy hóa, đào thải chất thải trong ruột ra ngoài, lại tạo cảm giác no bụng, từ đó giảm cơn thèm ăn, giảm nhu cầu ăn uống của cơ thể, giảm cân.
Diếp cá có vị chua, mùi tanh, khá kén người ăn. Có thể ăn rau sống, hoặc ép lấy nước uống.
Bên cạnh đó, diếp cá còn chứa nhiều thành phần có ích cho sức khỏe con người như Vitamin, protein, sắt, reynountrin, quercetin, acid folic, các hợp chất flavonoid,.. Vì vậy ngoài tác dụng hạ mỡ máu, rau diếp cá còn được xem như một kháng sinh thảo dược, có tác dụng sát khuẩn, chống viêm, chữa bệnh phụ khoa, thanh nhiệt, tăng cường sức khỏe sinh sản, trị táo bón, trị trĩ,..
2.3 Cá hồi
Thay vì ăn thịt đỏ có hàm lượng chất bẽo bão hòa cao dẫn tới tăng Cholesterol trong máu, bạn nên ưu tiên ăn cá hồi để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và máu nhiễm mỡ. Hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyên người trưởng thành nên ăn cá ít nhất hai lần/ tuần.
Cá hồi là loại cá chứa rất ít chất béo bão hòa, chứa lượng lớn chất béo không bão hòa Omega 3, đồng thời là nguồn protein có lợi cho cơ thể. Omega 3 giúp giảm mỡ máu đặc biệt là Triglycerid, tăng cường cơ tim.
Cá hồi chứa omega 3 tốt cho máu và tim mạch
Bên cạnh đó, cá hồi còn có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ, tăng cường thị lực, giúp ngủ ngon, hỗ trợ giảm cân, giúp xương chắc khỏe, tốt cho tóc, da và phát triển não bộ.
Ngoài cá hồi, trong các loại cá nước ngọt, cá chép cũng là thực phẩm được khuyên sử dụng để giảm mỡ máu. Cá chép chứa các acid béo có lợi, chứa nhiều protein và khoáng chất.
2.4 Táo
Giảm mỡ là lợi ích bất ngờ mà quả táo mang lại. Táo chứa hàm lượng pectin phong phú - chất màu trắng được tìm thấy nơi vỏ táo - một loại chất xơ tan trong nước, kết hợp với acid mật để hấp thụ Cholesterol thừa. Chất này còn có thể kết hợp với Vitamin C và đường để hấp thu Cholesterol, giảm mỡ máu hiệu quả. Ngoài ra chiết xuất Polyphenolic từ táo là một phương pháp tự nhiên giúp kiểm soát tốt Cholesterol, hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Bên cạnh tác dụng hạ lipid máu, táo còn có ích cho bộ não, tốt cho tim mạch và hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Mọi người có thể ăn táo hoặc sử dụng giấm táo với lượng phù hợp trong bữa ăn hằng ngày để thấy sự thay đổi tích cực của cơ thể.
2.5 Rau cần tây
Cần tây hay còn được gọi là cần thơm. Theo Y học cổ truyền, cần tây có bị ngọt đắng, mát; có tác dụng dưỡng huyết mạch, thanh nhiệt, lợi đại tiểu tiện. Rau này chứa nhiều L-3-n-butylphathalide, sắt và magnesium có tác dụng hạ Cholesterol máu.
Bên cạnh tác dụng giảm mỡ máu, Cần tây còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như bổ gan thận, hạ huyết áp cho người cao huyết áp, chữa khó tiêu, trị phong thấp, cải thiện trí nhớ - phòng bệnh Alzheimer cho người già,...
FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) cho rằng cần tây chứa hàm lượng chất xơ cao, calo thấp và rất ít chất béo, Cholesterol, vì vậy trở thành lựa chọn tuyệt vời cho những ai muốn giảm cân. Ngoài ra cần tây còn chứa nhiều Vitamin và khoáng chất cần thiết rất tốt cho cơ thể.
Rau cần tây có thể kết hợp với nhiều loại thảo dược khác, làm rau thơm cho món ăn hoặc sử dụng độc lập. Nước ép cần tây dễ thực hiện, nếu uống thường xuyên với lượng phù hợp sẽ cảm thấy thay đổi tích cực cho sức khỏe.
Ngoài diếp cá và cần tây, các loại rau dưa khác cũng được khuyên sử dụng nhiều trong bữa ăn hằng ngày với những tác dụng tốt mà rau đem lại.
2.6 mướp đắng
Mướp đắng (khổ qua) là món ăn quen thuộc trong bữa cơm hằng ngày của nhiều gia đình, chứa rất nhiều chất dinh dưỡng quý giá và tốt cho sức khỏe. Một tác dụng rất quan trọng của mướp đắng là hạ Cholesterol máu, với khả năng tiêu mỡ vô cùng hiệu quả, được sử dụng khá phổ biến trong Y học cổ truyền.
Mướp đắng có khả năng tiêu mỡ vô cùng hiệu quả
Nghiên cứu cho thấy mướp đắng chứa hàm lượng vitamin c rất cao. Việc ăn mướp đắng thường xuyên, đúng cách có thể làm giảm đáng kể lượng mỡ xấu trong cơ thể, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng, hạ đường huyết.
Mọi người có thể chế biến các món ăn khổ qua và thịt, hoặc ăn mướp đắng đã được đun mềm, kiên trì sử dụng để thấy chỉ số mỡ máu được cải thiện.
Bên cạnh những tác dụng tuyệt vời đối với cơ thể, cần lưu ý mướp đắng không nên được sử dụng cho phụ nữ đang mang thai và trong thời kỳ cho con bú vì có thể gây co thắt tử cung sớm thậm chí là sảy thai. Ngoài ra, loại rau củ này cũng có thể gây tương tác đối với một số thuốc tiểu đường, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Bên cạnh mướp đắng, mướp và bí đao cũng được khuyên sử dụng đối với người mắc rối loạn lipid máu.
2.7 Nấm hương
Nghiên cứu cho thấy nấm hương có tác dụng tăng cường miễn dịch, bổ sung Vitamin D, điều tiết các hoạt động tim mạch, hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển hóa Lipid trong máu. Theo Y học cổ truyền, nấm hương có thể dùng chữa ăn kém, ngủ kém, thiếu máu, suy nhược cơ thể, xơ gan, tim mạch,...
Nấm hương là thực phẩm lý tưởng cho chế độ dinh dưỡng của những người bị máu nhiễm mỡ, suy nhược cơ thể, thiếu máu do thiếu sắt, tiểu đường, cao huyết áp. Thành phần Acid nucleic trong nấm hương có tác dụng đặc thù hỗ trợ giảm mỡ máu. Các vitamin trong nấm hương thúc đẩy hoạt động dạ dày - ruột, từ đó góp phần giảm hấp thu Cholesterol. Chiết xuất Eritadenine giúp phân hủy Cholesterol khi cơ thể nạp vào những thực phẩm giàu chất béo, giúp giảm cân hiệu quả.
Nấm hương có thể sử dụng để chế biến nhiều món ăn khác nhau.
Bên cạnh nấm hương, các loại thực phẩm từ nấm như nấm đông cô, nấm trắng,... người bị rối loạn lipid máu có thể ăn nhiều hơn hằng ngày. Nấm không chỉ chứa Vitamin mà còn chứa một số Polisaccarit, chất xơ,... tốt cho sức khỏe, giảm mỡ máu, ngăn ngừa một số bệnh về mạch máu.
2.8 Hạt yến mạch
Yến mạch là một loại ngũ cốc có nguồn gốc từ những vùng khí hậu ôn đới. Nghiên cứu chỉ ra rằng yến mạch có nhiều lợi ích cho sức khỏe, đứng đầu trong các loại ngũ cốc với hàm lượng dinh dưỡng cao, đầy đủ Vitamin và khoáng chất như sắt, kẽm, magie, đặc biệt không chứa Cholesterol.
Chất beta glucan trong yến mạch là chất xơ hòa tan có tác dụng làm chậm quá trình hấp thu Cholesterol và Carbohydrate. Bên cạnh đó tác dụng hạ Cholesterol máu, yến mạch còn giúp máu có thể lưu thông, tốt cho trí não của trẻ, giúp đẹp da, giảm cân, hạ huyết áp, hỗ trợ tiêu hóa, chống suy nhược thần kinh,...
Tuy nhiên mức năng lượng mà yến mạch cung cấp là khá cao - trong 100g yến mạch ăn được cung cấp 389kcal. Nên người bệnh máu nhiễm mỡ nên chú ý sử dụng yến mạch đúng cách, đúng lượng để đạt được hiệu quả và hỗ trợ cải thiện sức khỏe.
Hạt yến mạch có khả năng cải thiện tình trạng cao mỡ máu
Các loại ngũ cốc thô rất thích hợp cho bệnh nhân mắc máu nhiễm mỡ. Ngoài yến mạch, ngô và kiều mạch cũng được khuyên sử dụng. Ngô chứa tới 60% hàm lượng acid béo không bão hòa, kiều mạch chứa Glucoside và Niacin đều có tác dụng hạ lipid máu.
Một số loại hạt như hạt hạnh nhân, hạt lạc (đậu phộng) cũng được coi là “kẻ thù” của Cholesterol.
2.9 Thịt gà bỏ da
Các loại thịt trắng như thịt ngỗng, thịt nạc (thịt thăn),... và đạm cá là những loại đạm có ít chất béo hơn. Đặc biệt thịt gà bỏ da, ức gà luôn đứng top những danh sách thực phẩm lành mạnh được lựa chọn. So với thịt đỏ chứa nhiều chất béo bão hòa (chất béo no), thì thịt gà chứa nhiều acid béo không bão hòa, thích hợp cho người bị máu nhiễm mỡ.
Có thể ăn thịt gà mà không sợ Cholesterol máu tăng. Tuy nhiên cần bỏ đi phần da gà. Sau khi bỏ da có thể bỏ đi đa số mỡ. Thịt gà là nguồn protein tốt cho cơ thể, được khuyên ăn để đảm bảo protein nhưng không làm tăng mỡ máu. Nên tránh các phương pháp nấu nướng sử dụng nhiều dầu mỡ như chiên rán để kiểm soát lượng Cholesterol trong thịt gà.
2.10 Trà xanh
Trà xanh đã không còn xa lạ với phái đẹp, là thành phần thường xuyên xuất hiện trong dược mỹ phẩm, có những công dụng làm đẹp tuyệt vời như chống oxy hóa, giảm viêm, ngăn ngừa tổn thương trong tế bào. Tuy nhiên không chỉ với chị em phụ nữ, trà xanh còn có nhiều tác dụng khác như giảm nguy cơ thoái hóa não, ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2, giảm hôi miệng, hỗ trợ giảm cân, ngăn ngừa bệnh tim mạch,... Trà xanh còn giúp hạ mỡ máu, giảm Cholesterol toàn phần nếu sử dụng kiên trì mỗi ngày. Thành phần chống oxy hóa của trà xanh giúp ngăn sự oxi hóa của LDL - Cholesterol (mỡ xấu), từ đó giảm nguy cơ hình thành mảng xơ vữa động mạch, giúp giảm nguy cơ gây biến chứng tim mạch.
Trà xanh có nhiều công dụng đối với sức khỏe và làm đẹp
Lưu ý trà xanh không nên uống vào lúc đang đói hoặc trước khi đi ngủ. Do trà xanh có thể gây cồn cào buồn nôn và chứa Caffeine kích thích thần kinh.
Ngoài những đại diện trên, vẫn còn nhiều thực phẩm tốt cho người bệnh đang điều trị rối loạn lipid máu như gạo lứt, dầu oliu, tỏi, chanh, gừng, súp lơ, lòng trắng trứng,... mọi người có thể đa dạng thực đơn mỗi ngày với những món ăn.
3. Một số cách hạ mỡ máu khác
Ngoài việc dùng thuốc hạ mỡ máu và thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, có thể kết hợp và tham khảo một số cách hạ mỡ máu sau:
- Giảm cân, duy trì cân nặng phù hợp
- Tập thể dục thể thao điều độ
- Bỏ thuốc lá, thuốc lào
- Uống rượu bia vừa phải
- Sử dụng cây thuốc nam giúp hạ mỡ máu
Bài viết trên đây là một số những thực phẩm được khuyến nghị sử dụng trong thực đơn của người mắc rối loạn lipid máu. Mong mọi người biết thêm những thông tin cần thiết, xây dựng chế độ ăn lành mạnh để đảm bảo sức khỏe cũng như phòng ngừa - chữa bệnh mỡ máu.
Đánh giá bài viết này
(6 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm