Những triệu chứng của bệnh tiểu đường giai đoạn đầu bạn cần biết
Ngày cập nhật
BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI
Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024
Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu
1. Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh đái tháo đường
Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường giai đoạn đầu rất khó xác định do không điển hình và dễ nhầm lẫn với triệu chứng các bệnh khác. Tuy nhiên, nếu chúng ta quan tâm và biết cách kiểm soát tốt sức khỏe, thì có thể phát hiện được bệnh đái tháo đường từ rất sớm. Việc phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, liên tục sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh lý võng mạc gây mù mắt, bệnh lý thận gây suy thận, bệnh lý mạch máu ngoại vi dẫn đến đoạn chi và các biến chứng nghiêm trọng khác từ bệnh đái tháo đường. Khi có những dấu hiệu sau, bạn cần đến bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe của bản thân để phát hiện bệnh sớm:
1.1 Đi tiểu thường xuyên
Người bình thường thường đi tiểu từ 4-7 lần trong 24 giờ, nhưng những người mắc bệnh đái tháo đường có thể đi tiểu nhiều hơn. Nguyên nhân là khi lượng đường trong máu tăng cao, chúng không được hấp thu hết vào tế bào, cho nên cơ thể phải đào thải qua đường tiểu. Cho nên một trong những triệu chứng của tiền đái tháo đường chính là đi tiểu nhiều lần. Đây được xem là dấu hiệu rõ ràng và dễ nhận biết nhất của bệnh.
1.2 Khát nước và uống nước liên tục
Một trong những triệu chứng điển hình của bệnh đái tháo đường là khát nước liên tục. Do đi tiểu nhiều lần nên cơ thể bị mất nước và phải bù nước liên tục. Do đó, dù đã uống nước, người bệnh vẫn liên tục cảm thấy khát. Thậm chí người mắc tiền đái tháo đường có thể uống tới 4 lít nước/ ngày, trong khi mức trung bình ở người bình thường chỉ có 2 lít.
1.3 Mệt mỏi thường xuyên nhưng không rõ nguyên nhân
Trong giai đoạn mắc bệnh đái tháo đường, lượng glucose vẫn sẽ lưu thông trong cơ thể bạn. Nhưng do thiếu insulin, glucose sẽ không được chuyển hóa thành năng lượng nuôi dưỡng cơ thể. Mặt khác, do mất nhiều năng lượng để đào thải glucose qua đường tiểu nên dẫn đến sự mệt mỏi quá mức khiến cơ thể bị suy nhược.
1.4 Tăng cảm giác đói nhưng lại sụt cân
Đây là một trong những triệu chứng nhận biết bạn bị đái tháo đường giai đoạn đầu. Glucose trong máu người bị đái tháo đường tăng cao, không thể sử dụng để chuyển hóa năng lượng được nên chất béo sẽ là nguồn thay thế để sử dụng tạo ra năng lượng cho cơ thể. Ngoài ra, cơ thể thải ra quá nhiều đường glucose mà bạn nhận được từ thức ăn, nên có thể bị gia tăng cảm giác đói. Người bệnh ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, mà lại sút cân nhanh và có thể giảm từ 5 đến 10kg chỉ trong vòng 1 đến 2 tuần.
1.5 Tầm nhìn giảm sút
Lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương các mạch máu nhỏ của mắt, dẫn đến thủy tinh thể sưng lên. Khi lượng đường trong máu tăng và thấp hơn, thị lực của bạn có thể trở lại bình thường hoặc xấu đi, tương ứng. Nếu được phát hiện bệnh sớm và điều trị lượng đường trong máu ổn định thì tình trạng này có thể điều trị khỏi.
1.6 Viêm nướu
Khi bạn mắc bệnh đái tháo đường, hệ thống miễn dịch sẽ bị tổn thương, khiến cho cơ thể yếu đi và khó chống lại vi khuẩn. Khi đó, nướu sẽ là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất và răng miệng sẽ thường xuyên bị nhiễm trùng, răng dễ lung lay, chân răng yếu..
1.7 Dấu hiệu bất thường trên da
Bệnh đái tháo đường khiến mạch máu dưới da bị tổn thương gây nên hiện tượng ngứa ran. Đi tiểu nhiều lần làm cơ thể bị mất nước cho nên làn da sẽ bị khô. Cơ thể kháng Insulin do tụy tiết ra gây ra tình trạng thay đổi nội tiết tố khiến da bị thâm ở vùng cổ, vùng nách. Ngoài ra, một số dấu hiệu bệnh tiểu đường khác trên da bạn cũng cần để ý bao gồm mụn phỏng, mụn nước trên da,…
1.8 Các vết thương lâu lành hoặc nhiễm trùng thường xuyên
Mạch máu bị tổn thương khiến tuần hoàn máu suy yếu. Do đó, máu đến vùng bị ảnh hưởng sẽ khó hơn và các vết cắt, vết thương nhỏ sẽ khó lành, hoặc nhiễm trùng thường xuyên là do đường huyết tăng cao, tạo môi trường sống thuận lợi cho vi khuẩn. Điều này sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể khiến các vết thương ở bệnh nhân đái tháo đường lâu lành hơn.
1.9 Tê bì hoặc ngứa ở bàn tay, bàn chân
Cảm giác đau hay tê bì chân được xem là một biểu hiện rõ rệt nhất của tình trạng tổn thương thần kinh, nguyên nhân do glucose tăng cao trong máu. Tình trạng glucose tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến tay chân mà còn ảnh hưởng đến các dây thần kinh khác của cơ thể như dây thần kinh cảm giác nóng, lạnh và đau; dây thần kinh vận động (bệnh lý thần kinh ngoại biên) hay dây thần kinh kiểm soát các hoạt động của dạ dày, nhịp đập của tim… (bệnh lý thần kinh tự chủ). Đây cũng là biến chứng thường gặp ở các bệnh nhân đái tháo đường
1.10 Rối loạn cương dương, giảm ham muốn tình dục ở nam giới, khô âm đạo ở nữ giới
Nam giới bị rối loạn cương dương, xuất tinh sớm nên cảnh giác vì đó có thể do đái tháo đường gây ra. Còn phụ nữ bị tiểu đường dễ xuất hiện triệu chứng lãnh cảm, khô âm đạo, dẫn tới đau rát khi quan hệ.
2. Các yếu tố nguy cơ gia tăng khả năng mắc đái tháo đường
Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ mắc phải bệnh đái tháo đường, điều quan trọng là ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh. Dưới đây là một số yếu tố phổ biến:
- Thừa cân, béo phì
- Lối sống ít vận động
- Có thành viên trong gia đình đã từng mắc bệnh
- Bệnh nhân có tiền sử bị cao huyết áp, bệnh tim hoặc đột quỵ
- 45 tuổi trở lên
Tóm lại, qua bài viết này, Medigo hi vọng có thể giúp bạn phát hiện sớm bệnh đái tháo đường ở giai đoạn đầu để điều trị kịp thời, tăng tỷ lệ khỏi bệnh, giảm các biến chứng, kéo dài tuổi thọ và tăng chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, liên hệ đội ngũ Bác sĩ của chúng tôi thông qua HOTLINE hoặc ứng dụng MEDIGO.
Trải nghiệm ngay các tiện ích trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa MEDIGO. Tải App TẠI ĐÂY.
Đánh giá bài viết này
(11 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm