Sùi mào gà ở miệng: dấu hiệu nhận biết để tránh nhầm lẫn với các bệnh lý khác
Ngày cập nhật
1. Bệnh sùi mào gà ở miệng là gì?
Sùi mào gà còn được biết đến với tên gọi là mụn cóc sinh dục hoặc mồng gà. Đây là căn bệnh chủ yếu lây truyền qua đường quan hệ tình dục không an toàn, rất phổ biến trong xã hội ngày nay. Bệnh thường gặp ở cả nữ lẫn nam. Tuy nhiên, theo thống kê, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam giới, do cấu trúc âm đạo của nữ sâu và ẩm ướt tạo điều kiện cho virus phát triển. Khoảng 80% người bị nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời và nhiều người trong số họ không gặp bất kỳ vấn đề nào ảnh hưởng sức khỏe và sẽ tự khỏi.
Sùi mào gà ở miệng thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm. Điều này làm người bệnh khó nhận ra mình đang nhiễm và hạn chế thực hiện các bước cần thiết để giảm sự lây lan. Tổn thương đặc trưng của bệnh là những u nhú, nốt sần sùi xuất hiện ở trong miệng, lưỡi hoặc cổ họng. Sùi mào gà ở miệng được xác định do bệnh nhân có hoạt động quan hệ tình dục bằng miệng nhưng không thực hiện các biện pháp an toàn. Ngoài ra, thói quen dùng chung dụng cụ vệ sinh cá nhân với người mắc cũng có khả năng lây bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở. Ngoài ra, bệnh có thể biến chứng thành ung thư hầu họng, nhưng tỉ lệ rất thấp. Nếu bạn bị ung thư hầu họng, các tế bào ung thư hình thành ở giữa cổ họng, bao gồm amidan, lưỡi và thành hầu. Các tế bào này có thể phát triển từ virus HPV ở miệng.
2. Nguyên nhân mắc bệnh sùi mào gà ở miệng
Tỷ lệ nhiễm HPV ở miệng khác nhau giữa nam giới và nữ giới (khoảng 10% nam giới và 3,6% nữ giới), ngoài ra nhiễm trùng ở miệng do HPV cũng phổ biến hơn khi càng lớn tuổi [2]. Các nguyên nhân có thể khiến bạn mắc bệnh sùi mào gà ở môi miệng bao gồm:
- Quan hệ tình dục bằng miệng với người bị nhiễm HPV: Đây là con đường lây truyền HPV phổ biến nhất gây bệnh sùi mào gà ở môi miệng.
- Tiếp xúc thân mật với người mắc sùi mào gà ở môi miệng trước đó, đặc biệt là khi bạn đang có vết thương hở ở môi hoặc miệng.
- Dùng chung đồ dùng cá nhân với người mắc bệnh sùi mào gà: HPV có trong các dịch tiết, tồn tại trên bề mặt các đồ dùng cá nhân như khăn tắm, bàn chải đánh răng,… nên dễ dàng lây truyền cho người khác.
- Lây truyền từ mẹ sang con: trẻ được sinh ra theo đường âm đạo từ người mẹ mắc bệnh sùi mào gà, có nguy cơ cao bị nhiễm HPV. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà ở môi, miệng, họng.
3. Yếu tố nguy cơ
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà ở miệng bao gồm:
- Quan hệ tình dục bằng đường miệng: Bằng chứng cho thấy việc quan hệ qua đường miệng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Trong đó, nam giới có nguy cơ cao hơn, đặc biệt nếu họ hút thuốc.
- Quan hệ tình dục với nhiều người: Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình có thể làm tăng nguy cơ. Có hơn 20 bạn tình trong suốt cuộc đời của bạn có thể làm tăng khả năng nhiễm HPV ở miệng lên tới 20% [1].
- Hút thuốc lá: Điều này được chứng minh giúp thúc đẩy sự xâm nhập của virus HPV. Hít phải khói thuốc lá nóng dễ làm tổn thương niêm mạc trong miệng, tăng nguy cơ phát triển ung thư miệng.
- Uống rượu bia: Điều này đã được chứng minh tăng nguy cơ nhiễm HPV. Nếu bạn hút thuốc và uống rượu bia, nguy cơ nhiễm càng cao.
- Hôn: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng đây là một yếu tố nguy cơ. Bởi vì điều này có thể tạo cơ hội truyền virus từ miệng người này sang miệng người kia. Tuy nhiên, điều này cần nhiều bằng chứng hơn để khẳng định có làm tăng nguy cơ nhiễm HPV ở miệng không.
- Giới tính: Đàn ông có nguy cơ bị lây nhiễm sùi mào gà ở miệng cao hơn phụ nữ.
- Tuổi tác: Đây cũng là một trong những tác nhân liên quan đến việc gây ung thư hầu họng. Tuổi càng cao, nguy cơ càng lớn bởi bệnh có nhiều năm hơn để phát triển.
- Hệ miễn dịch yếu: Tạo điều kiện cho virus HPV tăng trưởng và các mầm bệnh khác.
4. Triệu chứng và biểu hiện bệnh
Thời gian từ khi nhiễm HPV đến khi biểu hiện ra triệu chứng của bệnh sùi mào gà ở miệng tương đối dài, khoảng 2-9 tháng. Một số triệu chứng điển hình người bệnh có thể gặp bao gồm:
- Mảng trắng hoặc đỏ xuất hiện vùng khoang miệng, ở hai bên niêm mạc má hoặc viền môi gây đau rát khi ăn uống và dễ nhầm lẫn với nhiệt miệng hoặc viêm họng.
- Nốt mụn ở môi miệng họng là triệu chứng điển hình, ban đầu có thể là những mụn nhỏ li ti, màu hồng hoặc trắng, không đau không ngứa, sau đó các mụn này tụ lại với nhau, lớn dần lên và có bề mặt như hoa mào gà.
- Nóng rát, vướng khi ăn uống: các mụn sùi mào gà mọc ở vùng khoang miệng, hầu họng gây cản trở khi ăn uống, nuốt vướng và đau, thậm chí khiến người bệnh sụt cân vì không ăn uống được.
- Khoang miệng bị nhiễm trùng: Mụn sùi mào gà có đặc điểm dễ vỡ khi có tác động bên ngoài, khi ăn uống hoặc vô tình ma sát nhẹ có thể khiến chúng tiết mủ, chảy máu. Các tổn thương này nếu không được giữ vệ sinh đúng cách thì càng tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển gây viêm loét, nhiễm trùng.
- Lạc giọng, ho hoặc ho ra máu: Khi các mụn sùi lây lan xuống vùng hầu họng, có thể phát triển ở cả thanh quản, gây tổn thương dây thanh âm khiến người bệnh bị lạc giọng, kích thích gây ho, thậm chí là ho ra máu do làm vỡ các mụn sùi.
5. Cách phòng ngừa sùi mào gà ở miệng
Hầu hết các tổ chức y tế và nha khoa không khuyến nghị sàng lọc HPV ở miệng. Xây dựng lối sống hợp lý là một trong những cách dễ dàng nhất để giúp ngăn ngừa HPV. Sau đây là một số mẹo để phòng ngừa bệnh:
Quan hệ tình dục an toàn
- Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su khi quan hệ làm giảm nguy cơ lây nhiễm HPV và các bệnh lây qua đường tình dục khác. Một nghiên cứu cho thấy sử dụng bao cao su khi giao hợp giảm nguy cơ bệnh đến 70%.
- Quan hệ một vợ một chồng: Chỉ quan hệ với một bạn tình không mắc mụn cóc sinh dục giúp giảm nguy cơ nhiễm HPV. Đôi khi người ấy có thể không biết họ bị nhiễm HPV; vì bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng nào.
- Nếu quan hệ tình dục qua miệng thì bạn nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ ngay sau khi quan hệ.
Tăng sức đề kháng
- Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc.
- Tăng cường luyện tập thể thao thường xuyên.
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng và đúng giờ.
- Tránh căng thẳng, áp lực.
Tiêm vắc xin
Tiêm phòng HPV bao gồm việc tiêm hai mũi cách nhau từ 6 đến 12 tháng dành cho đối tượng ở độ tuổi từ 9 đến 14. Những người có độ tuổi từ 15 trở lên sẽ tiêm 3 mũi trong vòng 6 tháng. Bạn sẽ cần phải tiêm tất cả các mũi của mình để vắc xin có hiệu quả.
Trong một nghiên cứu năm 2017, tỷ lệ nhiễm HPV ở miệng thấp hơn 88% ở những người trẻ tuổi được tiêm ít nhất một liều vắc xin HPV. Các loại vắc xin này giúp ngăn ngừa ung thư hầu họng liên quan đến HPV.
Tóm lại, sùi mào gà ở miệng cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để cải thiện chất lượng cuộc sống, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, liên hệ đội ngũ Bác sĩ của chúng tôi thông qua HOTLINE hoặc ứng dụng MEDIGO.
Trải nghiệm ngay các tiện ích trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa MEDIGO. Tải App TẠI ĐÂY.
Đánh giá bài viết này
(10 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm