Sùi mào gà ở hậu môn và những điều bạn cần lưu ý
Ngày cập nhật
1. Sùi mào gà ở hậu môn là gì
Sùi mào gà hậu môn còn được biết đến với tên sùi hậu môn do virus u nhú ở người HPV (human papilloma virus) gây nên. Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện được khoảng 100 chủng HPV, nhưng chỉ có khoảng 30 chủng là gây nhiễm bệnh cho con người. Trong đó hai chủng 16 và 18 thường được nhắc đến với việc tăng nguy cơ ung thư.
Sùi mào gà ở hậu môn gây ảnh hưởng đến khu vực xung quanh và bên trong hậu môn gây ra tình trạng ngứa và khó chịu. Ở giai đoạn đầu, chúng xuất hiện dưới dạng đốm hoặc nốt nhỏ hơn nên bệnh nhân rất khó phát hiện. Sau đó chúng có thể phát triển lớn và bao phủ toàn bộ hậu môn.
2. Nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà ở hậu môn
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), sùi mào gà lây lan phổ biến nhất qua quan hệ tình dục qua đường hậu môn và âm đạo. CDC cũng tuyên bố rằng hầu như tất cả đàn ông và phụ nữ có hoạt động tình dục đều nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. HPV-16 và HPV-18 là hai chủng phổ biến nhất gây ra sùi hậu môn và cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung và dương vật ở người bị nhiễm bệnh. Các chủng HPV 6 và HPV 11 cũng có thể gây ra mụn cóc ở bộ phận sinh dục, nhưng chúng không tiến triển thành ung thư.
Sùi hậu môn thường xuất hiện trong vòng vài tuần sau khi nhiễm trùng, nhưng có thể mất vài tháng hoặc vài năm để phát triển. Hầu hết không có biểu hiện rõ ràng về bệnh, tỷ lệ người có triệu chứng rõ rệt chỉ khoảng 1 - 2%. Chính vì vậy, người bệnh rất khó xác định tình trạng của mình và vô tình lây nhiễm cho người khác.
Giai đoạn phát triển bệnh
Tùy theo giai đoạn khởi phát của bệnh mà nhiều chuyên gia chia thành 5 giai đoạn tương ứng với các triệu chứng như sau:
- Thời kỳ ủ bệnh: Khoảng thời gian bệnh nhân tiếp xúc với mầm bệnh trước khi xuất hiện sùi đầu tiên. Khoảng thời gian này có thể là hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm.
- Giai đoạn đầu: Đây là giai đoạn đầu của bệnh sùi hậu môn với những tổn thương nhỏ, nhạt màu, mọc rải rác xung quanh vùng hậu môn.
- Giai đoạn toàn phát: Nốt phát triển nhanh về kích thước và số lượng
- Giai đoạn biến chứng: Đây được gọi là giai đoạn cuối. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn như bội nhiễm, tổn thương sưng tấy, tràn dịch, lở loét và dễ chảy máu.
- Giai đoạn tái phát: Ngay cả khi đã khỏi bệnh, người bệnh vẫn có nguy cơ tái phát từ bạn tình. Tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn so với trước đó.
3. Biểu hiện bệnh sùi mào gà ở hậu môn như thế nào?
Sùi mào gà ở hậu môn được tìm thấy xung quanh khu vực hậu môn, ban đầu với những vết sưng rất nhỏ dạng u nhú như đầu đinh ghim nên bệnh nhân không để ý đến chúng. Chúng có thể phát triển lớn hơn và tạo thành hình súp xơ. Hiện tượng này được thấy khi chúng lớn lên hoặc khi một số đám tụ lại với nhau. Màu sắc của sùi mào gà cũng đa dạng như: màu hồng đào, màu vàng, nâu nhạt, hoặc có thể hoà hợp với da của bệnh nhân.
Sùi mào gà có thể xuất hiện trên các bộ phận khác của cơ thể cùng thời điểm bạn bị sùi mào gà ở hậu môn. Sùi mào gà ở nữ có thể xuất hiện ở trên âm hộ, âm đạo hoặc cổ tử cung. Sùi mào gà ở nam giới có thể xuất hiện ở dương vật, đùi, bìu hoặc bẹn.
Sùi mào gà cũng có thể mọc ở miệng hoặc cổ họng của người nhiễm HPV. Quan hệ tình dục bằng miệng với người mắc bệnh sùi mào gà; hoặc hôn sâu với người mắc bệnh cũng có thể dẫn đến lây nhiễm.
Ngoài ra, một số triệu chứng khác giúp nhận biết căn bệnh này như sau:
- Vị trí hậu môn sần sùi như mào gà trống.
- Tiết dịch hậu môn.
- Ngứa rộp, chảy máu.
- Nốt sùi màu da, màu nâu hoặc hồng ở vùng hậu môn.
- Tiết dịch mủ ra quần lót, khăn tắm,...
- Một số người bị sùi mào gà cũng có thể cảm thấy họ có một khối u ở vùng hậu môn.
Khi gặp các triệu chứng trên, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xét nghiệm sùi mào gà sớm nhất.
4. Biến chứng của sùi mào gà ở hậu môn
Như đã đề cập ở trên, khi bệnh nhẹ có thể bệnh nhân không phát hiện tổn thương. Sùi mào gà ở hậu môn với số lượng sùi ít sẽ không hoặc ít gây đau. Tuy nhiên, khi các khối sùi phát triển nhiều có thể gây đau, gây cảm giác khó chịu khi đi lại. Các nốt sùi có thể bị xây xát khiến chúng chảy máu khi va chạm. Các trường hợp nặng hơn có thể bội nhiễm vi khuẩn. Các trường hợp này thường xuất hiện mủ trên vết thương, sốt, nổi hạch ở bẹn.
Bệnh sùi mào gà có thể tiến triển mãn tính, dẫn đến các biến chứng nhiễm khuẩn, chảy máu, gây nguy hiểm cho thai nhi ở phụ nữ mang thai. Nhiều chủng HPV có thể làm tăng nguy cơ gây ung thư âm hộ, âm đạo, cổ tử cung và dương vật cho người bệnh.
5. Phân biệt giữa sùi mào gà ở hậu môn và bệnh trĩ
Sùi mào gà ở hậu môn và trĩ là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau nhưng chúng cùng xuất hiện ở một vị trí khiến nhiều người bệnh lầm tưởng. Không ít trường hợp chẩn đoán sai dẫn đến điều trị sai cách, sai thuốc khiến sùi mào gà ở hậu môn trở nên nghiêm trọng, khó điều trị, lâu ngày ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và đời sống.
Để có thể phân biệt chính xác hai căn bệnh này, dưới đây là cách phân biệt bệnh trĩ và sùi mào gà ở hậu môn:
Bệnh trĩ | Sùi mào gà ở hậu môn |
|
|
6. Các phương pháp chẩn đoán
Sùi mào gà ở hậu môn được chẩn đoán qua khám lâm sàng và các biện pháp xét nghiệm máu, sinh thiết. Sau khi thăm khám hậu môn bằng dụng cụ chuyên dụng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện thêm một số biện pháp hỗ trợ sau:
- Xét nghiệm máu: Bác sĩ sẽ chỉ định lấy máu khi các biểu hiện của bệnh nhân chưa rõ ràng, thực hiện khá đơn giản sau 15 - 30 phút sẽ có kết quả.
- Sinh thiết: Việc này nhằm xác định tuýp virus HPV và tiên lượng nguy cơ ung thư của người bệnh.
- Xét nghiệm thông qua mẫu dịch: Virus HPV có thể lưu trú trong dịch tiết ở hậu môn. Chính vì thế, bằng việc xét nghiệm mẫu dịch, các bác sĩ có thể dễ dàng chẩn đoán bệnh sùi mào gà ở hậu môn.
- Xét nghiệm bằng axit axetic: Bệnh nhân sẽ được bôi axit axetic lên phần da có nốt sùi trong khoảng 15 phút, nếu mắc bệnh, nốt sùi sau khi được bôi sẽ có dấu hiệu chuyển sang màu trắng.
7. Biện pháp phòng ngừa sùi hậu môn
Để phòng tránh sùi hậu môn hiệu quả, người bệnh nên tuân thủ một số biện pháp sau:
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
- Điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục nói chung, bệnh sùi mào gà nói riêng.
- Khám sức khỏe định kỳ theo chỉ định của bác sĩ và nên chung thủy với một bạn tình
- Không quan hệ bừa bãi để tránh mắc bệnh.
Hiện nay, cách tốt nhất là tiêm vắc xin phòng ngừa HPV để chủ động bảo vệ chống lại các chủng HPV liên quan đến mụn cóc cũng như có khả năng cao phát triển thành ung thư.
Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, liên hệ đội ngũ Bác sĩ của chúng tôi thông qua HOTLINE hoặc ứng dụng MEDIGO.
Trải nghiệm ngay các tiện ích trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa MEDIGO. Tải App TẠI ĐÂY.
Đánh giá bài viết này
(1 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm